Khóa nhập thất ba năm sáu tuần

Các trung tâm nhập thất: Môi trường vật lý của chúng

Trong hệ thống Phật giáo về sự phát triển tâm linh, việc nghiên cứu và quán chiếu được hoàn thành trong thiền định. Trong khi một nối kết gần gũi giữa việc nghiên cứu và thiền định được coi là lý tưởng trong lý thuyết thì hai tu tập thường bị tách rời về mặt tổ chức. Các học giả mầm non bị hút về các học viện; các thiền sư tương lai vào các trung tâm nhập thất, là tổ chức được dự kiến truyền đạt một sự tu tập thiền định triệt để.

Trong các truyền thống của Dòng Giáo huấn Cổ truyền (Nyingma) và Dòng Giáo huấn Khẩu truyền (Kagyu), chương trình tu tập thiền định miên mật kéo dài ba năm và sáu tuần. Cẩm nang Nhập thất của Jamgong Kongtrul được biên soạn như một hướng dẫn cho kiểu nhập thất này. Không có kiểu mẫu tiêu chuẩn cho cấu trúc vật lý của những trung tâm nhập thất này. Mô tả dưới đây được đặt nền trên các trung tâm nhập thất mà tôi đã viếng thăm trong vùng Hy mã lạp sơn – Tây Tạng, Ấn Độ, và Nepal – và ở ngoại quốc – Pháp, Canada, và Đài Loan.

Một trung tâm nhập thất thiền định thường biệt lập với khu đất chính của một tu viện, chùa chiền, hay trung tâm thiền định công cộng. Các ẩn thất là những cộng đồng tự túc cực nhỏ được phục vụ và bảo hộ bởi một tổ chức rộng lớn hơn mà các ẩn thất này liên kết.

Nhìn từ bên ngoài, các trung tâm nhập thất là những hòn đảo tĩnh lặng: chúng không thu hút sự chú ý của người khác. Những người nhập thất bỏ lại ngoài cửa mọi bổn phận và trách nhiệm với gia đình, sinh kế, hay xã hội, để rồi được nhận lại sau khi hoàn tất thời gian dành cho việc tu tập. Suốt trong chương trình nhập thất này, công chúng không được phép vào khu nhập thất. Những người duy nhất được ra vào khu nhập thất trong thời gian này là người phục vụ việc bếp núc và những cố vấn thiền định đã được chỉ định.

Trong khuôn viên nhập thất có một số gian nhà bao quanh một cái sân. Mỗi người nhập thất có một gian phòng riêng và chính ở nơi đó thiền giả trải qua gần hết một ngày. Gian nhà lớn nhất là một ngôi chùa, nơi toàn thể cộng đồng tụ họp hai lần trong ngày – sáng và tối – để cầu nguyện và thiền định theo nhóm. (Bữa điểm tâm và bữa tối được phục vụ vào những lúc này trong các khu nhập thất ở vùng Hy mã lạp sơn). Trong khuôn viên cũng có một gian phòng lớn dành cho những bài tập du già. Những cấu trúc khác trong nhà nhập thất là bếp, phòng rửa mặt, và nhà vệ sinh. Toàn vùng được đóng lại trước những cặp mắt của công chúng bằng những bức tường hay hàng rào.

Mỗi phòng của người nhập thất chỉ đủ để đặt một bàn thờ nhỏ, vài kệ sách, một bàn đọc sách và một chỗ để người nhập thất nằm dài trên sàn nhà trong việc lễ lạy. Cửa sổ mỗi phòng mở ra sân bên trong. Thay cho một chiếc giường, các phòng được cung cấp một “ghế thiền định,” một vật hỗ trợ bằng gỗ có ba mặt thấp và một lưng ghế cao. Ghế này được dùng làm chỗ thiền định và một cái giường: những người tham dự những khóa nhập thất miên mật dài hạn (chẳng hạn như khóa nhập thất sử dụng cẩm nang này) phải tự làm quen với việc ngủ trong tư thế ngồi thẳng lưng.

Các trung tâm nhập thất thường là những cộng đồng nhỏ, gồm mười hai thiền giả hay ít hơn cư trú. Các tu viện và học viện trong vùng Hy mã lạp sơn chịu chút ít tai tiếng vì có chiều hướng phát triển quy mô. Các trung tâm nhập thất thì không thế: tỉ lệ hợp lý giữa vị Thầy và đệ tử luôn luôn được coi là điều thiết yếu trong những cộng đồng như thế. Chẳng hạn như chỉ có tám người tạo thành cộng đồng nhập thất trong khóa nhập thất của Jamgong Kongtrul: một Đạo sư, năm người nhập thất, một người nấu bếp, và một người đốn củi.

Trung tâm nhập thất của Jamgong Kongtrul khởi hành từ kiểu mẫu quy ước trong một ít cách thức thứ yếu. Có hơn một ngôi chùa trong khuôn viên và hai chương trình thiền định được theo đuổi đồng thời trong một cộng đồng nhập thất. Người nhập thất theo chương trình thứ hai là người chịu trách nhiệm về ngôi chùa thứ hai, là chùa được dành cho các vị bảo hộ Phật giáo. Không giống như hầu hết các trung tâm thiền định hiện đại, những người cư ngụ trong khu nhập thất này phải bỏ lại mọi vật sở hữu cá nhân tại nhà kho trong thời gian nhập thất. Về sau điều bắt buộc này đã bao gồm tất cả, từ những vật phẩm tôn giáo (chẳng hạn như những pho tượng và tranh ảnh) cho đến quần áo: trong những khóa nhập thất sau này, ngay cả những bộ y tu sĩ cùng một kích thước dành cho tất cả mọi người cũng được trung tâm cung cấp. Sự tuân thủ bắt buộc này dường như để tăng cường cho khẳng định của Jamgong Kongtrul rằng các thiền giả trong trung tâm của ngài phải thấy mình được đối xử bình đẳng, cho dù ở ngoài ẩn thất họ giàu có hay có địa vị xã hội ra sao.

Thời gian nhập thất

Chương trình khóa nhập thất của Jamgong Kongtrul đầy ắp trong thời gian ba năm, sáu tuần. Điều này có vẻ độc đoán và phiền phức, tuy nhiên, nó tuân theo một truyền thống bắt đầu từ lâu trước thời của Kongtrul.

Một năm trước khi thị tịch, Đức Phật đã dạy Tantra Thời Luân (Bánh Xe Thời gian, Kalachakra), được cho rằng để trình bày về tột đỉnh các giáo huấn của Ngài. Trong tantra này Đức Phật mô tả mối liên hệ giữa vũ trụ, thời gian và thân thể của ta. Trình bày của Ngài mang lại cơ sở hợp lý để xác định độ dài thuận lợi nhất cho việc nhập thất thiền định là ba năm và sáu tuần.

Tóm lại, mối liên hệ nền tảng nhất của chúng ta với thế giới bên ngoài sau khi sinh ra là qua hơi thở. Chúng ta thở: chúng ta sống. Hơn nữa, theo Tantra Thời Luân, sự hô hấp của ta nối kết tự nhiên với vũ trụ và thời gian. Trong Tự điển Bách khoa Phật giáo, Kongtrul nói:

Ở bên ngoài có hai mươi ngàn sáu trăm phút trong một năm (360 ngày), trong khi ở bên trong thì đây là số hơi thở ta dùng mỗi ngày. (Quyển 2, trang 639)

Không khí ta (hít) thở vào thân ta và duy trì sinh lực mà ta cũng như tất cả chúng sinh đều có, được gọi là năng lực nghiệp. Theo quan điểm Mật thừa, một phần nhỏ của hơi thở cũng duy trì năng lực tâm linh của ta, được gọi là năng lực trí tuệ, Kongtrul nói:

Một phần trong ba mươi hai phần của mỗi hơi thở là năng lực trí tuệ… Bản tánh của nó là tâm giác ngộ bất hoại. (sách đã dẫn, Quyển 2, trang 639-40)

Theo định nghĩa, một phần trong ba mươi hai phần của mỗi hơi thở này nuôi dưỡng năng lực tâm linh của ta là phần thứ yếu của đời sống bình thường. Ảnh hưởng của nó bị cắt bớt bởi việc ta chú tâm đến “đời sống thực sự,” có nghĩa là năng lực nghiệp. Thời gian được dùng trong ẩn thất thiền định làm giảm đi rất nhiều sức mạnh của năng lực nghiệp. Một cách lý tưởng, mọi công việc, nỗ lực, cảm xúc, và những tập quán hay lối sống chi phối đời ta trong thế giới được để lại bên ngoài ẩn thất và được thay thế bằng năng lực trí tuệ – kinh nghiệm về sự tĩnh lặng, hỉ lạc, và sự trong sáng rộng lớn tự nhiên của tâm. Phần hơi thở được dùng để duy trì nghiệp lực càng ngày càng ít đi, thay vào đó năng lực trí tuệ được tăng trưởng. Tiến trình này lên đến tột đỉnh trong sự giác ngộ, sự chuyển hóa toàn triệt năng lực nghiệp thành năng lực trí tuệ.

Trong Phật giáo Mật thừa, thọ mạng của con người trong thời hiện tại được cho là một trăm năm. Điều đó có nghĩa là thân thể ta có khả năng tồn tại trong thời gian đó. Một phần ba mươi hai của mỗi hơi thở tức là năng lực trí tuệ, được tích tập trong th ời gian đó, thì tương đương với những hơi thở được dùng trong ba năm và sáu tuần. Đây được coi là thời gian cần thiết tối thiểu để hoàn thành việc chuyển hóa năng lực nghiệp thành năng lực trí tuệ, tức là để thành tự u giác ngộ viên mãn. Trạng thái này được tượng trưng bởi một thân tướng của Đức Phật được gọi là Kim Cương Trì (Vajradhara). Như Kongtrul đã nói:

Mọi năng lực trí tuệ lưu thông với hơi thở trong một trăm năm thì tương đương ba năm và sáu tuần. Khi mọi năng lực nghiệp được chuyển hóa thành năng lực trí tuệ thì ta đạt được giác ngộ. Đây là lý do tại sao ta được nói rằng trạng thái c ủa Đức Phật Kim Cương Trì được thành tựu trong thời gian ba năm và sáu tuần. (sách đã dẫn, Quyển 2, trang 640)

Trong Anh ngữ, các khóa nhập thất chẳng hạn như khóa được mô tả trong cẩm nang này thường được ám chỉ là các khóa nhập thất ba năm, ba tháng. Từ “hai tuần” có thể không được sử dụng bởi nó có vẻ quá rắc rối đối với cách dùng Anh ngữ hiện đại, hoặc bởi nó không thực sự là cách dịch chính xác. Từ Tây Tạng để chỉ hai tuần (chok, phyogs ) có nghĩa cụ thể là nửa tuần trăng, từ lúc trăng non cho đến khi trăng tròn, hay từ lúc trăng tròn đến trăng non.

Mặc dù trong suốt tác phẩm này, thời gian nhập thất được ám chỉ là ba năm và sáu tuần, ta có thể gọi nó một cách hợp lý là một khóa nhập thất ba năm ba tháng. Âm lịch mà chương trình nhập thất căn cứ phải được điều chỉnh lại trong nhữ ng khoảng thời gian đều đặn để thay thế số ngày – tối thiểu là năm ngày – bị mất đi mỗi năm trong sự liên hệ với dương lịch. Cứ vài năm thì lịch Tây Tạng l ại có mười ba tháng chứ không phải mười hai tháng, đôi khi mỗi tháng ít hơn chứ không bao giờ hơn ba mươi ngày mỗi tháng. Những tháng nhuận này được tính trong chương trình thiền định để khóa nhập thất được bảo đảm là kéo dài ít nhất ba năm và hai tháng r ưỡi, nếu không hơn. Ví dụ nh ư bởi hai năm 1989 và 1991 là những năm có mười ba tháng, một khóa nhập thất như thế bắt đầu vào tháng Giêng năm 1989 sẽ kéo dài ba năm và ba tháng rưỡi.

Các trung tâm nhập thất và giới tính

Hầu hết các khóa nhập thất thiền định miên mật dài hạn đều được cách ly về mặt tính dục. Những người tham dự các khóa nhập thất như thế chấp nhận một thời gian sống độc thân như một cách làm giản dị hóa cuộc đời, nó cho họ cơ hội dành toàn bộ thời gian và sự chú tâm cho đời sống tâm linh.

Ẩn thất của Jamgong Kongtrul, Trụ xứ Phổ Hiền của Đại Lạc Chói Lọi, là một trung tâm thiền định cho phái nam. Các phụ nữ được tính chung trong số đệ tử thân cận của ngài – ngài đã đề cập đến ở cuối vài quyển sách được soạn theo lời khẩn cầu của một hay các nữ đệ tử – mặc dù có vẻ không chắc là ngài đã lập ra một trung tâm song hành cho phái nữ, bởi điều đó không được đề cập đến trong những tác phẩm của ngài theo sự hiểu biết của tôi.

Trước tiên Jamgong Kongtrul là một thiền giả và một tác giả, chứ không phải là một nhà thiết kế thể chế (tổ chức). Bản thân ngài dường như đã trải nghiệm trong những thể chế tôn giáo trong thời đại của ngài, như sẽ được giải thích dưới đây.

Địa điểm này đã giới thiệu cho ngài một trụ xứ tâm linh và một ốc đảo lành mạnh. Tham vọng chính yếu của Jamgong Kongtrul trong cuộc đời dường như là được mọi người hiểu biết về đời sống tâm linh của thế giới và thời đại của ngài, thâu thập mọi điều có giá trị trong quá khứ, bảo tồn những kho tàng đang có nguy cơ bị mai một, và làm cho các thế hệ tương lai có thể sử dụng được những kho tàng ấy qua việc biên soạn của riêng ngài. Nói rằng ngài đã thành công rực rỡ trong tham vọng đó là không để ý đến sự kiện là dường như ngài đã tán thành những quy tắc của thời đại ngài và không chú ý đến việc tạo ra những cơ cấu tổ chức cho việc nhập thất của phái nữ.

Có phải điều này gợi ý rằng Kongtrul không chấp nhận sự tham dự và đóng góp của phụ nữ vào đời sống tâm linh một cách nghiêm túc? Dường như có quá ít luận cứ để chứng minh cho một quan điểm như thế và dồi dào bằng chứng cho điều ngược lại. Đặc biệt là Kongtrul có rất nhiều thiền định để chọn lựa cho chương trình nhập thất của ngài nhưng ngài đã dành gần một nửa số đó cho các thiền định có nguồn gốc từ hai phụ nữ Ấn Độ trong thế kỷ thứ mười. Cũng thế, một trong những thực hành được thực hiện hàng ngày suốt khóa nhập thất là cảm hứng của một phụ nữ Tây Tạng, và đề cao bà như trọng tâm của việc thiền định.

Hầu hết những khóa nhập thất ba năm hiện đại ở ngoài vùng Hy mã lạp sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả nam lẫn nữ. Hai nhóm theo cùng một chương trình và nhận được sự chăm sóc như nhau từ các thầy trợ giáo. Tuy nhiên, trong vùng Hy mã lạp sơn, hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Dường như phụ nữ thường được coi là những công dân hạng nhì của thế giới Phật giáo. Các tu viện và học viện rộng lớn tốn kém nhiều ngàn đô la trong việc xây dựng và hoạt động tiếp tục gia tăng. Hiếm có năm nào mà không có thêm đề án đầy tham vọng được khánh thành. Trong số những đề án này, hầu như không có các tổ chức chấp nhận phụ nữ. Theo sự hiểu biết của tôi, trong những chương trình nhập thất ba năm cho phụ nữ trong vùng Hy mã lạp sơn, chỉ có hai Đạo sư Tai Situpa của Dòng Kagyu và Chadral Rinpochay của Dòng Nyingma là đã thiết lập và duy trì các khóa nhập thất cho phụ nữ có tiêu chuẩn giáo huấn tương đương với các khóa nhập thất của nam giới.

Tu tập thiền định trong khóa nhập thất

Mặc dù những dị biệt đáng kể trong các chương trình thiền định được theo đuổi tại các trung tâm nhập thất được liên kết với các Đạo sư hay tu viện khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một vài điểm đặc trưng.

Một ngày của người nhập thất được chia làm bốn thời kỳ thiền định cá nhân (sáng sớm, cuối buổi sáng, chiều và tối) và hai thời khóa tập thể (vào buổi sáng và cuối buổi chiều). Thời giờ rỗi rảnh là một điều hi ếm có: lúc tạm nghỉ dài nhất trong ngày trùng với bữa ăn trưa. Cường độ của việc tu tập dường nghẹt thở trừ phi ta quán chiếu rằng những người tham dự thường phải trải qua nhiều năm chuẩn bị thật hăm hở mới có được cơ hội đằm mình trong một chương trình như thế.

Bốn thời khóa trong ngày được dành cho các thiền định đặc biệt thay đổi ở những khoảng cách không đều; một vài thiền định được thực hiện trong nhiều ngày, một số thì trong nhiều tháng. Chương trình nhập thất bắt đầu với những thiền định sơ đẳng nhất của một truyền thống đặc biệt và tiến triển dần dần qua mọi giai đoạn phát triển cho đến giai đoạn sâu xa nhất. Tất cả những người nhập thất được trông đợi là sẽ theo đuổi chương trình thật trung thực mặc dù mọi sở thích họ có thể có trong nhiều thiền định được hiến tặng. Hầu hết các khóa nhập thất sẽ giới thiệu cho những người nhập thất một truyền thống các kỹ thuật nhập thất. Trong khóa nhập thất của Jamgong Kongtrul, những đòi hỏi của chương trình rất nặng nề: ngài đã hướng dẫn một chuyến đi được chỉ dẫn đầy đủ bằng ba loại thiền định Mật thừa hết sức khác biệt và đã bổ túc cho những thực hành này bằng các giáo huấn từ bốn dòng truyền thừa khác.

Các thời khóa tập thể hàng ngày và những nghi lễ đặc biệt theo thời khóa biểu đều đặn bao gồm một số lượng công việc đáng kể: tụng các bài nguyện, sử dụng nhạc khí, trì tụng thần chú, chuẩn bị các lễ cúng dường khác nhau, và nhiều hơn nữa, lúc nào cũng có thêm các bài nguyện cần trì tụng. Đối với nhiều người, chương trình thiền định của khóa nhập thất có vẻ quá tải mà không có những sự giải trí. Tuy nhiên trong thực tế, đối với những người tham dự hiểu biết ngôn ngữ của các bản văn và quen thuộc với những quán tưởng được thực hiện đồng thời, các nghi lễ t ập thể có thể là những nguồn mạch đầy cảm hứng và phấn chấn cho sự hồi phục cá nhân.

Điều gì tạo nên việc tu tập thiền định Mật thừa trong một khóa nhập thất như thế? Không thể trả lời một câu hỏi như thế mà không cung cấp một giải thích ngắn về lý thuyết thiền định Phật giáo.

Nói chung, một người thực hành thiền định Phật giáo là để làm an định tâm thức và phát triển sự quán chiếu vào bản tánh của tâm. Nội quán đó lên đến tột đỉnh trong sự tỉnh giác và giác ngộ. Nhưng tỉnh giác (trí tuệ) không phải là một sản phẩm của thiền định – Phật giáo không tạo ra giác ngộ cũng như tấm gương không tạo ra khuôn mặt. Giáo huấn hiệu quả trong thực hành Ph ật giáo được nối kết với một tấm gương cho phép một người nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, Phật tánh cố hữu của chúng ta. Rất nhiều tu tập thiền định Phật giáo Mật thừa bao gồm sự hoàn thiện tuyệt đối cái nhìn của tâm.

Phật giáo dạy rằng bản tánh sâu xa nhất của tất cả chúng sinh là một nguồn mạch vô tận của trí tuệ, từ bi, và năng lực sáng tạo. Cái ngăn cản không cho ta nhận thức một cách rõ ràng điều này, bản tánh c ủa riêng ta, là “bốn ngăn che.” Ngăn che thứ nhất là sự thất bại nền tảng của ta trong việc nhận thức thấu triệt bản tánh này, được gọi là ngăn che của vô minh. Do thiếu sự tỉnh giác nội tại này, ta tiếp tục tạo ra những tính cách đối với bản thân ta (một cái tôi, một cái ngã) và những người khác, được gọi là ngăn che của tập quán, là ngăn che thứ hai. Ta lấy một ví dụ: khuynh hướng của ta là tạo ra một cái ngã và một thế giới và sau đó tin tưởng những phóng chiếu của riêng ta là thật có, đó là sự tạo tác tự nhiên và trùm khắp của ta về ngã và tha (ta và người) trong những giấc mộng. Khi ta đã tạo ra một cái ngã, dù trong khi thức hay trong giấc mộng, ta trở thành đối tượng cho vô số cảm xúc được đặt nền trên kinh nghiệm của ta. Đây là ngăn che thứ ba, ngăn che của nhữ ng cảm xúc. Trong lý thuyết Phật giáo một cảm xúc được đánh giá là tiêu cực nếu nó có khuynh hướng ngăn cản việc tự biết mình hay dẫn đến những hành vi ích kỷ và có hại về mặt vật lý hay tinh thần. Những hành vi tác hại hay ích kỷ này tạo thành ngăn che cuối cùng, ngăn che của các hành vi tiêu cực.

 Thiền định Mật thừa và chương trình nhập thất có ý định chống lại và vô hiệu hóa bốn ngăn che này. Khóa nhập thất bắt đầu với những thực hành chuẩn bị – các thiền định để tịnh hóa ngăn che của các hành vi tiêu cực và để vun trồng công đức và trí tuệ, để sử dụng biệt ngữ Phật giáo. Bằng ngôn ngữ khá đơn giản, các thực hành này làm tươi mới và phong phú kinh nghiệm về thân, ngữ và tâm của thiền giả.

Giai đoạn thứ hai của thiền định Mật thừa liên quan đến điều được gọi là các thiền định thuộc giai đoạn phát triển, nó vô hiệu hóa sự ngăn che của các cảm xúc. Trong những thực hành này, thiền giả noi theo việc tự nhận thức về bản thân của các bậc giác ngộ, để nhân cách hóa một tâm thái tỉnh giác và sống động. Những cảm xúc che chướng phát khởi từ mảnh đất màu mỡ của ý thức thông thường của ta về sự hiện thân (embodiment) và tương tác với thế giới (enworldment). Các thiền định thuộc giai đoạn phát triển đưa ra trong cương vị của nó một sự tạo tác toàn diện một cái ngã và môi trường xung quanh. Những sự tạo tác, phải, nhưng là những tạo tác rất thiện xảo. Có thể thực sự đồng nhất với chúng? Tâm thức của chúng ta trả lời câu hỏi đó mỗi đêm khi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào các giấc mộng của ta trong khi ta ngủ, cho dù chúng lạ lùng ra sao. Giống như một vài giấc mộng có thể tác động đến tâm ta rất sâu xa cho dù ta tự nhủ bao nhiêu lần chăng nữa: “Đó chỉ là mộ t giấc mộng,” vì thế những tạo tác này dần dần chống lại những cảm xúc tiêu cực của ta bằng cách cung cấp một kinh nghiệm về sự rộng lớn và sống động của tâm giác ngộ.

Giai đoạn thứ ba của thiền định Mật thừa, giai đoạn thành tựu, chống lại sự ngăn che của tập quán, khuynh hướng trùm khắp của ta để tạo ra ta và người. Không giống như những tạo tác bận rộn của giai đoạn phát triển, các thiền định này mở ra những cánh cửa dẫn đến một cái thấy của tâm như nó là. Chúng cho phép thiền giả trực tiếp kinh nghiệm tính sáng tạo tự nhiên của tâm, cách ta liên tục tạo ra điều gì đó – một cái ngã và một thế giới – không hề có gốc gác, căn cứ. Thiền giả cũng học tập để hiểu được cách tâm thức quay trở lại nguồn mạch của nó, sự chói lọi vô biên và không có trung tâm. Trong tiến trình, những khuôn khổ ta-người quen thuộc mất đi sự bám chấp kiên cố trước đây của chúng vào tâm của thiền giả.

Giai đoạn cuối cùng của thiền định Mật thừa là thiền định trực tiếp về bản tánh của tâm. Đây là cách đối trị sự ngăn che của vô minh. Các thực hành này không tạo nên bản tánh giác ngộ. Để nhìn thấy gương mặt ta, ta cần một chiếc gương; để thấy được bản tánh thâm sâu của ta, ta cần chiếc gương giáo huấn của Đạo sư tâm linh. Các giai đoạn trước của việc tu tập thiền định quét sạch những đám mây khỏi bầu trời tâm thức. Giai đoạn này không tạo ra một mặt trời nhưng nhận ra rằng nó – một sự tỉnh giác chói lọi – luôn luôn hiện diện, và để cho ánh sáng và hơi ấm của nó tràn ngập toàn thể không gian. Sự tỉnh giác này xua tan mọi dấu vết của việc thiếu hiểu biết về bản tánh của riêng ta.

Bốn giai đoạn thiền định này được lập lại ba lần trong khóa nhập thất của Jamgon Kongtrul; các thực hành chuẩn bị, thiền định thuộc giai đoạn phát triển, thiền định thuộc giai đoạn thành tựu, và thiền định về bản tánh của tâm được giảng dạy và thực hành trong ba cách riêng biệt. Những hình thức và thuật ngữ thay đổi trong các truyền thống khác nhau của Phật giáo Mật thừa, nhưng bốn giai đoạn này được tất cả những truyền thống này chia sẻ.

Đức Ngawang Zangpo
Trích trong Cẩm nang nhập thất