Viên ngọc quý của người may mắn – Một dẫn nhập vào Dzogchen

Kính lễ vị Thầy của con!
Xưa kia, Đạo Sư Vĩ đại xứ Oddiyana đã nói:
Đừng truy tìm nguồn gốc của những sự việc,
Hãy truy xét cội nguồn của Tâm!
Một khi cội nguồn của Tâm được tìm thấy,
Bạn sẽ hiểu rõ một sự việc nhưng bằng cách ấy mọi sự được giải thoát.
Nhưng nếu bạn không tìm ra cội nguồn của Tâm,
Bạn sẽ hiểu biết mọi sự nhưng không thấu suốt điều gì.

Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm bạn, hãy ngồi xuống với thân thể thẳng thắn, để cho hơi thở ra vào tự nhiên, và với đôi mắt không nhắm lại cũng không mở lớn, hãy nhìn vào không gian trước mặt bạn. Hãy tự nghĩ rằng chính vì tất cả chúng sinh, là những người từng là những bà mẹ của bạn, bạn sẽ quán chiếu Giác Tánh, khuôn mặt của Đức Phổ Hiền. Hãy cầu nguyện thật mãnh liệt đến vị Thầy gốc của bạn, ngài bất khả phân với Đức Liên Hoa Sanh, Guru xứ Oddiyana, và sau đó hòa trộn tâm bạn với tâm ngài và an trụ trong một trạng thái quân bình thiền định.

Tuy nhiên, một khi bạn đã an trụ, bạn sẽ không ở lâu trong trạng thái trống không, trong trẻo này của Giác Tánh. Tâm bạn sẽ bắt đầu lay chuyển và trở nên bị kích động. Nó sẽ bồn chồn và chạy đó đây và mọi nơi, như một con khỉ. Điều bạn đang kinh nghiệm vào lúc này không phải là bản tánh của tâm, mà chỉ là những tư tưởng. Nếu bạn bám dính vào chúng và theo đuổi chúng, bạn sẽ nhận thấy bạn đang nhớ lại mọi sự, nghĩ tới mọi điều cần có, hoạch định đủ thứ hoạt động. Trong quá khứ chính loại hoạt động trong tâm thức này đã ném bạn vào đại dương tăm tối của sinh tử. Và chắc chắn là nó cũng sẽ làm điều đó trong tương lai. Thật tốt đẹp biết bao nếu như bạn chặt đứt sự mê lầm đen tối luôn luôn dàn trải của những tư tưởng của bạn!

Vậy thì, giả sử rằng bạn có thể vượt thoát khỏi những xiềng xích của các niệm tưởng, thì khi ấy Giác Tánh ra sao? Nó trống không, trong trẻo, tuyệt vời, chói sáng, tự do, hỉ lạc! Nó là cái gì không bị trói buộc, không bị phân định bởi những thuộc tính của riêng nó. Không có gì trong toàn bộ sinh tử và Niết Bàn mà nó không gồm chứa. Từ vô thủy, nó bẩm sinh trong chúng ta; ta chưa từng bao giờ không có nó, và tuy thế nó hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của hành động, nỗ lực và sự tưởng tượng.

Nhưng bạn sẽ hỏi nếu nhận diện Giác Tánh thì nó ra sao, khuôn mặt của rigpa [trí tuệ] thế nào? Mặc dù bạn kinh nghiệm nó, bạn không thể mô tả nó một cách đơn giản –điều đó giống như một người câm cố gắng diễn tả giấc mơ của mình! Không thể phân biệt giữa việc bản thân bạn đang an trụ trong Giác Tánh và Giác Tánh mà bạn đang kinh nghiệm. Khi bạn an trụ hoàn toàn tự nhiên, trần trụi, trong trạng thái bao la vô hạn của Giác Tánh, thì mọi tư tưởng nhanh chóng, phiền nhiễu là những gì không ở yên thậm chí trong chốc lát – tất cả những ký ức và kế hoạch của chúng gây nên cho bạn rất nhiều phiền não – mất đi năng lực của chúng. Chúng biến mất trong không gian bao la, không một đám mây của Giác Tánh. Chúng tan vỡ, sụp đổ, tan biến. Mọi sức mạnh của chúng biến mất trong Giác Tánh.

Bạn thực sự có Giác Tánh này trong bạn. Nó là trí tuệ trong sáng, trần trụi của Pháp Thân. Nhưng ai có thể giới thiệu nó cho bạn? Bạn nên xác quyết quan điểm của mình trên nền tảng nào? Bạn nên xác quyết về điều gì? Trước hết, chính vị Thầy của bạn là người chỉ rõ cho bạn trạng thái Giác Tánh của bạn. Và khi bạn nhận ra nó cho bản thân bạn, thì khi ấy bạn được giới thiệu bản tánh của riêng bạn. Khi ấy, với sự thấu hiểu rằng mọi sự xuất hiện của sinh tử và Niết Bàn chính là sự phô diễn của Giác Tánh của riêng bạn, hãy chỉ xác quyết quan điểm của bạn trên Giác Tánh. Giống như những con sóng dâng lên từ đại dương và lại chìm mất vào nó, mọi tư tưởng xuất hiện rồi biến mất vào Giác Tánh. Hãy xác quyết về sự tan biến của nó, và kết quả là bạn sẽ nhận ra chính mình trong một trạng thái hoàn toàn không có người thiền định lẫn đối tượng được thiền định – hoàn toàn siêu vượt tâm thiền định.

Bạn có thể nghĩ: “Ồ, nếu thế thì ta không cần tới sự thiền định.” Tôi có thể làm cho bạn tin rằng chắc chắn điều ấy cần thiết! Việc chỉ đơn thuần nhận ra Giác Tánh sẽ không thể giải thoát bạn. Suốt những cuộc đời từ vô thuỷ của bạn, bạn đã bị vây phủ trong những niềm tin sai lạc và những tập quán mê lầm. Từ đó cho tới nay bạn đã tiêu phí từng giây lát của những cuộc đời bạn như một kẻ nô lệ khốn khổ, thảm hại của những tư tưởng của bạn! Và khi bạn chết, hoàn toàn không xác định được là bạn sẽ đi đâu. Bạn sẽ đi theo nghiệp của bạn, và bạn sẽ phải đau khổ. Đó là lý do tại sao bạn phải thiền định, liên tục gìn giữ trạng thái tỉnh giác mà bạn đã được giới thiệu. Xưa kia, Đức Longchenpa toàn trí đã nói: “Bạn có thể nhận ra bản tánh của riêng bạn, nhưng nếu bạn không thiền định và quen thuộc với nó, thì bạn sẽ là một đứa trẻ bị bỏ lại ở chiến trường: bạn sẽ bị kẻ thù – là những niệm tưởng của riêng bạn – bắt đem đi!” Trong phạm vi thông thường, thiền định có nghĩa là trở nên quen thuộc với trạng thái nghỉ ngơi trong bản tánh nguyên thuỷ, không giả tạo, nhờ sự thường xuyên chánh niệm một cách tự phát, tự nhiên. Nó có nghĩa là quen thuộc với việc không can thiệp vào trạng thái tỉnh giác, từ bỏ mọi sự xao lãng và bám chấp.

Vậy thì làm thế nào bạn quen thuộc với việc an trụ trong trạng thái của tâm? Khi những tư tưởng xuất hiện trong khi bạn đang thiền định, hãy để chúng tới; không cần phải nhìn chúng như những kẻ thù. Khi chúng xuất hiện, hãy nghỉ ngơi trong sự xuất hiện của chúng. Trái lại, nếu chúng không xuất hiện, đừng bận tâm tự hỏi chúng có tới hay không. Chỉ nghỉ ngơi trong sự vắng mặt của chúng. Nếu trong khi bạn thiền định, những tư tưởng mạnh mẽ, rành mạch bất thần xuất hiện, bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng. Nhưng khi những chuyển động nhẹ nhàng, vi tế xảy ra, bạn khó nhận ra rằng chúng có ở đó mãi đến tận về sau. Đây là điều ta gọi là namtok wogyu, dòng chảy ngầm của sự lang thang trong tâm thức. Đây là kẻ trộm sự thiền định của bạn, vì thế điều tối quan trọng là bạn phải duy trì một sự canh phòng chặt chẽ. Nếu bạn có thể thường xuyên chánh niệm, cả trong khi thiền định lẫn về sau này, khi bạn ăn, ngủ, đi hay ngồi, thì đó chính là nó, bạn đã hoàn toàn nắm bắt được nó!

Đạo Sư vĩ đại Guru Rinpoche đã nói:

Một trăm điều có thể được giải thích, một ngàn việc có thể được nói ra,
Nhưng chỉ có một điều bạn nên nắm bắt.
Hãy thấu suốt một điều và mọi sự được giải thoát –
Hãy an trụ trong bản tánh nội tại của bạn. Hãy tỉnh giác!

Cũng có nói rằng nếu bạn không thiền định, bạn sẽ không có sự xác quyết; nếu bạn thiền định, bạn sẽ có nó. Nhưng đó là loại xác quyết nào? Nếu bạn thiền định với sự nỗ lực mãnh liệt, hỉ lạc, những dấu hiệu sẽ xuất hiện cho thấy rằng bạn đã quen thuộc với việc an trụ trong bản tánh của bạn. Sự bám chấp dữ dội, chặt chẽ mà bạn có đối với những hiện tượng, được kinh nghiệm một cách nhị nguyên, sẽ từ từ được lơi lỏng, và nỗi ám ảnh của bạn về hạnh phúc và đau khổ, những hy vọng và sợ hãi v.v..sẽ dần dần suy yếu. Lòng sùng mộ đối với vị Thầy và niềm tin chân thành của bạn nơi những giáo huấn của ngài sẽ tăng trưởng. Sau một thời gian, những thái độ căng thẳng, nhị nguyên của bạn sẽ tan biến và bạn sẽ đạt tới chỗ vàng và đá cuội, thực phẩm và rác rưởi, các vị trời và ma quỷ, đức hạnh và vô-đạo đức đều đồng nhất đối với bạn – bạn sẽ lúng túng khi phải chọn lựa giữa thiên đường và địa ngục! Nhưng vào lúc này, cho tới khi bạn đạt tới chỗ đó (trong khi bạn đang bị tóm bắt trong những kinh nghiệm của tri giác nhị nguyên), thì đức hạnh và vô-đạo đức, những Cõi Phật và các địa ngục, hạnh phúc và đau khổ, những hành động và hậu quả của chúng – tất cả những điều này là thực tại của bạn. Bởi Đạo Sư Vĩ đại đã nói: “Cái thấy của ta thì cao hơn bầu trời, nhưng sự chú tâm của ta tới các hành vi và kết quả của chúng thì nhỏ nhiệm hơn bột mì.”
Vì thế, chớ lang thang đây đó và nói rằng bạn là một thiền giả Dzogchen trong khi bạn hoàn toàn chỉ là một kẻ thô lỗ ợ hơi và đánh rắm!

Điều thiết yếu là bạn phải có một nền móng vững chắc của lòng sùng mộ và samaya thanh tịnh, cùng với một nỗ lực mãnh liệt, hỉ lạc được hoàn toàn làm cho quân bình, không căng thẳng quá mà cũng không lơi lỏng quá. Nếu bạn có thể thiền định, hoàn toàn ngoảnh mặt với những hoạt động và mối quan tâm của cuộc đời này, thì chắc chắn là bạn sẽ thu hoạch những phẩm tính phi thường của con đường Dzogchen sâu xa. Tại sao phải chờ đợi những đời sau? Bạn có thể nắm giữ thành trì nguyên sơ ngay bây giờ, trong hiện tại.

Lời chỉ dạy này chính là tâm huyết của trái tim tôi. Hãy nắm chặt nó và đừng bao giờ để nó vuột mất!

Đức Dudjom Rinpoche