Quan điểm không bộ phái của Đức Jamgon Kongtrul và chương trình nhập thất của Ngài

Trong đời ngài, Jamgon Kongtrul đã thành công trong việc đại chúng hóa một cái nhìn hợp nhất của Phật giáo đem lại sức sống mới cho đời sống tâm linh của vùng Hy mã lạp sơn. Xã hội Tây Tạng dần dần quen thuộc với cách suy nghĩ rằng Phật giáo Tây Tạng được phân chia thành bốn truyền thống chính: Nyingma, Kagyu, Sakya, và Gayluk. Sự đơn giản hóa có thể hiểu được này được dựa trên sự kiện là vào thế kỷ mười chín, bốn truyền thống này đã tượng trưng cho những cấu trúc tổ chức tôn giáo vượt trội sau mười thế kỷ của những đấu tranh quyền lực chính trị. Bản liệt kê ngắn này bao gồm những hệ thống tu viện hiện hữu nhưng không bao gồm các truyền thống học thuật và thiền định mang lại hứng khởi cho việc thiết lập của chúng.

Ý định ban đầu của các tu viện là cung cấp nơi trú ngụ cho việc tu tập, cả học thuật lẫn thiền định, trong những hệ thống phát triển tâm linh đã từ Ấn Độ đến vùng Hy mã lạp sơn. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, một vài tu viện dần dần vượt quá vai trò của các trung tâm tôn giáo đơn thuần: chúng đã trở thành những lãnh địa tầm thường sử dụng quyền lực thế tục và thoái hóa thành những nơi trú ẩn của mưu đồ chính trị và chủ nghĩa bộ phái tư lợi. Việc giải thích lịch sử Phật giáo chủ yếu từ quan điểm phát triển và duy trì những thể chế này được Kongtrul coi là hiểm họa tâm linh.

Kongtrul thích nhìn lịch sử phát triển tâm linh trong vùng Hy mã lạp sơn từ quan điểm thực hành thiền định và nghiên cứu triết học và tâm lý học. Trong tác phẩm của ngài, ngài luôn luôn mô tả Phật giáo Mật thừa từ viễn cảnh của các dòng giáo huấn của nó; ngài chỉ ngẫu nhiên nhắc đến bốn hệ thống tu viện. Là một Đạo sư không bộ phái vĩ đại trong thời hiện đại, Chögyam Trungpa Rinpochay đã diễn tả một cách súc tích rằng Kongtrul đã thay đổi thái độ của các Phật tử “từ mái vàng của các ngôi chùa đến tấm nệm thiền.”

Ý tưởng này không mới nhưng nó sử dụng thẩm quyền và thiện xảo tâm linh của Kongtrul và những người đương thời với ngài để truyền bá một cách hiệu quả quan điểm nổi danh là rimay (ris med) – quan điểm không bộ phái, không thiên vị, hay chung nhất. Thông điệp của quan điểm này có vẻ là coi bản thân ta và những người khác chính là những thành viên của các thể chế tôn giáo để dẹp bỏ các rào cản giả tạo giữa con người, như thể việc sáp nhập vào một giáo đoàn thì đồng nghĩa với việc thuộc về một đảng chính trị. Thay vào đó, tự coi mình là một hành giả của một hay nhiều hệ thống phát triển tâm linh Phật giáo, tất cả các hệ thống đó chia sẻ những nguồn gốc và mục tiêu, mở thông cho ta để cảm nhận sâu sắc sự cảm hứng từ tất cả những hệ thống đó và vì thế làm cho việc truyền thông và hợp tác giữa các thiền giả Phật giáo được thuận lợi.

Quan điểm không bộ phái này cắt đứt khuynh hướng bộ phái buồn tẻ và thể chế ôn hòa trong hiện tại trong thời đó để vươn tới cốt lõi của thực hành Phật giáo Mật thừa, đó là tám dòng thực hành. Tám truyền thống riêng biệt của thiền định Phật giáo Mật thừa Ấn Độ đến vùng Hy mã lạp sơn trong thời kỳ trao đổi tôn giáo giữa hai miền. Chính tám dòng truyền thừa này đã tạo nên nền tảng của Phật giáo Mật thừa Hy mã lạp sơn. Trong tám dòng truyền thừa, chỉ có dòng thứ nhất là chia sẻ danh hiệu của một hệ thống các tu viện hiện hữu:

1.Dòng Giáo huấn Cổ truyền (Nyingma, rnying ma)
2. Dòng Giáo huấn Lời Dạy của Đức Phật (Kadampa, bka’ gdams pa)
3. Dòng Giáo huấn Con Đường và Quả (Lam Dray, lam ‘bras)
4. Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của Marpa (Marpa Kagyu, mar pa bka’ brgyud)
5. Dòng Giáo huấn Shangpa (Shangpa Kagyu, shangs pa bka’ brgyud)
6. Những Dòng Giáo huấn Làm An dịu Đau khổ (Sheejay, zhi byed) và Cắt đứt (Chö, gcod)
7. Dòng Giáo huấn Kim Cương Du Già (Dorjay Naljor, rdo rje rnal ‘byor)
8. Dòng Giáo huấn Thực hành Miên mật của Ba Kim Cương (Dorjay Sum Gyi Nyen Drup, rdo rje gsum gyi bsnyen sgrub)

Chương trình nhập thất ba năm của Kongtrul là một phản chiếu quan điểm không bộ phái của ngài; các giáo lý từ bảy trong tám dòng thực hành được bao gồm trong đó. Trong đoạn sau đây ngài nói như một vị hộ trì của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của các Đức Karmapa và được trang bị một sự biện hộ lưu loát cho chương trình của ngài dựa trên lịch sử thực hành thiền định trong dòng truyền thừa đó. Ngài thảo luận chủ đề – những gì tạo nên một chương trình thực hành thiền định hiệu quả – và nhìn nó từ một số góc độ trước khi trình bày kết luận của ngài: một phô bày bao quát, vô tư nhiều loại thiền định khác nhau tạo nên giải pháp tốt nhất.

Mặc dù ngài nói như thể ngài sẽ chết sớm (“tôi hiện đang ở cuối đời mình”), ngài viết những dòng này năm 1864 (ở tuổi 51), vào cuối khóa nhập thất ba năm lần đầu tiên tại trung tâm của ngài. Ngài đã sống thêm ba mươi lăm năm nữa.

Dường như cách khôn ngoan nhất là tập trung chương trình nhập thất ba năm sáu tuần vào một truyền thống của các thiền định thuộc giai đoạn phát triển và thành tựu, [có những người nhập thất] hết sức nỗ lực để làm cho các giáo lý đó đạt được hiệu quả. Nhìn từ quan điểm đó, dường như tốt nhất là không có quá nhiều bài cầu nguyện và trì tụng phức tạp, như một chương trình đơn giản không đưa ra quá nhiều khó khăn cho những người có năng lực (căn cơ) và khí lực thấp. Tuy nhiên, một vài cá nhân kiệt xuất đã từng thực hành thiền định trong những đời trước dường như không bị ảnh hưởng bởi độ dài của thời gian hay mức độ nỗ lực được đưa ra cho việc thiền định. Những dấu hiệu sâu xa của việc hoàn toàn thấu suốt các phương diện tương đối và tối thượng của tâm giác ngộ (Bồ đề tâm) và thông suốt hai giai đoạn thiền định đã trở thành hiển nhiên nhờ năng lực của sự hiểu biết, lòng từ bi và khả năng giúp đỡ người khác của các ngài. Những phô diễn rõ ràng và công khai khả năng bẩm sinh của các ngài thì vượt quá sự hiểu biết của những cá nhân quy-ngã tầm thường.

Do hoàn cảnh sống hư hỏng hiện nay, hầu hết mọi người – kể cả những người đã nhận danh hiệu “bậc chứng ngộ” hay “bậc thành tựu” sau khi đã dành nhiều năm tháng trong đời cho việc thiền định và trì tụng các bài nguyện và thần chú – đã không nhập tâm một cách đúng đắn ngay cả các giáo huấn nền tảng là bốn suy niệm chuyển hóa tâm thành cuộc đời tâm linh và hầu như bận tâm tới các nhu cầu của cuộc đời này. Vì thế thật hiếm khi tìm thấy một người có kinh nghiệm cả hai giai đoạn thiền định Mật thừa như được mô tả trong các bản văn thực hành. Cho dù một ít người đã phát triển một phần nhỏ bé của sự chứng ngộ đó, dường như không thể tìm ra người dồi dào kinh nghiệm siêu vượt giai đoạn này.

Nói chung, thực hành thiền định đơn giản chỉ riêng về tâm thức đòi hỏi ta phải nhận ra bản tánh của nó, dồi dào kinh nghiệm, thành tựu sự kiên định, và hoàn thiện sự tinh thông của ta. Không có đủ bốn điều này, ta sẽ không đạt được mục đích. Ngày nay, các thiền giả không vượt qua được sự nhận thức hết sức lập lờ về tâm thức; thực hành của họ không có hiệu quả trong lúc khó khăn, khi họ thấy mình tìm kiếm sự an toàn trong sự tiên tri, nghi lễ, và những việc tương tự như vậy. Đây là một ví dụ về việc làm thế nào ta có thể dần dần đánh mất sự quyết tâm kiên định sau nhiều năm thực hành mãnh liệt một thiền định riêng rẽ. Sự thiền định và chú tâm của ta đi theo những con đường riêng biệt của chúng và ta hoàn toàn mê mải trong sự xao lãng vô ích và những trò tiêu khiển tiêu cực. Hơn nữa kinh nghiệm mà ta có trong thiền định, ngay cả niềm tin và nhiệt tâm chân thành mà ta có lúc bắt đầu thực hành thiền định đã bị mất đi. Ta xuất hiện trước công chúng như một kẻ kiêu ngạo và khoác lác không thể chịu đựng nổi. Dường như thực hành như thế khó mang lại được điều gì ngoại trừ những người có cái thấy thanh tịnh và sự ràng buộc với những bận tâm thế tục dần dần giảm bớt.

Ngay cả những cá nhân đặc biệt, nổi tiếng là những vị lãnh đạo của các truyền thống tâm linh cũng có phần giống như các thiền giả được mô tả ở trên theo cách riêng của họ. Họ chỉ bận tâm đến việc nghiên cứu, thiền định, giảng dạy, và đẩy mạnh những truyền thống của riêng họ mà không tìm kiếm việc giáo dục ở truyền thống nào khác. Cho dù họ cố gắng học một chút về truyền thống khác, chẳng bao giờ họ trợ giúp cho hoạt động giác ngộ của truyền thống đó được tiếp tục. Những người bị thu hút vào việc truyền bá những truyền thống của riêng họ trải nghiệm sự thành công giống như một vụ thu hoạch ngũ cốc chín muồi, nhưng trong lúc đó một vài dòng truyền thừa thiền định vô cùng cao cấp gần như biến mất vào hư không.

Trái lại, dòng thực hành thiền định tôn quý của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của các vị Karmapa trong vùng này là một sự hòa hợp trọn vẹn các suối nguồn của hai dòng truyền – dòng của Gampopa và dòng Giáo huấn Cổ truyền. Sự hợp nhất này được bắt đầu bởi Đạo sư thành tựu Karma Pakshi và Rangjung Dorjay toàn trí [Karmapa thứ hai và thứ ba]. Đặc biệt là Đức Rangjung Dorjay tôn quý được Vimalamitra gia trì trong một linh kiến và sau đó truyền bá Tâm-Yếu của Karmapa, một thiền định vẫn còn được thực hành. Các bản văn kho tàng của các vị khám phá kho tàng vĩ đại của truyền thống chúng ta cũng dần dần trở thành một phần của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền này. Các bản văn kho tàng này bao gồm các kho tàng được khám phá của Sang-gyay Lingpa vĩ đại; Pháp Vương Rinchen Phuntsok; Jatson Nyingpo; Chöjay Lingpa; Mingyur Dorjay; Rolpay Dorjay; Dorjay Drakpo; Chok-gyur Daychen Lingpa, và những vị khác. Hơn nữa, Karmapa và những vị thừa kế tâm linh của ngài đã gánh vác việc bảo vệ và đã thiết lập những hệ thống thực hành cho các giáo lý kho tàng của hầu hết những nhà khám phá kho tàng vĩ đại, trong đó có Pháp Vương Ratna Lingpa; Shikpo Lingpa; và Taksham Samten Lingpa, và đây mới chỉ liệt kê một số vị.

Đặc biệt là Karma Chakmay, hiện thân của Bồ Tát Thấu suốt Mọi sự Đầy Năng lực [Avalokiteshvara; Chen-ray-zee, spyan ras gzigs dbang phyug, Quán Thế Âm], đã đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh sự hợp nhất truyền thống lâu đời với các Dòng Giáo huấn Cổ truyền và Khẩu truyền. Những năm sau này, Đức Karmapa thứ mười bốn Tekchok Dorjay và Đức Tenpa Nyinjay [cũng được gọi là Tai Situpa Chökyi Jungnay], hiện thân toàn trí của Bồ Tát Từ-Ái [Maitreya; Jampa, byams pa, Di Lặc], qua những loạt hóa thân của ngài, thậm chí đã truyền bá truyền thống này xa rộng hơn nữa. Kết quả là nguồn mạch trông thường của thị kiến triết học, sự hoạt động, và thiền định của các Dòng Giáo huấn Cổ truyền và Khẩu truyền tiếp tục không đứt đoạn cho tới ngày nay.

Theo một cách thế tương tự, vị y sĩ vô song xứ Dakpo [Gampopa] lúc ban đầu là một môn đồ của Dòng Giáo huấn Lời Dạy của Đức Phật (Kadampa). Từ thời đại của ngài, nền tảng căn bản của thiền định trong Dòng Giáo huấn Khẩu truyền là Các Giai đoạn của Con Đường cho Ba Loại Người của Dòng Giáo huấn Lời Dạy của Đức Phật (Kadampa). Xin đưa ra ví dụ khác, Đức Phật thứ hai, Đức Rangjung Dorjay tôn kính, là vị thừa kế chính của những trao truyền Sáu Nhánh Ứng dụng [từ Dòng Giáo huấn Kim cương Du già], Dòng Giáo huấn Làm Nguôi dịu Đau khổ, Dòng Giáo huấn Cắt đứt và những dòng khác. Kết quả là sự tương tục của truyền thống đặc biệt được gọi là Dòng Giáo huấn Khẩu truyền Cắt đứt tiếp tục không đứt đoạn cho đến ngày nay. Kunga Namgyal, vị Trungpa vĩ  đại của Tu viện Zurmang, đã đẩy mạnh sự tiến bộ của Dòng Giáo huấn Làm An dịu Đau khổ, như đấng thấu biết mọi sự Chökyi Jungnay đã làm cho Sáu Nhánh Ứng dụng của Dòng Giáo huấn Kim Cương Du Già. Đức Karmapa thứ tư Dzamling Rolpay Dorjay làm cho giáo thuyết của Dòng Giáo huấn Shangpa trở thành cốt lõi của việc thiền định và giáo lý của ngài. Kể từ thời ngài, một loạt Karmapa toàn trí đã duy trì và bảo hộ một cách kiên định Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của Dakpo (Gampopa) và Dòng Giáo huấn Shangpa cùng một lúc. Sự Thực hành Miên mật Ba Dòng Giáo huấn Kim Cương tự nó là một truyền dạy riêng biệt của Orgyenpa, một thành tựu giả vĩ đại, một thành viên của chuỗi hạt vàng các vị hộ trì dòng truyền thừa của truyền thống chúng ta.

Các vị hộ trì trước đây của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của các Karmapa kể cả Pháp Vương Rangjung Dorjay tôn kính (Karmapa thứ ba), Karmapa thứ bảy (Chödrak Gyatso); Kachö Wangpo chứng ngộ (Sharmapa thứ hai); Sokon Rikpa Raldri; Goshri Paljor Döndrub (Gyaltshab Rinpochay thứ nhất); Karma Trinlaypa; Chökyi Döndrub vĩ đại, vinh quang (Sharmapa thứ tám); Chökyi Jungnay toàn trí (Tai Situpa thứ tám) và những vị khác đã nghiên cứu và thiền định mọi giáo huấn tâm linh có thể tìm được ở Tây Tạng. Hơn nữa, trong khi mỗi vị phụng sự như vị lãnh đạo của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của chúng ta [trong thời của các ngài], các ngài đã truyền bá không chút phân biệt những truyền thống giảng dạy và thực hành thiền định này. Theo cách này, các ngài mang lại lợi lạc vô song cho giáo lý của Đức Phật.

Làm thế nào những người như chúng ta, những kẻ không thể nắm bắt ngay cả một phần của con đường tâm linh, có thể duy trì khuôn mẫu của những cuộc đời giải thoát như thế? Đây là lúc tôi phải đi theo vết chân các ngài, ước muốn chân thành học tập một cách tôn kính công hạnh của các ngài trong tôi không suy giảm. Nhờ sức mạnh bẩm sinh của thái độ chân chính này, tôi không bao giờ cảm thấy mình đã sử dụng đầy đủ chất cam lồ giáo huấn tâm linh; tôi không bao giờ có đủ xác tín để phán đoán những giáo lý của Đức Phật mà tôi đã coi là hoàn toàn như nhau là đúng hay sai, tốt hay xấu; và chẳng bao giờ tôi tự trói mình trong những gông cùm chật hẹp của sự đua tranh ích kỷ. Vì thế, mặc dù giờ đây tôi đang ở cuối cuộc đời, tôi vẫn tìm kiếm những giáo huấn tâm linh với thái độ vô tư, không thiên vị. Năng lực tốt lành của động lực cao quý này, được củng cố bởi áo giáp nhiệt tâm của tôi, và sức mạnh mãnh liệt của chút ít thiện hạnh trong nhiều đời trước đã có kết quả. Đặc biệt là năng lực không lỗi lầm của thị kiến giác ngộ của các Đạo sư tâm linh và Tam Bảo đã bảo đảm rằng những ước nguyện của tôi hoàn toàn được chấp nhận nhờ lòng đại bi toàn khắp của các Đạo sư lẫy lừng của tôi, các Đức Phật Kim Cương Trì thứ hai. Các ngài đã chấp nhận những ước nguyện của tôi bằng cách ban những giáo huấn sâu xa và rộng lớn của các con đường thuộc tám dòng thực hành vĩ đại của vùng Hy mã lạp sơn.

Những hệ thống thiền định này hoàn toàn không bị ô nhiễm bởi ảnh hưởng của những cam kết Mật thừa bị vi phạm, không bị lu mờ bởi những lời dối trá lọc lừa, và không bị suy giảm năng lực đối với việc gây truyền kinh nghiệm và sự chứng ngộ. Những dòng truyền kinh nghiệm thiền định này tiếp tục không bị đứt đoạn và cường độ gia trì của chúng không bị tiêu mòn.

Tôi đã trở thành người vẫn còn giữ được vài mẩu nhỏ xíu dòng truyền các giáo huấn làm thuần thục và giải thoát, nhưng tôi không bị vinh danh bởi những cái tên nghe thật dễ chịu là “thành tựu giả” hay “bậc chứng ngộ,” tôi cũng không trở thành một bậc lão thông hay một người có thẩm quyền về các thực hành của một dòng giáo huấn tâm linh nào. Tuy nhiên, giờ đây khi mọi tâm thức của các Đạo sư vĩ đại trong quá khứ đã hoàn toàn thị tịch trong cõi vô cùng, tôi hy vọng mang lại một ít lợi lạc để giáo lý được tương tục và là một mẫu mực tốt lành cho thế hệ kế tiếp của những Đạo sư hữu duyên và thông tuệ. Sự may mắn của riêng tôi thì hết sức giới hạn vì thế có lẽ tôi không thể giúp đỡ bất kỳ ai, nhưng như Dolpopa toàn trí đã nói:

Mặc dù bạn không thể gánh vác

Những vật nặng nề hay phiền toái,

Ít nhất hãy cảm thấy lo âu

Về sự suy tàn của Phật giáo!

Tôi không lãnh đạm ruồng bỏ tâm yếu sâu xa của Phật giáo và tôi hy vọng rằng ý hướng giúp đỡ người khác của tôi sẽ không vô dụng. Vì thế, tôi đã tạo một nối kết tích cực với các thiền định thuộc giai đoạn phát triển và các thiền định thuộc giai đoạn thành tựu Mật thừa sâu xa cho những người an trú trong hai trung tâm nhập thất Palpung bằng cách giới thiệu với họ các kiểu mẫu nói chung trong tất cả tám dòng thực hành thiền định, ngoại trừ thực hành của Dòng Giáo huấn Con Đường và Quả. Những giáo huấn sâu xa của truyền thống đặc biệt này khó có thể giảng dạy và thực hành một cách đúng đắn cùng rất nhiều điều nữa trong chương trình. Nhưng bởi nửa vùng Hy mã lạp sơn tràn ngập những vị hộ trì truyền thống này nên tôi cảm thấy an tâm là giáo huấn (Con Đường và Quả) này có thể vắng mặt trong các chương trình nhập thất.

Hiện nay, trong một thời gian nào đó, chương trình của trung tâm nhập thất rộng lớn đã tập trung vào các thiền định thuộc giai đoạn phát triển và thành tựu sâu xa và rộng lớn của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của Đạo sư Marpa, và thực hành Cắt đứt. Tôi đã lập ra tục lệ bổ túc chương trình này bằng các thực hành làm thuần thục và giải thoát của Dòng Giáo huấn Làm An dịu Đau khổ. Ở đây trong trung tâm nhập thất này, chúng tôi duy trì các truyền thống của toàn bộ giáo khóa thiền định từ Dòng Giáo huấn Shangpa; Sáu Nhánh Ứng dụng của Dòng Giáo huấn Kim Cương Du già [được bổ túc bằng giáo huấn trong] Thực hành Miên mật của Dòng Giáo huấn Ba Kim Cương; và Đại Viên Mãn [Dzok Chen, rdzogs chen], cốt tủy sâu xa của Dòng Giáo huấn Cổ truyền, cùng với bí mật sâu xa của nó, các thực hành Tâm Yếu. Trong cả hai trung tâm nhập thất, cẩm nang được gọi là Các Giai đoạn của Con Đường cho Ba Loại Người tạo thành nền tảng cho các thực hành chuẩn bị. Như vậy, giữa hai trung tâm này, bảy hay tám hệ thống thực hành thiền định được trình bày đầy đủ.

Đức Jamgon Kongtrul Rinpoche
Trích từ Cẩm nang nhập thất