Bồ đề tâm

Suy ngẫm về tâm bồ đề là tuyệt đối quan trọng. Những phật tử lâu năm có thể cho rằng họ ít có nguy cơ bị mắc phải tà kiến hay sa vào con đường sai lầm. Rất nhiều người trong chúng ta có thái độ như vậy. Nhưng chúng ta phải thận trọng. Mặc dù chúng ta không chống lại Phật hoặc Pháp theo cách dễ  nhận ra, nhưng trở  thành con  mồi  cho  tri  kiến sai  lầm  và bị  lôi cuốn bởi  con đường sai lầm là rất dễ.

Trước hết, đa số trong chúng ta có quan kiến đa thần, vì đó là thói quen từ nhiều đời trước. Kết cục sẽ dẫn đến quan kiến thường hằng, đó là lý do ta thấy có những Phật tử thực chất là theo quan điểm thường hằng. Rồi lại có tồn tại quan kiến hư vô, phủ nhận toàn bộ, mà đặc biệt ta có thể thấy trong số những người tin rằng họ đã hiểu một chút về tính không. Vấn đề là, cùng với tà kiến như vậy những người này tỏ ra là Phật tử nhưng thực chất họ gần hơn với những kẻ vô thần theo học thuyết hư vô. Có thể họ nghĩ họ là Phật tử và không cố ý chống lại Phật và Pháp, nhưng đó vẫn là con đường sai lầm. Một vấn đề khác nữa ta cần phải cảnh giác, đặc biệt trong Kim cương thừa và trong Phật giáo Tây Tạng nói chung, là sự cần thiết của cái thấy. Đây là thời mạt pháp và có rất nhiều vị   thầy giả mạo. Dù cho họ có thể sử dụng nhiều phương pháp hoành tráng, những giáo lý lại bỏ qua việc dạy nền tảng của tri kiến (cái thấy).

Tôi đã thấy nhiều người trong chúng ta bị hấp dẫn bởi các phương pháp hoành tráng đó. Khi không có nền tảng của tri kiến, chúng ta tin rằng các phương pháp đó là đúng đắn. Nếu bạn bị cuốn vào dòng đó, là bạn đã bị lạc đường. Bạn có thể nghĩ rằng, bạn là Phật tử dày dạn, tuy nhiên mối nguy hiểm là thường trực tại mỗi giây phút của mỗi ngày. Cứ  cho  rằng  chúng  ta đã điều  khiển được mình ra khỏi con đường sai lầm và đi theo chính đạo, ở  đây sẽ có ba cách tiếp cận khác nhau cho ta. Để khẳng định rằng mình không những đi theo con đường đúng, mà còn là con đường siêu việt, chúng ta thực hành bồ đề tâm. Như vậy là ta đang nói về Đại thừa, con đường này không trú ngụ ở luân hồi cũng như ở niết bàn. Tinh túy của con đường Đại thừa là bồ đề tâm. Chính điều đó làm nó trở nên siêu việt.

Nhiều người trong chúng ta rất mơ hồ về khái niệm bồ đề tâm của Đại thừa. Họ cho rằng đó là cái gì giống như là sự tử tế, khoan dung, nhân đạo. Tuy cũng rất khá, nhưng hiểu như vậy là thực sự chưa đủ. Đó mới chỉ là một khía cạnh nhỏ của bồ đề tâm. Nếu cái hiểu về bồ đề tâm tuyệt đối của bạn chỉ hạn chế trong ý niệm tử  tế, từ ái, khoan dung, hành động nhân đạo từ thiện, hoặc ngay cả hy sinh bản thân vì kẻ khác, thì bạn vẫn chưa có được bức tranh trọn vẹn về bồ đề tâm.

Để có được bức tranh hoàn thiện về bồ đề tâm, chúng ta phải nhớ rằng có bồ đề tâm tương đối và bồ đề tâm tuyệt đối. Trong hội nghị liên tôn giáo, chúng ta không có nhiều lựa chọn mà phải tuyên bố một cách ngoại giao rằng: “Công giáo nói về tình yêu và lòng từ bi, Do thái giáo nói về tình yêu và từ bi. Phật tử chúng ta cũng nói về tình yêu và lòng từ bi. Vậy là tất cả các tôn giáo đều nói về tình yêu và lòng từ bi. Chúng ta có cùng mục đích, chỉ con đường là khác nhau.” Hội nghị liên tôn giáo là dành cho việc đó; và tôi không cố gắng trở thành kẻ sô vanh.

Điều tôi muốn nói là lòng từ bi của Phật tử, và khái niệm từ bi của Đại thừa nói riêng, không dừng ở đó. Có gì đó sâu hơn trong cái từ bi này. Có thể chính cái tình yêu, lòng trắc ẩn và rộng lượng trong sự tương giao ấy của bạn cuối cùng lại phản lại bạn. Khoan dung và trắc ẩn mà không có bồ đề tâm cuối cùng sẽ biến bạn thành nạn nhân. Bạn cần có bức tranh đầy đủ về bồ đề tâm.

Khi nói ‘bức tranh đầy đủ về bồ đề tâm’ là ta đang đề cập đến bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tuyệt đối là gì? Đó là cái hiểu về tính không. Điều cực kỳ quan trọng là tính không cần được kết hợp với lòng từ bi. Thực ra, ở đây có gì đó đã được ta đề cập đến trong phần ba nguyên tắc thiêng liêng. Chúng ta đã bàn luận về sự cần thiết của việc khởi phát động cơ đúng đắn khi bắt đầu mỗi thực hành, là nguyện vọng giúp cho mọi chúng sinh được giác ngộ, và rồi đến việc quán tưởng mọi hành động đều là sự phô diễn của chính tâm mình. Ở đây chúng ta đang đề cập đến tính không từ khía cạnh bất nhị. Nếu ta đánh mất tính bất nhị, mọi hành động của ta sẽ dẫn đến thất vọng.

Bạn có thể theo đuổi được bao lâu, nếu bạn là nhà trị liệu cố gắng giúp kẻ nghiện rượu hay ma túy? Nếu người này vì lý do nào đó quyết định sẽ trở thành tên nghiện trong năm ngàn kiếp tiếp theo, thì bạn với tư cách một bồ tát, sẽ phải quyết định tái sinh ở nơi mà người ấy tái sinh. Ví dụ, bạn phải mong muốn được tái sinh đúng thời điểm, đúng nơi chốn gần anh ta hay chị ta. Nói ví dụ, bạn là bồ tát và đã cố gắng giúp kẻ nghiện này được hơn hai ngàn kiếp. Bây giờ, ở một nơi tối tăm đâu đó, cuộc đời thứ 2.042 sắp xảy ra. Mặc dù bạn chỉ cần xuất hiện một nửa ngày, để làm điều đó bạn thực sự phải sinh ra ở nơi đó. Thật là lãng phí cho cả một đời, tái sinh ở đó để làm một việc chỉ tốn có nửa ngày hay nửa giờ, nhưng như một bồ tát bạn phải làm việc đó. Đó chính là điều mà ta gọi là sức mạnh và chất lượng của lòng từ bi tương đối.

Bây giờ chúng ta đi đến phần thực sự tinh túy của bồ đề tâm. Vì sao một bồ tát có được lòng từ bi tới mức đó? Tại sao họ không từ bỏ? Cái gì thực sự là cơ sở cho sự xác tín của họ? Vị bồ tát thấy được rằng các ý niệm ‘nghiện’, ‘vấn đề’, ‘chữa trị’ và ‘được chữa lành’, tất cả đều ở trong chính tâm  của bản thân mình. Vị bồ tát hiểu rằng chẳng có cái gì trong số đó tồn tại ‘bên ngoài’ ở đâu đó, khách quan và có thật. Dựa trên trí tuệ đó, bồ tát có thể phát triển bồ đề tâm.

Cái hiểu này thực sự là có ích. Kinh nghiệm của bản thân tôi cũng giống như con ruồi bay trước mặt trời. Dù vậy, khi tôi cố gắng giúp đỡ mọi người và công việc không trôi chảy theo kế hoạch, tôi tự hỏi, “Sao mình có thể thất vọng được?” Đầu tiên, dựa vào kinh nghiệm của bản thân, tôi đặt ra mục tiêu. Để giúp đỡ ai đó, tôi tưởng tượng rằng anh ta hay chị ta cần đạt được cái ngưỡng nào đó, nhưng đó hoàn toàn là ý của tôi. Sau khi bị ám ảnh với kỳ vọng thành công, khi người đó không ở đúng chỗ đó, tôi có thể mất hết hy vọng và sự tin tưởng vào người đó. Đôi khi chúng ta nhận thức được rằng đó hoàn toàn là sự phóng chiếu của bản thân ta, nhưng trong hầu hết các trường hợp, ta không nhận thức được. Thay vào đó, ta nghĩ: “Đó là điều cần phải thế. Đó thực sự là thành công!” Chúng ta không nhận thức được rằng, tất cả chỉ là sự diễn giải của bản thân mình. Đó chính là nơi chúng ta đi như mù.

Khi bạn đang giúp đỡ, nếu bạn hiểu rằng, cái gọi là ‘giúp đỡ’, ‘thành công’, ‘thất bại’ của bạn tất cả đều ở  trong tâm bạn, thì bạn sẽ  không thấy mệt mỏi. Vì bạn nhận thức được rằng tất cả chỉ là sự phô diễn của tâm bạn, bạn sẽ không bị mệt. Đây là một ví dụ rất khái quát và có vẻ thô thiển về bồ đề tâm tuyệt đối. Nếu bạn có được cái hiểu này, thì bạn có bức tranh đầy đủ về bồ đề tâm.

Nhắc lại, bồ đề tâm tuyệt đối chính là cái hiểu về tính không. Chỉ khi trong bồ đề tâm có hàm chứa tính không thì đó mới là bức tranh toàn vẹn của bồ đề tâm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, khía cạnh này bị thiếu hụt. Khi ta nói về bồ đề tâm thì thường hiểu là điều gì đó đơn giản như tâm nhân hậu, tử tế, nhưng như vậy là chưa đủ. Đó là điều mà nhiều người có. Điều đó cũng không nhất thiết làm cho bạn trở thành bồ tát. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, có những người rất tử tế và từ bi. Có những người thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình vì người khác, nhưng có thể họ vẫn không phải là bồ tát. Thực tế, họ có nguy cơ là nạn nhân của chính nỗi ám ảnh vì mục tiêu hành động của mình. Quá ám ảnh bởi mục tiêu có thể làm sản sinh nhiều tác động phụ, chẳng hạn như nghĩ “Đó là điều cần phải vậy!” Với cách tiếp cận này, một bồ tát có thể mất hết hy vọng và niềm tin khi tình huống xảy ra không theo ý muốn; họ thậm chí có thể không còn là bồ tát nữa. Nói vậy không có nghĩa là một bồ tát cần làm những việc vô chủ đích.

Đối với một bồ tát, hiểu tính không không có nghĩa đơn giản là nghĩ, “Ồ, đó là tính không”, mỗi khi có điều gì đó vận hành không kết quả, rồi dừng tại đó. Như những bồ tát, chúng ta phải tiếp tục. Đặc biệt, nếu ta vừa mới bắt đầu như một bồ tát, ta cần tiếp tục bằng hết sức mình theo như hướng dẫn, giống như có nói trong Nhập Bồ tát hạnh. Có sự xác quyết như vậy là điều thiết yếu của bồ đề tâm tương đối. Bồ đề tâm tương đối và bồ đề tâm tuyệt đối luôn luôn phải song hành. Thực tế, chúng là hai mặt của cùng một vấn đề.

Bản thân bồ đề tâm tương đối lại có hai khía cạnh, một là bồ đề tâm nguyện và hai là bồ đề tâm hạnh. Bồ đề  tâm hạnh có nghĩa là ‘tiến hành’ hay ‘hành động’, tức là đưa bồ  đề  tâm vào hành động cụ  thể  như bố  thí, trì giới … nói chung là sáu hạnh ba la mật. Bồ đề tâm nguyện là khởi phát hay trau dồi động cơ; đó là mong ước hay khát vọng. Ta có thể nghĩ rằng, bồ đề tâm nguyện là thấp kém, trong khi bồ đề tâm hạnh là cao cấp, và bồ đề tâm tuyệt đối là siêu đẳng. Tuy nhiên, điều đó là không đúng; tất cả đều có cùng tầm quan trọng như nhau.  Thực tế, các đạo sư đã từng nói rằng, với những người sơ cơ như chúng ta, rõ ràng là bồ đề tâm tuyệt đối chỉ có thể ở mức tâm trí. Trong hầu hết các trường hợp, khi ta nghĩ về tính không, thì đúng lúc đó ta đang tạo ra cái gì đó hoàn toàn đối nghịch với tính không thực sự. Thế nhưng ít nhất ta đã có được một sự hiểu biết tâm trí nào đó; và đó là một khởi đầu tốt đẹp.

Đối với những người sơ cơ, thậm chí bồ đề tâm hạnh cũng đã là khó. Ví dụ, trong sáu ba la mật thì bố thí xem ra là dễ nhất, nhưng chúng ta có thể thực hành điều này được bao nhiêu? Chúng ta không được phú bẩm đủ sự giàu có cả về tinh thần lẫn phàm tình.  Chúng  ta  không  thể  nuôi  dưỡng  hay  dạy  dỗ  mọi người, cũng như không được trang bị  đủ  công cụ  trong mọi hoàn cảnh. Có chăng là đôi khi ta có thể thả đồng xu cho người ăn xin nào đó. Để cam kết hoàn toàn vào bồ đề tâm hạnh là điều khó. Bạn có thể tưởng tượng được chăng việc cắt chân tay mình để nuôi con hổ đói, như các bồ tát vĩ đại trong quá khứ đã từng làm?

Đối với những kẻ sơ cơ như chúng ta, Jigme Lingpa đã nói rằng, đầu tiên cần học và trau dồi bồ đề tâm nguyện. Đó là điều khả thi nhất với chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng phát khởi nguyện, ví dụ “Tôi nguyện trở thành ông vua”, và rồi tưởng tượng mình là ông vua đang ban phát mọi thứ cho những kẻ ăn xin. Đó là những  loại  tâm  nguyện mà ta có thể thực hiện được, như “Nguyện cho tất cả chúng sinh có được đầy đủ mọi thứ họ cần!”

Khi đọc những điều này, bạn có thể khởi ra suy nghĩ: “Đó chỉ là nguyện ước. Điều mong ước là tốt đẹp, nhưng nó không thực sự giải quyết vấn đề gì cả.” Coi thường nguyện ước như vậy là không sáng suốt, vì chính nguyện ước hay mong muốn là cách rèn luyện rất quan trọng. Vì sao ta không thể thực hiện được bồ đề tâm hạnh tích cực và bồ đề tâm tuyệt đối? Đó là vì chúng ta thiếu quyết tâm, vì tâm nguyện của chúng ta yếu ớt. Có vẻ như là khi ta tụng các bài nguyện, thì đó chỉ là sự mong cầu đơn thuần. Dù vậy, mong ước giác ngộ cho tất cả chúng sinh và cầu cho mỗi chúng sinh được hạnh phúc chính là điều ta cần tập luyện. Cho nên khi thực hành bồ đề tâm thì ta nhấn mạnh nhiều nhất đến bồ đề tâm ‘nguyện’. Chúng ta nguyện để ta có được khả năng ‘thực hành’ bồ đề tâm và đạt bồ đề tâm ‘tuyệt đối’.

Trong khi trì tụng nghi thức về bồ đề tâm, bạn có thể thực hành cả ba khía cạnh bồ đề tâm trong tâm mình. Nghĩ rằng, “Nguyện cầu tất cả chúng sinh được hạnh phúc!” là bồ đề tâm nguyện. Rồi, thực sự lễ lạy vì tất cả chúng sinh, và bạn hy sinh thời giờ quý báu để tụng lời nguyện chính là thực hành bồ đề tâm hạnh. Tiêu tốn thời gian cũng là thực hành bố thí. Và bạn ngồi thẳng lưng.  Dù bạn chỉ ngồi thẳng trong thoáng chốc, thì điều gì xảy ra? Ít nhất là bạn đã không làm hại ai cả. Hãy tưởng tượng cả thế  giới, toàn nhân loại, m ỗi ngày ngồi thẳng lưng dù chỉ   năm phút, thì có lẽ 50% số vụ rắc rối đã không xảy ra. Vậy nên ngồi thẳng đã là thực hành giới luật, nó làm dừng chuỗi các ý nghĩ. Thế rồi, chuyển hóa môi trường xung quanh thành tịnh thổ chính là định. Vậy nên bạn có thể coi đó là bồ đề tâm hạnh.

Cuối cùng, cuối khóa quy y và phát bồ  đề  tâm, bạn hòa tan chư vị (ruộng công  đức) vào bản thân mình thành một thể thống nhất, bất khả phân. Dù điều này kéo dài bao lâu, chỉ vài khoảnh khắc hay vài phút, hàng giờ, bạn phải quán sát sự đồng nhất của tâm đạo sư với tâm mình. Đơn giản chỉ là quán sát. Quán sát và quán sát, không có bất kỳ sự tạo tác nào, và đó là gì? Đó chính là một cách thiền định về bồ đề tâm tuyệt đối. Như vậy là bạn thực hành kết hợp được cả ba loại tâm bồ đề.

Với việc phát tâm bồ đề, chúng ta thực sự đang rèn luyện tâm mình. Ở đây, bồ đề tâm tương đối là quyết định. Bồ đề tâm là gì? Rõ ràng đó không phải là đơn thuần nghĩ, “Những người nghèo này cần được giúp đỡ.” So với tâm bồ đề thì trạng thái nhân đạo như vậy thuộc về mức độ thấp hơn nhiều. Bồ đề tâm là nguyện ước đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ. Giúp chúng sinh tháo dỡ những lớp vỏ ảo tưởng là món quà tốt nhất bạn có thể trao cho họ. Còn gì tốt hơn bạn có thể cho họ? Giúp chúng sinh nhận ra được bản tâm của họ. Giúp họ nhìn rõ mạng lưới ảo tưởng vô cùng tận.  Còn gì tốt hơn là thấy chúng sinh thoát khỏi cái kén vô tận mà họ tự dệt lên để giam giữ bản thân mình. Như bạn thấy đấy, trạng thái tâm này không chỉ là cái mong muốn giúp ai đó tránh khỏi những rắc rối nhất thời nào đó.

Trong những hội chúng, người ta thường hỏi tôi, vì sao các Phật tử không tham gia thực hành các công hạnh như những người Công giáo thường làm. Tại sao không thấy có các bệnh viện Phật giáo, nhà tế bần Phật giáo? Khi trả lời trước công chúng, tôi sẽ nói: “Vì rằng các Phật tử lười nhác, và vì lười nhác và ích kỷ, họ chỉ nói về từ bi.” Thực tế, đó chỉ đúng phần nào. Ở những nhóm có chọn lọc hơn, chắc tôi sẽ nói: “Chúng ta cần thực sự hoan hỉ với những người Công giáo, Hồi giáo và Ấn giáo, nhưng chúng ta không làm vậy!” Như vậy, nếu nói trong nhóm nhỏ có chọn lọc hơn, thì câu trả lời phải là chi tiết hơn. Giả sử có một tổ chức tôn giáo xây dựng một nghìn nhà chăm sóc trẻ và nhà tế bần. Lại nữa, đây chỉ là sự khái quát, vì có lẽ trong số đó chắc là có những bồ tát Công giáo, Hồi giáo hay Ấn giáo. Nhưng giả sử rằng, dù các nhà hoạt động tôn giáo đó hoàn thành rất nhiều công việc chăm sóc, ở đó không có nguyện ước dẫn chúng sinh đến giải thoát. Mục đích của họ là cung cấp thực phẩm và giáo dục.

Đồng thời, hãy tưởng tượng rằng có một ẩn sỹ sống đâu đó trong rặng Hy mã lạp sơn, không thực hiện tý gì những hành động như vậy.  Thực tế, ở những dãy núi gần với ngài có nhiều trẻ nhỏ bị chết, nhìn bề ngoài thì ngài chẳng làm gì để giúp đỡ  cả. Nhưng từ trong tâm, ngài thực sự thiền định, “Nguyện mọi chúng sinh được giác ngộ!” và ngài thực hiện điều đó đều đặn hàng ngày.  Xét về khía cạnh giác ngộ, người ẩn sỹ đáng kính trọng hơn là tổ chức tôn giáo kia. Vì sao? Bởi vì thực sự rất khó có được nguyện ước làm giác ngộ người khác một cách đích thực và chân thật. Cho người khác thực phẩm và giáo dục thì dễ hơn nhiều. Hầu hết chúng ta không đánh giá đúng điều này.

Trước đây chúng ta chưa bao giờ thành thật nguyện ước cho ai đó đạt giác ngộ. Tương tự, nếu ai đó đến đưa cho ta chiếc vé và nói: “Này đây, bạn có chiếc vé đến giác ngộ. Chỉ còn đúng một chiếc.” Tôi cho rằng, chúng ta thậm chí sẽ không nghĩ đến việc đưa chiếc vé này cho ai đó khác. Chúng ta sẽ giữ khư khư và đi đến giác ngộ. Bởi giác ngộ là điều quý giá biết nhường nào.

Thực ra giác ngộ là đối tượng quá to lớn, vậy thôi sẽ không lấy đó làm ví dụ nữa. Thay vào đó hãy cho rằng ai đó đến gặp bạn với liều thuốc ma thuật hứa hẹn đưa bạn đến sự minh triết hay toàn tri. Chắc là ta sẽ tự uống nó, mà thậm chí không chia lấy một nửa cho người khác! Hãy nghĩ xem ta thường thấy ganh tị thế nào khi có ai đó tu tập tiến bộ hơn. Ta thường thấy ganh tị thế nào khi có ai đó nhận được giáo lý hay pháp tu tốt hơn, cao hơn của ta?

Nếu bạn có tâm bồ đề chân thực thì khi đó bạn phải thấy hạnh phúc, đúng không? Nói cho cùng, có phải đó chính là điều nguyện ước của bạn? Họ đang có được giác ngộ nghĩa là lời nguyện của bạn cuối cùng đang thành hiện thực. Họ nhận giáo lý cao hơn, hay trở thành hành giả tiến bộ hơn, nghĩa là lời nguyện của bạn cuối cùng được thực hiện! Thế nhưng chúng ta không cảm nhận như vậy, thay vào đó chúng ta cảm thấy ganh tị hoặc thèm muốn. Có thể vài người trong chúng ta chỉ là những người thực hành Pháp một cách làng nhàng, cho nên thực sự không thấy ganh tị hay thèm muốn, nhưng ta vẫn có cảm giác bị bỏ lại phía sau. Ai cần lo lắng? Nếu bạn là bồ tát thực sự thì bạn không cần phải quan tâm những vấn đề như thế.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche