Thiền quán về ba điểm tinh yếu Phật đạo

Thầy đã giảng về nhân duyên dẫn tới tâm cầu giải thoát. Trước hết phải biết thân người là quí, đồng thời biết lẽ vô thường và cái chết. Ðược như vậy sẽ có khả năng xả bỏ mọi ước vọng, mọi sắc tướng của kiếp sống hiện tại và tương lai. Nói về nhân duyên rồi, bây giờ thầy sẽ giảng tiếp về phương pháp thiền quán.

Chữ “thiền”, tiếng Tây tạng gọi là “gom”, có nghĩa là “làm quen”, là “tu”, là “huân tập”. Vậy thiền là tập sao cho tâm trở nên cực kỳ quen thuộc với đề mục được chọn. Thiền như vậy mang nhiều lợi ích cho tâm thức hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta thường thích nghe giảng pháp, thầy nào giảng pháp gì cũng muốn nghe, nghe từ năm nay qua tháng nọ không chán. Lúc ngồi nghe thường siêng năng ghi chép, nhưng xong buổi giảng bước ra thì đâu lại hoàn đó, những gì vừa nghe xong đều quên sạch, thói quen cũ vẫn còn. Làm như vậy chẳng ích gì cho tâm thức, hoàn toàn không thể phá bỏ phiền não.

Ðiều cần phải làm, là phải có cho được chút kinh nghiệm tâm thức tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm. Như khi sáng thầy có nói, lúc kinh nghiệm bắt đầu khởi trong tâm, tâm bắt đầu tan hòa vào đề mục thiền, đây chưa phải là thành tựu mà chỉ là điểm khởi hành. Các con cần thiền quán liên tục không ngưng nghỉ, đừng quán một hai ngày rồi quên đi vài tháng, rồi lại ngồi quán thêm ít hôm. Phải tư duy quán niệm liên tục về đề mục thiền cho đến khi dù không nghĩ tới đề mục vẫn ở lại trong tâm, kinh nghiệm sẵn sàng hiện ra bất cứ lúc nào mình muốn. Ðó là những dấu hiệu khả quan, có thể gọi là “nếm được chút mùi vị”, là con đường dẫn đến mọi chứng ngộ.

Chúng ta đều là người khởi bước trên con đường tu chứng, vì vậy phải bắt đầu bằng bước đầu tiên. Con đường chúng ta đang theo, đang cố gắng tìm hiểu, là một hệ thống tổng kết các giáo pháp Phật dạy, gọi là “Con đường tuần tự giác ngộ”, cũng gọi là “Ba điểm tinh yếu của Phật đạo”. Hệ thống này hướng dẫn từng bước tuần tự, từ điểm khởi đầu cho đến quả vị Phật. Vậy phải bắt đầu từ bước đầu tiên, thiền quán miên mật cho đến khi nảy sinh kinh nghiệm rồi mới bước sang bước thứ hai. Cứ như vậy tuần tự từng bước một. Tu theo cách này sẽ được rất nhiều lợi lạc.

Khi sáng thầy có nói, Ba điểm tinh yếu của Phật đạo này, còn gọi là Con đường tuần tự giác ngộ (tạng ngữ là Lam Rim), phải trở thành mạch sống của trọn con đường tu, đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ðây là điều quan trọng cần lưu ý. Cũng như xây nhà, trước hết phải đặt móng cho vững. Bất kể là nhà hai tầng hay sáu tầng, nền móng phải vững mới có thể xây lên. Nền móng không vững sớm muộn gì nhà cũng nghiêng đổ. Tu học cũng vậy, cần đặt nền móng cho thật vững.

Giáo pháp này là cốt tủy, là mạch sống của đường tu, lúc nào các con cũng nên ghi nhớ điều này. Khi tu, các con phải gắng sao cho tâm có được chút kinh nghiệm trực chứng. Dù chưa phải loại kinh nghiệm trực chứng không dụng công, ít ra cũng phải là loại kinh nghiệm trực chứng có dụng công. Kinh nghiệm dù có dụng công cũng có thể mở cửa cho các con bước vào những pháp tu cao hơn, như hai giai đoạn của mật tông tối thượng du già. Khi tu có đến được những thành tựu ngoài tầm nghĩ bàn này hay không, hãy còn tùy vào nền móng lúc ban đầu có vững hay không. Vậy đối với những bước đi căn bản, các con không nên hấp tấp, ít nhất phải gắng có cho được loại kinh nghiệm trực chứng có dụng công.

Như thầy vừa nói, chúng ta phải dựa trên ba điểm tinh yếu này để gầy dựng nền tảng vững chắc cho đường tu của mình. Nếu các con nhiều năm theo Phật Pháp, tu theo những pháp môn cao siêu của Mật tông tối thượng du già như ba đấng Pháp chủ Guyasamaja v.v…, cố gắng mãi mà vẫn không thấy được thành tựu như trong kinh điển diễn tả, thì đây là bằng chứng hiển nhiên là các con đã thiếu mất nền tảng, thiếu mất ba điểm tinh yếu này.

Chưa khởi được tâm bồ đề là tâm nguyện cầu thành Phật để cứu độ chúng sinh, thì bất luận đang tu gì cũng không phải là tu Ðại thừa. Tâm bồ đề phát khởi từ nhân tố quan trọng nhất là tâm “đại bi”. Tâm đại bi phát khởi từ tâm cầu giải thoát. Các con vẫn phải quay trở lại điểm khởi hành, phải bước bước đầu tiên, phải xây dựng nền móng cho thật vững.

Hơn nữa, khi tu theo Mật tông tối thượng du già, ví dụ như khởi hiện thân Phật trong giai đoạn phát khởi, (phương pháp tu này có hai giai đoạn: phát khởi và thành tựu). Cốt tủy của giai đoạn phát khởi là vận dụng tam ba thân Phật để tu. Muốn trực chứng Pháp thân qua cái chết, phải hiểu thật rõ về tánh Không, là điểm thứ ba trong ba điểm tinh yếu của Phật đạo.

Bằng không, hàng ngày cứ ngồi tụng kinh, tụng chú Om Svabhava (nghĩa là pháp và ngã đều trong sáng và đều là không) v.v., rồi nhắm mắt quán chiếu, nhưng nếu không hiểu tánh Không là gì, thì quán chiếu cái gì đây? Làm như vậy chẳng qua chỉ là lấy miệng đọc suông những dòng chữ khô khan vô nghĩa. Ngồi nhắm mắt tưởng mình đang quán chiếu, nhưng thật sự chẳng có gì xảy ra cả. Chưa hiểu được Không tánh thì dù tu gì cũng vẫn không phải là pháp tu của giai đoạn phát khởi trong Mật tông tối thượng du già.

Hơn nữa, thiếu tâm bồ đề thì cả pháp tu đại thừa cũng không phải, nói gì Mật tông tối thượng du già. Vậy ngay từ đầu các con phải nỗ lực kiên trì tu theo ba điểm tinh yếu của Phật đạo, cho đến khi đạt được kinh nghiệm trực chứng, hoặc có dụng công, hoặc không dụng công. Có được nền tảng này rồi mới có thể vững vàng bước lên những pháp tu cao hơn.

Bây giờ thầy giải thích về phương pháp quán chiếu. Bắt đầu bằng những công phu gọi là “công phu sơ khởi”. Ðầu tiên, chọn trong nhà một chỗ ngồi thanh tịnh, như một căn phòng nhỏ, hay một chỗ ngồi nhỏ, dành làm nơi ngồi thiền. Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên phải làm là quét dọn chỗ ngồi. Ngay từ đầu, đừng nghĩ mình cầm chổi, mà phải thấy đây thật ra là tuệ giác trực chứng tánh Không; đừng nghĩ là bụi, mà phải thấy đó là phiền não trong tâm thức, của mình và của mọi loài chúng sinh; đừng nghĩ mình quét nhà, mà phải thấy mình đang quét sạch mọi phiền não trong tâm, của mình và của mọi loài chúng sinh. Ðây không phải chỉ là đang quét nhà. Phải thấy bụi là chướng ngại phiền não và chổi là tuệ giác tánh Không.

Việc thứ hai phải làm là bày biểu tượng của thân miệng ý của Phật. Vì chúng ta tu theo Phật pháp, nên ảnh tượng Phật là món điều đầu tiên nên có. Và vì chúng ta đang tu theo con đường tuần tự giác ngộ, do vị đại hiền thánh Ấn độ tên A-ti-sa (Atisha) truyền dạy, sau đó được Lạt-ma Tông Khách-ba tiếp nối, vì vậy nên có ảnh tượng của hai vị này. Phải thấy Phật và các thầy đang thật sự hiện diện nơi các con ngồi thiền.

Với lòng kính ngưỡng như vậy, trước mặt hai thầy (A-ti-sa và Tông Khách-ba) và đức Phật, các con nên bày biện phẩm vật cúng dường. Quan trọng nhất cúng phẩm phải thanh tịnh. Nói thanh tịnh là nói về nguồn gốc và động cơ. Nguồn gốc thanh tịnh có nghĩa là cúng phẩm không đến từ việc làm bất chánh, ví dụ như đồ ăn cắp không thể mang cúng Phật. Còn động cơ thanh tịnh có nghĩa là vì không cúng Phật với mục tiêu thiếu trong sáng. Nếu nghĩ rằng “tôi bày biện bàn thờ đẹp đẽ sang trọng, người khác thấy được chắc chắn sẽ phục lắm”, nghĩ như vậy là lấy tâm chấp ngã mà cúng Phật; thà đừng cúng gì hết tốt hơn. Các con phải tỉ mỉ tự xét tâm mình, dù chỉ cúng một miếng trái cây nhỏ, cũng phải là miếng trái cây có được nhờ việc làm lương thiện, cúng lên Phật với trọn tấm lòng vị tha trong sáng.

Sau đó các con xếp gối ngồi thiền. Dưới gối sắp chữ Vạn theo chiều bên phải, trên đó xếp cỏ kusha (cỏ cát tường) và cỏ rampa. Những biểu tượng này đều có ý nghĩa sâu xa, ở đây thầy không đủ thì giờ để giải thích. Các con có lẽ cũng đã biết rồi. Các con nên có một chiếc gối ngồi thiền cho thoải mái, phía sau cao hơn phía trước một chút, dễ ngồi xếp bằng. Tốt nhất nên ngồi theo tư thế kiết già, tay phải đặt trong lòng bàn tay trái, thấp dưới rốn, hai đầu ngón cái chạm nhau, lưng thẳng, mắt thả xuôi theo sống mũi. Phần lớn các con ở đây chắc đã quen thuộc với những điều này, thầy không đi sâu vào chi tiết.

Khi ngồi xuống, các con đừng vội quán ngay tức khắc. Trước hết phải kiểm soát tâm mình như thầy vừa giải thích. Lúc bắt đầu quan trọng nhất là động cơ. Nếu đã quen thuộc với con đường tuần tự giác ngộ, các con có thể ôn lại những điểm then chốt, tuần tự từng bước một để khơi dậy tâm bồ đề. Nếu làm như vậy quá khó, hoặc không đủ thì giờ, hoặc không biết cách, thì các con có thể đơn giản nghĩ như sau: “Hôm nay tôi còn sống đây, nhưng đời sống này sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Mọi người, kể cả tôi, rồi sẽ có lúc phải chết, và không ai có thể biết chắc khi nào. Vậy bây giờ có được cơ hội hiếm hoi này để tu hành, tôi sẽ không để tâm mình xao lãng vướng kẹt trong lạc thú luân hồi. Vì lợi ích của toàn thể chúng sinh, đều là mẹ của tôi, tôi sẽ cố gắng thành tựu Vô thượng bồ đề. Ðể làm được như vậy, tôi sẽ thiền quán về con đường tuần tự giác ngộ.”

 Các con cứ nghĩ như vậy nhiều lần, cho đến khi ý nghĩ này chan hòa trong tâm một cách tự nhiên.

Trước khi bắt đầu quán chiếu, nếu các con thấy tâm bị xáo trộn, quá kích thích hay trì trệ buồn ngủ, thì biết đây là vì chướng ngại phiền não quá mạnh. Trong trường hợp này cần điều phục tâm mình trước, bằng cách chú tâm vào hơi thở. Có nhiều phương pháp quán hơi thở. Ðơn giản nhất là tập trung vào hơi thở, thở vào, thở ra, đếm từ một đến bảy hay mười bốn, gắng giữ tâm mình nơi hơi thở cho đến khi tâm lắng vào trạng thái trung tính, chướng ngại phiền não tạm thời dẹp yên. Nếu muốn có thể quán phức tạp hơn một chút, nhất là nếu đang tu theo phương pháp chuyển hóa tâm thức, vận dụng hơi thở rất nhiều, rất nên quán mình đang thở ra tất cả mọi phiền não dưới dạng khói đen, và hít vào năng lực hộ trì dưới dạng khói trắng. Nếu thấy quán như vậy quá phức tạp, thì chỉ cần dõi tâm theo hơi thở, rồi tâm tự nhiên sẽ lắng định, phiền não sẽ tạm yên.

Bây giờ các con có thể chú tâm quán chiếu theo lời hướng dẫn của thầy. Một khi tâm đã an định, các con khởi tâm bồ đề, nghĩ rằng vì chúng sinh, là mẹ của mình, mà nguyện thành tựu Vô thượng bồ đề, nguyện tu theo con đường tuần tự giác ngộ. Vì vậy bây giờ tôi sẽ quán chiếu về thân người quí hiếm, và tám sự tự tại”. Các con sinh ra làm người là thoát được tám cảnh ràng buộc cản trở việc tu học theo Phật pháp. Bốn cảnh ràng buộc đầu là không được sinh ra làm người mà phải sinh vào những cõi khác như địa ngục hay quỉ đói (ngạ quỉ). Hai cõi này tuy không thể trực tiếp thấy, nhưng nếu thấy lời của Phật nói đáng tin vậy, thì có thể hiểu được rõ hơn về những cõi này. Nói tóm lại, các con phải quán chiếu như sau:

“Ví như tôi sinh vào địa ngục, khổ não nóng lạnh bức bách, tâm chỉ có thể nghĩ đến nỗi khổ lớn lao mình đang phải chịu, sinh vào cảnh như vậy liệu có còn biết nghĩ đến Phật pháp hay không? Ví như sinh ra làm quỉ đói, đói khát đến độ toàn thân khô kiệt, tâm chỉ biết tới nỗi đói khát đang phải chịu, khắc khoải mong có được chút gì để dịu bớt cơn đói khát, nhưng cố gắng mấy cũng thể tìm ra.“

Thấy mình là quỉ đói chịu đủ mọi cảnh khổ như vậy rồi, khi ra khỏi cảnh đang quán chiếu, sẽ thấy “tôi đang làm người, không phải chịu cảnh khổ đau cùng cực kia, tôi có thể tu theo Phật pháp, thật quá may mắn.”

Tiếp theo lại quán chiếu cảnh súc sinh. “Nếu tôi sinh ra làm súc sinh thì sao? Nếu tôi sinh ra làm con chó, con rắn, hay con heo, con chim? Ðầu óc sẽ mê muội đến nỗi ngoài chuyện săn miếng ăn ra, chẳng thể học được gì nhiều. May quá, tôi cũng không rơi vào cảnh như vậy. Tôi được làm người, có thể thiền quán, tu học, đầy đủ khả năng để làm những việc thật sự có ý nghĩa”.

Sau đó lại quán chiếu cảnh trời. “Nếu tôi sinh vào cõi trời, sẽ được hưởng đời sống dài lâu, tràn đầy an lạc, rồi khi chết, khổ đau không thể nói hết. Vì chư thiên thấy được đời sau mình sẽ đọa vào cõi thấp, nên phát sinh phiền muộn, chịu khổ não lớn lao. Khi sống trên cõi trời, vì quá an lạc nên không thể nhớ tới Phật pháp, thật quá phí uổng. Nhưng tôi không phải chịu cảnh chướng ngại này, tôi sinh ra làm người, có thể thiền quán, tu học”.

Các con phải quán chiếu như vậy nhiều lần. Tự đặt mình vào từng cảnh sống, khi trở ra hiểu được mình không kẹt trong cảnh chướng ngại, tự nhiên sẽ có cảm giác mừng vui cùng cực. Còn nếu sinh ra làm người mà vướng kiến thức sai lầm thì sao? Làm người mà tin thuyết duy vật, tách lìa khỏi Phật Pháp, thì cũng chỉ phí uổng mà thôi. Sẽ không tu được chút gì, không học được một câu chú, một lần thiền, không được gì cả.

“Tôi không gặp cảnh chướng ngại như vậy, lại có đủ mọi giác quan, có mắt thấy được thầy tôi, thấy được ảnh tượng của Phật. Tôi có thể đọc kinh sách, có thể ghi nhớ tụng niệm, có thể tư duy, có thể nghe giáo pháp của Phật, giác quan tôi có đủ. Nếu giác quan khiếm khuyết, dù tâm không bị ràng buộc bởi kiến thức sai lầm, vẫn không thể nghe giảng pháp, không thể hưởng lợi lạc, không thể thọ nhận giáo pháp từ vị thầy nào cả, cũng không thể đọc kinh sách. Tôi không gặp cảnh chướng ngại như vậy. Tôi đầy đủ tự do tự tại để tu theo Phật pháp, tâm tôi hoàn toàn tự tại”. Nghĩ về điểm này, quán như vậy nhiều lần, khi trở ra sẽ thấy mừng là mình đủ mọi tự do tự tại, có nhiều khả năng thật lớn lao.

Lúc nãy thầy quên nói với các con rằng khi bắt đầu ngồi thiền, các con cần quán chiếu với tâm qui y thuần tịnh nơi vị đạo sư và với hiểu biết về hoàn cảnh tự tại và thuận tiện của thân người.

Nói tóm lại, ngay bây giờ Phật đạo đang mở ra trọn vẹn dưới chân các con. Phần lớn mọi người ngồi đây đã đều đã gặp được một vị thầy dẫn đạo xứng đáng. Các con có thể thọ nhận giáo pháp, có thể mang giáo pháp này về nuôi dưỡng trong tâm. Cánh cửa đưa vào Phật đạo đã hoàn toàn rộng mở, thắc mắc điều gì cũng đều có thể tìm ra câu trả lời. Ðây là điều các con phải cố gắng hiểu cho thật rõ, phải cảm nhận sâu xa sự may mắn của mình. Tất cả mọi tiềm năng, mọi hoàn cảnh thuận tiện để tu theo Phật pháp, các con đều có đủ.

Quán chiếu vậy rồi, các con chuyển đề mục, quán về ý nghĩa của đời sống mình đang có. “Thân người quí hiếm này, tôi có thể dùng vào việc gì?” Có thể thực hiện nhiều việc ngoài tầm nghĩ bàn, đạt những chứng ngộ ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ như tôi có thể ngưng không sinh vào ba cõi tái sinh thấp kém, đó là điều tôi có thể làm được, có thể bắt đầu toan tính ngay từ bây giờ, nhờ thân người tôi đang có đây. Tôi có khả năng chủ động, và cũng có khả năng tự giải thoát mình ra khỏi luân hồi. Ðủ khả năng đoạn diệt mọi khổ đau. Không những vậy, nếu biết xây dựng nền tảng tu hành cho vững chắc, tôi còn có khả năng sinh vào các cõi tịnh độ của các đấng Thiên nữ (Dakini). Hơn nữa, tôi lại có khả năng tích tụ nhân duyên để thành Phật. Tất cả những việc lớn lao như vậy tôi đều có khả năng thực hiện nội trong khoảnh khắt ngắn ngủi của cuộc đời này, có khi còn nhanh hơn vậy, có khi chỉ vài năm. Tôi có thể đạt tới trình độ chứng ngộ không thể nghĩ bàn, thành tựu địa vị Phật Kim cang tát đoả. Khả năng của tôi lớn lao như vậy. Tất cả mọi thành tựu nói trên tôi đều có thể làm.

“Thân người tràn đầy ý nghĩa như vậy, thật khó mà có được. Có khi không trở lại hai lần, mà lại vô cùng ngắn ngủi, vì vậy ngay bây giờ gặp được sự may mắn lớn lao như vậy, tôi không thể phí phạm thời gian ngắn ngủi của kiếp làm người. Thân người này sớm muộn gì cũng sẽ mất, khi mất rồi, chỉ Phật pháp là còn ở lại, mọi thứ khác đều sẽ tan bay”.

“Vì vậy tôi phải cực kỳ thận trọng với thời gian và cuộc sống. Phải tận dụng mọi khả năng mình đang có, vì không những là tôi sẽ phải chết, lại không biết là sẽ chết lúc nào”.

Ðiểm này thật rõ ràng, rất dễ quán. Vì vậy khi quán nên đặc biệt chú tâm đến điểm này, và nên chú tâm đến những gì xảy ra khi chết. “Bất kể quanh mình có những ai, khi chết, tiền tài hay người thân đều không thể mang theo, đều không thể giúp ích được gì. Ngay chính tấm thân này, tấm thân mà tôi cưng chìu trau chuốc biết bao nhiêu, cũng sẽ phải bỏ lại phía sau. Tâm thức sẽ lìa thân, tất cả những gì góp nhặt được trong đời sống đều phải bỏ lại phía sau lưng. Ðiều duy nhất còn lại, là công phu tu hành.”

Ðây là phương pháp quán để phát tâm cầu giải thoát. Bước thứ nhất là đảo ngược sắc tướng của kiếp sống hiện tại, bước tiếp theo là đảo ngược sắc tướng của những kiếp tương lai. Ðiều quan trọng nhất cần phải hiểu, là thật tướng của Phật, là trạng thái siêu việt mọi phiền não chướng ngại, thành tựu mọi tánh đức. Dựa trên nền tảng này để biết rằng lời Phật dạy luôn chân thật, nhờ đó có thể biết chắc mình có khả năng thành Phật. Sau đó, quán về nghiệp quả. Bất cứ hành động nào, dù thiện dù bất thiện, đều sẽ mang lại hạnh phúc hay khổ đau trong tương lai.

Nếu hành động không phạm, nghiệp không gieo, thì quả sẽ không đến. Vì vậy hễ có được tâm qui y thuần tịnh nơi Tam bảo, là đóng được ba cánh cửa mở vào ba cõi tái sinh thấp kém. Tuy vậy dù không sinh vào các cõi thấp kém, nếu vẫn còn trong luân hồi thì vẫn phải chịu sự ràng buộc của nghiệp và phiền não. Dù sinh ra ở đâu, tính chất căn bản của đời sống luân hồi cũng vẫn là khổ đau.

Ví dụ như cõi người. Khổ đau của sinh, lão, bịnh, tử vốn thuộc về kiếp người. Sinh ra làm người ai cũng phải chịu bốn cái khổ này. Ngoài ra, còn thêm nhiều loại khổ khác như phải xa lìa người mình thương. Có người vì phải lìa xa người thân mà đau khổ nhiều năm, gần như phát điên. Lại có loại khổ đau phải gần người mình ghét. Ðó là tính chất của kiếp người. Cũng có khi vì không thỏa mãn mà khổ. Bất kể lạc thú cỡ nào, hễ càng được thì lại càng thiếu thỏa mãn.

Nếu nói về ba loại khổ, có loại khổ đến từ thay đổi (hoại khổ), của những điều ban đầu là lạc thú nhưng vì không bền nên dần chuyển thành khổ đau tinh thần thể xác (khổ khổ). Lại có loại khổ đau gọi là khổ đau của hợp thể ô nhiễm, của nhân duyên (hành khổ). Loại khổ này cho thấy không cần biết sinh ra ở đâu, cứ hễ còn chịu sự chi phối của nghiệp và phiền não là còn khổ, vì gốc rễ của khổ đau chính là phiền não. Thấy như vậy thì hiểu rằng đóng cánh cửa vào ba cõi tái sinh thấp kém vẫn chưa đủ. Hễ còn loanh quanh trong luân vòng thì vẫn chưa thể đạt tới niềm an lạc chân chính lâu bền.

Ngay cả chốn an lạc nhất trong luân hồi là cõi trời, lạc thú và quyền năng của chúng sinh nơi đó vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, nhưng rốt lại, cảnh sống tốt lành này cũng không bền, đến khi chết vẫn phải bỏ lại phía sau lưng. Nói tóm lại, trong toàn sáu cõi luân hồi, dù sinh vào cõi nào thì cũng chỉ là khổ. Vì vậy phải tự giải thoát, tự kéo mình ra khỏi luân hồi. Ðể ý quan sát từ tận đáy tim, xem bao giờ cảm giác này nảy sinh trong tâm, bao giờ thấy rằng “tôi phải giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi, vì dù có sinh vào cõi nào, dù đời sống có yên ổn hạnh phúc đến đâu chăng nữa, hạnh phúc đó ngay từ bản chất đã là hư vọng, không thể trông cậy được. Vì lý do này tôi phải giải thoát chính mình, phải chặt đứt gốc rễ luân hồi. Bất luận là như thế nào tôi nhất định phải giải thoát mình ra khỏi luân hồi”.

Làm sao biết tâm cầu giải thoát đã có hay chưa? Trước hết các con phải cảm nhận sâu xa rằng tất cả những gì mình ngỡ là tốt đẹp, tất cả những hạnh phúc mình mong cầu, đều không có giá trị gì cả. Thế giới này thật phù du, biến chuyển theo từng phút giây. Bản chất của sự vật trong đời sống này là chuyển biến liên tục. Và chính vì biến chuyển liên tục, nên ta không thể trông đợi gì nơi đó cả. Sự vật trong đời sống ngay từ căn bản vốn không có chút gì có thể trông cậy được. Ngay chính bản chất của hạnh phúc trong cõi sống, thật ra vẫn là khổ đau. Cảnh sống nơi đây chỉ toàn là ảo vọng. Thấy hạnh phúc, nhưng thật sự là vô thường. Rồi tất cả sẽ thay đổi. Sự vật rồi sẽ hiện tướng khổ đau, các con sẽ cảm thấy mình bị dối gạt. Ðây sẽ là tình trạng chung, bất kể là đang ở đâu trong luân hồi.

Khi điều này hiện ra rõ ràng trong tâm trí, đến độ các con không phút giây nào còn ham loại hạnh phúc thế tục mà xưa nay các con vẫn hằng bận rộn mưu cầu, vì bây giờ các con đã thấy rõ tất cả chỉ là hư vọng. Bao giờ trong tâm liên tục nghĩ đến chuyện vượt thoát cảnh ràng buộc luân hồi, nghĩ đến một cách tự nhiên, mãnh liệt, không gián đoạn, thì khi ấy có thể nói là tâm cầu giải thoát đã phát khởi. Tâm này tự nó đã là một thành tựu đáng kể. Dù chưa phát tâm bồ đề hay chứng tánh Không, chỉ cần phát được tâm cầu giải thoát là có thể thấy được sự biến chuyển lớn lao trong tâm mình. Các con sẽ trở nên cực kỳ can đảm, tâm sẽ có được năng lực vô úy, sẽ có khả năng dũng tiến trên con đường tu Giới, Ðịnh, Tuệ.

Bao giờ cảm nhận được sâu xa tính chất khổ đau của luân hồi, các con chắc chắn sẽ khởi tâm khao khát muốn vượt thoát. Ðiều này sẽ đến rất tự nhiên. Khi xảy ra rồi, các con sẽ ráo riết truy tìm nguyên nhân của khổ đau. “Là cái gì? Cái gì ràng buộc tôi trong luân hồi? Ðâu là chướng ngại của đời tôi? Tôi phải diệt bỏ cái gì? Phải đi theo con đường nào để tự giải thoát? Nói giải thoát, thật ra là nghĩa gì?” Ðây là một cuộc truy tìm ráo riết và sắc bén. Sắc bén tựa như cuộc tìm tòi nghiên cứu khoa học. Cần ấn định hiện tượng đang nghiên cứu, rồi vận dụng đủ mọi phương pháp để tìm cho ra tất cả mọi điều liên quan đến hiện tượng này.

Khi hiểu rõ luân hồi là khổ, các con sẽ muốn vượt thoát, tâm trí sẽ để hết vào việc giải thoát luân hồi. Một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ liên tục, các con luôn truy tìm phương pháp vượt thoát luân hồi, và nhờ ráo riết truy tìm như vậy, các con sẽ từ từ hiểu được tính chất của đời sống này là gì, hiểu được mình cần buông xả những gì, cần tu theo phương pháp nào, và tu như vậy là để đạt đến cái gì. Tất cả những điều này khi sẽ đến với các con mạnh như sấm sét, nhờ đó các con sẽ đủ năng lực tu theo cái gọi là Giới, Ðịnh, Tuệ. Bắt đầu với Giới và Ðịnh, dựa vào Giới và Ðịnh để tu Tuệ, và Tuệ chính là điều sẽ bứng sạch gốc rễ luân hồi. Nếu thành tựu được tâm cầu giải thoát, thì dù không tới được với tâm bồ đề, các con đã có thể an trú trong chánh pháp. Ðường tu sẽ mở ra trong tâm, các con bước vào một cách tự nhiên. Ðây là điều cực kỳ tốt lành. Không cần nghĩ đến chuyện xa xôi, tâm cầu giải thoát tự nó đã là một thành tựu cực kỳ mãnh liệt.

Ngoài ra, tâm cầu giải thoát còn là nhân tố chính yếu đưa đến tâm đại bi. Khi các con phân tích, cảm nhận được tầm vóc nỗi khổ của chính mình trong luân hồi, đó là tâm cầu giải thoát (chán khổ sinh tử). Mở rộng cảm nhận này ra với nỗi khổ của người khác, với mọi loài chúng sinh, đó chính là tâm đại bi.

Đức Ribur Rinpoche