Viếng thăm trung tâm nhập thất Vanaowr Dehradun

Dehradun, bang Uttarakhand, Ấn Độ, 06 tháng 4, 2016 – Những người dân Tây Tạng già, trẻ; Cư sĩ cũng như chư Tăng Ni đã xếp hàng trên quãng đường từ Sân bay trực thăng Rajpur để cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài hạ cánh ở đó vào sáng nay. Ngài đi xe một đoạn ngắn để về nơi điểm đến của mình; đó chính là Trung Tâm Nhập Thất ở khu điền trang xanh tươi Vana Malsi rộng 21 mẫu Anh vừa khỏi con đường Mussoorie.

Người tiếp đón Ngài – Veer Singh – đã cung nghinh Ngài khi Ngài vừa bước ra khỏi xe và sau đó hộ tống Ngài vào chiếc xe điện để đến Kila, tòa nhà chính của trung tâm, nơi có 450 người đến từ nhiều nơi trên thế giới đang háo hức chờ đợi Ngài. Xem Ngài như một người mang ngọn đuốc của bức thông điệp của Đức Phật, Veer Singh đã phát biểu ngắn gọn sự thể hiện niềm hân hoan về việc Ngài đã đến Vana và thỉnh cầu Ngài có lời Pháp thoại với hội chúng.

“Anh chị em thân mến!” Ngài bắt đầu, “khi Analjit Singh, người bạn thân thiết, mời tôi đến, tôi không thể từ chối. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ công việc mà các bạn đang làm ở đây; và tôi rất vui khi thấy mọi người đã đến đây từ những nơi rất xa xôi. Một trong những điều tôi cam kết thực hiện là chia sẻ với mọi người về ý thức của tôi rằng – là con người – tất cả chúng ta đều giống nhau. Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi suy nghĩ về bản thân chỉ đơn thuần là một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Nếu tôi nghĩ về mình là một Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, khác biệt với những người khác, điều đó chỉ để lại trong tôi nỗi cô đơn và tạo ra một rào cản giữa tôi và những người khác.

“Trong thời gian hầu như toàn bộ cuộc đời của mình, tôi đã chứng kiến việc giết chóc và bạo lực. Khi tôi ra đời, các cuộc xung đột Trung-Nhật sắp bùng phát và những điều kiện đưa đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã được khuấy động ở châu Âu. Sau đó đến chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Trong suốt thời gian này, nhiều người phải đau khổ và đã bị giết chết. Ở đây và bây giờ chúng ta đang sống trong hòa bình và thoải mái, nhưng cũng ngay lúc này đây – ở những nơi khác – nhiều người đang bị chết vì kết quả của sự sân giận và những cảm xúc tiêu cực khác. Nếu mọi thứ tiếp tục theo cách này, thì thế kỷ 21 sẽ kết thúc là một thế kỷ bạo lực cũng giống như thế kỷ đã đi qua trước đó. Bạo lực luôn mang đến đau khổ mà không ai muốn đau khổ cả, tất cả chúng ta đều muốn được sống trong hòa bình”.

Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu y khoa đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài giải thích rằng điều này đã cho Ngài niềm hy vọng rất lớn. Mà Ngài cũng cho rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra đời từ người mẹ, ngay cả những kẻ khủng bố và những kẻ độc tài tàn nhẫn cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có chung kinh nghiệm này. Thật vậy, Ngài cho rằng nếu không có tình yêu của mẹ thì chúng ta sẽ không thể sống sót.

“Vấn đề là”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét, “mặc dù bản chất cơ bản của chúng ta là tử tế, tình cảm và có lòng từ bi đối với người khác; và chúng ta có khuynh hướng như thế lúc ta còn thơ ấu; khi lớn lên – chúng ta dường như đánh mất những phẩm chất ấy. Chúng ta không còn cảm thấy cần phải quan tâm đến những người khác, thay vào đó, chúng ta lại bóc lột họ, bắt nạt họ và lừa dối họ. Chúng ta trở nên quen thuộc với nỗi đau của người khác; đến nỗi mà – nếu một con hổ giết chết một người nào đó thì điều đó trở thành tin tức, nhưng khi có những báo cáo về việc con người giết hại lẫn nhau thì chúng ta hầu như không quan tâm đến những báo cáo ấy”.

Ngài mô tả hệ thống giáo dục hiện đại của chúng ta – tập trung vào mục tiêu vật chất –như thế là khiếm khuyết. Các giá trị nội tại là cơ sở của sự bình an nội tâm; và trong quá khứ chúng ta đã dựa vào các truyền thống tôn giáo của mình để tìm hiểu về những giá trị ấy. Tuy nhiên, ngày nay, có khoảng 1 tỷ người đã tuyên bố rằng họ không quan tâm đến tôn giáo; và trong số phần còn lại của 6 tỷ người – có rất nhiều người hoặc là không chân thành thực hành hoặc là làm đồi bại trong sự tuân thủ theo tôn giáo của họ, đặt nó chủ yếu vào việc sử dụng để gây chia rẽ. Ngài tiếp tục:

“Tôi tin rằng việc chỉ suy nghĩ duy nhất về sự thoải mái và bình an của riêng bạn mà thờ ơ đối với những vấn đề rắc rối khác trên thế giới là vô đạo đức. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc như thế nào để thay đổi cách sống của chúng ta, không phải qua lời cầu nguyện hoặc giảng dạy tôn giáo, mà là thông qua sự giáo dục. Vì giáo dục đạo đức đôi khi có thể chỉ là bề ngoài, chúng ta cần phải đưa ra một phương pháp mang tính hệ thống để khám phá các giá trị bên trong và cách để tạo ra một thế giới hòa bình hơn. Điều này liên quan đến việc suy nghĩ về tương lai; và mặc dù tôi sẽ không thể sống lâu để được nhìn thấy một thế giới hạnh phúc hơn có thể xảy ra; nhưng nếu những người trẻ thuộc về thế hệ của thế kỷ 21 quyết tâm nỗ lực thì họ có thể tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn và đảm bảo rằng thế kỷ này là một kỷ nguyên hòa bình hơn.

“Nhiều trong số các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay là do chính chúng ta tạo ra từ kết quả của tầm nhìn thiển cận và tâm trí hẹp hòi. Điều đó chẳng khác gì là vô minh; và chúng ta cần phải khắc phục nó. Những người trong chúng ta – những người thuộc thế hệ trước – đã tạo ra rất nhiều những vấn đề này – phải có một trách nhiệm để chỉ ra những sai lầm và phương pháp làm thế nào để chúng ta có thể đạt được một nhân loại hạnh phúc hơn. Đây là cam kết đầu tiên của tôi; cam kết thứ hai có liên quan đến việc tôi là một tu sĩ Phật giáo và mối quan tâm của tôi trong việc thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Ấn Độ là một đất nước dân chủ đông dân của thế giới – đã thể hiện qua hàng trăm năm về việc các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể sống hòa hợp bên cạnh nhau. Một ví dụ sống động là cái cách mà vị Thầy Guru Nanak – người sáng lập ra đạo Sikh – xuất thân từ một nền tảng Hindu – nhưng đã đi hành hương đến thánh địa Mecca để chứng tỏ sự tôn trọng của mình đối với sự đa dạng. Tấm gương của Ấn Độ là điều mà thế giới có thể học hỏi”.

Nhận thức rằng, có nhiều phương pháp khác nhau đối với vấn đề an sinh đã được áp dụng tại Vana, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng chỉ khi nào chúng ta quan sát vệ sinh cơ thể thì chúng ta mới bảo vệ được sức khoẻ thể chất của mình; để duy trì một tâm trí lành mạnh, chúng ta cũng cần phải thực hiện vệ sinh tình cảm. Ngài nhận xét rằng một cảm giác giải trừ vũ khí bên trong sẽ là phương tiện hiệu quả nhất để kiểm soát súng ống và cũng sẽ là điểm khởi đầu cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ngài đề nghị rằng sẽ là rất cần thiết để giáo dục và đào tạo một thế hệ hoàn toàn mới không dùng đến bạo lực nhưng luôn phải chuyển sang đối thoại để giải quyết xung đột và bất đồng. Nếu điều này có thể thực hiện được thì sẽ có hy vọng thế kỷ này trở thành một thế kỷ của hòa bình.

Chọn những câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã được hỏi về cách làm thế nào để trở nên từ bi hơn trong cuộc sống hằng ngày; Ngài khuyên rằng cần phải trở nên quen thuộc hơn với sự vận hành của những cảm xúc của chúng ta như đã được mô tả trong tâm lý học Ấn Độ cổ đại. Ngài nhấn mạnh rằng, phát triển lòng từ bi không phải là một điều mà ta có thể thực hiện được trong một sự vội vàng, Ngài cho biết rằng Ngài đã làm điều đó trong suốt 50 năm. Nó không giống như khi bạn muốn bật cái gì đó lên thì bạn nhấn ngay vào cái công tắc thì nó sẽ mở lên đâu.

Một người khác nói với Ngài là ông ta thích cái nghị lực mà sự tức giận có thể mang lại; và ông hỏi Ngài rằng có bao giờ sự tức giận có thể được chấp nhận hay không. Ngài trả lời rằng sự tức giận thỉnh thoảng có làm phát sinh nghị lực, nhưng bản chất nền tảng của nó là sự vô minh thiển cận. Vì nó dựa trên một quan điểm phi hiện thực cho nên nó có khuynh hướng phát khởi những hành động phi hiện thực.

Khi được hỏi làm thế nào để an ủi những người khi sắp lâm chung, Ngài nói rằng mỗi trường hợp đều khác nhau. Tuy nhiên, cho dù đức tin của bạn về thế giới bên kia là như thế nào đi nữa thì điều đó cũng không thành vấn đề; điều quan trọng là cần phải duy trì tâm yên bình cho đến tận khi thật sự lâm chung, Ngài lưu ý rằng cần phải tránh đi sự tức giận, sợ hãi và luyến ái. Ngài đề cập đến các mức độ khác nhau của tâm vi tế mà Phật giáo thường hay đề cập đến; được ám chỉ một cách vắn tắt đến các trường hợp của những người mà cơ thể vẫn còn tươi tắn trong một thời gian sau khi chết lâm sàng; bởi vì họ vẫn tập trung vào tâm thức vi tế. Cần lưu ý rằng cái chết chắc chắn sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra, Ngài nói rằng nếu bạn đã sống một cuộc sống có ý nghĩa, thì khi chết bạn sẽ không có bất cứ lý do gì để sợ hãi cả. Ngài liên kết ý tưởng về một cuộc sống có ý nghĩa để nuôi dưỡng một ý thức thông minh hơn về việc quan tâm đến tự ngã của mình, điều này bao gồm cả việc đón nhận các nhu cầu và mối quan tâm dành cho người khác. Ngài nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi phải dùng một cái nhìn thực tế hơn về bất cứ điều gì xảy ra bằng cách xem xét nó bằng sự thông minh và lý trí.

Trước khi dùng cơm trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm trụ sở của Trung tâm chữa bệnh của người Tây Tạng đã được tích hợp vào Vana. Các nhân viên Tây Tạng bao gồm một số được đào tạo tại Bệnh viện Tây Tạng. Ngài tán thán họ về việc giữ gìn và chia sẻ những gì mà truyền thống y học Tây Tạng đã cống hiến, nhưng cũng khuyên họ nên mở rộng chính mình về lĩnh vực mà họ có thể; và nên học hỏi từ những truyền thống khác.

Một bữa ăn trưa thật ngon đã được phục vụ để Ngài cùng dùng cơm chung với những vị khách khác. Veer Singh đã cảm ơn Ngài một lần nữa về sự quang lâm của Ngài và bày tỏ mong ước rằng bất cứ công đức phước lành nào có được từ sự kiện này sẽ hồi hướng cho sự trường thọ của Ngài. Vào lúc kết thúc, Analjit Singh nói cậu hy vọng rằng tất cả những người tham dự ở đây sẽ nhớ mãi ngày hôm nay trong quãng đời còn lại của họ. Cậu khuyến khích rằng, sau khi họ trở về phòng của mình, mỗi người nên viết ra một điều mà họ đã học được từ cuộc nói chuyện của Ngài và hãy đưa nó vào thực hành một cách có hiệu quả.

Khi sấm sét bắt đầu rền vang trên cao, Ngài đã trở lại sân bay trực thăng tại địa phương để bay trở về New Delhi.

Văn phòng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma

Nguồn: Viếng thăm trung tâm nhập thất Vanaowr Dehradun