Quán chiếu về năm thuận duyên cá nhân

Ngài Long Thọ liệt kê năm thuận duyên thuộc về cá nhân như sau:

Sinh ra làm người, ở nơi trung tâm, đầy đủ các giác quan, Không sống đời xung đột với Pháp, và có niềm tin vào Phật Pháp.

Không được sinh làm người thì ngay cả Phật Pháp cũng sẽ không được gặp. Vì vậy, thân người là thuận duyên hỗ trợ.

Nếu bạn bị sinh ra ở một nơi hoang vu, một nơi chưa từng bao giờ được nghe tới Pháp thì bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được Pháp. Nhưng bạn được sinh ra ở một nơi gọi là “trung tâm” có nghĩa là nơi đó, Phật Pháp được quan tâm đến, và vì thế bạn có thuận duyên về nơi chốn.

Nếu bạn không có đầy đủ các giác quan thì đó sẽ là một chướng ngại cho việc thực hành Pháp. Nếu bạn có đầy đủ các giác quan, bạn có thuận duyên sở hữu các giác quan.

Nếu bạn có một lối sống đầy xung đột [đi ngược lại với Pháp, không thuận theo Giáo Pháp] thì bạn sẽ luôn đắm chìm trong những ác hạnh, sống một cuộc đời mâu thuẫn với Pháp. Giờ đây, bởi vì bạn đang mong muốn thực hiện những việc thiện lành, nên đây là thuận duyên về động lực.

Nếu không có niềm tin vào Giáo Pháp của Đức Phật, bạn sẽ cảm thấy không có bất kỳ thiên hướng nào về Pháp. Việc bạn có khả năng xoay chuyển tâm thức của bạn hướng về Pháp như giờ đây bạn đang làm chính là thuận duyên về niềm tin.

Rất cần thiết để có được đầy đủ tất cả năm điều kiện thuận lợi trên đây để tạo thành một cá thể nên năm điều kiện thuận lợi này được gọi là năm thuận duyên cá nhân.

Để tu tập hành trì Chánh Pháp chân chính thì điều tuyệt đối cần thiết là phải sinh ra làm người. Giả dụbạn không có được thân người như một trợ duyên mà lại mang hình dạng cao nhất trong các hình dạng của chúng sinh trong ba cõi thấp, là hình dạng của một con thú – kể cả là con vật đẹp đẽ nhất và được đánh giá cao nhất mà con người biết đến. Ngay cả như vậy, nếu có ai đó nói với bạn: “Hãy tụng một lầncâu Om mani padme hum, và bạn sẽ thành Phật,” thì bạn cũng sẽ hoàn toàn không thể hiểu được lời họ nói hay nắm được ý nghĩa của câu nói đó, và bạn cũng sẽ không thể thốt ra được đến một lời. Trên thực tế, [trong thân xác của một con thú], cho dù bạn đang chết cóng vì lạnh, bạn cũng sẽ chẳng nghĩ ra được điều gì để làm mà chỉ biết nằm ụ ra đó – trong khi đối với một con người, cho dù họ có yếu ớt tới đâu chăng nữa thì họ cũng biết cách tìm trú ẩn trong một hang động hay dưới một gốc cây, có thể tìm nhặt củi và đốt một ngọn lửa để hơ ấm mặt và tay của mình. Nếu loài vật không thể làm ngay cả những việc đơn giản như vậy, thì làm sao chúng có thể thấu hiểu được việc thực hành Pháp?

Chư Thiên và những chúng sinh đại loại như vậy, cho dù họ có mang hình tướng siêu việt đến đâu chăng nữa, họ cũng không có đủ điều kiện để thọ các giới nguyện của Biệt Giải Thoát (Prātimoksa), do đó không thể thấm nhuần toàn bộ Giáo Pháp.

Đối với định nghĩa của một “vùng trung tâm”, ta nên phân biệt giữa một vùng trung tâm có tính chất địa lý và một nơi là trung tâm trong phạm vi Giáo Pháp.

Nói về mặt địa lý, vùng trung tâm thường được nói là Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, nằm ngay trung tâm của cõi Diêm Phù Đề (Jambuvipa) hay Nam Thiệm Bộ Châu. Hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp đã đạt được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác ở nơi đây. Thậm chí ngay khi toàn thể vũ trụ bị hủy hoại vào cuối thời Hiền Kiếp, bốn nguyên tố đất nước gió lửa cũng không thể hủy hoại được Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng, và vùng trung tâm ấy sẽ tồn tại ở đó như thể được treo lơ lửng trong không gian. Ở trung tâm của Pháp Tòa Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng mọc lên Cây Giác Ngộ (Cây Bồ Đề). Do đó, địa điểm này cùng với tất cả những thành phố của Ấn Độ nằm chung quanh đó, được coi là vùng trung tâm về mặt địa lý.

 Trong phạm vi Giáo Pháp, một vị trí trung tâm là ở bất cứ nơi nào mà Phật Pháp – giáo lý của Đức Phật– hiện hữu. Tất cả những vùng khác được gọi là vùng biên địa.

Trong quá khứ xa xôi, khởi đi từ thời Đức Phật xuất hiện trên thế gian này, và cho đến khi nào mà Giáo Pháp của Ngài vẫn còn hiện hữu ở tại Ấn Độ, thì xứ sở đó là trung tâm về cả hai mặt địa lý và Giáo PhápTuy nhiên, giờ đây là lúc xứ sở ấy đã rơi vào tay những kẻ ngoại đạo và giáo huấn của Đấng Chiến Thắng đã biến mất ở trên xứ sở đó, nên nếu nói trên phương diện Phật Pháp thì ngay cả Bồ Đề Đạo Tràng cũng là xứ biên địa.

Ở vào thời Đức Phật, Xứ Tuyết Tây Tạng được gọi là “Xứ Tây Tạng biên địa,” bởi xứ ấy là một xứ thưa dân mà Phật Pháp chưa được truyền bá đến. Sau này dân số tăng dần và một vài vị vua trị vì là những hóa thân của chư Phật. Trước tiênPhật Pháp xuất hiện ở Tây Tạng trong triều đại vua Lha-Thothori Nyentsen, khi Kinh Bách Nguyện Bách Bái, một khuôn tsa-tsa, (dùng để đúc tượng Phật) và những bảo vật khác rơi xuống trên mái cung điện.

Năm thế hệ sau đó, Pháp Vương Songtsen Gampo, một hóa thân của Đấng Đại Bi Siêu Phàm,* đã xuất hiện phù hợp với những lời tiên tri rằng Ngài sẽ thông suốt yếu nghĩa của Kinh văn (Sutra). Trong triều đại của Ngài, dịch giả Thưnmi Sambhota được gởi tới Ấn Độ để học ngôn ngữ và văn tự Ấn Độ. Khi trở về, Ngài khai lập bản mẫu tự đầu tiên cho Tây Tạng. Ngài phiên dịch sang tiếng Tây Tạng hai mươi mốt bản Kinh và Mật điển của đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Oai Mật Kinh, cùng nhiều loại văn bản khác. Bản thân đức vua Songtsen Gampo đã hoá hiện trong nhiều thân tướng, và cùng với quan thừa tướng Gartongtsen, Ngài đã sử dụng nhiều phương tiện kỳ diệu để bảo vệ đất nước. Ngài tấn phong hoàng hậu cho hai công chúa, một đến từ Trung Quốc và một đến từ Nepal. Hai vị này đã mang theonhiều biểu tượng của thân, khẩu, ý của Đức Phật bao gồm hai pho tuợng Phật được gọi là Jowo Mikyo Dorje và Jowo Sakyamuni, là những biểu tượng đích thực của Đức Phật.26 Nhà vua cho xây dựng một loạt điện thờ được gọi là Thadul và Yangdul, trong đó ngôi điện chính có tên là Rasa Trulnang. Bằng vào cách ấy, Ngài đã thiết lập nền móng Phật Giáo ở Tây Tạng.

Vị kế nghiệp thứ năm của Ngài là vua Trisong Detsen đã mời thỉnh một trăm lẻ tám vị học giả đến Tây Tạng, kể cả đức Liên Hoa Sanh, bậc Đạo Sư xứ Oddiyana, bậc trì giữ mật chú vô song, bậc vĩ đại nhất trong suốt ba cõi giới. Để hộ trì những biểu tượng của thân của chư Phật, vua Trisong Detsen đã cho xây dựng nhiều chùa chiền gồm cả tu viện Samye, “một hiển lộ tự nhiên bất biến”. Để hộ trì ngữ của chư Phật tức Chánh Pháp, một trăm lẻ tám vị dịch giả gồm cả Ngài Vairotsana vĩ đại, đã trau dồi nghệ thuật phiên dịch và đã chuyển dịch tất cả các Kinh, Luận, và Mật điển chính yếu ở xứ Ấn Độ cao quý vào thời điểm đó (qua Tạng ngữ). “Bảy Vị Tăng Sĩ Tiên Phong” và những người khác đã thọ giới tỳ kheo, tạo thành một Tăng Đoàn để hộ trì tâm nguyện của chư Phật.

Từ thời đó cho tới nay, Giáo Pháp của Đức Phật đã tỏa sáng như mặt trời ở Tây Tạng và mặc dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng chưa từng bị mai một trên cả hai khiá cạnh truyền dạy và chứng ngộ. Do đó, đối với Tây Tạng trên phương diện Giáo Pháp thì Tây Tạng là một xứ trung tâm.

Một người nếu thiếu bất kỳ giác quan nào trong năm giác quan thì cũng đều không thể có đủ điều kiệnđể thọ giới nguyện của tu việnNgoài ra, những ai không đủ may mắn để có thể nhìn thấy được những biểu tượng của Đấng Chiến Thắng nhằm khơi dậy lòng sùng mộ quy ngưỡng, hoặc không đủ may mắnđể có thể tụng đọc hay lắng nghe những giáo lý quý báu và tuyệt hảo, là những chất liệu cần thiết cho công phu nghiên cứu và quán chiếu, thì họ sẽ không thể nào tiếp nhận được Giáo Pháp một cách trọn vẹn.

Nếu muốn nói một cách chính xác thì “lối sống xung đột” (không thuận theo Phật Phápám chỉ lối sống của những người phải bị sinh ra trong cộng đồng của những người làm thợ săn, gái điếm, v…v.., hoặc sinh ra làm kẻ bị dính líu đến những ác hạnh này từ thuở thiếu thời non dại nhất. Nhưng trong thực tế, “lối sống xung đột” cũng bao gồm bất kỳ những ai mà mỗi tư tưởnglời nói và hành vi của họ đều trái nghịch với Pháp – thậm chí ngay cả những người không phải sinh vào kiểu sống như vậy cũng có thể dễ dàng lọt vào lối sống đó sau này. Vì thế, điều quan trọng là phải tránh làm bất cứ điều gì mâu thuẫn, đối nghịch với Giáo Pháp chân chính.

Nếu bạn không đặt niềm tin nơi Phật Pháp mà lại tin vào các vị Trời, nāga (rồng nước) đầy quyền lực và v.v.. hay tin vào những học thuyết khác, chẳng hạn như giáo thuyết của những kẻ ngoại đạo thì dù bạn có thể đặt niềm tin nơi họ nhiều tới đâu chăng nữa, không ai trong số họ có thể bảo vệ bạn thoát khỏi những đau khổ của sinh tử luân hồi hoặc khỏi bị đọa vào những cõi thấp. Nhưng nếu bạn đã phát khởi được một niềm tin đúng đắn hợp lý nơi Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng, là Giáo Pháp hợp nhất được cả hai phương diện truyền thừa và chứng ngộ, thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn chính là một bình chứa thích hợp cho Giáo Pháp chân chính. Và đó là điều vĩ đại nhất trong năm thuận duyên cá nhân.

Đức Patrul Rinpoche
Trích trong Lời vàng của Thầy tôi