Thiền quán về chúng sinh đọa sinh ở địa ngục cô độc

Các Cô Độc Địa Ngục hiện hữu ở nhiều tầng khác nhau và những nỗi khổ phải kinh qua ở mỗi nơi cũng biến đổi rất nhiều. Chúng sinh có thể bị nghiền nát giữa các tảng đá, hoặc bị giam cầm trong một hòn đá, bị cóng lạnh giữa băng tuyết, bị nấu chín trong nước sôi hay thiêu đốt trong lửa đỏ. Có những chúng sinh cảm thấy rằng khi có người đang đốn cây, thì mình là cái cây đang bị chặt cành. Một số đau khổ bởi thấy thân thể họ là những dụng cụ bị liên tục sử dụng như cối giã, chổi, xoong chảo, cánh cửa, kèo cột, đinh đầu lớn và dây thừng

Minh chứng về các Cô Độc Địa Ngục có thể kể đến các câu chuyện về con cá mà Ngài Lingje Repa nhìn thấy trong Hồ Yamdrok và con ếch mà thành tựu giả Tangtong Gyalpo tìm thấy bên trong một hòn đá.

Yutso Ngonmo, Hồ Lam Ngọc xuất hiện trong lúc thánh nữ Yeshe Tsogyal đang thiền định ở Yamdrok, khi một miếng vàng ròng do một người tu theo đạo Bonpo ném xuống đã biến thành hồ nước. Nó là một trong bốn cái hồ nổi tiếng ở Tây Tạng, và dài đến nỗi từ đầu hồ tại Lung Kangchen tới cuối hồ ở Zemaguru phải đi bộ mất vài ngày. Một ngày nọ, khi đại thành tựu giả Lingje Repa đang quan sát cái hồ này thì Ngài bắt đầu bật khóc và than rằng: “Con vật đáng thương! Chớ lạm dụng những vật cúng dường! Chớ lạm dụng những vật cúng dường!”

Khi những người đang ở cùng với Ngài xin Ngài giải thích, Ngài nói “Thần thức của một Lạt Ma lạm dụng của cúng dường đã bị tái sinh trong một điạ ngục Cô Độc trong cái hồ này, và đang phải hứng chịu cực kỳ đau khổ.”

Những người này muốn được nhìn thấy, và vì thế mà vị thành tựu giả đã làm khô cạn nước hồ trong chốc lát một cách kỳ diệu, phơi bày một con cá khổng lồ, lớn tới nỗi chiếm trọn bề rộng và bề dài của cái hồ. Nó đang quằn quại trong đau đớn vì toàn thân bị phủ kín bởi những sinh vật nhỏ đang ăn sống nó. Những thị giả của Ngài Lingje Repa hỏi Ngài người có nghiệp xấu như vậy là ai, và Ngài trả lời đó là Tsangla Tanakchen, một lạt ma của phái Hắc Mã (Ngựa Đen) ở tỉnh Tsang. Ông là một Lạt Ma mà lời nói, ngôn từ có mãnh lực to lớn và có thể đem đến nhiều sự gia hộ. Chỉ một cái nhìn của ông là đủ để chữa lành cho một người mù bị tinh linh quấy nhiễu. Vì lý do này ông rất được kính trọng trong bốn tỉnh của U và Tsang. Nhưng khi ông thực hiện pháp chuyển di tâm thức trong những buổi tang lễ, mỗi lần phát ra tiếng “P’et” là ông đòi phải được trả công bằng một số lượng lớn gồm ngựa và trâu bò của người chết.

Một ngày nọ, khi thành tựu giả Tangtong Gyalpo đang hành trì những bài pháp du già (yoga) về kinh mạch và khí lực trên một tảng đá lớn, làm tảng đá bể ra làm hai. Bên trong đó là một con cóc lớn, có vô số những sinh vật bé nhỏ đang bám vào và ăn sống nó, làm nó há mở rồi lại ngậm cái miệng đen của nó lại vì đau đớn khôn tả. Khi những người đồng hành hỏi Ngài tại sao lại xảy ra điều này, Tangtong Gyalpo giải thích rằng người bị tái sinh trong hình thể đó là một thầy tu đã dùng những con vật để cúng tế.

Hãy nhìn những Lạt Ma ngày nay! Mỗi lần một tín chủ giết một con cừu béo tốt và bày ra thịt cổ, những trái cật và những bộ phận khác cùng với thịt và máu, chất đống nó cùng những miếng thịt sườn trâu yak còn run rẩy, những Lạt Ma của chúng ta kéo áo choàng ra khỏi đầu và mút bộ lòng như trẻ em bú mẹ. Sau đó, họ dùng dao lạng miếng thịt và ung dung nhai nuốt chúng một cách ngon lành. Khi ăn xong, cái đầu của họ mới ngẩng lên, nóng hổi và bốc hơi. Miệng họ loáng mỡ và râu họ thoảng một màu đỏ nhạt. Nhưng họ sẽ gặp hậu quả nặng nề trong đời sau, ở các cô độc địa ngục, khi họ phải trả giá lại bằng chính thân thể của họ tất cả những gì họ đã ăn quá nhiều lần trong kiếp sống này.

Có lần, Ngài Palden Chokyong, Tu Viện Trưởng Tối Cao của xứ Ngor, có mặt ở Derge. Ngài bố trí nhiều tu sĩ dọc theo bờ Sông Ngulda, ra lệnh cho họ không được để bất kỳ thứ gì trôi qua. Tới chiều, họ thấy một thân cây lớn trôi trên mặt nước nên lôi vào bờ và đem lại cho vị Tu Viện Trưởng, nói rằng ngoài khúc cây này họ không thấy vật gì khác.

“Chắc hẳn là nó,” Ngài nói. “Hãy chẻ nó ra.”

Ở bên trong thân cây họ thấy một con cóc lớn đang bị vô số côn trùng ăn sống. Sau khi thực hiện nghi lễ tịnh hóa, vị Tu Viện Trưởng nói rằng con cóc trước đây là một người quản thủ tên là Pogye ở vùng Derge. Ngày nay những người quản thủ như vậy có vẻ có mọi quyền lực, nhưng tất cả những người lãnh đạo và những kẻ quyền cao chức trọng đang thâm lạm của công nên suy nghĩ về Cô Độc Địa Ngục và phải vô cùng cẩn trọng.

Vào thời Đức Phật, có một người đồ tể của làng lập một lời nguyện không giết súc vật vào ban đêm. Ông ta bị tái sinh vào một địa ngục Cô Độc. Vào ban đêm ông ta được trải qua sự hỷ lạc vô hạn. Ông sống trong một lâu đài tuyệt đẹp với bốn phụ nữ quyến rũ và họ ra sức phục vụ các thức ăn đồ uống và những thú vui khác cho ông. Tuy nhiên, vào ban ngày những bức tường của toà nhà biến thành kim khí nóng đỏ và bốn người phụ nữ thành bốn con chó nâu thật khủng khiếp ngấu nghiến ăn thịt ông ta.

Ngày xưa, Ngài Srona thấy một người đàn ông ngoại tình thề giữ giới không tà dâm vào ban ngày. Ngược với người đồ tể, ông ta chỉ bị đau khổ vào ban đêm.

Trước đây có một tu viện rất an vui có khoảng năm trăm tăng sĩ. Khi chuông đổ vào giữa trưa, những nhà sư vân tập để thọ trai, dùng bữa trưa thì tu viện biến thành một căn nhà bằng kim khí cháy nóng. Những bình bát, ly tách và v.v… biến thành các vũ khí và những vị tu sĩ đánh đập nhau. Khi hết giờ ăn trưa, họ tách ra và lại trở về vị trí cũ. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, nhiều vị tăng đã tranh cãi vào giờ ăn trưa, và đây là sự trổ quả việc tranh cãi đó.

Tám địa ngục nóng (hỏa ngục), tám điạ ngục lạnh (hàn ngục), cùng với cận biên địa ngục và cô độc địa ngục tạo thành mười tám cõi địa ngục. Hãy nghiên cứu kỹ càng số lượng của những địa ngục này, thời gian trải qua ở đây, những đau khổ phải chịu đựng và nguyên nhân gây ra việc phải bị đọa sinh vào đó. Hãy thiền quán với lòng bi mẫn về những chúng sinh bị đọa sinh ở đó. Hãy cố gắng để bảo đảm rằng sẽ không một ai, kể cả bản thân mình lẫn bất kỳ chúng sinh nào khác, còn bị sinh vào những cõi đó.

Nếu chỉ hoàn toàn bằng lòng với việc lắng nghe và hiểu biết về những địa ngục này về mặt kiến thức mà không biến những hiểu biết ấy thành một kinh nghiệm sống thực, thì ta sẽ chỉ trở thành một người trong đám những hành giả ngoan cố và kiêu ngạo, sẽ bị các bậc siêu phàm phê phán và các bậc thiện tri thức chỉ trích.

Ngày xưa có một tu sĩ có đức hạnh gương mẫu nhưng lại hết sức kiêu ngạo. Ông ta đến thăm Ngài Shang Rinpoche, Ngài hỏi ông ta hiểu biết Giáo Pháp gì.

“Tôi đã được nghe nhiều giáo lý,” vị tăng sĩ trả lời.

“Vậy hãy kể cho ta tên của mười tám địa ngục,” Shang Rinpoche nói.

“Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh… tổng cộng là mười sáu… và nếu Ngài thêm vào Mũ Đen và Đỏ của các vị Karmapa thì là mười tám.”
Không phải vì sự thiếu tôn kính đã khiến cho ông ta gộp chung các đạo sư Karmapa với các địa ngụcĐơn giản là chỉ vì ông ta quên tên của các Cô Độc Điạ Ngục và Cận Biên Địa Ngục, và bởi vào lúc đó những vị đạo sư Karmapa Mũ Đen và Đỏ rất nổi tiếng, nên ông ta đã hấp tấp kể thêm các Ngài vào. Bây giờ bạn có thực hành những giáo lý đã nhận được hay không là một chuyện, nhưng nếu ngay cả những ngôn từ và thuật ngữ có liên quan đến những giáo lý ấy mà cũng không biết tới thì thật đáng xấu hổ.

Đức Patrul Rinpoche
Trích trong Lời vàng của Thầy tôi