Milarepa – Tấm gương tịnh hóa ác nghiệp và thành tựu giác ngộ trong một đời

Thủa đầu đời của bậc Thành tựu giả vĩ đại của vùng núi tuyết Himalaya bị tổn thương bởi bạo lực, thù hằn và sân hận. Nhưng mỗi khi nhắc đến tên Ngài, đôi mắt của mọi người dân nơi đây sẽ ướt đẫm những giọt nước mắt chí thành và hỷ lạc. Cuộc đời của Ngài là một câu chuyện về sự chuyển hóa. Đó là một người đã nhận ra những lỗi lầm, sai sót của mình và nỗ lực xoay chuyển cuộc đời mình. Và đây cũng là một trong những bậc Đại Thành tựu giả vĩ đại nhất của thế giới.

Ngài là ai?

Ngài là Đại Thành tựu giả Milarepa (1052-1135). Ngài đản sinh ở tỉnh Gungthang, miền tây Tây Tạng, trong gia đình của một địa chủ là Mila Sherab Gyaltsen. Khi Milarepa lên bảy tuổi, cha của Ngài lâm trọng bệnh và qua đời, để lại gia sản cho cô và chú của Ngài với lời hứa họ sẽ chăm sóc mẹ con Milarepa, và hoàn trả lại gia sản cho Milarepa và em gái của Ngài ở tuổi trưởng thành.

Thế nhưng sau khi cha Ngài mất, người chú và người thím xấu xa tước đoạt toàn bộ gia tài, họ còn bắt ba mẹ con Milarepa phải làm việc như những kẻ nô bộc trên đồng ruộng mà không được trả công. Khi Đức Milarepa lớn lên, gia tài cũng không được trả lại mà còn cho rằng đó là phần mà cha Ngài phải trả nợ cho họ. Tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục, mẹ của Đức Milarepa gửi Ngài đi học huyền thuật để trừng phạt những kẻ vong ân bội tín. Chẳng bao lâu sau, Đức Milarepa thành thục quyền năng huyền thuật hủy diệt và trở lại làng xưa. Trong khi trả thù chú thím, Ngài đã sát hại rất nhiều người vô tội. Trong thực tế, người ta nói rằng trong sự căm phẫn tột độ, Đức Milarepa đã giết chết 35 người trong ngôi làng của chú Ngài trong đêm báo thù.

Hạnh ngộ Thượng sư

Vô cùng hối hận trước những ác nghiệp của mình, Ngài quyết định đi tìm thầy học đạo để tịnh hóa tội chướng. Đức Milarepa gặp Thượng sư là Lama Rongton thuộc Truyền thừa Nyingma và được truyền trao giáo pháp Đại Toàn Thiện Dzogchen. Nhưng vì Lama Rongton nhận thấy Đức Milarepa có nhân duyên đời trước với Đức Marpa nên Ngài khuyên Đức Milarepa đi tìm gặp Đức Marpa, người có thể dẫn dắt Đức Milarepa đến bờ đại giải thoát.

Đức Marpa đã mang toàn bộ Phật pháp từ Ấn Độ về vùng núi Himalaya. Để đưa về Himalaya những giáo lý này, Đức Marpa đã phải chịu đựng những rất nhiều gian khổ và người ta nói rằng nếu không có Đức Marpa, Phật giáo sẽ không tồn tại ở xứ tuyết.

Giây phút Đức Milarepa nhìn thấy Thượng sư Marpa lần đầu tiên thật là kỳ diệu. Truyền thuyết kể lại rằng khi Đức Milarepa đi ngang qua Ngài Marpa ở ngoài đồng, bên một con đường, ngay từ giây phút đầu tiên, cả thế giới trở nên tĩnh lặng và niềm xúc động trào dâng mãnh liệt trong lòng Ngài. Đức Milarepa không biết người đàn ông mình gặp là ai nhưng bởi sự kết nối mạnh mẽ từ nhiều đời quá khứ, chỉ cần nhìn thấy Thượng sư Marpa là Đức Milarepa đã đi vào trạng thái thiền định rất sâu.

Những gian khổ mà Đức Milarepa phải chịu đựng

Đức Milarepa theo học nhiều Thượng sư nhưng dường như không vị Thầy nào có thể giúp đỡ được Ngài. Trong trái tim của Ngài, Ngài có linh kiến cần phải tu học với Đức Marpa. Ngài quyết tâm quay trở lại thỉnh cầu Đức Marpa truyền dạy giáo pháp nhưng Đức Marpa chỉ quở mắng và đuổi Ngài đi. Mỗi lần Đức Milarepa thỉnh cầu, Thượng sư Marpa chỉ thể hiện sự giận dữ, đánh đập và thậm chí đuổi Ngài ra ngoài. Mặc dù vậy, cuối cùng Ngài Marpa cũng nhượng bộ và chỉ dạy Đức Milarepa rằng: “Hãy xây cho ta một ngôi tháp lớn và ta sẽ dạy Pháp cho ngươi”.

Đức Milarepa bắt tay vào làm công việc do Thượng sư giao phó. Ngài thu thập những viên đá nhỏ, các tảng đá lớn và gỗ từ khắp mọi nơi. Sau nhiều tuần làm việc cật lực, Đức Milarepa trở về gặp Thượng sư Marpa và bạch với Thầy rằng ngọn tháp đã hoàn tất. Khi Thượng sư Marpa tới kiểm tra ngôi tháp, Ngài lại bắt đầu mắng Đức Milarepa thậm tệ, rằng Đức Milarepa đã làm sai hoàn toàn và phải bắt đầu lại!

Sự việc này diễn ra chín lần nữa.

Ngôi tháp cuối cùng mà Đức Milarepa xây dựng cao chín tầng và phải mất nhiều tháng để hoàn thành. Bạn hãy nhớ rằng Đức Milerapa phải xây chín ngôi tháp trong điều kiện vô cùng thô sơ không hề có máy móc hỗ trợ. Công việc này làm Ngài bị thương rất nặng. Lưng ngài đầy những vết thương lở loét. Nhưng Ngài vẫn không ngần ngại vác những tảng đá nặng trên lưng. Ngài đã thực hiện mọi điều Thượng sư Marpa yêu cầu với lòng chí thành dâng hiến sâu xa không gì có thể lay chuyển.

Khi ngôi tháp cuối cùng được xây xong, Đức Milarepa trở về nhà của Thượng sư Marpa. Ngài phủ phục dưới chân Thầy và thỉnh cầu Thầy chỉ dạy giáo pháp. Nhưng cũng như thường lệ, Thượng sư Marpa yêu cầu Đức Milarepa hãy ra khỏi nơi đó.

Hoàn toàn tuyệt vọng, Đức Milarepa quyết định tự vẫn. Trong quá khứ, Ngài đã giết chết 35 người. Ngài nhận ra rằng nếu không có giáo pháp của Đức Phật, Ngài không thể làm những điều đúng đắn và không có cách nào để mang lại lợi ích cho những người đã bị Ngài giết hại. Ngài treo một sợi dây thừng trên cây và cuốn dây quanh cổ. Ngài hít một hơi thật sâu, nhưng ngay khi Ngài sắp bước gần tới cái chết thì Thượng sư Marpa xuất hiện và dạy rằng giờ đây Đức Milarepa đã có thể thụ nhận giáo pháp giải thoát tối thượng. Ngài cũng chấp nhận Đức Milarepa là đệ tử và xem Milarepa như người con tâm huyết của mình.

Để tịnh hóa những ác nghiệp của Đức Milarepa, Thượng sư Marpa đã bắt Đức Milarepa phải thực hiện tất cả những nhiệm vụ khó khăn đó trước khi học giáo pháp. Không có những gian khổ này, tâm thức của Ngài sẽ không được tịnh hóa để đón nhận giáo pháp bởi Ngài đã tạo những ác hạnh quá lớn trong quá khứ.

Tu học với Thượng sư Marpa và miên mật thiền định trong các hang động

Sau đó Đức Milarepa thụ nhận tất cả những giáo pháp từ Thượng sư Marpa. Một đêm trong khi truyền giảng về giáo pháp bí mật, Thượng sư Marpa nằm mơ thấy một đức Phật mẫu giáng lâm và chỉ dạy cho Ngài rằng Đức Milarepa sẽ trở thành bậc hộ trì dòng truyền thừa của Ngài và vì thế hãy nỗ lực truyền dạy giáo pháp cho Milarepa. Do đó, Thượng sư Marpa truyền dạy cho Đức Milarepa tất cả những gì Ngài đã học ở Ấn Độ, giống như cách người ta rót nước từ chiếc bình này sang một chiếc bình khác.

Sau khi thụ nhận trọn vẹn giáo pháp từ Thượng sư Marpa, Đức Milarepa từ giã mọi người và lên đường đi tới những nơi thâm sơn cùng cốc. Ngài phát nguyện ẩn tu trong các hang động cho tới khi thành tựu giác ngộ. Đôi khi Đức Milarepa còn bịt kín lối vào hang để Ngài không thể ra khỏi đó và thiền định trong nhiều năm. Thực phẩm và nước uống được đưa vào cho Ngài qua một khe nứt giữa các viên gạch.

Giác ngộ trong một đời

Đức Phật từng dạy rằng chúng ta có thể đạt được giác ngộ trong một đời nhưng điều đó vô cùng hy hữu. Hầu hết các hành giả thực hành Phật pháp phải trải qua nhiều đời để trưởng dưỡng trí tuệ và tích lũy công đức. Nhưng Đức Milarepa đã làm được điều đó.  Ngài trở thành hành giả Yogi quan trọng nhất vào thời đại đó và thành tựu đại giác ngộ ngay trong một đời. Và đó là lý do vì sao người ta gọi Ngài là hành giả vĩ đại nhất trong mọi hành giả.

Việt dịch: Thanh Liên

Nguyên tác: “What Tibet greatest ever Yogi can teach us about living life”