Cuộc đời của Milarepa – Chương 3 – Ác hạnh

Bấy giờ Retchung nói, “Bạch Đạo sư, Ngài nói với chúng con rằng trước hết Ngài đã làm những hành vi xấu ác. Con xin hỏi, Thầy đã phạm vào chúng như thế nào ?”

“Thầy đã tích tập tội lỗi bằng cách đọc chú và gây ra những trận mưa đá.”

“Bạch Đạo sư, những trường hợp nào đã đưa Thầy đến việc đọc chú và gây ra mưa đá ?”

Rồi Đạo sư tiếp tục :

Khi học ở Mithogekha, một hôm thầy đi cùng thầy dạy đến dự tiệc cưới ở một thung lũng thấp vùng Tsa. Uống nhiều bia, không chỉ phần thầy rót cho ông mà mọi người khác đều rót cho ông, thầy dạy của thầy bị say. Ông bảo thầy về trước với những quà tặng ông đã nhận được. Thầy cũng say. Nghe những người hát, thầy cũng muốn hát và có một giọng tốt, thầy hát ca suốt dọc đường. Con đường đi ngang qua nhà thầy và thầy vẫn hát khi đi qua ngoài cửa. Trong nhà mẹ thầy đang nướng bánh và nghe tiếng thầy. “Cái gì thế ?” Bà tự nói với mình, “Giọng này nghe như tiếng con ta. Nhưng làm sao nó có thể vui vẻ đến thế khi chúng ta quá bi đát như vầy ?” Và không tin vào tai mình, bà nhìn ra ngoài. Vừa nhận ra thầy, bà kêu lên ngạc nhiên. Tay phải bà buông cái kẹp xuống ; tay trái buông cái đánh bột xuống ; và để mặc bột cháy, bà cầm một cây gậy và tay kia bốc một nắm tro. Bà chạy xuống cầu thang bằng những bước dài ra ngoài, và ném tro vào mặt thầy, quất vài gậy trên đầu thầy và la lớn, “Bố Mila Ngọn Cờ Trí Huệ ơi ! Ông đã quên đứa con trai này của ông chưa ? Nó chẳng xứng đáng gì với ông. Hãy nhìn số phận của mẹ con chúng tôi !” Rồi bà ngất xỉu.

Vào lúc đó đứa em thầy chạy đến và nói, “Anh ơi, anh đang làm gì thế ? Điều gì xảy ra cho mẹ ?” Và tiếng khóc của nó làm thầy sực tỉnh. Rồi thầy cũng rơi nhiều nước mắt. Anh em thầy xoa tay bà và kêu tên bà. Sau một chốc bà tỉnh lại và đứng dậy. Rồi nhìn chăm chú vào thầy bằng cặp mắt đầm đìa nước mắt, bà nói, “Từ khi chúng ta là những người bất hạnh nhất trên trái đất, có còn gì đáng để hát ca ? Khi mẹ nghĩ đến chuyện đó, người mẹ già nua của con tan tành trong tuyệt vọng và chỉ biết than khóc mà thôi.” Khi ấy ba mẹ con thầy bắt đầu khóc lớn. Thầy nói với bà, “Mẹ ơi, mẹ nói đúng. Chớ đau buồn quá lắm. Con sẽ làm bất cứ điều gì mẹ muốn.”

“Mẹ muốn con mặc chiếc áo choàng người lớn, cưỡi trên một con ngựa, để cho bàn đạp ngựa xé toạc cổ những kẻ thù đáng ghét của chúng ta. Nhưng điều đó không thể được đâu. Nhưng con có thể làm hại chúng bằng những cách âm thầm. Mẹ muốn rằng, con đi học huyền thuật cùng với loại chú thuật hủy diệt, trước hết con hủy diệt chú thím kia, rồi những người làng và những hàng xóm đã đối xử độc ác với chúng ta. Mẹ muốn con nguyền rủa chúng và con cháu chúng cho tới đời thứ chín. Bây giờ, hãy xem con có thể làm điều đó không.”

Thầy trả lời, “Mẹ ơi, con sẽ cố gắng. Mẹ hãy sửa soạn lương thực và một món quà cho thầy lama.”

Để cho thầy học huyền thuật, mẹ thầy bán nửa miếng ruộng Thảm Lông Thú Nhỏ. Với tiền ấy bà mua một viên ngọc bích có tên là Sao Lớn Lấp Lánh, một con ngựa trắng được yêu chuộng trong vùng có tên là Senge Submay (Sư Tử Không Cương), hai kiện thuốc nhuộm và hai lố đường thô. Như vậy bà hoàn thành sự chuẩn bị cho chuyến đi của thầy.

Trước hết thầy đến Gungthang ở vài ngày trong một nhà trọ tên là Lhundup. Có năm thành viên dễ mến đến, nói rằng họ từ Ngari Došl và sắp đi đến vùng UŠ và Tsang để học tôn giáo và huyền thuật. Thầy đề nghị họ cho thầy đi theo vì thầy cũng muốn học huyền thuật. Họ chấp thuận. Thầy đưa họ về nhà mẹ thầy ở Gungthang và đối xử với họ như khách trong vài ngày.

Mẹ thầy âm thầm dặn với họ rằng, “Đứa con này của bác ý chí không mạnh mẽ, các cậu là những người đồng hành của nó, hãy khuyến khích và thúc dục nó trở thành thông thạo trong huyền thuật. Khi đó bác sẽ đền đáp thân tình và rộng rãi, chứ không quên ơn các cậu đâu.” Rồi chất hai bao thuốc nhuộm lên ngựa và đeo ngọc bích vào người thầy, bọn thầy lên đường.

Khi những người bạn đồng hành của thầy đang uống ly rượu tiễn biệt, mẹ thầy lại dặn dò thêm. Khó lìa bỏ thầy, đứa con trai độc nhất của bà, bà nắm chặt tay thầy và kéo riêng thầy ra. Mặt đầm đìa nước mắt và giọng nức nở, bà nói với thầy, “Trên tất cả mọi sự, hãy ghi tâm khắc cốt sự bất hạnh của mẹ con mình và hãy để cho những dấu hiệu huyền thuật của con biểu lộ ra trong làng chúng ta. Rồi hãy trở về. Pháp thuật của những anh kia không giống chúng ta đâu. Pháp thuật của họ là của những đứa con nít được nuông chiều, họ muốn có nó chỉ vì thích thú. Pháp thuật của chúng ta là của người đã chịu thảm kịch. Bởi thế một ý chí không chịu thua là cần thiết. Nếu con trở về mà không thi triển được những dấu hiệu pháp thuật của con trên làng này thì bà mẹ già của con sẽ tự tử ngay trước mặt con.”

Thầy hứa điều này và thầy ra đi. Thầy làm mẹ vững lòng bằng tình thương với mẹ. Thầy cứ nhìn trở lại hoài, và rơi nhiều nước mắt. Và mẹ của thầy, người thương thầy đứt ruột, cứ trông theo bọn thầy bằng đôi mắt đầy nước mắt cho đến khi bọn thầy khuất dạng. Thầy tự hỏi có nên trở lại với mẹ thầy trong chốc lát. Thầy có cảm giác rằng thầy sẽ không bao giờ gặp lại bà. Cuối cùng khi hai bên không thấy nhau nữa, bà trở về làng, khóc sướt mướt.

Vài ngày sau, có tin đồn con trai bà Bạch Ngọc đã ra đi để học huyền thuật.

Theo con đường đến UŠ và Tsang, bọn thầy đến Yakde trong thung lũng Tsangrong. Tại đó thầy bán con ngựa và thuốc nhuộm cho một người rất giàu để lấy vàng cất trong người.

Sau khi qua sông Tsang Po, bọn thầy hướng đến UŠ. Trong một nơi tên là Tušhnlok Rakha (Chỗ nhốt cừu của Tušhn) bọn thầy gặp nhiều vị sư. Thầy hỏi họ có biết một vị thầy ở vùng UŠ thông thạo huyền thuật, bùa chú và mưa đá. Một nhà sư trả lời, “Ở Kyorpo, trong vùng Yarlung, có một lama tên là Yungton Trošgyel (Người Chinh Phục Làm Khiếp Sợ) họ Nyag. Ông có thần lực lớn lao về bùa, chú và pháp thuật.” Nhà sư này là đệ tử của ông. Thế là bọn thầy đi tìm Lama Yungton và đến Kyorpo vùng Yarlung.

Khi bọn thầy trình diện với lama, những bạn đồng hành với thầy chỉ dâng cúng những quà tặng tầm thường, còn thầy thì dâng cúng đủ thứ, vàng và ngọc bích. Và thầy nói, “Con còn dâng cúng thầy thân, ngữ, tâm của con nữa. Họ hàng, hàng xóm và một số người trong làng con không thể chịu nổi hạnh phúc của những người khác. Xin hãy thương xót và ban cho con loại huyền thuật mạnh mẽ nhất có thể trút lên làng con. Trong khi học, xin thầy thương mà cho con thức ăn và đồ mặc.” Vị lama mỉm cười và trả lời, “Ta sẽ nghĩ đến những điều con nói với ta.” Nhưng ông không dạy bọn thầy những bí mật thực sự của huyền thuật.

Khoảng một năm trôi qua, và tất cả những gì ông cho bọn thầy chỉ là một vài bùa chú để làm trời đất xung khắc và một hiểu biết hời hợt về những bùa chú và thực hành cụ thể. Những bạn đồng hành của thầy sửa soạn ra đi. Vị lama cho mỗi người một bộ quần áo vải mịn may khéo của Lhasa. Nhưng thầy không thỏa mãn. Những thực hành này không đủ sức làm phát sinh một hiệu quả nào đối với làng thầy. Nghĩ rằng mẹ mình sẽ tự tử nếu thầy về mà không có những chú thuật có hiệu quả, thầy không chịu đi. Thấy thầy không sửa soạn về nhà, những người bạn đồng hành hỏi thầy, “Tin Lành, anh không đi về sao ?” Thầy trả lời, “Tôi chưa học đủ huyền thuật.” Họ đáp lại, “Những chú thuật này quyền năng cao tột nếu chúng ta cố gắng thành thạo chúng. Chính ngài lama nói rằng ngài không có cái nào khác nữa. Chúng tôi không còn nghi ngờ gì về điều ấy. Bạn cứ chờ đi xem thử ngài lama có cho bạn thêm cái gì nữa không !” Sau khi cám ơn vị lama và làm lễ từ giã, họ bỏ đi. Thầy cũng mặc cái áo vị lama cho và theo họ một nửa ngày. Sau đó bọn thầy chúc nhau sức khỏe, họ đi về quê hương.

Trên đường trở lại vị lama, thầy chất đầy phần trước áo với phân ngựa và lừa, phân bò và phân chó cho miếng ruộng của vị lama. Đào một cái hố trong miếng ruộng tốt của vị lama, thầy chôn số phân ấy vào đó. Vị lama đứng trên sân thượng thấy thầy làm như vậy, nói với vài đệ tử của ông, “Trong nhiều đệ tử đã đến với ta, không có ai đáng yêu hơn Tin Lành, và cũng sẽ không có ai giống như nó. Bằng chứng là sáng nay nó không nói lời từ giã với ta và bây giờ nó trở lại. Khi nó đến đây lần đầu, nó nói với ta rằng bà con, hàng xóm và người trong làng nó không thể chịu nổi hạnh phúc của những người khác. Nó cầu xin ta cho học huyền thuật và dâng cúng thân, ngữ, tâm của nó cho ta. Thật là kiên trì ! Nếu câu chuyện nói kể là thật, thì quả là một điều đáng tiếc nếu không cho nó những bí mật của huyền thuật.”

Một trong những vị sư lập lại những lời này cho thầy. Thầy vui vẻ nghĩ thầm, “Rốt rồi cũng ổn thỏa, mình sẽ được những bí mật của huyền thuật.” Và thầy đến vị lama. Ngài nói với thầy, “Tin Lành, tại sao không về nhà ?” Rồi thầy trao lại bộ áo quần vị lama đã cho thầy. Thầy đặt đầu mình dưới chân ngài và nói, “Lama quý báu, chúng con có ba người, mẹ con, em con và con. Chú và thím của con, một vài người hàng xóm và một số người làng đã trở thành là kẻ thù của gia đình con. Qua sự bạc đãi chúng con không đáng để có, họ dồn chúng con vào thảm cảnh. Con không có sức mạnh để tự bảo vệ mình. Bởi thế tại sao mẹ của con gởi con đi học huyền thuật. Nếu con trở về nhà mà không có một dấu hiệu nào xuất xứ từ những nỗ lực của con, mẹ con sẽ tự tử trước mắt con. Chính là để bà khỏi tự hủy hoại mà con đã không bỏ đi. Đó là lý do tại sao con cầu xin thầy những bí mật của huyền thuật.”

Nói xong, thầy khóc. Vị lama hỏi, “Những người làng hại bọn con như thế nào ?” Nức nở, thầy kể cha thầy, Mila Ngọn Cờ Trí Huệ đã chết như thế nào, và sau cái chết của ông, chú và thím đã làm ba mẹ con thầy tan nát trong thảm cảnh như thế nào. Rồi nước mắt rơi từng giọt, vị lama nói, “Nếu điều con nói là đúng, đây là một hoàn cảnh thương tâm. Huyền thuật mà ta thực hành sẽ có tác dụng. Nhưng chúng ta không phải hấp tấp. Để có được huyền thuật ấy, ta đã dâng cúng những của cải vàng và ngọc bích từ Ngari Korsum phía tây ; số lượng lớn trà, lụa, áo quần từ ba vùng núi xứ Kham phía đông ; hàng trăm và hàng ngàn ngựa, trâu yak và cừu từ Jyayal, Dakpo và Kongpo phía nam. Nhưng chỉ có con là dâng cúng cho ta thân, ngữ, tâm của mình. Ta sẽ kiểm chứng điều con đã nói ngay bây giờ.”

Sống với vị lama lúc ấy là một nhà sư nhanh như ngựa và khỏe như voi. Vị lama gởi ông đến làng tôi để kiểm chứng câu chuyện của tôi. Nhà sư nhanh chóng trở về và nói, “Lama quý báu, Tin Lành đã nói sự thật. Anh ta cần được dạy cho huyền thuật.”

Vị lama nói với thầy, “Nếu ta đã dạy liền cho con những huyền thuật như vậy, ta sợ rằng con với tính bướng bỉnh của mình sẽ làm ta hối tiếc. Nhưng bây giờ, vì con đã thành thật, con phải đi đến một vị thầy khác để học thêm. Ta có một chú thuật từ sự thờ cúng Dza Mặt Màu Hạt Dẻ(1) mà thần chú Hum(2) của ngài gây nên cái chết trong khi thần chú Paht(3) gây nên bất tỉnh.

“Trong vùng Nub Khulung ở Tsangrong có một lama tên là Yošnten Gyatso (Biển Đức Hạnh) họ Khulung, ông vừa là một đại y sĩ vừa là một nhà đại huyền thuật. Ta đã cho ông chú thuật bí mật của ta. Và để đổi lại ông dạy ta làm thế nào để gọi mưa đá rơi xuống bằng đầu một ngón tay. Sau khi chỉ ta điều đó, chúng ta trở thành bạn thân và người hợp tác. Bây giờ, người nào đến ta để học huyền thuật, ta phải gởi đến cho ông. Người nào đến ông để học gây ra mưa đá, ông phải gởi đến cho ta. Hãy đi với con của ta và kiếm ông ấy.”

Con trai trưởng của vị lama là Darma Ouangchuk (Tuổi Trẻ Thần Lực). Ngoài lương thực, vị lama cho bọn thầy một vóc vải mịn và vải len từ Lhasa, một vài quà tặng nhỏ và một lá thư. Đến Nub Khulung, bọn thầy gặp vị lama trẻ. Mỗi người dâng cúng vị ấy những quà tặng đã mang theo và lá thơ từ vị lama. Thầy cẩn thận kể cho ông nghe mọi biến cố của câu chuyện và khẩn khoản xin ông dạy cho thầy huyền thuật. Vị lama trả lời, “Bạn tôi là một người bạn trung thành và lời nói chân thật. Ta sẽ dạy cho con mọi loại huyền thuật. Để làm việc này hãy dựng một cái cốc bên gờ núi này, con sẽ không có ai hẻo lánh đến.”

Bọn thầy xây một cái cốc trên nền đất, làm bằng những xà chắc đặt cạnh nhau. Bọn thầy bao quanh nó bằng một hàng rào bằng đá to như con trâu yak, không có lối mở ra để không có ai có thể nhìn vào cốc hay có cách tấn công nó. Rồi vị lama cho bọn thầy chú thuật.

Sau khi thầy luyện chú thuật trong bảy ngày, vị lama đến và bảo, “Thường thì bảy ngày là đủ, trường hợp này như vậy là đủ rồi.” Thầy trả lời, “Vì huyền thuật của con phải tác động trong một khoảng cách xa, con xin thầy cho tiếp tục thêm bảy ngày nữa.” Vị lama trả lời, “Tốt lắm, tiếp tục đi.”

Vào chiều ngày thứ mười bốn, vị lama trở lại và nói, “Đêm nay sẽ có một dấu hiệu quanh mạn đà la báo hiệu huyền thuật xảy ra.” Và cũng đêm đó những thần hiện ra, mang cho thầy cái mà thầy yêu cầu : Những đầu lâu và trái tim đẫm máu của ba mươi lăm người. Họ nói, “Trong mấy ngày nay ngươi đã không ngừng kêu gọi chúng ta. Đây là cái mà ngươi muốn.” Và họ chất những cái đầu quanh mạn đà la. Sáng hôm sau vị lama trở lại và nói, “Trong những người phải hủy diệt, có hai người còn sót. Họ có cần hủy diệt hay tha ?” Đầy vui mừng thầy nói, “Con xin thầy để cho họ sống để họ biết được sự trả thù và luật pháp của con.”

Như thế còn chú và thím không bị hại.

Bọn thầy dâng cúng các thần một lễ tạ ơn và bọn thầy bỏ khỏi cốc. Ngày nay cái cốc của bọn thầy vẫn còn ở Khulung.

Khi ấy thầy lấy làm lạ bùa chú đã ứng nghiệm như thế nào nơi làng Kya-Nyatsa của thầy.

Có một buổi tiệc cưới của con trai trưởng của ông chú của thầy. Những đứa con trai và con dâu của chú đến trước tiên cùng với những người ghét mẹ con chú, tất cả là ba mươi lăm người.

Những khách mời khác thân với gia đình thầy đang vừa đi vừa nói chuyện trên đường, “Khi ông chủ giả trở thành ông chủ, thì ông chủ thật bị quẳng cho chó, đúng như tục ngữ nói và như những người ác tâm này chứng tỏ. Nếu huyền thuật của Tin Lành không hiệu nghiệm đối với họ, thì thần lực của các thần hộ pháp cũng phải được cảm nghiệm thôi.” Họ cùng nhau đi về phía ngôi nhà.

Chú và thím đã đi ra ngoài để thảo luận sắp xếp bữa ăn và những lời sắp nói với khách. Vào lúc ấy một người từng là tớ gái của gia đình thầy hiện đang ở với chú thím đi ra xách nước. Chị ta không thấy con ngựa nào cả trong chuồng mà lại thấy đủ thứ bò cạp, nhện, rắn, cóc… Chị thấy một con bò cạp to bằng con trâu yak đang dùng càng kẹp những cột nhà giật sập xuống. Thấy thế chị khủng khiếp bỏ chạy, khó khăn lắm mới ra khỏi sân. Những con ngựa chồm lên những con lừa và lừa đá lại ngựa, chúng tông loạn xạ vào những cây cột nhà rồi nhà sập. Dưới đống gạch ngói đổ nát, những người con trai, con dâu của ông chú và những người khách mời khác, tất cả ba mươi lăm người, đã chết. Trong nhà đầy cả xác người chôn lấp trong bụi khói.

Nghe tiếng kêu khóc của mọi người, Peta em thầy, chạy nhanh đến mẹ, “Mẹ ! Mẹ ! Nhà ông chú sập rồi và nhiều người chết. Đến mà coi.”

CUỘC ĐỜI CỦA MILAREPA

Đại Thiền Gỉa Một Đời Thành Phật của Tây Tạng

Một Bản Dịch Mới Từ Tiếng Tây Tạng Bởi Lobsang P. Lhalungpa

Nguyên tác: The Life of Milarepa – A New Translation from the Tibetan

by Lobsang P. Lhalungpa, Arkana, 1993 – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000