Suy tư về Vô thường

Hãy tưởng tượng bỗng thấy mình trơ trọi trong một nơi xa lạ, chẳng biết từ đâu đến và cũng chẳng biết mình phải đi đâu. Ta lạc vào một thung lũng thật buồn thảm hướng về phương bắc, mặt đất đen xì rải rác những di tích đổ nát màu gạch đỏ, không một bóng người, từ xa vọng lại tiếng ầm ầm của thác đổ từ các vách đá của những ngọn núi âm u. Các tảng đá sụp lở lăn xuống phá vỡ cả triền núi cao, gió rít trong cỏ dại, một đàn ác thú đang tranh nhau cấu xé một xác chết. Tiếng sủa ăng ẳng của chó rừng hòa lẫn với tiếc oang oác của lũ quạ và tiếng kêu than của loài chim cú. Đỉnh núi giống như những lưỡi nhọn đâm thủng cả bầu trời , gió hú, mặt trời lặn xuống sau rặng núi, bóng tối dầy đặc tỏa rộng khắp nơi.

Lạc lõng, không bạn đồng hành, tôi chẳng biết mình đang ở đâu và phải đi về đâu. Vô cùng thất vọng tôi chỉ biết than vãn một mình : “Thật thảm thương, tôi đang ở đâu thế này ? Con cái tôi đâu rồi ? Cha mẹ tôi ? Của cải tôi ? Xứ sở tôi ? Thật vô cùng kinh hoàng !”

Tôi hoang mang muốn bước đi, nhưng vừa nhấc chân lên đã vấp té và ngã lăn xuống một vực sâu. Đang khi rơi tôi bỗng nắm được một bụi cỏ mọc trên một ghềnh đá cheo leo. Tôi nắm chặt chùm cỏ, tuyệt vọng và lơ lửng trong không trung. Nhìn xuống, hun hút không thấy đáy vực đâu cả, nhìn lên vách đá phẳng lì như một tấm gương vút lên tận trời xanh. Gió rít bên tai. Bỗng nhiên phía bên phải của bụi cỏ từ một kẻ hở trong phiến đá có một con chuột trắng chui ra cắn một cọng cỏ và tha vào hang. Bên trái bụi cỏ lại xuất hiện một con chuột đen cắn một cọng cỏ và tha vào một hang khác. Cả hai con thay nhau cắn từng cọng cỏ mang đi, bụi cỏ thưa dần, (hai con chuột một trắng và một đen tượng trưng cho ngày và đêm đang làm cho cuộc sống của ta ngắn lại).

Không có cách nào đuổi hai con chuột, tôi kinh hoàng nghĩ đến cái chết gần kề : “Thế là giây phút cuối cùng đã đến”. Chung quanh chẳng có bóng dáng một ai cho tôi cầu cứu. “Trước đây tôi không hề nghĩ đến tôi sẽ chết và không hề chú tâm vào việc tu tập Đạo Pháp. Tôi không nghĩ phải giáp mặt với cái chết sớm như vậy, thế nhưng nó lại đang hiện diện trước mặt. Tôi sẽ không còn nhìn thấy các con tôi, bạn hữu tôi, của cải và quê hương tôi. Trước đây tôi chỉ biết gom góp của cải và không hề quan tâm đến những gì tốt đẹp hơn, để rồi giờ đây tôi phải bỏ lại tất cả để đơn độc lạc vào một nơi mà tôi không biết đấy là đâu. Thật kinh hoàng ! Làm thế nào để thoát khỏi số phận thảm thương này ? Còn có một chút may mắn nào giúp tôi ra thoát hay chăng ?”

Bỗng nhiên Thầy tôi hiện ra trên bầu trời, mang sáu món trang sức bằng xương, ngồi trên tòa sen cạnh một vầng trăng, đang lắc chuông và đánh vào một cái trống nhỏ (đấy là các biểu tượng mà người Thầy muốn gợi lại cho người đệ tử : hoa sen tượng trưng cho cuộc sống thế tục nhưng vẫn giữ được sự thanh cao, mặt trăng tượng trưng cho lòng từ bi, sáu món trang sức bằng xương tượng trưng cho sáu phẩm hạnh siêu nhiên, chuông nhỏ tượng trưng cho trí tuệ, cái trống tượng trưng cho Đại Phúc hạnh). Thầy tôi múa một cách thật oai nghi trong không trung và nói với tôi :

“Bất hạnh thay ! Hiện tượng vô thường đang làm con biến mất. Mùa màng trôi nhanh, tất cả mọi người dù bạn hay thù đều già nua và phải chết. Tuổi trẻ cũng tàn phế theo từng tháng, từng ngày. Không có cách nào để đẩy xa cái chết, tuy nhiên nếu con nghĩ rằng còn có thể ra thoát thì hãy nhìn vào cảnh huống của con trong lúc này và tức khắc không được chậm trễ hãy chú tâm nghe thầy dặn bảo với tất cả sự tôn kính.”

Khi nghe những lời nói ấy tôi thét lên : “Tiếc thay ! con đang đứng trước ngưỡng cửa cái chết và rất hối hận vì trước kia con không chuyên cần tu tập để biến cải tâm thức mình. Dù phải chết hay được sống còn, con xin đặt số phận con vào tay Thầy và Tam Bảo. Xin Thầy và Tam Bảo tràn đầy lòng từ bi hãy giải thoát cho con khỏi vực thẳm và chu kỳ hiện hữu ! Thầy là hiện thân của Tam bảo, con xin đặt số phận con trong tay Thầy !”.

Khi những lời cầu khẩn xuất phát từ nơi sâu thẳm của đáy lòng ta hướng vào vị Thầy thì một tia sáng cũng phát ra từ tim của vị Thầy rọi thẳng vào tim ta đúng vào lúc mà chùm cỏ đang treo lơ lửng sinh mạng mình sắp đứt hết . Tia sáng kéo ta ra khỏi vực thẳm và đưa ta vào mảnh đất tinh khiết của Đại Phúc Hạnh. Vô lượng tia sáng khác sẽ phát ra từ tim ta để tiếp dẫn chúng sinh trong ba cõi của thế giới ta-bà, không bỏ sót một chúng sinh nào, tất cả đều cùng ta bước vào mảnh đất tinh khiết của Đại Phúc Hạnh. Hãy suy tư như thế để phát huy lòng từ bi cực mạnh.

ĐỨC PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI (Thế kỷ thứ V trước Tây lịch) (9)

Như một vì sao băng, một ảo ảnh hay một đốm lửa,

Một ảo giác, một giọt sương mai hay một bọt nước,

Một giấc mơ, một tia chớp hay một làn mây,

Hãy nhìn mọi sự vật cấu hợp giống như thế.

ĐẠT-LAI LẠT-MA THỨ VII, KELZANG GYATSO (1708 – 1757) (10)

Đến lúc phải đặt xuống

Trước ngưỡng cửa cái chết, gánh nặng của kiếp người,

Chẳng có ai mang theo được cha mẹ, bạn hữu,

Tôi tớ và của cải của mình.

Thương thay cho một tâm thức còn bị nô lệ bởi sự bám víu.

Hãy chặt đứt hết các mối ràng buộc ấy đi !

GOTRAKPA (1170 – 1249) (11)

Thân xác, vô thường như sương sớm một ngày xuân ;

Tâm thức, phi vật chất như bầu trời trống rỗng ;

Tư duy, tan nhanh như một cơn gió thoảng ;

Lúc nào ta cũng nên suy tư về ba điều ấy !

GAMPOSA (1079 – 1153) (12)

Bước đầu ta phải khiếp sợ sự sinh và cái chết, như một con hươu vừa thoát bẫy.

Giữa đường, ta không nên hối tiếc bất cứ điều gì dù đấy là cái chết của mình, giản dị như người nông dân vừa làm xong công việc đồng áng.

Bước vào đoạn cuối của con đường, ta hãy hân hoan như một người vừa hoàn tất một công việc thật bao la […]

Cần nhất phải hiểu rằng không được chậm trễ, phải khẩn cấp như ta vừa bị một mũi tên đâm trúng vào một chỗ nhược trên thân mình.

MẬT-LẶC-NHẬT-BA (MILARÉPA, 1040 – 1123) (13)

Khiếp sợ trước cái chết, tôi đi vào các vùng núi non,

Ra sức thiền định về sự bất định của nó.

Chinh phạt được thành trì bất tử của sự trường tồn,

Giờ đây tôi không còn lo sợ cái chết nữa !

JIGMÉ LINPA (1729 – 1798) (14)

Những ai từng bị cái nóng của mùa hè hành hạ,

Đang nhàn nhã dưới ánh trăng vằng vặc của mùa thu.

Họ không có vẻ gì khiếp sợ,

Chẳng qua vì không hề nghĩ đến,

Kiếp sống của họ đã bớt một trăm ngày*.

*(một trăm ngày là thời gian giữa mùa hè và mùa thu)

PATRUL RINPOCHÉ (1808 – 1887) (15)

Bất hạnh thay cho chúng ta còn vướng mắc trong ảo giác,

Còn xem thế giới khổ đau này là thật và trường tồn !

Trước lòng tốt vô biên của vị Thầy,

Chúng ta cầu mong nhận được phúc lành để sống tốt đẹp như một lời giảng huấn !

Sinh ra đời, chúng ta lăn xả vào con đường đang mở rộng,

Nó hướng chúng ta vào một ngưỡng cửa chật hẹp, nơi Thần Chết đứng chờ,

Thịnh nộ và bất trị, Hắn vung con dao dài và giật chiếc dây thòng lọng đen kêu lên đồm độp,

Hắn nhìn bằng cặp mắt làm lạnh toát cả người.

Như thế đó chúng ta từ giã cõi người,

Thế nhưng trước đây chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến.

Cất giữ trong bao những hạt giống màu trắng,

Chúng ta đem gieo và chờ đến mùa gặt hái.

Là những người nông dân chúng ta nào biết cuộc sống sẽ chấm dứt lúc nào,

Biết đâu chúng ta sẽ không còn đó,

Để nâng chén rượu trong mùa gặt mới ?

Ý nghĩ về cái chết chẳng bao giờ hiện lên trong đầu những con gà trống trẻ !

Nếu có những gì khác biệt giữa con người và một thây ma,

Thì đấy cũng chỉ là một sợi chỉ mành buộc vào một hơi thở ngắn.

Thật nhẹ nhàng tâm linh rời bỏ thân xác một thanh niên hấp hối,

Thế nhưng người ta cứ bảo đấy là một sự đau buồn và khiếp sợ quá nặng nề.

Thế còn bạn, đang lúc trẻ trung và tươi mát, ngực áo cài hoa và mang đầy trang sức.

Có khi nào bạn nghĩ đến lúc đầu bạc và già nua ?

Làm thế nào có thể che dấu được những tàn phá âm thầm của thời gian.

Bạn làm gì được nào ? Già nua đôi khi còn tàn ác hơn cả cái chết !

Thân xác này, từng được chăm sóc cẩn thận chỉ là kho chất chứa đủ mọi khổ đau.

Không báo trước, nghịch cảnh giáng xuống bằng những mũi tên thật bén nhọn,

Những mũi tên của bệnh tật cắt đứt mối liên hệ giữa tâm linh và thân xác,

Biến chúng ta thành lễ vật hiến dâng cho Thần Chết.

Xác chết nằm kia khiến mọi người sợ hãi và lánh xa,

Thật ra cũng không khác gì với xác chết của bạn một ngày nào đó !

Xin vị Thầy nhân từ hãy nhìn xuống,

Những khổ đau mà chúng ta đang gánh chịu.

Bất lực không đủ sức nhổ bỏ cội rễ của sai lầm,

Chúng ta bị lừa bịp từ kiếp này sang kiếp khác,

Để phải cuồng quay trong chu kỳ hiện hữu của cõi ta-bà.

Cầu mong chúng ta tìm thấy hạnh phúc,

Và tháo gỡ được các khúc mắc của những ảo giác này !

Cuộc gặp gỡ giữa Patrul Rinpoché và Tcheuying Rangdrol

(Patrul Rinpoché là tác giả bài thơ trên đây)

Một hôm nhà sư ẩn dật và phiêu bạt Patrul Rinpoché cùng với một người bạn là Péma Dorjé đến viếng ngôi chùa Kathok. Họ men theo con đường mòn bên bờ Hồ Đen, vượt qua các băng hà trên dãy núi Thromgo. Sau cùng họ trèo lên được ngọn Núi Thiêng, ngọn núi có một triền dốc thẳng băng gọi là Nữ Hoàng của các Vách đá Hung ác.

Triền núi này là nơi ẩn dật của một vị đại thiền sư tên là Tcheuying Rangdrol. Tcheuying Randrol sống ẩn dật gần như suốt đời mình. Tuy không được học hành cao siêu nhưng đã thấu triệt được con đường thiền định của Đại Phúc Hạnh. Quần áo vỏn vẹn một tấm da cừu khoác ngoài đã cũ và mòn nhẵn, bên trong là một manh áo mong manh mà cổ áo lại khâu ngược ra ngoài. Ông chưa bao giờ đi đâu cả, ngày ngày chỉ ngồi yên trên một manh chiếu để lắng sâu vào thiền định.

Patrul Rinpoché và Péma Dorjé trèo đến nơi và gặp Tcheuying Randrol đang thiền định. Patrul Rinpoché phủ phục xuống đất và lạy Tcheuying Randrol ba lạy, sau đó ông xin Tcheuying Randrol giảng dạy cho mình giáo lý về Bản thể của Không gian Rạng rỡ, theo đúng truyền thống của dòng truyền thụ tâm linh thuộc các vị tổ trụ trì của chùa Kathok.

Ngày đầu tiên, Tcheuying Rangdrol chắp tay trước ngực xướng lên vài tiết trong giáo lý, sau đó thì lập lại thật chậm rãi ba lần câu thứ nhất như sau :

“Thật đáng tiếc,

Quả rất khó để có thể kết hợp giữa các thể dạng tự do và sự ràng buộc của các điều kiện,

Cần thiết cho sự hiển lộ của Giác ngộ.”

Thế rồi nước mắt tuôn trào xuống hai má của ông. Patrul Rinpoché cũng bật khóc theo và sau đó Tcheuying Rangdrol giữ yên lặng một lúc lâu và buổi giảng chấm dứt.

Sang hôm sau, Tcheuying Rangdrol lại tiếp tục giảng dạy theo cách đó, ông không phân tích văn bản mà đi thẳng vào kinh nghiệm do chính ông đã đạt được. Sau đây là câu ông xướng lên :

“Sự sống của chúng sinh đổ xuống như một thác nước trên đỉnh núi !”

Ông chắp hay tay trước ngực và khóc, ông giữ yên lặng một lúc rồi lại xướng lên :

“Phải coi trọng những điều kiện thuận lợi đang có và sự tự do mà mình đang được hưởng.
Đừng phung phí một cách vô ích cuộc sống này !”

Nhìn thấy thế Péma Dorjé nghĩ rằng : “Thật hết sức lạ lùng ! Một vị Thầy như Patrul Rinpoché đã thấu triệt toàn thể các giáo lý mà lại thân hành đến đây để tiếp nhận một sự giảng dạy sơ đẳng đến thế ! Thế nhưng chỉ cần đơn giản nhắc đến sự hiếm hoi được làm thân con người mà cả Thầy lẫn trò phải ôm nhau mà khóc. Thật tôi chẳng hiểu gì cả”.

(Trong buổi thuyết giảng đầu tiên, Cheuying Randrol nêu lên sự khó khăn trong việc tu tập khi phải mang thân xác trói buộc của con người, thế nhưng làm con người là một điều kiện cần thiết để tu tập, lời thuyết giảng ấy đã làm cho ông động lòng trắc ẩn đối với chúng sinh và bật khóc. Patrul Rinpoché cảm nhận được những xúc cảm từ bi ấy trong lòng của Cheuying Randrol nên cũng khóc theo.

Hôm sau Cheuying Randrol nêu lên số phận của chúng sinh cùng sự hiếm hoi và quý báu được làm thân con người. Niềm hân hoan đó, sự giác ngộ đó đã làm cho ông lại bật khóc. Patrul Rinpoché bất chợt cũng cảm nhận được sự hiếm hoi và quý giá ấy khi được làm thân con người để tu tập, khiến ông cũng khóc theo. Lòng từ bi và sự giác ngộ trong lòng hai ông tương tự như những dây đàn căng thẳng trong yên lặng, chỉ cần một lời giảng xướng lên chạm nhẹ vào dây đàn cũng khiến cho những giọt nước mắt trào ra. Hai vị đại sư không đủ sức kiềm chế lòng từ bi và sự giác ngộ bùng lên thật mãnh liệt trong lòng mình nên đã ôm nhau mà khóc).

Matthieu Ricard biên dịch

Hoang Phong chuyển ngữ