Chết chưa phải là hết

Một cách phổ quát, ngày chết là thời điểm quyết định cho mọi người. Dù bạn ở phương Đông hay Tây, là một Phật tử hay người đi theo một số giáo lý khác, người có lòng tin hay không có lòng tin – cũng chẳng khác biệt. Khoảnh khắc ý thức rời bỏ khỏi thân thể yêu mến nhất của bạn sẽ là một điểm chuyển trọng yếu của cuộc đời bạn, vì cái chết sẽ bắt đầu lôi bạn vào một cuộc hành trình đến một thế giới chưa biết.

Khi giờ chót sắp đến, bạn sẽ đứng ở một ngã tư đường. Nếu đã chuẩn bị trước bạn sẽ sẵn sàng đi với sự thoải mái và tự tin to lớn, như một chim đại bàng bay vút lên bầu trời. Nếu không, hành trình của bạn sẽ lập lại nhiều lần qua lối vào sinh, tử và tái sanh.

Phần lớn mọi người không thích nhắc đến cái chết không thể tránh khỏi của họ. Thậm chí họ sợ cả việc phải nghĩ đến nó, chúng ta hãy bàn luận riêng về nó. Với một số người, khái niệm nghiền ngẫm về cái chết thậm chí như chưa từng khởi lên, chưa thể nhập được chúng trong cuộc sống hàng ngày. Dù người có niềm tin rõ ràng tin tưởng vào kiếp sau, nhưng nhiều người khác lại khăng khăng hoàn toàn không có gì sau khi chết.

Ngày nay, chúng ta đang trong thời đại hoàng kim của khoa học và kỹ thuật. Nhưng phạm vi kiến thức đáng kinh ngạc của chúng ta về cuộc sống lại kết thúc lúc hơi thở chúng ta ngưng lại. Khoa học và kỹ thuật không thể đưa ra một đầu mối nhỏ nhất là có hay không có bất cứ sự liên tục nào của ý thức sau hơi thở cuối của chúng ta. Những nhà nghiên cứu đã nghiên cứu vấn đề một cách đứng đắn bị bác bỏ bởi xu thế chủ đạo của y khoa và khoa học. Trong thời buổi hoài nghi này, người ta thường miễn cưỡng tin vào một kiếp sau, vì sợ bị cho là ngây thơ, hay đơn giản.

Những hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc về cái chết bày ra trước mắt chúng ta bất cứ khi nào mở truyền hình – hoặc là cái chết hư cấu trong phim ảnh hay tin tức tóm tắt về cái chết của con người khắp thế giới vì bệnh tật hay bạo lực. Tuy nhiên, hình ảnh tự nhiên của những cá nhân bình thường đang hấp hối hay đã chết lại ít thấy. Chúng ta thích chứng kiến những lời tán tụng lạc quan và thân thể được chôn trong quan tài đầy hoa hơn. Nếu dám nhìn thẳng vào thực tại đời sống và cái chết với đôi mắt mở rộng, chúng ta sẽ tiếp nhận một chứng minh hùng hồn chu trình bấp bênh của hiện hữu rằng mọi người phải chịu đựng, từ sinh đến tử và tái sanh trở lại.

Điều gì xảy ra và lúc chết?

Những tôn giáo lớn trên thế gian đều đồng ý rằng cái chết chưa phải là hết, rằng “một cái gì đó” vẫn tiếp tục sống, mặc dù chúng khác biệt trong chi tiết và sự diễn dịch. Tâm, ý thức, linh hồn, tâm linh – bất cứ những gì chúng ta gọi nó – sẽ tiếp tục hiện hữu trong dạng này hay dạng khác. Phật giáo nhận biết “tâm” (Tạng, sem, Sems; Phạn, chitta) là tánh nền tảng tiếp tục tồn tại sau cái chết của thân vật lý. Dù thân chúng ta sẽ tan hòa trở lại vào những nguyên tố mà chúng đã được hình thành, tâm và ý thức chúng ta sẽ tiếp tục đầu thai vào cõi hiện hữu khác.

Chừng nào chúng ta còn sống, tâm sẽ cùng ở với thân, cung cấp một cấu trúc phàm tục cho chúng ta một cảm giác nhận biết. Do đó, chúng ta cảm thấy nhiều hay ít tương tự như mọi người trong suốt cuộc đời mình. Những ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài và những thói quen văn hóa cũng truyền đạt tính liên tục của kinh nghiệm. Chúng ta có một cảm giác vững chắc về thân thể và hiện tượng xuất hiện của thế giới vật chất quanh ta, tất cả sự việc và những gì xảy ra xuất hiện trong nhận thức, được tiếp nhận bởi những giác quan, dường như hoàn toàn có thật, ở bên ngoài, và tách biệt khỏi tâm chúng ta.

Nhưng vào lúc chết, tất cả những hình tướng này sẽ biến mất. Tâm sẽ lìa khỏi thân vật chất, thân này sẽ bắt đầu mục rữa. Ngay khi ý thức rời khỏi thân, sự vật mà chúng ta thấy, và cảm nhận chúng ta có được trong cuộc đời sẽ thay đổi hoàn toàn. Những gì chúng ta kinh nghiệm sau khi chết sẽ chỉ tùy thuộc vào tâm ta, vào những khuynh hướng thói quen của tâm thức và tư duy mà chúng ta đã tạo và nuôi dưỡng trong lúc sống.

Nếu tâm chúng ta an bình và hoan hỷ thì theo luật tự nhiên bất cứ chúng ta làm gì sẽ là một biểu lộ của an bình và hoan hỷ. Do vậy, mọi hoạt động của chúng ta sẽ trở thành đức hạnh, và sẽ là nguồn an bình, vui vẻ cho mọi người đến tiếp xúc với chúng ta. Vào lúc chết – khi thoát khỏi sự giam cầm của thân vật chất, những hạn chế văn hóa, và ảnh hưởng của hoàn cảnh chúng ta sẽ giải thoát để hưởng thụ an bình và hạnh phúc, đó là bản tính thật sự của tâm mình. Tương tự, nếu rèn luyện tâm theo cách đúng trong cuộc sống, thì, vào lúc chết, mọi hiện tượng trước mắt chúng ta sẽ xuất hiện như một thế giới an bình, hạnh phúc, và giác ngộ.

Nhưng nếu tâm chúng ta đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực như thù hận, thì bất cứ những gì ta suy nghĩ sẽ bị phiền não bởi những tư duy và cảm nhận sân hận thiêu đốt. Bất kỳ những gì chúng ta nói hay làm sẽ là một biểu lộ bùng nổ của sân hận và thù ghét. Do vậy, ngày được an bình sẽ chẳng có cơ hội hé lộ trong tâm ta. Sự đau khổ của chúng ta sẽ trở thành nguồn của hận thù và đau khổ với những người thân cận. Vào lúc chết, chúng ta có thể gặp một thế giới cháy bỏng trong ngọn lửa của địa ngục – là biểu hiện của sân hận và thù ghét của chúng ta.

Nghiệp, luật tự nhiên của nhân quả

Những tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng lòng tốt và cuộc sống hữu ích sẽ dẫn đến một cõi an bình và hạnh phúc sau khi chết, ngược lại người giận dữ và gây hại sẽ bị đem lại những hậu quả khắc nghiệt tương ứng. Chẳng hạn, người Công Giáo ca tụng việc làm tốt và những hoạt động từ thiện, và Do Thái Giáo thúc giục thực hiện hành động tốt bởi mệnh lệnh của Torah. Đạo Phật nói đến công đức mà chúng ta tích lũy nhờ trau dồi những tư tưởng và hành vi tích cực. Những truyền thống này và truyền thống khác chấp nhận rằng một luật tự nhiên của nhân quả điều hành trong vũ trụ chúng ta. Karma là chữ của Đạo Phật dùng cho luật này, chi phối mọi sự kiện. Mọi hành động tinh thần và vật chất bắt đầu bởi mong muốn tinh thần đều trở thành một nguyên nhân tạo thành kết quả; đặc biệt trong Phật giáo giảng dạy rất chi tiết chính xác những kết quả gì sẽ theo sau hành động đặc biệt nào. Nói chung, khuôn mẫu của tư duy, cảm xúc, ngôn từ, và hành động tích cực tạo ra hạnh phúc, trong khi tâm thức và hành động vật chất gây ra đau khổ – là những sự kiện của luân hồi.

Mọi cảm xúc hủy hoại, cũng như những khái niệm tâm thức quen thuộc và khuôn mẫu tư duy của chúng ta đều mọc rễ trong điều mà Đạo Phật gọi là bám chấp vào “bản ngã” và quan niệm nhị nguyên về chủ thể và đối tượng. Như đã được trình bày bởi Tổ Long Thọ, một trong những triết gia vĩ đại của Phật giáo: “Tất cả chúng sanh đều xuất phát từ việc bám chấp vào “cái tôi”. Đó là khuynh hướng bám chấp và trở nên bám luyến vào đối tượng tư duy và khái niệm của tâm, là nguyên nhân thực sự của việc chúng ta đi vào cuộc sống trong thế giới nhị nguyên.

Chấp ngã là cách tâm thức nhận biết đối tượng do biết chúng như những thực thể thực sự hiện hữu. Những đối tượng tinh thần bao gồm mọi hiện tượng khởi lên trong nhận thức của chúng ta, như “của tôi”, “bạn”, “ông ấy”, “bà ấy”, “tiền bạc”, hay “cái bàn”, cũng như những ý niệm, cảm nhận, và cảm giác như “đau đớn”. Ngay khi bám chấp một đối tượng tinh thần và tin vào nó là có thực và bền vững, chúng ta đã hình thành một tính nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Sau đó phát sinh khái niệm thương hay ghét đối tượng tinh thần này, và điều đó làm tâm thức bị bám chấp thu hút trói buộc. Cuối cùng, đó là cảm nhận của kích động hay đau khổ, đầy căng thẳng và áp lực.

Trong quan điểm của Đạo Phật, “bản ngã” bao gồm “tôi” và “của tôi” nhưng nó cũng bao gồm mọi hiện tượng khởi lên trong tâm thức chúng ta. Tuy nhiên theo hiểu biết cao nhất của Phật giáo, thì “bản ngã” không thật sự hiện hữu như một thực thể bền vững, bất biến, cố định. Thái độ bám chấp của chúng ta do dựa trên ảo tưởng. Tuy nhiên, vì bị trói buộc trong nghiệp, sự suy nghĩ ảo tưởng và cư xử cho rằng mọi sự hoàn toàn quá thật với chúng ta nên kết quả là đau khổ và chịu đựng.

Chu trình bám chấp đó tự nó tiếp tục lập lại như luật nhân quả, luật nghiệp báo của cuộc sống. Nó sản sinh và làm bừng lên ngọn lửa phiền não của sự lầm lẫn, thù hận, keo kiệt, tham lam, ganh tị, kiêu ngạo và sợ hãi. Những cảm xúc phiền não này ăn sâu vào sự chấp ngã là nguyên nhân của tái sanh, trong lúc đó, những trạng thái tích cực của tâm là phương tiện của giải thoát.

Kịch bản thay đổi của sinh, tử và sau khi chết xảy ra không do lựa chọn mà cũng không do cơ hội. Không ai có thể tạo ra chúng cho chúng ta. Chúng là sự phản chiếu và phản ứng của tư duy, lời nói, và hành động của chúng ta. Do vậy, phải rèn luyện tâm mình và thực hành kiên định để bảo đảm một cái chết an bình và tái sinh hạnh phúc.

Tác giả: Đức Tulku Thondup Rinpoche