Sự thanh khiết cơ bản trong tâm hồn

Bản chất của tâm hồn là thanh khiết.

Những ô uế chỉ mang tính nhất thời

Dharmakirti

Liệu chúng ta có thể tẩy trừ được những tình cảm tiêu cực một cách hoàn toàn được không, liệu chúng ta có thể kìm hãm chúng được không? Theo hiểu biết cơ bản của Phật giáo, tâm hồn về bản chất luôn mang tính sáng suốt và thông tuệ. Thế nên, những rắc rối về tình cảm không hề tồn tại trong bản chất cơ bản của tâm hồn; những thái độ tiêu cực trong tâm hồn chỉ mang tính tạm thời và hời hợt, chúng ta có thể tháo gỡ tẩy trừ được chúng.

Nếu những tình cảm khiến chúng ta đau buồn, chẳng hạn như sự tức giận, thuộc bản chất cơ bản của tâm hồn, thì ngay từ khi tâm hồn xuất hiện nó đã liên tục tức giận. Rõ ràng là, nói thế là không đúng. Mọi người đều biết rằng chúng ta chỉ tức giận trong một số hoàn cảnh nhất định nào đó mà thôi, khi hoàn cảnh đó qua đi thì cảm xúc tức giận cũng đồng thời biến mất.

Thế trong những hoàn cảnh như thế nào thì chúng ta thường trở nên tức giận hoặc căm thù? Khi chúng ta tức giận, đối tượng mà chúng ta cảm thấy tức giận thường xuất hiện với những đặc điểm xấu xí hơn nhiều so với sự thực về đối tượng đó. Bạn trở nên tức giận bởi vì người đó đã gây hại, đang gây hại, sẽ gây hại cho bạn hoặc cho bạn bè của bạn. Thế thì “tôi”, “tôi” đang bị gây hại, là gì?

Trong cơn tức giận đó chúng ta cảm nhận được rằng cả “tôi” lẫn đối tượng đó, kẻ thù của “tôi”, là hai đối tượng hoàn toàn độc lập với nhau. Bởi vì chúng ta chấp nhận những cảm tưởng này như những sự thực hiển nhiên, bởi vì chúng ta luôn đinh ninh rằng bản thân mình và kẻ thù của mình là hai đối tượng hoàn toàn độc lập với nhau, nên cảm xúc tức giận xuất hiện. Tuy nhiên, nếu ngay sau khi cảm xúc tức giận vừa hình thành bạn lập tức vận dụng khả năng lý luận của mình để tự đặt ra câu hỏi rằng “Mình là ai? Người đang bị gây hại là ai? Kẻ thù là gì? Kẻ thù có phải là một con người không? Kẻ thù có phải là một tâm hồn không?”, thì khi đó “cái tôi” mà chúng ta tự đặt ra cho rằng nó đang bị gây hại sẽ dần dần biến mất. Và khi đó cảm xúc tức giận bị đẩy lùi.

Bạn hãy nghĩ về điều này. Chúng ta trở nên tức giận với những gì cản đường những khao khát mong muốn của chúng ta. Cảm xúc tức giận được kích thích thúc đẩy bởi quan niệm sai lạc luôn cho rằng đối tượng đó và chính bản thân mình được hình thành theo cách này ( theo cách phân loại kẻ gây hại và người gây hại). Lòng căm thù không phải là một phần tất yếu thuộc nền tảng cơ bản của tâm hồn. Nó chỉ là một cảm xúc xuất hiện trong tức thời.

Tuy nhiên, lòng thương yêu lại luôn được đặt trên nền tảng là sự thật. Khi, qua một thời gian dài, một thái độ có nền tảng vững chắc sẽ lấn át được cái kia.

Những phẩm chất cơ bản của tâm hồn có thể được phát triển không giới những phẩm chất gây đau khổ cho tâm hồn, thì cuối cùng những phẩm chất gây đau khổ đó sẽ dần dần bị tàn lụi. vì tâm hồn luôn mang bản chất cơ bản là sáng suốt, thanh khiết và thông tuệ nên tất cả mọi người chúng ta đều có được một phương tiện cơ bản thiết yếu để đạt được sự giác ngộ cuối cùng.

Nhận biết bản chất tâm hồn

Cách đây khoảng hai mươi năm khi tôi còn ở Ladakh, Ấn Độ, khi ấy tham gia luyện tập một số bài luyện tập thiền định, tôi luôn đặt một bức tượng Đức Phật Shakyamuni trước mặt mình trong khi tham gia thiền định và mãi cho đến giờ đó vẫn là thói quen của tôi. Chiếc lá vàng nơi tim đã phai màu và thế nên nó dần ngả sang màu nâu. Khi tôi nhìn vào tim của bức tượng, tôi đồng thời quan sát tâm hồn mình, dần dần mọi suy nghĩ trong tôi biến mất và trong một khoảng khắc nào đó tôi cảm nhận được bản chất thông tuệ và thanh khiết của tâm hồn mình. Rồi sau đó, mỗi khi tôi tham gia bài luyện tập này thì trải nghiệm đó lại xuất hiện cùng tôi.

Sẽ rất hữu ích nếu hàng ngày chúng ta tham gia luyện tập nhận biết bản chất của tâm hồn bởi vì nó luôn ẩn nấp phía sau những suy nghĩ phân tán của chính chúng ta. Có một kỹ thuật giúp chúng ta có thể nhận biết được bản chất thanh khiết của tâm hồn, đầu tiên chúng ta hãy ngưng không nhớ về những gì có thể xảy ra trong tương lai; chúng ta cần để tâm hồn mình hoạt động tự nhiên với chính nó mà không hề có sự tham gia của bất kỳ một suy nghĩ nào.

Chúng ta cần để tâm hồn mình được nghỉ ngơi theo đúng trạng thái tự nhiên của nó và chúng ta tập trung quan sát nó.

Ví dụ, khi bạn nghe thấy một tiếng ồn, giữa khoảng khắc bạn nghe được nó và tìm kiếm nguồn tạo ra nó, bạn có thể cảm nhận được trạng thái trống rỗng của tâm hồn, trạng thái không tồn tại suy nghĩ trong tâm hồn nhưng tâm hồn khi ấy hoàn toàn không hề tê bại – giữa lúc đó sự sáng suốt, thanh khiết và thông tuệ của tâm hồn của tâm hồn xuất hiện. Chính khi ấy chúng ta mới có thể nhận biết được bản chất của tâm hồn sẽ dần dần trở nên trong sáng như mặt nước. Bạn cần cố gắng duy trì trạng thái tâm hồn như thế và đừng để mình bị chi phối bởi bất kỳ một suy nghĩ nào, rồi bạn quen với nó.

Bạn cần luyện tập bài thiền định này vào lúc sáng sớm, khi đó tâm hồn bạn đã tỉnh thức và trong sáng nhưng các giác quan của bạn vẫn chưa phát huy được hết khả năng của chúng. Mọi việc sẽ thuận lợi hơn nếu bạn không ngủ quá nhiều vào đêm hôm trước; bạn cần phải ngủ ít hơn một chút và như thế sẽ giúp tâm hồn bạn sáng suốt nhạy bén hơn vào sáng hôm sau. Nếu bạn ăn quá nhiều vào đêm hôm trước, giấc ngủ của bạn sẽ sâu hơn, dài hơn và nặng nề hơn, bạn sẽ ngủ như một xác chết. Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, tôi thường ăn no vào bữa sáng và bữa trưa nhưng tôi chỉ ăn một ít vào buổi tối – chỉ vài chiếc bánh quy tròn; sau đó tôi đi ngủ sớm và thức dậy sớm vào ba giờ ba mươi phút sáng hôm sau để tham gia thiền định.

Bạn hãy thử xem để biết rằng bản chất của tâm hồn vào lúc sáng sớm giúp tâm hồn bạn thêm linh hoạt trong suốt cả ngày như thế nào. Rõ ràng là tâm hồn bạn sẽ được thanh bình yên tĩnh hơn.

Trí nhớ của bạn sẽ được cải thiện nếu bạn có thể tham gia bài luyện tập thiền định mỗi ngày một ít. Một tâm hồn hỗn độn luôn bị quấy rầy bởi những suy nghĩ về điều tốt, về điều xấu, về những điều bất định, một tâm hồn như thế là một tâm hồn không hề được nghỉ ngơi.

Thiền định

  1. Đừng suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc những gì có thể xảy ra trong tương lai.
    2. Hãy để tâm hồn vận hành một cách tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của suy nghĩ.
    3. Hãy quan sát bản chất sáng suốt thông tuệ của tâm hồn.
    4. Duy trì khoảnh khắc xuất hiện trải nghiệm này Thậm chí bạn có thể tham gia luyện tập bài thiền định này ngay cả khi bạn đang nằm trên giường vào lúc sáng sớm, khi ấy tâm hồn bạn đã tỉnh táo nhưng các giác quan của bạn chưa hoàn toàn tỉnh thức.

Đức Dalai Lama XIV

Biên Dịch: Lê Tuyên – Hiệu đính: Lê Gia