Sự đơn độc

Tất cả chúng sinh đều có trong tâm thức của mình chủng tử (hạt giống) của sự đơn độc. Dù có thể không muốn bị cô lập, đơn độc nhưng ngay từ lúc ban đầu thì chúng ta đã được sinh ra một cách đơn độc và vào lúc cuối cùng, chúng ta cũng lại phải chết trong sự đơn độc và chia lìa khỏi những người khác. Chúng ta trở nên đơn độc nếu các nguyên tố của những sự vật, hoàn cảnh và con người xung quanh không hỗ trợ, bổ sung cho các nguyên tố của chính chúng ta. Tâm thức chúng ta thì bao gồm cả các nguyên tố thanh tịnh lẫn các nguyên tố bất tịnh, và các nguyên tố này thì liên tục được gia tăng hoặc bị suy giảm đi. Chúng ta trở nên đơn độc khi các nguyên tố ánh sáng thanh tịnh vi tế dồi dào và phong phú hơn các nguyên tố thô nặng bất tịnh, và các nguyên tố thô nặng bất tịnh lại không thể bổ sung, hỗ trợ năng lượng của chúng hay tìm được sự hỗ trợ trong các nguyên tố thô tương đồng khác. Chúng ta cũng trở nên đơn độc khi các nguyên tố thô nặng bất tịnh phong phú và dồi dào hơn các nguyên tố ánh sáng thanh tịnh vi tế, và các nguyên tố ánh sáng thanh tịnh vi tế lại không thể bổ sung, hỗ trợ năng lượng của chúng hay tìm được một sự hỗ trợ trong các nguyên tố vi tế tương đồng khác.

Có thể có sự đơn độc không chủ định hoặc có chủ định. Một số chúng sinh bình phàm không có ý định trở nên hung bạo trong đời này nhưng họ lại bị đơn độc một cách không chủ đích, điều này là do nghiệp quả đến từ ý định bạo lực trong những kiếp sống trước của họ khiến họ bị tái sinh với những nguyên tố thô có hại, không được bổ sung, hỗ trợ cùng năng lượng hung bạo, chính những điều này đã khiến cho mọi người đều bỏ rơi và xa lánh họ. Một số loài động vật hoang dã thì cũng giống như vậy. Những loài động vật khác hoặc sẽ chạy trốn khỏi chúng hoặc là sẽ hợp sức lại để tiêu diệt chúng. Không có lợi ích nào với loại đơn độc này, và như vậy thì nó vô nghĩa và rất buồn chán. Một cách tạm thời và tương đối thì nó chỉ mang lại đau khổ vì năng lượng của những chúng sinh này không thể hỗ trợ, bổ sung cho các nguyên tố của chúng sinh khác, và một cách tối hậu và tận cùng thì nó cũng chỉ mang lại đau khổ vì không có sự hỗ trợ, nâng đỡ cho họ để thay đổi và kết nối với các hiện tượng tích cực.

Thường thường thì những chúng sinh hung bạo chỉ có thể được thay đổi nhờ vào sự giúp đỡ của những chúng sinh phải rất tử tế và nhẹ nhàng. Tuy vậy, có đôi khi, nếu những chúng sinh tử tế giúp đỡ mà năng lực lại không đủ mạnh mẽ thì các nguyên tố thanh nhẹ của những chúng sinh nhẹ nhàng này lại có thể bị tổn hại bởi các nguyên tố nặng nề của những chúng sinh hung bạo, giống như cách một cây non tươi mới bị thương tổn do rót nước sôi lên nó vậy. Nhưng, nếu nhờ thể nghiệm trước đó mà năng lượng nguyên tố ánh sáng thanh tịnh của những chúng sinh nhẹ nhàng lại mạnh mẽ và tràn đầy năng lực hơn năng lượng nguyên tố hung bạo nặng nề, thì họ có thể hỗ trợ và làm lợi lạc cho những chúng sinh hung bạo bằng cách làm mềm đi những nguyên tố nặng nề hơn của những chúng sinh đó, giống như da có thể được thuộc mềm đi với bơ. Nếu chúng ta liên tục đặt lửa ở dưới nước thì nước sẽ sôi và ngày càng trở nên hỗn loạn, khô cạn hơn, rồi cuối cùng nước sẽ hoàn toàn bị cạn khô. Nhưng nếu chúng ta bỏ thêm nước lạnh vào, thì sự hỗn loạn cùng quá trình sôi của nước sẽ lắng xuống, và nước sẽ không bị hư hao. Do vậy, rốt cuộc là, bất kể cho có là phương pháp nào thì những chúng sinh hung bạo cũng cần phải chấp nhận năng lượng và sự trợ giúp của những chúng sinh nhẹ nhàng.

Một số chúng sinh bình thường bị cách đơn độc và cô lập không chủ đích vì các nguyên tố của họ không còn nối kết với các nguyên tố của những người khác. Họ có thể bị đau đớn giống như một con thú bị thương và cần phải cách ly để tự bảo vệ bản thân mình, hoặc họ có thể đã già cỗi và không thể kết nối với các nguyên tố của những người khác vì năng lượng của họ đã trở nên hư hao, suy giảm, và vì đã trở nên mệt mỏi nên họ phải tự cách ly chính mình để nghỉ ngơi.

Một số chúng sinh đơn độc không chủ đích thì lại là những bậc siêu phàm, như Đức Phật. Vì năng lượng của các ngài là hoàn toàn thanh nhẹ và thuần khiết nên các nguyên tố nặng nề bị che chướng của những chúng sinh bình phàm không thể bổ sung, hỗ trợ cho những phẩm chất bao la, mênh mông của các ngài. Các ngài bị cách ly, biệt lập hay trở nên đơn độc theo hiện tượng chung bình phàm, nhưng theo hiện tượng trí tuệ riêng của mình thì các ngài không có ý niệm về có sự đơn độc, cách ly hay không có sự đơn độc, cách ly. Vì nguyên do này mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã cách ly, biệt lập với vương quốc của Ngài vì năng lượng bình phàm từ những thần dân của Ngài đã không thể bổ sung, hỗ trợ cho năng lượng siêu phàm, phi thường của Ngài.

Những chúng sinh có sự thông minh trí tuệ lại thường là những người hay trở thành lập dị và biệt lập, bởi vì những người có tâm thức bình phàm không thể chấp nhận được những hiện tượng Tâm Trí Tuệ của họ. Chỉ những người có tâm siêu phàm khác mới có thể chấp nhận những hiện tượng lập dị của họ, và với họ thì những hiện tượng đó lại không có gì là lập dị cả. Chẳng hạn, trong khi những người có sự thông minh bình phàm nói rằng chúng ta ăn ngũ cốc mọc trong một cánh đồng, thì những người có sự thông minh trí tuệ lập dị lại chỉ đơn giản nói rằng chúng ta ăn đất. Những người lập dị trí tuệ phát chán ngấy với những giải thích bất tận của những người nông dân có tâm thức hạn hẹp bình phàm khi họ liên tục nói, “Tôi đã cày ruộng, tôi gieo trồng hạt giống, tôi trông nom, coi sóc những cây giống trưởng thành và khi chúng nảy nở chín mùi thì tôi ăn chúng đấy chứ!”. Còn những người trí tuệ lập thì tổng hợp toàn bộ quá trình này vào một bản chất, “Tôi ăn đất”. Với những người có tâm thức bình phàm thì họ nghĩ điều này nghe thật ngốc nghếch vì sự thông minh bình phàm của họ không thể ngay lập tức hiểu được bản chất của sự vật.

Nếu những người lập dị trí tuệ nói rằng cỏ là bơ, thì những người có tâm hạn hẹp bình phàm lại nghĩ mấy tay này điên rồi. Bởi vì những người lập dị trí tuệ nhìn thấy tất cả những sự nối kết giữa các nguyên tố hữu hình cũng như vô hình, và họ muốn diễn tả những gì là thật theo chân lý tương đối thực sự siêu phàm. Những người có sự thông minh bình phàm cũng muốn nói cái gì là thật, nhưng họ không hiểu được những mối kết nối này, vì vậy theo những người lập dị trí tuệ thì những người bình phàm chỉ chấp nhận chân lý tương đối bị nghịch đảo, và nghĩ nó là chân lý tương đối thực sự bình phàm. Bởi những người lập dị trí tuệ nhìn thấy rằng tất cả mọi vật chất thô tồn tại, hiện hữu đều nhờ vào mối nối kết của các nguyên tố bên trong và bên ngoài nên họ biết rằng khi trâu bò ăn cỏ thì chúng sẽ cho ra sữa, rồi sau đó sữa lại trở thành bơ.

Một số người với sự thông minh bình phàm cũng là những người lập dị. Thường thì họ không thích để lộ ra tính cách lập dị của họ vì họ không thích bị biệt lập. Điều này không có nghĩa là chúng ta muốn ở cùng với mọi người vì chúng ta có lòng từ bi. Mà nó có nghĩa là do sự lo sợ, mà chúng ta luôn luôn phụ thuộc vào những người khác, và vì không có sự tự tin để trở nên độc lập, nên chúng ta đã lo sợ sự tách biệt. Thậm chí, nếu quan điểm của thiểu số ít người là đúng thì chúng ta vẫn giữ quan điểm của số đông đa số do nỗi sợ bị cách ly.

Ngày xưa có một ông vua, ông ta đã hỏi nhà chiêm tinh của mình tính toán xem tương lai xứ sở của mình sẽ ra sao. Nhà chiêm tinh đã tiên đoán rằng trong một tuần mưa sẽ đổ xuống, và trong nước mưa sẽ có chất độc làm nhiễm độc toàn bộ nguồn nước trong vương quốc khiến cho mọi người uống nước này đều bị điên. Vị vua hùng mạnh này chỉ là một vị vua bình phàm và do vậy ông ta nghĩ trước hết và chỉ cho bản thân mình. Để bảo vệ bản thân mình, ông ta đã che kín giếng nước của mình khỏi trận mưa mà không cảnh báo nó cho những thần dân của mình hãy bảo vệ nguồn nước. Không bao lâu sau, đúng như nhà chiêm tinh đã tiên đoán, trận mưa đã kéo đến và làm nhiễm độc nước, và tất cả dân chúng đều trở nên điên loạn. Vì hiện tượng riêng của vị vua dường như là khác biệt với hiện tượng chung của dân chúng nên những người dân sinh ra bệnh hoang tưởng với nhà vua. Mặc cho những biểu hiện của những hiện tượng riêng từ nhà vua là đúng đắn theo chân lý tương đối thực sự thông thường, nhưng dân chúng lại nghĩ rằng ông ta điên, và mọi ý kiến, hành động và lời nói của nhà vua là không đúng. Và rồi tất cả những dân chúng điên này đã ra sức loại bỏ nhà vua, rồi vị vua trở nên bị cách ly, biệt lập và không còn quyền lực. Nhưng vì rất sợ bị cô lập nên nhà vua cũng đã uống nước bị nhiễm độc để có thể kết nối với tâm thức bị lừa dối điên loạn của những người dân trong những hiện tượng chân lý tương đối bị đảo ngược bình phàm.

Những người lập dị là những người có sự tự tin vào Tâm Trí Tuệ của mình, nên họ không sợ đơn độc hay sợ bị cách ly, biệt lập, và họ thường tự biệt lập bản thân mình một cách có chủ ý. Nhiều người nghĩ rằng để thực hành Pháp thì chúng ta cần phải đơn độc và biệt lập. Mặc dù có nhiều bậc thánh một cách tạm thời và tương đối đã tự cách ly, biệt lập bản thân mình để thực hành Pháp, nhưng họ đã không làm vậy để được cách ly, biệt lập một cách tận cùng và tối hậu. Một cách bề ngoài thì họ đã cách ly, biệt lập bản thân mình với ý định làm gia tăng các nguyên tố thanh tịnh bao la, mênh mông bên trong Tâm Trí Tuệ như ý với những phẩm tánh vô tận và chưa từng, cũng như không bao giờ bị cô lập của mình.

Bị cô lập, mong manh như loài giun đất,

khi bị sinh ra từ tử cung thai tạng, chúng ta không thể

tự do chuyển động, chúng ta không thể tự do hít thở.

Bị cô lập, đổ nát như một ngôi nhà dúm dó, bị đánh sập,

khi chịu đựng dấu hiệu của cái chết, chúng ta không thể

tự do chuyển động, chúng ta không thể tự do hít thở.

Giữa sự sinh ra cô độc và chết đi cô độc,

Chúng ta ra sức hòa nhập cùng những người khác,

Nhưng than ôi, luôn luôn chúng ta lại ở trong

sự đơn độc, cô lập lớn lao một cách vô nghĩa.

Khi còn thơ ấu, chúng ta bị cô lập vì chúng ta

không thể nói được với những người khác.

Khi bắt đầu nói, cha mẹ dạy chúng ta nói

“xin chào”, thì một cách tự động điều này

có nghĩa là họ đang dạy chúng ta nói “tạm biệt”.

Khi được dạy nói “tạm biệt”, thì một cách tự động

điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải khởi hành tới

một đích đến không thực chất, than ôi lại là sự cô lập.

Khi gặp một ai đó, chúng ta nói “bạn khỏe không?”,

Thì một cách tự động điều này có nghĩa là

đến một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành những

bệnh nhân với gò má xanh xao vàng vọt cùng

những giọt lệ chảy dài trên khuôn mặt đáng thương,

chúng ta bị cô lập trên giường bệnh.

Thật là buồn vì chúng ta vẫn không nhận ra rằng

mọi sự một cách tự nhiên đều dẫn đến sự đơn độc, cô lập

Khi yêu, chúng ta nói “anh yêu em”,

một cách tự động điều này có nghĩa là

chúng ta lo sợ, chúng ta không yêu.

Chúng ta bị cô lập khi nói “anh yêu em”,  vì câu này
là để chạy trốn khỏi sự cô lập của chính mình.
Khi thành những kẻ già cả với đôi mắt sưng húp
cùng cái miệng hốc hác, chúng ta bị cô lập
khỏi những người trẻ tuổi bê trễ.

Từ vô thỉ vô chung cho đến nay,
Tất cả mọi chúng sinh vô minh đều ra sức tìm kiếm
sự đồng hành, bầu bạn, nhưng than ôi
chúng ta lại luôn luôn bị cô lập một cách vô nghĩa
vì đã không tuân theo lời khuyên của
Bà Mẹ Tự Tỉnh Giác Tôn Quý.

Ngay cả bị cô lập thì cũng không có ý nghĩa gì với sự cô
lập của chúng ta, chỉ giống như một con nai bị thương
tạm thời bị cách ly khỏi bầy đàn để bảo vệ bản thân mình
khỏi những tay thợ săn hung dữ và một cách rốt ráo
thì nó thiếu sự tự tin để đi tới đâu đó.

Từ cảm giác bị cô lập, chúng ta lại ngày càng
tạo ra thêm nhiều sự cô lập hơn.

Nếu lo sợ bị cô lập và không muốn bị cô lập,
Chúng ta cần phải đi vào sự cô lập như
những bậc siêu phàm trong thời xa xưa.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bỏ lại vương quốc
lộng lẫy cùng những người đồng hành trẻ trung của Ngài
để đi vào sự cô lập dưới cội Bồ Đề với y phục thô kệch,
khổ hạnh. Nhưng sự cô lập đại định của Ngài
là đầy tràn ý nghĩa vì, để xoa dịu chúng sinh
từ đại định trí tuệ của mình, Ngài đã tìm thấy
vị Phật toàn tri toàn giác đồng hành, bầu bạn
luôn mỉm cười từ khắp mười phương.

Đức Liên Hoa Sinh Padmasambhava đã bị trục xuất khỏi
cung điện xứ Odiyana để đi vào sự cô lập trong nhiều
nghĩa địa, bãi tha ma. Nhưng sự cô lập chứng ngộ của
Ngài là đầy tràn ý nghĩa vì, để cứu giúp chúng sinh
từ hiện tượng trí tuệ của mình, Ngài đã tìm thấy vị
Dakini Trí Tuệ đồng hành, bầu bạn cùng khiêu vũ
trong toàn cõi vũ trụ pháp giới.

Đức Milarepa đã bị phản bội bởi người chú và bà dì
của mình, và vì sự thù hận mà Ngài đi vào sự cô lập
trong một hang động suốt cuộc đời mình. Nhưng sự cô
lập Đại Ấn (Mahamudra) của Ngài là đầy tràn ý nghĩa
vì, để làm lợi lạc cho chúng sinh từ những bài tụng ca
chứng ngộ của mình, Ngài đã tìm thấy khuôn mặt hiện
diện toàn khắp của Pháp thân ở khắp mọi nơi chốn.

Đức Longchenpa đã bỏ lại những hiện tượng chối bỏ
bất tịnh của vòng luân hồi sinh tử để đi vào sự cô lập với
chiếc bao tải thô kệch duy nhất của mình trong ngọn núi
phủ đầy tuyết để thấy được những hiện tượng chấp nhận
thanh tịnh của cõi niết bàn cực lạc. Nhưng sự cô lập Đại
Viên Mãn (Mahasandhi) của Ngài là đầy tràn ý nghĩa vì,
để ban tặng một cách vô tận cho chúng sinh giáo lý quý
báu vô giá từ Tâm Bầu Trời Trí Tuệ Sáng Tỏ của mình,
Ngài đã tìm thấy tất cả mọi sự phô diễn, hiển bày
bình đẳng, thản nhiên từ vô hạn những vì sao tinh tú
vượt thoát lên sự chấp nhận-chối bỏ
của vạn pháp thanh tịnh và bất tịnh.

Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Dịch từ bản Anh ngữ:  MAGIC DANCE THE DISPLAY OF THE SELF-NATURE OF THE FIVE WISDOM DAKINIS

Tác giả: Ngài Thinley Norbu Rinpoche