Đại Bồ Tát Garchen Triptrül Rinpoche

 “Có những vết thương còn tệ hại hơn cả sự chết chóc. Tâm thức của Garchen Rinpoche đã bị chấn thương khi chứng kiến cảnh những người vô tội, gia đình và bằng hữu bị giết hại. Đại sư Garchen trước đây thường nghĩ rằng chẳng có ai trên thế giới này lại có nhiều sự oán ghét và sân hận bằng ngài! Ngay cả đối với một con người bình thường trong những hoàn cảnh bình thường, thì lòng oán ghét, sân hận cũng đã là điều không ai muốn, huống hồ đây lại là trong trường hợp của một vị tái sinh và tăng sĩ thì sự phô bày các bản tánh có vẻ xấu xa không thiện lành kia lại càng là điều không thể nào tưởng tượng nổi.

Cho dù là như thế thì những bài học mà Garchen Rinpoche phải học, và những thử thách mà ngài đã vượt qua, thực sự đã đưa ngài đến với chiến thắng vẻ vang—là sự bứt phá và chiến thắng vẻ vang của con tim và của tâm thức, và là sự kiệt quệ và bại trận của nội ma, của những kẻ thù bên trong chứ không phải kẻ thù bên ngoài, những kẻ thù nội tại phát xuất từ tham ái, sân hận, oán ghét và mê lầm!

“Nếu con thực sự là học trò của thầy,” Garchen Rinpoche đã nhiều lần nói, “thì con sẽ không phát khởi sân hận, ngay cả đối với cái người sẽ đến cướp đi mạng sống của thầy. Nếu khi ấy con phát lòng sân hận, thì nghĩa là thầy đã thất bại trong tư cách làm thầy của con rồi!  Nếu nghiệp của người kia là nghiệp sát hại và nghiệp của thầy là nghiệp bị sát hại, thì hãy cứ để nó là như thế, nhưng là đệ tử của Garchen Rinpoche thì con không được đánh mất Bồ Đề tâm, và phải tiếp tục trưởng dưỡng tình yêu thương cùng lòng đại bi dành cho kẻ ấy.”

“Nếu có một ai đó con đã từng thương yêu chăm sóc như đứa con dại của mình, kẻ ấy lại đối xử tàn tệ với con, hãm hại con, làm đau lòng con, đánh đập con, hoặc bức bách con, thì cũng chẳng có gì phải thắc mắc, con phải dứt khoát không được đánh rơi mất Bồ Đề tâm! Xác thân này là cái con sẽ phải bỏ lại vào cuối cuộc đời, nhưng tình yêu thương bình đẳng trong suối nguồn tâm thức của con là cái mà con muốn bảo vệ và đem theo với con suốt muôn đời.”

“Đối với tôi, trong cuộc đời này có hai loại chúng sinh hữu tình: những ân nhân của ‘thương yêu’ và những ân nhân của ‘nhẫn nhục’ của tôi.

Đa số là các ân nhân thương yêu; họ rất tử tế và giúp đỡ tôi. Một số người khác lại tìm cách hãm hại và gây trở ngại; đó là những ân nhân ‘nhẫn nhục’ của tôi. Sự tử tế của mỗi ân nhân ngang bằng nhau và do đó, tình yêu thương mà tôi dành cho họ cũng bình đẳng như nhau. Những ân nhân ‘nhẫn nhục’ lại còn có thể tử tế với tôi hơn thế nữa bởi vì họ tạo điều kiện cho tôi thực hành và hoàn thiện hạnh nhẫn nhục”

Dòng truyền thừa Phật giáo Kagyu được kế thừa bởi những Lạt ma đức cao vọng trọng. Đó là sự thật đặc biệt của dòng truyền Drikung Kagyu, được sáng lập bởi Kyoba Jigten Sumgon. Một trong những đệ tử tâm yếu của Kyoba Jigten Sumgon là thành tựu giả Gar Dampa Chodingpa, mà dòng truyền tái sinh của ngài được trì giữ bởi đức Garchen Rinpoche hiện nay.

Gar Dampa Chodingpa được sinh vào năm 1180 sau công nguyên. Ngài được công nhận là một tái sinh của Acharya Aryadeva  Bodhisattva (Thánh Thiên Bồ Tát), một đệ tử của đức Long Thọ. Vừa được sinh ra ngài đã có thể cầm một chiếc gậy, và trì tụng thần chú lục tự. Mẹ ngài đã quá kinh hãi đến mức phải kể với những người khác về những khả năng của con trai mình.

Sau đó, ngài thực hành mật chú tại Tsari ở Tây Tạng. Trong khi ngụ tại một hang động của Gar ở Dagpo, tất cả chư thiên và quỷ thần của Tây Tạng hội tụ quanh ngài. Đầu tiên họ ném những vũ khí sắc nhọn và làm thương tổn ngài, nhưng sau đó quy y ngài, cúng dường ngài thần chú tinh túy sống của họ

Khi Gar Dampa Chodingpa còn trẻ, ngài nghe về những thành tựu vinh quang của Đại thành tựu giả Kyobpa Jigten Sumgon. Vì vậy, ngài quyết định lên đường đến Drikung. Ngài đã ở lại đó và thọ nhận nhiều giáo lý và thực hành dưới sự hướng dẫn của đạo sư của mình, Kyoba Jigten Sumgon. Rất nhanh chóng ngài đã đạt được giác ngộ hoàn toàn, và ngài đã trở thành một trong ba đại thành tựu giả quan trọng  – Gar, Nyo và Chosum – của Kyobpa Jigten Sumgon.  Gar Dampa Chodingpa trình diễn nhiều năng lực phi thường vào nhiều dịp  và thông qua những giáo lý thâm sâu của ngài truyền cho vô số chúng sinh  về con đường của Pháp. Nhiều đệ tử bắt đầu tụ tập quanh ngài, nhưng vẫn còn là quá sớm để thu nhận họ, thế nên ngài rầy họ và bảo họ rời đi. Ngài đã sáng lập một tu viện tại Drikung. Rốt cuộc, nhiều đệ tử tụ tập quanh ngài hơn, ngài đã rời đi để sáng lập tu viện của Phurgon Rinchen Ling.

Trong những tái sinh tiếp theo của Gar Dampa Chodingpa, Gar Tenpe Gyaltsen trở thành nhiếp chính của hai vị Drikung Kyabgon, người nắm giữ dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Trong cương vị đó ngài làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Một tái sinh khác, Gar Chokyi Nyima, trì tụng thần chú của Chakrasamvara (Thắng Lạc Kim Cang) hơn 13 triệu lần và trở thành một thành tựu giả. Ngài có thể thị hiện nhiều phép màu như là trị bệnh, ngăn chặn chiến tranh, tiêu trừ nạn đói….

Garchen Triptrul Rinpoche được sinh vào năm 1936 ở Nangchen, miền đông Tây Tạng. Vua của Nangchen đích thân lãnh nhận trách nhiệm để tìm kiếm tái sinh của Đức Garchen Rinpoche trước, Trinle Yongkhyab. Đức Garchen Rinpoche hiện nay được phát hiện và tôn phong bởi đức Drikung Kyabgon Zhiwe Lodro.

Garchen Rinpoche được đem đến Lho Miyalgon lúc bảy tuổi, là nơi mà ngài được cúng dường những bộ lễ phục và những thứ khác.  Được dẫn đến một điện thờ lưu giữ nhiều hình ảnh của những đạo sư dòng truyền thừa, ngài được hỏi để xác nhận đạo sư của mình. Ngài chỉ vào một tấm ảnh của Kyobpa Jigten Sumgon và nói rằng “Vị này là đạo sư của ta.” Vì thế, mọi người tin rằng ngài là một tái sinh thực sự của đấng trì gữ dòng truyền Gar.

Dưới sự dạy dỗ của Chime Dorje, Rinpoche đã thọ nhận nhiều giáo lý. Ở độ tuổi 13 ngài thọ nhận những giáo lý của dòng truyền Drikung Kagyu từ Lho Thubten Nyingpo Rinpoche của Lho Lunkargon. Ngài đã nhận khẩu truyền, luận giảng và quán đảnh về  Đại Thủ Ấn và Sáu Yoga của Naropa. Ngài đã hoàn thành những thực hành tiên yếu và hoàn tất khóa nhập thất ba năm.

Ngài sau đó ẩn tu hai mươi năm, cho đến thời gian ngài gặp được Khenpo Munsel, một đệ tử vĩ đại của Nyingma Khenpo Ngagchung lừng danh. Từ Khenpo Munsel ngài thọ nhận giáo lý Dzogchen và tham gia vào thực hành các pháp tu bí mật. Khenpo Munsel đã ngạc nhiên bởi thành tựu vĩ đại của Rinpoche và ngợi khen ngài rằng “Ngài là một hiện thân bồ tát vĩ đại”

Từ 1979, Garchen Rinpoche tìm kiếm nguồn trợ cấp cho tu viện của ngài, cho nữ tu viện và thôn làng, ban tặng hết tất cả những vật cúng dường ngài nhận được vì lợi ích của họ.

Ngoài ra, Garchen Rinpoche vẫn đảm nhận trách nhiệm tái thiết lại nhiều tu viện Drikung Kagyu ở miền Đông Tây Tạng, cũng đồng thời ngài toàn tâm ban tặng những giáo lý thâm diệu của dòng truyền thừa cho những người khác.

Những năm gần đây, Rinpoche thiết lập Ari Gar Zangchup Choling, một trung tâm ở Mỹ quốc để dạy dỗ và thực hành Phật pháp. Garchen Triptrul Rinpoche rất lưu tâm và khiêm hạ với tất cả mọi người bất kể địa vị, tuổi tác và giới tính. Lời khuyên của ngài cho những ai uống rượu, hút thuốc, cờ bạc và tham gia vào những hoạt động sai trái rất có hiệu quả cho việc chỉnh sửa đúng lại tư cách của họ. Ngài không ngừng nỗ lực vì lợi ích của những người khác và đã nhận được sự tôn kính lớn lao từ cộng đồng. Ngài thật phi thường trong thời mạt pháp này.

Khi được tuyên nhận là một hoá thân đời thứ 8 của đại sư Garchen Rinpoche vào năm lên 7 tuổi, cậu bé Konchog Gyaltsen thuộc giòng Drikung Kagyu không bao giờ ngờ được rằng cuộc đời của một hoá thân được nhiều người trọng vọng lại có thể phải trải qua nhiều cay đắng thăng trầm đến vậy.

Năm 22 tuổi, vừa hoàn tất xong hai năm rưỡi chương trình tu ẩn thất thì vị hoá thân trẻ tuổi đã bị Trung Cộng bắt giam cầm và nhờ phải trải qua 20 năm trong lao tù Cộng Sản, trải qua biết bao khổ đau, tủi nhục mà vị hoá thân ấy đã được có cơ hội thực hành hạnh nhẫn nhục,  chuyển hoá được tâm mình thành tâm từ bi vô lượng, đối với kẻ thù cũng như đối với người thân, lúc nào cũng sáng rỡ tình yêu thương và lòng từ bi vô giới hạn.

Trong những ngày bị giam cầm và bắt buộc phải lao động cực nhọc, cả trại tù thường được cho nghỉ phép không phải lao động vào ngày Chủ Nhật.  Trại tù bao gồm rất nhiều những vị đại sư và hoá thân bị Trung Cộng bắt giam.  Ngày Chủ Nhật, các bạn tù thường tụ họp nhau, nghỉ ngơi, chuyện vãn và nhất là, bày bàn cờ ra để chơi cờ, chơi bài với nhau để giết thời giờ.  Thay vì ngồi chơi cờ với các bạn tù thì suốt cả ngày Chủ Nhật, đại sư Garchen Rinpoche nằm dài trên giường và để cho các bạn tù đặt lên trên người mình một miếng ván gỗ dài rộng dùng làm bàn cờ.

Trong khi các bạn tù chơi cờ, chơi bài trên miếng ván gỗ đặt trên người mình thì đại sư Garchen Rinpoche nằm yên ở bên dưới, hoặc là thiền định, hoặc là liên tục lầm thầm trì tụng minh chú Quan Âm (Tara) trong đầu, hướng tâm mình đến tâm của đức Quan Âm để tịnh hoá thân khẩu ý.  Mỗi lần đại sư Garchen Rinpoche hơi cử động nhúc nhích thân mình thì các bạn tù lại la lên, “Nằm yên nào!”  Đại sư Garchen Rinpoche nói, “Đó là lúc thầy bị lạc định nên mới nhúc nhích như vậy!”

Trong tù, khi đói, đại sư đã nhịn ăn và nhường thức ăn của mình cho bạn đồng tù. Khi lao động, phải cuốc đất, vác bùn, bưng gạch, v.v.,  đại sư đã làm việc giúp bạn tù cho xong công việc của họ trước khi làm nốt cho xong phần việc của mình. Tất cả các bạn tù đều gọi đại sư bằng cái tên trìu mến “Abei,” đại ý có nghĩa là “cưng”!  Từ bạn tù cho đến cả cai tù, trong lòng ai ai cũng quý mến Đại sư Garchen vì biết là người bạn tù này không bao giờ câu nệ, không bao giờ oán trách, luôn luôn hy sinh, quan tâm đến người khác nhiều hơn là chính bản thân mình.

Nhưng thật ra, đó chính là cả một quá trình tu tập và chuyển hoá rất lao khổ, rất công phu. Vị thầy hay vị bổn sư mà đại sư Garchen đã được hội ngộ trong tù, vị ấy có tên là Khenpo Munsel,  một đại danh tăng thuộc dòng Nyingma.  Chính bổn sư Khenpo Munsel đã hướng dẫn, dạy dỗ, khai thị, giúp cậu thanh niên hoá thân 22 tuổi chuyển hoá tâm sân hận của mình đối với kẻ thù thành từ bi và trí tuệ.

Nhờ hết lòng miên mật tu tập và quyết tâm chuyển hóa tam độc của chính mình mà đại sư Garchen Rinpoche đã trở nên hoàn toàn vô ngã, đạt được trí  tuệ  viên mãn cùng những chứng đắc sâu dày và hiến trọn đời mình để đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Nhiều năm sau đó, chính bổn sư Khenpo Munsel khi nhắc đến người đệ tử đặc biệt này của mình cũng đã nhiều lần lên tiếng phát biểu, “Garchen Rinpoche là một đại bồ tát. Một đại bồ tát đích thực!”

Lần đầu tiên khi đến được thủ đô tỵ nạn Dharamsala của người Tây-tạng và được diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma vào khoảng thập niên 1980, đại sư Garchen Rinpoche đã thỉnh cầu đức Đạt Lai Lạt Ma ban cho mình Bồ-Tát giới vì đại sư Garchen nghĩ rằng trong thời chiến tranh khi Trung Cộng xâm chiếm Tây-Tạng, mình đã nhiều lần để cho Bồ Đề Tâm bị hư hoại.

Lời thỉnh cầu này là một điều vô cùng đặc biệt và đã làm cho đức Đạt Lai Lạt Ma rất hoan hỉ.  Qua ngày hôm sau, trong khi thuyết giảng, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với đại chúng, đại ý rằng, hôm qua, có một vị đại tăng đến từ Tây-Tạng. Vị ấy không xin tôi điều gì ngoại trừ xin thọ Bồ-Tát giới với tôi.

Thông thường, khi có các vị cao tăng đến diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị ấy thường xin ngài ban cho các lễ quán đảnh hay gia hộ, ban cho các pháp tối thượng của Mật thừa, xin ngài gia lực và hướng dẫn tu tập, v.v… nhưng chưa  có vị cao tăng nào lặn lội từ Tây-Tạng qua  đến Ấn Độ và gặp đức Đạt Lai Lạt Ma để  chỉ xin thọ Bồ-Tát giới.  Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm rằng, vị đại sư này đã phải trải qua biết bao gian khổ mà không sờn lòng tu tập và là một vị Bồ-Tát thị hiện để hoá độ chúng sinh bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình.