Phương pháp tu học

Chiều nay thầy định nói với các con ít điều về phương pháp tu học. Trong mấy ngày qua các con có lòng đến nghe pháp, tìm cách khai mở trí tuệ, vì vậy chúng ta có dịp gặp nhau ở đây. Trí tuệ đến từ sự nghe pháp là một loại trí tuệ rất quan trọng. Trí tuệ đến từ sự nghe có thể ví như ánh sáng xua tan bóng tối vô minh. Các con luôn phải nhớ đây là một loại trí tuệ rất quan trọng, có khả năng thắp sáng tâm thức như một ngọn đèn lớn, giải tỏa mây mù vô minh.

Kiến thức đến từ sự nghe là tài sản quan trọng nhất mà người trong đời có thể có được, vì tài sản này sẽ luôn ở lại. Dù làm gì, ở đâu, kiến thức này cũng ở lại cho đến khi chết. Kiến thức này là kho tàng không mất đi. Mọi thứ tài sản khác đều có thể bị mất cắp, ngoại trừ tài sản kiến thức. Vì vậy mà nói đây là tài sản quí giá nhất trong đời.

Ví dụ khi xuống các trạm xe lửa ở xứ Ấn, gọi cu li khiên hàng ai cũng phải canh chừng cẩn thận vì hở một chút là họ mang hành lý của mình đi mất. Tuy họ giúp mình, mình cần họ, nhưng vẫn phải thận trọng lo lắng. Lại có khi mất đồ vì mình để sót đồ trên xe… Tài sản nghe pháp không giống vậy. Thường nói tài sản này là người bạn đồng hành quí giá nhất. Nguyên nghĩa chữ “hiện hữu” trong tiếng Tây tạng là “có thể”, có nghĩa là việc gì cũng có thể xảy ra. Tính chất của đời sống này là việc gì cũng có thể xảy ra. Nhất là những việc chẳng lành, chúng ta bị trói cột vào đó, dù là hàng xóm, vợ chồng, cha mẹ, con cái v.v…, ai cũng mang lại vấn đề. Bất cứ là quan hệ với ai cũng sẽ gặp vấn đề, là vì tính chất của đời sống này là khổ đau. Dù không muốn cũng vẫn là như vậy.

Nếu có được trí tuệ đến từ sự nghe, khi gặp chuyện bất ổn các con có thể tự nói với mình “tôi tuy đang gặp rắc rối , nhưng không có gì phải lo, đời sống này là vậy, chỉ là nghiệp báo”. Trí tuệ đến từ sự nghe sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất, nhất là trong lúc gặp khó khăn. Thầy quên nói, khi các con gặp cảnh bất hạnh, tâm các con luôn có khuynh hướng trăn trở tuyệt vọng. Nếu có trí tuệ đến từ sự nghe thì có thể bình được tâm mình, có thể xoa dịu và mang an lạc về lại trong tâm thức.

Chúng ta khổ đau, đó chỉ vì tham sân si không ngừng quấy rộn trạng thái yên tĩnh của tâm thức. Nếu đã từng nghe pháp, hiểu về tham sân si, biết cách thuần phục tâm, thấy rõ tham sân si là gốc rễ của khổ đau, là nguyên nhân của phiền não, khi ấy các con sẽ đủ khả năng đương đầu với hoàn cảnh bất hạnh, mang an lạc về lại cho tâm thức. Ðây mới thật là căn bản của sự an lạc chân chính. Nhất là giáo pháp về Ba điểm tinh yếu của Phật đạo, các con nên cố gắng nghe giảng cho thật nhiều. Toàn là những điều quan trọng hữu ích, vì đây là phương pháp giúp các con điều phục tâm trong những hoàn cảnh khó khăn vượt bực. Các con sẽ thấy rõ khi nào mình bị phiền não quấy nhiễu, như khi giận dữ, tham đắm, các con sẽ thấy rõ mình đang rơi vào tâm trạng ấy như thế nào, làm sao có thể giải quyết, tâm nào sẽ là thuốc hóa giải loại phiền não đặc biệt mình đang trải qua.

Nếu không hiểu rõ những điều này, không biết quan sát hiện trạng của tâm mình, như vậy gặp lúc khủng hoảng hay kích động các con sẽ không tự biết. Còn nếu biết nghe theo giáo pháp, nhận diện được tâm trạng của mình, chừng đó sẽ có thể tự lo, cách đối phó với cái tâm bất trị của mình.Ngoài ra, nghe pháp từ vị thầy nào giảng cũng là điều rất quan trọng. Không phải cứ có người giảng pháp là mình tới nghe. Phải thận trọng tìm hiểu, phải đánh giá cho kỹ. Bằng không không những không gặp được thiện tri thức mà lại tạo duyên với ác tri thức.

Nói chung, người thầy giảng pháp cần có nhiều đức tính. Ít nhất người giảng pháp phải là người các con có thể hoàn toàn tin cậy được. Người ấy phải thấy kiếp sống tương lai quan trọng hơn kiếp hiện tại, phải thấy người khác quan trọng hơn chính mình. Ðó là hai đức tính tối thiểu phải có nơi người thầy giảng Phật pháp.

Không phải bất cứ ai giảng pháp mình cũng nghe được. Làm như vậy rất nguy hiểm. Ðây là điều tối quan trọng, đừng bao giờ tạo duyên với vị người thầy bất thiện, bằng không chính các con sẽ gặp nguy hiểm, gây hại cho công phu tu tập, thậm chí cho cả mạng sống của mình. Trong quá khứ có nhiều câu chuyện như vậy, ví dụ như trường hợp của Ương quật ma la [Angulimala], tuy có lòng chân thành cầu pháp nhưng lại tin nơi ác tri thức. Vì vậy mà phạm biết bao ác nghiệp, giết hơn 900 người. Thái độ thiếu thận trọng gặp ai giảng pháp cũng nghe là một thái độ cực kỳ nguy hiểm, các con nên tránh.

Nếu chỉ nghe giảng về giáo pháp tổng quát như Lam-rim để thu góp kiến thức thì không sao, tuyệt đối đừng dấn tâm, nói cách khác, đừng cảm thấy có liên hệ thầy trò với người giảng pháp. Sau một thời gian dài xem xét cẩn thận, thấy vị thầy kia có đủ tư cách làm đấng đạo sư, tối thiểu phải có 2 đức tính như thầy vừa nêu, bấy giờ nếu muốn chuyển hóa tâm , các con phải dấn tâm vào mối liên hệ thầy trò với vị thầy kia. Một khi đã quyết định bước vào mối liên hệ thầy trò rồi, các con không thể tùy tiện thay đổi ý muốn, không thể tùy tiện chối bỏ vị đạo sư. Vì vậy cần phải cực kỳ thận trọng khi chọn thầy.

Nói chung, nếu chỉ là giảng về Lam rim hay về giáo pháp tổng quát, – về hiển pháp các con có thể đến nghe và chỉ nghe thôi. Nhưng nếu là mật pháp, cho dù là hộ trì (blessing), cho phép (jenang) hay quán đảnh [initiation], thì không có chọn lựa nào cả, hễ đến nhận pháp là thành thầy trò, vị thầy kia thành bậc đạo sư của mình và mình phải giữ gìn pháp Ðạo sư Du già cho nghiêm mật. Các con sẽ phải qui y nương dựa vào vị thầy đó theo đúng lời hướng dẫn trong giáo pháp.

Những gì thầy giảng mấy ngày vừa qua không phải là mật pháp, chỉ là hiển pháp. Nhưng thầy muốn nêu ra vấn đề này để các con về sau cẩn thận một chút. Một khi đã nhận pháp quán đảnh, nhận pháp hộ trì, hay chỉ giản dị nghe giảng mật pháp, thì cho dù không biết vị thầy đó là ai, các con vẫn phải giữ pháp Ðạo sư Du già với vị thầy đó như thường.

Còn đối với những pháp hiển tông như giai đoạn tuần tự tu chứng [lam-rim] hay phương pháp chuyển hóa tâm [Lojong], nghe càng nhiều lại càng tốt. Nghe càng nhiều càng được lợi lạc. Không có chút vấn đề nào ở đây cả. Không giống như mật pháp. Khác nhau như vậy là vì mật pháp không phải là phương pháp tu dành cho đại chúng. Mật pháp cũng rất khó, các con không thể đến nghe cho biết. Còn các pháp chuyển hóa tâm [Lojong] hay giai đoạn tuần tự tu chứng v.v…, nghe càng nhiều càng tốt.

Thầy sẽ nói về một vài lợi ích nghe pháp. Lợi ích này thật không thể nghĩ bàn. Có quá nhiều, trong một buổi giảng thầy không thể nói hết. Dù sao đi nữa, tuy nghe phápmang lại nhiều lợi ích, Lạt-ma Tông Khách-ba có nói, tới nghe pháp chưa đủ. Nghe được những gì phải mang ra thực hành. Thấy có gì tu được thì phải gắng sức tu. Nói cho cùng, lý do duy nhất khiến mình đến nghe pháp, là để tu. Không có lý do nào khác. Vậy bất cứ điều gì có thể thực hành được các con nhất thiết phải thực hành.

Ngài Tông Khách-ba có nói, “thầy dạy cho các con con đường giải thoát. Nhưng giải thoát hay không chỉ tùy nơi các con có tu hay không”. Việc này không tùy nơi thầy. Thầy không thể cõng các con qua bờ giải thoát được. Giải thoát được hay không là tùy các con có chịu tu hay không. Vậy tất cả những gì có thể tu, các con phải tu cho chuyên cần liên tục, mỗi ngày hai mươi bốn tiếng không gián đoạn. Nói vậy không có nghĩa là các con phải làm nhiều làm tất cả ngay cùng một lúc, vì nếu ôm đồm quá nhiều, chỉ vài hôm là mệt chịu không nổi, sẽ bỏ hết. Các con phải nhắm chuyện đường xa, cần làm những gì mình có thể làm được, và làm cho thật đều đặn liên tục.

Các con thử nghĩ lại mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ các con làm gì. Gần phân nửa mất cho chuyện ngủ nghỉ. Thời gian còn lại, được bao nhiêu dành cho Phật pháp, rồi lại được bao nhiêu thật sự tu tập? Thỉnh thoảng được vài lần tâm thuận theo Phật pháp, còn lại chỉ lãng phí trong câu chuyện gẫu, nói đủ chuyện vô nghĩa, nói đủ lời bất thiện. Rồi lẩn tha lẩn thẩn, ngủ nghỉ liên tục. Nhìn lại hai mươi bốn tiếng mỗi ngày của mình, chẳng được mấy lúc tu theo Phật pháp. Vì vậy các con nhất định phải có được một phương pháp chuyển hai mươi bốn tiếng đồng hồ lãng phí này thành thời gian tu tập.

Ðầu tiên là khi thức dậy. Vừa mở mắt ra, trước khi làm bất cứ việc gì, các con phải tức khắc phát tâm nguyện rộng rãi. Tâm nguyện, động cơ, là một loại tâm thức rất mãnh liệt. Các con nên nghĩ như sau, “sáng nay con vẫn còn sống đây, thật là một phép lạ, nhờ Tam bảo từ bi gia hộ. Vì vậy đời sống còn được bao ngày, năm nay, tháng này, ngày hôm nay, con sẽ không phí phạm phút giây nào.” Buổi sáng khi vừa tỉnh giấc các con phải nên phát nguyện như vậy. Nhớ nghĩ đến điều này luôn luôn. Phát nguyện cho thật mạnh mẽ, “con sẽ không lãng phí thời gian”. Phải hạ quyết tâm, đời sống còn lại được bao ngày mình sẽ không phí phạm chút nào cả. Mình sẽ dốc sức tu tập. Nghĩ như vậy thật nhiều lần.

Cho người đang tu theo mật pháp thì lại khác, nhưng thầy không giải thích ở đây làm gì. Sau đó xuống giường, nếu các con đi tắm thì đừng nghĩ mình đang tắm rửa thân thể của mình, mà phải quán tưởng mình đang thanh tịnh sám hối tâm hư vọng của mình. Trong khi tắm, đừng nghĩ mình rửa thân xác bên ngoài. Nếu có thể quán tưởng mình đang thanh tịnh hóa tâm của mình và tụng chú OM HANNA HANNA HUM PHAT, thì rất tốt.

Ngang đây, các con bắt đầu ứng dụng công phu qui y vào đời sống thực tế. Khi ăn, các con cúng dường món ăn, là cúng phẩm tuyệt vời dâng lên Tam bảo. Tu theo mật pháp thì phương pháp cúng dường khác hơn, các con nếu muốn tu theo như vậy, phải nên đến trực tiếp hỏi một vị thầy [có khả năng giải thích về việc này].

Người tu theo mật pháp lấy thân ngũ uẩn làm chùa, là nơi trú ở của khí mạch và khí, ở đó các đấng thiên tử thiên nữ liên tục cúng dường dòng cam lộ của Trí Huệ và Ðại Lạc cho đấng đạo sư, đồng nhất với tâm thể. Vị đại hành giả Milarepa có nói, “Thỉnh thoảng tôi ăn, ăn là tu. Thỉnh thoảng tôi ngủ, ngủ là tu”. Ðiều này rất phức tạp, người nào tu theo mật pháp cần phải tu theo như vậy.

Các con có lẽ phải đi làm, và có lẽ phải lái xe tới sở. Thầy để ý ở Tây phương, người lái xe thường chở theo một người bạn. Phần lớn ngồi tán gẫu trong xe. Thầy nghĩ nên nói ít một chút là hơn. Dù chở bạn theo trong xe, cũng nên giữ chánh niệm. Không cần phải nói nhiều. Có thể tụng chú cho đến khi đến sở. Khi đến sở, lại phát nguyện thêm một lần nữa, giống như khi mới thức dậy, “con sẽ không phí uổng đời mình, sẽ ráng hết sức mình giữ càng nhiều thiện nghiệp càng tốt”.

Ngồi xuống ghế làm việc, bình thường các con phải nói chuyện, phải làm việc, nhất là khi gặp người khác, trước khi nói điều gì, phải nhìn lại tâm mình. “Nói ra như vậy có ích lợi gì không? Có hại gì ai không? Có vô bổ mất thì giờ không?” Không mang lại được gì thì ngậm miệng đừng nói. Cần phải liên tục xét tâm mình như vậy. Các vị thầy dòng Kadampa có khuyên đệ tử như sau, “Gặp người, tự xét lời; một mình, tự xét tâm.” Ðiều này có nghĩa là khi gặp người khác, lúc cần phải nói thì tự xét xem lời mình sắp nói sẽ mang lợi hay gây hại, nếu gây hại hay vô ích thì đừng nói. Khi ở một mình thì phải xét tâm. “Tâm mình đang làm gì? Nghĩ điều thiện hay bất thiện? Có sắp rơi vào hư vọng phiền não hay không?” Phải tự xét tâm để biết sai mà thay đổi. Liên tục cảnh giác coi chừng lời nói ý nghĩ của mình. Ðiều này cực kỳ quan trọng.

Tới giờ ăn trưa, nếu về nhà ăn trưa thì có được bữa ăn đàng hoàng, bằng không có lẽ chỉ ăn bánh mì nguội hay xúc xích. Dù ăn cái gì cũng phải làm như bữa sáng, phải cúng dường Tam bảo trước khi ăn. Rồi trở về sở, lại phát nguyện như khi sáng. Buổi chiều về nhà, đừng giống như người ta mang hết căng thẳng khó chịu trong ngày ra để kiếm chuyện với người nhà. Nên giữ tâm yên tĩnh. Về tới nhà đừng tỏ vẻ khó chịu. Người xuất gia không gặp những vấn đề như vậy. Còn người sống tại gia chung với bạn đời, cần cố gắng xây dựng cuộc sống sao cho hòa thuận an vui. Có thể trong nhà các con có được một chỗ ngồi thiền, nếu có thì nên vào ngồi một lúc cho căng thẳng lắng xuống, rồi mới ra ăn cơm tối. Ðừng lộ vẻ căng thẳng gây sự với người nhà.

Thường nói Phật pháp là an lạc còn đời sống gia đình đầy bất an. Ðiều này có nghĩa là càng trú ở Phật Pháp, tâm càng an định, mọi sự suông sẽ, an lành. Còn nếu vướng kẹt trong cảnh gia đình sẽ dễ gặp chuyện bực mình cãi lộn. Ðời sống nói chung là như vậy, đời sống xuất gia và tại gia không giống nhau. Buổi tối các con phải trở lại với công phu chỉ quán của mình, dù đang tu theo phương pháp nào, mật chú, Ðạo sư Du già, sáu thời công phu, trì chú hay bất công phu nào khác, các con nên ngồi xuống thiền.

Chúng ta là đệ tử của dòng Kadampa, vì vậy có hai công phu rất quan trọng. Ðó là công phu lúc bắt đầu và khi kết thúc. Bắt đầu là phát nguyện. Và kết thúc là hồi hướng. Trước khi bắt đầu buổi thiền, dù là thiền theo phương pháp nào cũng vậy, phải xét kỹ tâm nguyện của mình có trong sáng hay không, có phải là tâm nguyện bồ đề hay không. Khi kết thúc, để ý hồi hướng cho đàng hoàng. Nếu đang tu đạo sư du già trong mật tông, sẽ phải tụng nhiều chú. Khi tụng chú cần phải để ý dừng để tâm xao lãng, bằng không tụng chú chẳng để làm gì, cũng chỉ là việc làm bất thiện. Vậy ít nhất phải giữ tâm mình nơi câu chú, nghĩ đây là lời khẩn cầu, nguyện phát tâm qui y, nguyện nhận được năng lực hộ trì của vị pháp chủ mình đang hành trì.

Ngài Tịch Thiên có nói trong Hành Bồ Tát Ðạo [Bodhisattvacaryatara] rằng nếu tụng chú bằng tâm thất tán không an định thì tụng bao nhiêu chú cũng chỉ là lãng phthời gian, không tạo thiện nghiệp. Ðiều này rất quan trọng. Vì vậy các con cần cư xử ôn hòa với người nhà, đừng xung đột tranh cãi.

Còn lại là ngủ, đúng không? Ðừng bỏ qua thời gian trước khi ngủ. Thời gian này rất quan trọng. Phải xét lại việc đã làm trong ngày. Mình có sống đúng như lời phát nguyện buổi sáng hay không? Nếu có, phải vui mừng tùy hỉ, “hôm nay con sống có ý nghĩa, thuận với ý nguyện của mình, con đã làm điều này, điều kia”. Rồi hạ quyết tâm “ngày mai nếu còn thức dậy, còn được bao nhiêu ngày sống, con sẽ sống tích cực như hôm nay”. Còn nếu có làm điều gì không đúng, trái với ý nguyện của mình, thì phải nhìn nhận, “con đã làm điều này điều kia không đúng với ý nguyện của mình”, khi ấy phải sám hối, ví dụ sám Bách Tự Chú [Vajrasattva Mantra], sám qui y, sám hồng danh v.v… Chọn một phương pháp sám hối để thanh tịnh nghiệp chướng của mình, rồi nhất quyết thay đổi: hôm nay tôi làm sai điều này, nhưng ngày mai tôi sẽ không tái phạm”.

Ðể sống thuận theo Phật giáo, các vị thầy dòng Kadampa có một truyền thống là giữ những viên đá trắng và đen. Ngồi tọa thiền, quán tâm, hễ thấy khởi được tâm gì tốt, ví dụ như tâm bồ đề, hay tâm cầu giải thoát, họ đặt xuống một viên đá trắng. Nếu phiền não dấy lên, họ đặt xuống một viên đá đen. Cuối ngày đếm lại xem trong ngày có được bao nhiêu đá trắng, bao nhiêu đá đen, rồi tùy đó mà sám hối. Khi còn trẻ, thầy cũng đã từng theo phương pháp này, bây giờ già rồi nên không làm như vậy nữa. Nếu tăng ni làm theo như vậy thì thật quá tốt. Hễ cảm thấy lo lắng, thả xuống một viên đá đen. Rất hữu ích, nhất là khi bị người khác chọc tức, sẽ phải ráng “đừng, đừng nổi nóng, nếu không phải lãnh thêm 1 viên đá đen”. Thầy chỉ nói đùa.

Bây giờ đến lúc các con sắp sửa ngủ. Nên làm gì? Người nào đang tu theo mật pháp, bộ nào trong mật pháp cũng có phương pháp thiền quán đặc biệt khi ngủ, thầy không cần phải nói về việc này.

Cho người trong hiển pháp, ngay trước khi rơi vào giấc ngủ, nên nghĩ mình đặt đầu trong lòng Phật thay vì thấy mình đặt đầu lên gối. Cứ thấy mình nằm trong lòng Phật khi ngủ. Nếu giữ được ý tưởng này khi đi vào giấc ngủ, bất luận ngủ bao nhiêu lâu, giấc ngủ sẽ đều là thiện nghiệp. Ðó là phương pháp đơn giản nhất. Nếu các con tu phát tâm qui y, thì khi ngủ nên nghĩ tới lý do cần qui y, nghĩ tới khổ đau luân hồi. Rồi qui y Tam bảo, nghĩ tới những đức tính tốt lành của Tam bảo, và rơi vào giấc ngủ với tâm quy y. Còn nếu ngủ nhanh như cục đá, đầu chưa đụng gối đã ngủ rồi, thì có lẽ chỉ cần nghĩ tới Phật Thích ca, thật nhanh không đòi hỏi thời gian. Chỉ cần nghĩ đến Phật Thích ca rồi rơi vào giấc ngủ. Nếu các con ngủ chậm hơn, thì sẽ có thì giờ nghĩ tới nhiều chuyện phức tạp hơn, như quy y.

Nếu các con đang tu theo phương pháp cho và nhận [Tonglen], thì thời gian trước khi ngủ cũng là thời gian rất tốt để tu. Các con chú tâm vào hơi thở, khi thở ra nghĩ rằng mình cho chúng sinh mọi tài sản, thiện căn mình có được, như thầy đã giải thích hôm qua. Khi thở vào, các con quán tưởng mình lấy vào tất cả khổ não của chúng sinh, cùng tất cả những nguyên nhân tạo khổ đau. Công phu này rất hữu hiệu. Nếu các con làm như vậy, đi ngủ với công phu cho và nhận, cứ quán tưởng như trên cho đến khi thức dậy, thì trọn thời gian ngủ sẽ là thời gian tu cho và nhận. Ðó là lời khuyên dành cho người không tu theo công phu liên tục hai mươi bốn tiếng đồng hồ, như bốn thời công phu, hay như giữa hai thời công phu. Ðây chỉ là phương pháp sống trong đời sống hàng ngày, sao cho tất cả mọi sự đều xuôi thuận theo Phật pháp. Rất đơn giản dễ theo.

Tu theo mật pháp, phương pháp tu cần miên mật hơn, cần liên tục giữ cái nhìn trong sáng, hiện sắc tướng trong sáng. Ðiều này đòi hỏi sự cố gắng liên tục, thầy không thể giải thích ở đây. Ðiều quan trọng nhất là phải thật quen thuộc với Ba điểm tinh yếu của Phật đạo. Thầy có giải thích sáng nay, nếu các con làm việc tay chân không sử dụng đầu óc, thì có thể định tâm, nhớ nghĩ liên tục đến tất cả những điều đẹp đẽ tốt lành hiện ra trong cõi luân hồi, thấy tất cả đều chỉ là hư vọng, không thể nương tựa được. Khởi tâm buông xả luân hồi, cầu giải thoát, càng mạnh mẽ càng tốt. Rồi nhớ nghĩ đến Tâm Bồ đề, hạ quyết tâm chính mình sẽ mang lại lợi lạc đến cho chúng sinh. Ráng chuyển tâm như vậy càng nhiều càng tốt, tập cho tâm mình quen thấy rằng với tất cả những gì xảy ra nơi đây đều không có tự tánh, không một hạt nguyên tử nhỏ nhoi nào là có tự tánh cả, tất cả chỉ là tên gọi và khái niệm. Phải liên tục cố gắng mang ý tưởng nay về hòa vào trong tâm, phải chuyển hóa tâm theo hướng này.

Nói tóm lại, nếu thật sự muốn phát tâm bồ đề chứng tánh không, thì phải hiểu tâm có được như vậy hay không hãy còn tùy có tích tụ đủ nhân duyên hay không. Không phải tự nhiên mà có được tâm bồ đề và chứng tánh không. Tất cả đều do nhân duyên mà có, vì vậy cần một phương pháp hữu hiệu mãnh liệt để tích tụ công đức, thanh tịnh nghiệp chướng. Nhất là đối với tánh Không. Thường nói chỉ cần tâm thắc mắc về sắc tướng của luân hồi, chỉ vậy thôi đã là một điều cực kỳ mãnh liệt. Người kém công đức, chỉ cần nghi ngờ tính chất chắc thật của thế giới hiện tượng thôi, đã làm rúng chuyển luân hồi. Tư duy về tánh Không có tác dụng rất mãnh liệt. Muốn tiến xa trong lãnh vực này, các con cần sám hối thật nhiều, và tích lũy thật nhiều công đức.

Ðể phát tâm bồ đề, điều cần thiết hàng đầu là qui y và sám hối. Như trong bài tụng giới bồ tát, các con trước hết qui y tam bảo, sau đó sám hối nghiệp chướng, tiếp theo là tùy hỷ công đức, hoan hỉ với công đức mình và người khác có được. Tùy hỷ công đức giúp tích tụ công đức. Muốn phát tâm bồ đề cần có được căn bản vững chắc nhờ thanh tịnh nghiệp chướng và tích tụ công đức. Và phương pháp tốt nhất để thực hiện điều này, là qui y, sám hối và tùy hỉ.

Nói về tích tụ công đức, chúng ta thật vô cùng may mắn, có thầy Lama Zopa Rinpoche tạo nên những công trình không thể nghĩ bàn để giúp đệ tử tích tụ công đức. Các con nên biết về công trình xây tượng Phật Di Lạc ở Ấn độ. Tượng rất to, sẽ mang lại lợi ích ngoài sức tưởng tượng. Công trình này đang tiến hành, chỉ để giúp Phật tử tích tụ công đức và thanh tịnh nghiệp chướng. Bất kể là các con làm được gì cho công trình này, giúp sức, cúng dường, bất cứ là việc lớn việc bé đều mang lại rất nhiều công đức. Thầy nghĩ công trình này rất hữu dụng. Không rõ các con có đã từng nghe nói đến hay chưa. Làm được gì cho công trình này các con đều nên làm. Có tiền thì cúng tiền, có thì giờ thì cúng thì giờ. Ðây là việc rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, khi trở về nhà các con có thể cho người khác biết về công trình này, được như vậy rất tốt. Ở Tây tạng, vì Phật giáo đã thấm sâu vào hoạt động xã hội nên gần như mọi người đều tin nơi Phật Pháp, tin nơi sám hối và công đức. Người ta thường mỗi tháng được bao nhiêu lương thì để dành ra một ít. Ðến cuối năm lấy tiền này để cúng dường Tam Bảo.

Các con cũng nên biết một chút về đức Di lạc. Ðức Phật Thích ca trong lịch sử là đức Phật thứ tư của đại kiếp này. Sẽ có một ngàn đức Phật xuất thế, giáo huấn chúng sinh, chỉ cho chúng sinh con đường giác ngộ cũng giống như đức Phật Thích ca đã làm ở ngay tại đây, tại Bồ đề đạo tràng. Ðức Phật lịch sử thứ năm sẽ là đức Di lạc. Hình tượng đức Di lạc có ở mọi nơi. Chúng ta còn được một pho tượng Di lạc lớn do đức

Ðạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất xây cất, cao hai tầng. Pho tượng Lama Zopa sắp sửa xây ở đây sẽ cao một trăm năm chục thước tây. Sẽ thật vĩ đại, là một nguồn năng lực rất lớn. Khi đức Ðạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất xây tượng Phật Di lạc ở Tây tạng, ngài có viết một lời nguyện. Lời nguyện này do Ven. Thubten Pende dịch sang Anh ngữ, nói về công đức vượt bực của công trình xây tượng Di lạc.

Trong mấy ngày qua các con đã chịu khó ngồi đây nghe thầy nói chuyện, chắc chắn là đã tạo được rất nhiều công đức. Vậy chúng ta hãy hồi hướng công đức này. Hồi hướng cho chúng sinh sớm thành Phật đạo, sớm đủ khả năng giúp kẻ khác thành tựu vô thượng bồ đề. Lấy tâm nguyện bồ đề này để nguyện cho giáo pháp của Phật Thích ca, đặc biệt là giáo pháp do Lạt-ma Tông Khách-ba truyền lại, sẽ phổ biến lâu dài cho đến tận ngày luân hồi chấm dứt. Nguyện tất cả đấng đạo sư tuyệt hảo như đức Ðạt-lai Lạt-ma, Lama Zopa Rinpoche, sẽ sống thật lâu tiếp tục mang lợi lạc về cho chúng sinh. Hồi hướng cho mỗi người trong chúng ta thành tựu được Ba điểm tinh yếu của Phật đạo, ngay trong kiếp hiện tại. Nguyện mọi kiếp tương lai sẽ không bao giờ lìa xa giáo pháp hiển mật do lạt-ma Tông Khách-ba truyền.

Bài pháp của thầy cho năm nay chỉ có vậy. Thầy mong các con gặp mọi điều thuận tiện, để chúng ta lại gặp nhau năm tới, cùng tu với nhau, thầy giảng pháp, các con nghe pháp, ở cùng một nơi.

Đức Ribur Rinpoche