Trong động Tuyết sơn – Xuất động

Đúng lý ra Tenzin Palmo ẩn cư trong động còn lâu dài hơn nữa, nhưng một sự cố nhỏ xảy ra khiến cô phải rời khỏi động thất ngoài ý muốn và thời hạn.

Một ngày mùa hè năm 1988, Tenzin Palmo rất ngạc nhiên sửng sốt vì sự xuất hiện của cảnh sát.

Chẳng thèm để ý đến hàng rào bên ngoài động, hay tấm biển “Xin đừng quấy phá sự yên tĩnh”, tên cảnh sát này ồn ào đập cửa ầm ầm bắt Tenzin ra mở. Hắn hạch hỏi tại sao Tenzin đã quá thời hạn nhập cảnh mà cứ ở lì tại đây? Hắn ra lệnh đến ngày mai Tenzin không đến trình diện tại sở cảnh sát, Tenzin sẽ bị câu lưu điều tra.

Đó là tiếng nói con người đầu tiên, gương mặt người đầu tiên Tenzin gặp và nghe thấy trong 3 năm qua – nhưng gặp mặt và nghe lại giọng nói loài người trong một tình cảnh vô duyên, khiếm nhã, và thô lỗ làm sao ! Tuy vậy, Tenzin vẫn ôn hòa, nhã nhặn rời khỏi động tuyết để đi gặp ông giám thị cảnh sát. Ông ta xin lỗi về thái độ bất lịch sự của nhân viên, nhưng ông ta rất tiếc phải trục xuất Tenzin khỏi Ấn Độ vì đã quá thời hạn cư trú. Tenzin phải rời Ấn trong vòng 10 ngày. Tenzin kiên nhẫn giải thích cho ông Giám Thị hiểu rằng cô đã ở Ấn Độ 24 năm rồi và cô cũng không dự định sẽ rời khỏi nơi đây chỉ trong vòng 10 ngày nữa. Hơn thế nữa, đó không phải là lỗi của cô vì cô đã báo cho người nhân viên cũ của sở Di Trú để họ làm cái mới lại cho cô.

Trước sự thành thật và hợp lý của Tenzin, viên giám thị dịu giọng lại và nói rằng ông ta sẽ nghỉ phép một tháng và không trục xuất Tenzin ngay lập tức, nhưng dù sao đi nữa, cô cũng phải rời khỏi nơi ẩn cư trước khi ông nghỉ phép trở về.

Tenzin Palmo leo lên động tuyết trở lại, nhưng đã vô ích. Cô đã bị người khác trông thấy, cô bắt buộc phải nói chuyện và như thế coi như cô đã dứt khoát bị “bể thất”. Cô không thể tiếp tục được nữa. Theo luật lệ nhập thất, người hành giả không được tiếp xúc, không được để bị bắt gặp – tất cả những chuyện xảy ra dù ngoài ý muốn của Tenzin, nhưng coi như là cô đã bị động tâm rồi. Thời gian hạn định nhập thất của cô chỉ còn 3 tháng, 3 tuần, và 3 ngày nữa thôi là hoàn tất mỹ mãn; nay thế là hỏng cuộc.

Đáng lẽ cô phải hét lên mới hả hết cơn giận dữ bực tức của cô, nhưng nhờ vào tu tập, Tenzin chỉ cười và nói: “Chắc chắn đó không phải là cách mà tôi lựa chọn để chấm dứt thời kỳ nhập thất. Nhưng, dù sao đi nữa, tôi cũng phải ở lại vài ngày để thu xếp và từ từ gặp lại mọi người.”

Tin Tenzin Palmo bị “ra thất” đã lan truyền nhanh chóng, và các bạn cùng người quen biết cô đều náo nức muốn gặp lại Tenzin để xem cô thế nào, có khác xưa nhiều không, cô đã chứng nghiệm được gì trong thời gian dài một mình ở động tuyết? Có thể cô đã trở thành một nữ thần đầy quyền năng và linh thiêng?

Bà Didi Contractor, người ghé thăm Tenzin lần đầu tiên khi cô mới lên ở động tuyết, lên gặp Tenzin lại và trở về thuật chuyện: “Tenzin Palmo không thay đổi gì, ngoại trừ sự tiến bộ tâm linh thật rõ rệt. Sự nồng nhiệt, thái độ cởi mở hòa nhã, sự nhạy bén tinh thông vốn sẵn có trong cô, nay còn hơn thế nữa. Tenzin đã thành công rõ ràng. Tôi nghĩ rằng những người bên ngoài khó thấy được kết quả của sự phát riển của Tenzin. Đó là sự bí mật giữa Tenzin và đấng thiêng liêng. Tenzin đã gặt hái được kết quả tâm linh hơn những vị hành giả Tây Phương mà tôi đã gặp.”

Một người khách khác đến thăm Tenzin là Lia Frede, một phụ nữ người Đức cư ngụ trong một căn nhà rất đẹp ở Dharamsala. Lia Frede đã biết Tenzin từ vài năm trước. Lia cũng rất quan tâm về các vấn đề tâm linh và hơn thế nữa, cô ta đã hành trì pháp môn thiền Vipassana (thiền Minh Sát), và cũng đã nhập thất vài lần. Thật trùng hợp là Lia Frede đang hướng dẫn một nhóm sinh viên nghiên cứu về Sinh Thái học vùng Lahoul khi cô nghe tin Tenzin ra thất.

– “Tôi nôn nóng muốn có cơ hội để nói chuyện với Tenzin vì tôi muốn biết cô đã đạt được những gì. Tôi và hai người bạn tìm đường để leo lên động. Tới nơi, tôi cảm thấy sỗ sàng quá vì chưa báo trước, nên nói hai người bạn đứng ở ngoài cổng để tôi vào trước xem sao. Nhưng Tenzin đã ra cửa lập tức và cười thân mật nói: “Vào đây và mời bạn của cô vào luôn. Tôi đang nướng bánh mì. Cô dùng trà không?” Tenzin thật bình dị. Chúng tôi dùng trà, ăn bánh mì nướng với dầu mè và có cảm tưởng như đang dùng cữ trà buổi xế trưa ở Anh quốc vậy. Thật êm đềm và thú vị.”

Khi Tenzin tiễn chúng tôi ra cửa động, tôi không kềm được nữa nên hỏi ngay cô đã chứng đạt những gì. Tôi mong muốn sẽ được cô chỉ bày. Tenzin lặng lẽ nhìn tôi và trả lời: “Chỉ có một điều duy nhất tôi nói với cô là tôi không hề bao giờ buồn chán cả.” Thế thôi – Tenzin chỉ nói một câu độc nhất và không hé răng ra nữa.

Và cũng giống như Didi Contractor, Lia Frede đã nhận thấy những đặc tánh nổi bật của bạn gái mình.

“Tenzin Palmo thật chân thành, trong sáng, giản dị, và bình đẳng thực sự. Cô không hề bị ảnh hưởng hay thiên kiến về bất cứ một sự việc gì. Cô đối phó hay ứng xử mọi trường hợp hay biến cố xảy ra cho cô với một tâm hồn thẳng thắn, khách quan, không hề bị vướng mắc. Không phải cô tỏ vẻ ra như vậy, mà thực sự cái “Ta” tầm thường, nhỏ mọn cố hữu của con người đã biến mất nơi cô. Tôi cũng rất kính phục sự gan dạ và bình tĩnh của cô khi bị vùi sâu trong trận tuyết lở năm nào. Nếu tôi gặp trường hợp đó, chắc tôi sẽ kinh hoàng mà chết. Ngược lại, Tenzin vẫn bình thản ngồi quán “Tử Niệm”; và khi tôi nghe tin là cô cũng suýt bị bỏ chết đói, tôi rất giận dữ và muốn tìm hiểu lý do, nhưng Tenzin cũng chẳng thèm để tâm tới và cô cũng không hề càu nhàu trách cứ viên giám thị cảnh sát đã làm khó dễ cô không cho cô nhập thất nữa. Cô biết tự mỗi chúng sanh đều mang theo nghiệp quả của riêng mình; ngay cô cũng vậy, cô cũng chưa thoát khỏi mãnh lực của quả báo do vô lượng kiếp trước của cô nên cô rất thản nhiên chấp nhận và tìm phương chuyển nghiệp. Đối với tôi, thái độ khách quan và tâm bình đẳng đó của Tenzin đã chứng tỏ một trình độ cao về tâm linh.”

Riêng đối với Tenzin, cái quan trọng hơn những lời bình phẩm suy luận của mọi người về cô là cô sẽ ứng xử ra sao khi tiếp xúc lại với thế giới bên ngoài sau một thời gian quá lâu tĩnh tu nhập thất không hề tiếp cận với mọi người chung quanh? Theo sự thú nhận của vài hành giả Tây Phương, sau một thời kỳ ngắn tĩnh tu, đã quen với không gian thanh vắng yên tịnh, khi tiếp xúc lại với cuộc thế, hầu như họ đều bị choáng váng như bị một cú “sốc” chấn động vào não bộ và các giác quan; cảm tính của họ. Phải mất vài tuần lễ sau, họ mới từ từ quen thuộc trở lại. Còn Tenzin đã cắt đứt quan hệ với thế giới trần tục gần 12 năm và sống cô liêu trong một hang động cheo leo cao hơn 13.000 bộ, thì cô phải làm sao khi bắt buộc phải trở lại vùng triền phược luẩn quẩn này? Cô nói:

– “Lần đầu tiên tiếp xúc lại với mọi người, tôi cũng cảm thấy hơi khó chịu, choáng ngộp, và mệt mỏi vì tiếng động ồn ào và hình ảnh mầu sắc lăng xăng – nhưng sau đó một lúc thì tôi đã trấn tĩnh lại và không có gì. Mọi việc đều tốt đẹp.”

Lia Frede nhận xét thêm về Tenzin Palmo:

– “Tenzin Palmo có tấm lòng từ bi bao la vô cùng. Cô rất khách quan và tiếp nhận mọi lời khuyên góp ý hay lắng nghe tất cả những lời than thở của mọi người. Cô đã khôn khéo sáng suốt tùy trường hợp mà hóa giải mọi nguời, không kể người dó là Thánh nhân hay kẻ tội lỗi. Tôi thấy rằng hễ bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của cô, cô đều sẵn lòng cả. Đó là vì sao mọi người đều chạy đến cô để tìm cầu một sự an ủi, cảm thông, dạy bảo hay hướng dẫn cách tu tập, và ai ai cũng nói là khi tiếp xúc với cô, họ đều cảm thấy thoải mái, êm dịu, và được chan chứa một sự thuần khiết thanh cao tỏa ra từ cô.”

Tenzin chỉ trả lời giản dị khi nghe bình phẩm như vậy:

– “Tôi là tôi, không thay đổi và bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào. Tôi nghĩ tôi cũng có hai mặt của tâm hồn tôi. Một mặt tôi rất thích được sống yên tĩnh một mình; một mặt là sự giao tiếp với xã hội và tình cảm thân thiết. Tôi không biết là tôi có khả ái với mọi người hay không, nhưng tôi biết chắc rằng với bất cứ ai, quen thuộc hay xa lạ, tôi đều cư xử bình đẳng như nhau, trân trọng và cởi mở. Vì thế, dù tôi rất thích được sống cô độc, nhưng tôi vẫn không buồn hay khó chịu khi phải trở lại thế giới bên ngoài.”

“Một khi người tu đã đạt được “Tự Do Nội Tại Tuyệt Đối” thì họ sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi hoàn cảnh bên ngoài. Tâm họ như như bất động, vạn sự đến đến đi đi như mây gặp gió, sóng biển dập dờ; nhưng dù như như tự tại đối với vạn duyên, tâm vị hành giả vẫn thấy xót thương cho đám người ngu muội cứ mãi ngụp lặn vui chơi trong bể khổ, không muốn tìm lối thoát.”

Khi được hỏi tại sao người tu cần phải nhập thất, Tenzin đáp:

– “Vị hành giả muốn nhập thất để tự mình chứng nghiệm “Ta là ai?” và “Ta muốn gì?” – Một khi người đó đã thực thấu suốt chính mình thì họ sẽ dễ dàng hiểu được người khác, bởi vì vạn vật trên cõi đời này đều tương quan tương tức với nhau. Nếu chúng ta không hiểu được mình và còn vướng mắc vào triền phược thì làm sao lắng nghe được nỗi khổ hay chia xẻ niềm vui của kẻ khác?

“Có hiểu mới có thương” – do đó, khi gặp một vị ẩn tu đã 25 năm hơn chẳng hạn, bạn sẽ thấy vị ẩn sĩ đó không lạnh lùng hay cách biệt gì cả; mà trái lại, họ rất dễ thương và tràn đầy từ bi. Lòng từ họ ban bố cho bạn không đặt trên một tiêu chuẩn kích thước gia thế, vọng tộc, hay địa vị xã hội hoặc tình cảm cá nhân của bạn. Họ rất khách quan và bình đẳng, không thiên vị. Duy nhất chỉ có từ bi ban bố cho tất cả chúng sinh không phân biệt, như mặt trời chiếu sáng lên vạn vật, chan hòa khắp mọi nơi. Từ bi khác với cảm giác, tình cảm bởi vì tình cảm thì luôn luôn có sự đối chiếu – “Cho đi và Nhận lại” – và loại tình cảm đó rất vô thường, mong manh, dễ tan biến; nhưng Từ Bi thì thuần nhất, bình đẳng, không đòi hỏi phân biệt.”

Tenzin nói tiếp:

– “Tôi biết là thời hạn tôi sống ở Ấn Độ đến đây là chấm dứt. Tôi cần phải trở về phương Tây để làm những gì tôi cần phải làm. Suy cho cùng, tôi không phải là người Tây Tạng. Sau 24 năm sống ở Ấn và không đọc gì hết ngoài kinh sách Phật giáo, tôi biết là tôi cũng bị thiếu sót về kiến thức thế gian, và nếu tôi muốn hoằng dương Phật pháp ở phương Tây, tôi cần phải trám lỗ hổng kiến thức để hoàn thành những gì tôi cần phải làm.”

Thực hiện ước mơ

Một buổi sáng tháng 3 năm 1993 tại Dharamsala, trước kia là trụ sở của Anh trên một ngọn đồi ở Himachal Pradesh, Bắc Ấn, nay là chỗ cư ngụ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và chính phủ lưu vong của Ngài, Tenzin Palmo được mời tham dự buổi hội thảo Phật giáo Tây Phương đầu tiên với chủ đề “Những vấn đề liên quan đến sự truyền bá Đạo Phật sang phương Tây.” Cùng tham dự với Tenzin có 21 vị đại diện các tông phái Phật giáo chính thống ở Âu Châu và Mỹ Châu, cũng như các vị Lạt Ma nổi tiếng của các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng. Buổi thảo luận xoay chung quanh những chủ đề như: “Vai trò của vị lãnh đạo tinh thần”, “Những khác biệt tâm lý giữa Đông Phương và Tây Phương”, “Những tiêu đề đạo đức”, v.v… bỗng một nữ cư sĩ người Đức, Sylvia Wetzel, phát biểu ý kiến về “Vai trò của phụ nữ trong Phật giáo.”

Khi Sylvia Wetzel tung ra ngón đòn độc đáo này, cả hội trường chợt nín lặng. Sylvia đứng lên mời Đức Đạt Lai Lạt Ma và tất cả quan khách hãy cùng cô ta thử tưởng tượng như thế này:

– “Xin qúy vị hãy tưởng tượng mình là một người đàn ông duy nhất đi vào một trung tâm Phật giáo. Qúy vị thấy bức tranh của Nữ Bồ Tát Tara và 16 vị Nữ La Hán. Qúy vị cũng thấy Nữ Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, hóa thân của 13 vị Nữ Đạt Lai Lạt Ma trong quá khứ cũng đã lần lượt hóa thân từ hình tướng một người nữ. Quý vị bị vây bọc xung quanh toàn là các vị “Nữ Lạt Ma Cao Cấp” xinh đẹp, khỏe mạnh, và trí tuệ. Quý vị lại thấy hàng lô các ni cô hoạt bát, mẫn tiệp, đầy tự tin, và nổi bật. Và quý vị lại thấy những nam tu sĩ rụt rè, khép nép,e sợ, đi vào đằng sau các ni cô. Quý vị đã nghe, đã biết sự kế tục tuyền thừa các vị Lạt Ma Nữ từ đời nữ Bồ Tát Tara truyền xuống cho đến nay.”

– “Tại sao các biểu tượng Bồ Tát toàn là người nữ không vậy?”

Sylva giả bộ làm vị Nữ Lạt Ma trả lời:

– “Ồ, đừng lo. Nam và Nữ đều bình đẳng; ồ, gần như vậy. Chúng ta cũng có vài bộ kinh sách nói là “Sanh ra làm người Nam thì vị trí thấp kém hơn và phải gặp nhiều khó khăn hơn vì tất cả các vị lãnh đạo tinh thần, thể chất, và chính trị đều là người nữ cả – nhưng không sao, trên giấy trắng mực đen, chúng ta đều bình đẳng.”

“Rồi lại có một nam cư sĩ rất ngây thơ, đến hỏi một vị tu sĩ thuộc tông phái Đại Thừa Phật giáo:

– “Tôi là một người đàn ông, làm sao tôi có thể nhận diện được tôi như thế nào khi xung quanh toàn là biểu tượng Nữ thế này?”

Sylvia lại giả bộ trả lời:

– “Con cứ quan niệm về Chân Không. Trong Chân Không, không có nam, không có nữ, không có hình tướng – không có gì cả thì đâu có vấn đề gì phải lo, phải không?

“Rồi quý vị lại đi đến một vị tu sĩ Mật Tông và hỏi:” “Họ là phụ nữ, còn tôi là đàn ông. Tôi không biết phải làm sao để giao tiếp cư xử với họ?” và Sylvia lại trả lời: “Ồ, các người nam xinh đẹp kia ơi, thật tốt làm sao khi các vị sanh ra làm người nam để giúp người nữ chúng tôi mau đắc thành Chánh Giác.” v.v… và v.v…

Sylvia nêu ra một loạt các lời biện luận đối xử phân biệt giữa Nam và Nữ với một thái độ duyên dáng, buồn cười đến nỗi tất cả mọi người ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma phải bật cười ha hả.

Sylvia đã nói lên tiếng nói của hàng triệu con tim phụ nữ từ ngàn xưa tới nay. Họ đã kiên nhẫn chịu đựng, chấp nhận một cách câm lặng từ hơn 2500 năm qua và nay, họ phải lật đổ sự chèn ép phi lý của phái nam trên bản thân người nữ.

Những người khác hưởng ứng theo Sylvia. Một vị giảng sư và tác giả Phật học, Ni Sư người Mỹ Thubten Chodron, nói: “Chính bản thân tôi cũng đã bị đối xử thiên lệch như vậy trong những khóa tu hay ở thiền viện, mặc dù người ta khéo che giấu nhưng tôi vẫn nhận ra sự thiên kiến trọng nam khinh nữ đó.”

Một vị thiền sư phát biểu:

– “Đây quả đúng là một sự thách đố gay cấn thú vị cho phái nam phải thấy rõ tiềm năng người nữ và chấp nhận sự thật.”

Một vị tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng người Mỹ, Thubten Pende cũng bày tỏ ý kiến của ông: “Khi tôi dịch những kinh sách có nói về luật xuất gia, tôi rất ngạc nhiên và sửng sốt là giới ni bị áp đặt quá mức như: một vị Ni Trưởng nhiều tuổi hạ vẫn phái đi sau một vị tăng sa di, mặc dù tuổi đời, tuổi đạo của vị ni trưởng đó cao hơn, lớn hơn; nhưng tại vì là nữ nên phải chấp nhận như vậy. Tôi có nghe nói về điều này nhưng tôi chưa hề tìm ra chứng cớ về điều luật đó. Trong một giới đàn, tôi phải đọc lên điều luật đó và tôi cảm thấy bối rối lẫn xấu hổ về sự phân chia cách biệt đó. Tôi đã tự hỏi: “Nếu bị xếp đặt như vậy, tại sao vị ni sư đó không đứng lên và rời khỏi? Nếu là trường hợp tôi, tôi sẽ không tham dự nếu đối xử kỳ thị với tôi như vậy.”

Một vị tăng sĩ phái Nguyên Thủy người Anh, Thượng Tọa Ajah Amaso cũng nói:

– “Khi thấy giới ni không được nhận sự cung kính tôn trọng như tăng sĩ, tôi cảm thấy đau lòng vô cùng; cũng giống như ai đó cầm cái giáo, cái mác đâm vào ngực tôi vậy.”

Và giờ đến lượt Tenzin Palmo phát biểu:

– “Khi tôi mới đến Ấn, tôi sống trong một tu viện có đến cả trăm vị tăng. Tôi là vị ni cô duy nhất ở đó. Sự đối xử kỳ thị của các tăng sĩ đã khiến tôi quyết định rời bỏ tu viện để lên động tuyết ở. Các vị tăng rất tử tế, tôi cũng chẳng hề bị gây rối tình dục hay bất cứ một vấn đề nào khác, nhưng phải nói là tôi bị cư xử khác biệt vì tôi là phái nữ. Họ thường nói với tôi là họ luôn cầu nguyện cho tôi chuyển được thân nam vào kiếp sau để tôi có thể gia nhập vào Tăng đoàn và được tu học như họ. Họ cũng không chống đối tôi quá mức vì tôi là nữ, nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn phải chấp nhận sự coi thường rẻ rúng đó trong tu viện cũng như của các tín đồ.”

“Các vị Lạt Ma đã cạo đầu, làm lễ xuất gia cho giới ni, nhưng họ đã phủi sạch tay và quăng bỏ các ni cô ra ngoài, không dạy bảo, không chuẩn bị cho họ gì cả, không khuyến khích, không nâng đỡ hay hướng dẫn – hơn nữa, các ni cô phải tinh nghiêm giữ giới, nỗ lực tu hành và điều khiển các tu viện. Thật là khó khăn và tôi rất ngạc nhiên là có nhiều thiền viện Phật giáo Tây Phương được xây cất nhưng nhiều ni cô đã hoàn tục. Họ đã vào tu với tấm lòng khao khát tìm đạo, hăng say hướng thượng, niềm tin chân chánh và sẵn sàng xả thân hy sinh vì đạo pháp, nhưng không có một ai giúp đỡ họ cả.

“Kính bạch Đức Đạt Lai Lạt Ma, đó là một sự thật chưa từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo ngày xưa.”

“Trong quá khứ, Tăng đoàn được tổ chức rất chặt chẽ, được Phật tử cúng dường và bảo vệ. Nhưng ở phương Tây thì không được như vậy. Tôi thực sự không hiểu tại sao. Có rất ít tu viện Phật giáo ở phương Tây, và hầu hết là theo truyền thống Nguyên Thủy Phật giáo. Như quý vị đã biết, các ni cô tu theo Phật giáo Nguyên Thủy thì kể như không có tiếng nói hay vị trí gì cả. Sự phân biệt kỳ thị rõ ràng đó là một sự thật không thể chối cãi được.”

“Tận cùng thâm tâm, tôi luôn cầu nguyện rằng sự trong sáng thanh cao của đời sống xuất gia và chánh pháp sẽ không bao giờ bị chôn vùi trong đống bùn lãnh đạm và khinh miệt phi lý giữa người và người, giữa nam và nữ như vậy.”

Tenzin Palmo đã thống thiết chân thành nói lên tất cả cảm nghĩ của mình khiến cử tọa đều xúc động; ngay Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đỏ hoe đôi mắt. Ngài chậm rãi lau kính, nói nhẹ nhàng: “Cô thật can đảm.”

Bài diễn văn ngắn gọn của Tenzin đã đánh dấu bước đầu thực hiện ước mơ thành lập nữ tu viện của cô. Cô đã dám can đảm phê bình hệ thống cũ rích của Tăng đoàn, nhưng nói là một lẽ, còn cần phải hành động nữa; và ai sẽ là người đứng lên đảm nhiệm trọng trách cải tổ hệ thống Tăng đòan?

Những kinh nghiệm rút tỉa được trong sự cô độc và đối xử kỳ thị phân biệt ở Dalhousie nay lại giúp Tenzin làm tròn vai trò lãnh đạo của mình. Cô đã chờ đợi gần 30 năm mới có cơ hội để bày tỏ ý kiến cá nhân, phản đối lại hệ thống cũ mòn của Giáo hội, nhưng chậm vẫn còn hơn không. “Thời điểm giải phóng phụ nữ đã đến rồi !”. Tenzin biết rất rõ con đường trí tuệ mà giới nữ đang bước tới sẽ gặp nhiều gập ghềnh khó khăn. Cô đã đau khổ, đã chịu đựng, nhưng chắc chắn cô phải vượt qua và giúp giới Nữ tu khắc phục khó khăn. Tenzin bắt đầu giúp các ni cô Tây Phương ở Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức một cuộc hội thảo để trao đổi quan niệm và giải quyết một số vấn đề về tài chánh và cộng đồng. Sau đó, cô lại ủng hộ một nhóm phụ nữ khác đòi hỏi quyền lợi được thọ giới Tỳ Khưu Ni. Tenzin cũng định sẽ nhập thất trở lại nhưng một công tác Phật sự tối cần thiết hơn chờ đợi Tenzin – đó là thành lập một nữ tu viện theo tông phái Drukpa Kargyu của cô. Ý định này đã được Tenzin ấp ủ từ lâu theo kế hoạch của Sư Phụ là ngài Khamtrul Rinpoche. Khamtrul Rinpoche đã chỉ một mảnh đất vùng thung lũng Kangra, nơi ngài đã xây lại tu viện Tashi Jong, và nói : “Sau này, con có thể xây dựng một nữ tu viện tại đây.” Lúc đó, Tenzin chưa nghĩ tới việc thành lập một nữ tu viện, vì có vẻ xa vời quá. Nhưng nay, cô đã già hơn, chững chạc hơn, và đã xong thời hạn 12 năm ẩn cư ở động tuyết, và nhập thế trở lại. Cô nghĩ bây giờ là phải lúc để thực hiện Phật sự quan trọng này vì các ni cô người Tây Tạng đang cần sự giúp đỡ của Tenzin hơn ni chúng Tây Phương. Cũng như tình trạng bên ni giới Tây Phương, giới nữ tu Tây Tạng không có nơi chốn nhất định để ở hay để đi, bởi vì họ đã bị người ta bỏ quên qua một bên để gấp rút xây tu viện cho Tăng chúng tị nạn khỏi Tây Tạng. Ni chúng còn bị giảm bớt đi trong số các người nấu cơm cho Tăng chúng hay là bắt buộc phải về gia đình lại để tiết kiệm ngân khoản của chùa. Điều đó khiến Tenzin đau buồn vô cùng.

Vickie Mackenzie

Việt Dịch: Thích Nữ Minh Tâm

Nguồn: quangduc.com