Sự sâu thẳm của thực hành tâm linh

Shechen Gyaltsap đã ban cho Khyentse Rinpoche trẻ tuổi nhiều giáo lý, và đã khai mở cho ngài chân tánh của tâm. Khyentse Rinpoche đã hứa với Đạo Sư thân yêu của mình là tới lượt ngài, ngài sẽ biểu lộ sự rộng lượng hào phóng tương tự cho những ai thỉnh cầu giáo huấn nơi mình. Vì thế trước tiên nhằm chuẩn bị cho bản thân – ngài mới chỉ mười lăm tuổi khi Shechen Gyaltsap thị tịch – hầu như ngài trải qua mười ba năm kế tiếp trong ẩn thất tĩnh lặng. Trong những ẩn thất cô tịch và những hang động khuất sâu trong sự hoang vu hiểm trở của những đồi cây gần sinh quán của ngài trong thung lũng Denkhok, ngài liên tục thiền định về lòng từ, bi, và ước muốn đưa tất cả chúng sinh tới sự tự do và giác ngộ. Khyentse kể lại cho chúng tôi về những năm tháng ngài sống trong thất:

“Tôi thực hành từ sáng sớm trước bình minh cho tới giữa trưa, và từ cuối buổi chiều cho tới đêm. Buổi trưa tôi đọc sách, tụng lớn tiếng những bản văn để học thuộc lòng. Tôi sống trong một hang động tại Ẩn Thất Vách Đá trong bảy năm, tại Rừng Trắng ba năm, và trong những hang động và túp lều khác mỗi lần một ít tháng, chung quanh là những cánh rừng rậm và những rặng núi tuyết.

“Không xa những hang động Padampa là một túp nhà tranh, nơi anh Shedrup của tôi và hai thị giả nấu nướng thực phẩm. Động của tôi không có cửa, và những chú gấu nhỏ thường tới và kêu khịt khịt quanh lối vào. Nhưng chúng không thể leo lên thang để vào hang. Trong khu rừng bên ngoài có những con cáo và đủ loại chim muông. Cũng có những con báo không ở quá xa; chúng bắt một con chó nhỏ của tôi. Một con chim cu cu sống gần đó, và nó là đồng hồ báo thức của tôi. Vào khoảng ba giờ sáng, ngay khi nghe tiếng hót của nó, tôi trở dậy và bắt đầu một thời thiền định. Lúc năm giờ tôi pha một ít trà, điều đó có nghĩa là tôi không cần gặp bất kỳ ai cho tới giờ ăn trưa. Vào buổi tối tôi để cho lửa tắt từ từ khiến sáng hôm sau than hồng còn đủ nóng để khơi lại ngọn lửa. Bằng cách nghiêng mình về phía trước, tôi có thể cời ngọn lửa và nấu trà trong cái bình lớn mà không cần rời chỗ ngồi. Tôi có rất nhiều sách bên mình. Cái động khá rộng, vừa đủ cao khiến tôi đứng không đụng đầu vào mái – nhưng hơi ẩm thấp. Giống như hầu hết những hang động, nó lạnh lẽo vào mùa hè và vẫn còn giữ được ít hơi ấm trong mùa đông.

“Tôi sống trong Ẩn Thất Vách Đá mà không ra khỏi thất trong bảy năm. Thỉnh thoảng cha mẹ tôi tới thăm tôi. Tôi mười sáu tuổi khi bắt đầu nhập thất. Lúc nào tôi cũng ngồi trong chiếc hộp gỗ bốn mặt, đôi khi duỗi thẳng chân. Anh cả Shedrup là vị Thầy nhập thất của tôi, và anh bảo tôi rằng trừ phi thỉnh thoảng tôi ra ngoài tản bộ, tôi có thể kết thúc trong sự loạn trí; nhưng tôi không muốn ra ngoài chút nào. Shedrup cũng đang thực hành trong một cuộc nhập thất bán phần tại một túp lều gần đó. Sống cùng với anh là một thị giả thỉnh thoảng mang tới thực phẩm của gia đình, cách thất của chúng tôi ba giờ đi ngựa. Khi tôi trở về Kham năm 1985, tôi gặp lại vị thị giả này, ông vẫn còn sống.

“Nhiều con chim nhỏ liều lĩnh bay vào động của tôi. Nếu tôi để một ít bơ trên đầu ngón tay thì chúng sẽ tới và mổ vào đó. Tôi cũng chia sẻ hang động với hai con chuột. Tôi nuôi chúng bằng bột lúa mạch, và chúng thường chạy quanh vạt áo tôi. Những con quạ chiếm lấy những món cúng dường tôi để ở bên ngoài.
“Tôi không dùng thịt trong năm hay sáu năm. Trong ba năm tôi không nói một lời nào. Vào buổi trưa, sau bữa ăn, tôi thường thư giãn một chút và nghiên cứu một vài quyển sách; tôi không bao giờ lãng phí thời gian mà không làm điều gì. Anh Shedrup thường khuyến khích tôi sáng tác những bài nguyện, những bài ca tâm linh, và những bài thơ mà ông cho rằng sẽ đem lại cho tôi sự thực hành trong việc sáng tác. Tôi nhận thấy việc viết lách thật dễ dàng, và tới cuối giai đoạn đó tôi đã sáng tác khoảng một ngàn trang; nhưng về sau, khi chúng tôi đào thoát khỏi Tây Tạng, chúng đã bị thất lạc hết.

“Hang động đó tạo nên một cảm giác rất trong trẻo và không có những sự phóng tâm. Tôi để tóc thật dài. Khi thực hành ‘nội hoả’ tôi kinh nghiệm rất nhiều hơi nóng, và trong nhiều năm, suốt ngày lẫn đêm, tôi chỉ khoác một chiếc khăn và một áo choàng bằng lụa thô mặc dù khí hậu hết sức lạnh lẽo. Tôi ngồi trên miếng da gấu. Ở bên ngoài mọi sự bị đông giá, nhưng bên trong hang thì ấm áp.

“Sau này tôi di chuyển về Rừng Trắng. Ở đó tự tôi làm cho mình một túp lều gỗ nhỏ có một cửa sổ nhỏ. Tôi thường nhìn thấy những con chó sói thở hổn hểnthỉnh thoảng chúng ngừng lại cọ người vào góc lều. Cũng có nhiều hươu nai và những con cừu màu xanh dương, và đôi khi tôi thấy những con báo. Mỗi tháng một lần mẹ tôi tới thăm tôi và ở lại nói chuyện một giờ đồng hồ.”

Trong thời gian này, Khyentse Rinpoche bị bệnh nặng. Khyentse Chokyi Lodro và nhiều Lạt ma khác đều thống nhất ý kiến là đã tới lúc ngài có một vị phối ngẫu, bởi điều đó cần thiết cho ngài với tư cách là một terton, hay người khám phá các kho tàng tâm linh (những bản văn do Guru Padmasambhava cất dấu được những cá nhân đặc biệt khám phá trong những thời đại tương lai). Vì thế ngài kết hôn với Lhamo, một thiếu nữ giản dị xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp bình thường. Từ lúc đó trở đi, sức khoẻ của ngài được cải thiện; ngài có nhiều thị kiến sâu xa và đã khám phá một vài kho tàng tâm. Vợ ngài là Khandro Lhamo thuật lại những thời gian đó:

“Tôi sống ở nhà với mẹ tôi. Một hôm bà sai tôi đi làm trong cánh đồng. Trên đường đi, tôi gặp một vài Lạt Ma, họ bảo họ tới để đưa tôi lại một nơi nào đó. Tôi nói tôi không có thì giờ, bởi mẹ tôi bảo tôi đi làm. Nhưng họ giải thích rằng tôi phải đi với họ tới nơi Khyentse Rinpoche đang nhập thất. Ngày nay những người Trung quốc đã đốn hạ mọi cây cối, nhưng vào những ngày ấy thì việc đi với họ có nghĩa là du hành xuyên qua khu rừng rậm, và tôi kinh sợ những dã thú.

“Ẩn thất của Rinpoche là một túp lều gỗ nhỏ xíu. Anh ngài, Apo Shedrup, sống ở gần đó trong một cái buồng nhỏ khác, và tôi có một gian nhà nhỏ riêng biệt. Bếp thì ở xa phía dưới ngọn đồi, trong một cái hang nhỏ trống trải. Cùng với hai người phục vụchúng tôi có cả thảy năm người.

“Rinpoche bị bệnh rất nặng và khuôn mặt ngài có vẻ tối. Tôi lo lắng khi thấy ngài quá yếu và nghĩ rằng ngài sắp chết. Nhưng sau khi tôi tới đó thì sức khoẻ của ngài dường như khá hơn. Một hôm ngài rời khỏi giường trong chiếc áo choàng trắng, và ngài mời tôi lại và ăn với ngài.

“Lần đầu tiên khi tôi tới sống với Rinpoche, Khyentse Chokyi Lodro và những Lạt Ma khác bảo ngài lập gia đình để kéo dài thọ mạngnếu không ngài sẽ chết. Trong một vài bản văn có tiên đoán rằng Rinpoche nên kết hôn với tôi để bảo đảm là những Phật sự của ngài sẽ trở nên thật rộng lớn. Một lời tiên tri tôi nghe được như sau:

Vị yogi trẻ tuổi với một chữ A trên trán
Xuất thân từ gia đình đức hạnh ở lâu đài Sakar,
Để kéo dài thọ mạng, người ấy nên kết hôn với trinh nữ sinh năm Hổ Mộc.

“Bản thân Rinpoche dường như không chút quan tâm tới việc có một người vợ. Ngài không chú ý tới việc ngài sống hay chết, ngài nói; ngài chỉ kết hôn bởi Thầy của ngài bảo ngài làm thế. Sau này tôi trách đùa Apo Shedrup và những Lạt Ma khác bởi các ngài không nói cho tôi biết là tôi phải là phối ngẫu của Rinpoche. Ít ra tôi có thể chuẩn bị sẵn sàng và ăn mặc đẹp đẽ – thay vì mặc bộ quần áo lao động cũ kỹ lôi thôi vào ngày họ đưa tôi tới đó. Các ngài cười và nói họ thận trọng không cho tôi biết, sợ rằng tôi có thể nghĩ ngợi về chuyện đó và từ chối không tới.

“Ẩn thất của Rinpoche rất đơn sơ. Tường được trát bằng bùn đất, và ngài có một hộp gỗ để ngồi trong đó. Ngài luôn luôn yêu cầu có sách, là những thứ tôi thường mang tới lui cho ngài. Phòng ngài chứa rất nhiều sách khiến một số sách phải để ở một vài nơi khác. Khi những cuốn sách còn mới, miếng vải bọc sách có màu trắng, nhưng ngài sử dụng chúng nhiều tới nỗi vải bọc trở thành màu nâu. Bên trong căn lều quá nhỏ và đầy sách nên không có chỗ đặt điện thờ, phải mang nó ra ngoài hành lang nhỏ. Cạnh đó tôi trồng nhiều loại hoa trong bình mà Rinpoche rất thích.

“Ở phía dưới nơi con sông cạnh địa điểm nhập thất, Rinpoche để lại một dấu chân trên đá. Một trong những người giúp việc của chúng tôi đã tìm thấy nó, anh ta thường xuống đó để lấy sữa, sữa đông, và bơ từ những người chăn gia súc. Họ quả quyết là không có dấu chân ở đó trước khi Rinpoche bắt đầu nhập thất. Pema Shepa thấy dấu chân khác mà Rinpoche để lại sau này, trong khi ngài đi hành hương cùng với Khyentse Chokyi Lodro. Không biết cách làm những đôi giày mới,chính tôi đã sửa những đôi giầy Rinpoche đang mang vào lúc nào đó, và miếng vá trong giày có thể được nhìn thấy khá rõ trong dấu chân hằn nét. Goka cũng nhìn thấy nó và thuật lại cho tôi nghe, nhưng Rinpoche không nhận đó là của ngài.

“Vào ban đêm, khi tôi ra ngoài rừng đi vệ sinh, như thể là có một ngọn lửa sáng rực bên dưới cánh rừng lớn trước mặt ẩn thất của Rinpoche. Có lần tôi kể lại cho Apo Shedrup về chuyện đó, nhưng ngài không nói gì. Đôi khi dường như có những ngọn lửa nhỏ bừng lên ở khắp nơi, và đôi khi dường như có lửa bên trong căn lều. Cuối cùng, tôi hỏi Rinpoche về ngọn lửa. Ngài nói rằng đó là vị bảo hộ Rahula, và bảo tôi đừng lại gần nó.

“Rinpoche không bao giờ nằm vào ban đêm; ngài ngủ thẳng lưng trong chiếc hộp gỗ. Vào buối tối, sau bữa tối, ngài bắt đầu khoá thiền định và không nói cho tới giờ ăn trưa ngày hôm sau. Vào giờ ăn trưa anh ngài gọi tôi, chúng tôi cùng dùng bữa với nhau và trò chuyện chút ít. Sau đó, ngay lập tức, Rinpoche bắt đầu một thời khoá khác và không gặp bất kỳ ai cho tới tối.

“Tại Rừng Lạnh, nơi Rinpoche trải qua ba năm trong ẩn thất, ngài cũng nhận sự truyền dạy qua việc đọc Tripitaka (Tam Tạng), 103 pho sách của Kinh điển Phật Giáo. Đó là thời gian sau khi chúng tôi sinh Chimé, cháu gái đầu tiên. Phòng của Rinpoche quá nhỏ khiến bên trong không có chỗ cho vị Lạt ma ngồi đọc các bản văn. Vì thế một chỗ cho Lạt Ma được sắp xếp ngoài hành lang, giữa những bình hoa, và Lạt Ma đọc qua cửa sổ. Thân mẫu của Rinpoche, anh Shedrup của ngài, và tôi cũng nhận sự trao truyền, nhưng bởi Rinpoche vẫn còn nhập thất nên không có người nào khác tới dự. Trong thời gian truyền dạy Rinpoche vẫn thường thực hành những thời khoá của ngài giống như trước đó.

“Ngay cả sau khi nhập thất, Rinpoche chỉ ở nhà mỗi lần một hay hai tuần trước khi trở về ẩn thất.

“Một trong những người cháu trai của Rinpoche thường đi săn bắn và anh ta có một khẩu súng nổi tiếng là rất chính xác. Một hôm, khi Rinpoche về thăm nhà, mẹ anh ta – chị của ngài – nói với ngài: ‘Khẩu súng này đã giết rất nhiều thú vật; xin ban phước cho nó.’ Rinpoche đưa khẩu súng lên miệng và thổi vào đó. Nó không bao giờ được bắn nữa. Sau sự kiện đó, khi Rinpoche được mời tới thăm bất kỳ nhà những người chăn thú giàu có nào, những người ấy đã đem giấu tất cả những khẩu súng của họ.

“Rinpoche có một người bà con tên là Apo Jamtse, ông ta có một con chó cụp tai khổng lồ thường săn đuổi và giết cừu và dê của những người dân nghèo quanh đó. Không ai trong những người này dám trừng phạt một con chó thuộc quyền sở hữu của gia đình Dilgo đầy thế lực. Một hôm khi Rinpoche tới dùng trà với gia đình Apo Jamtse, cô của Rinpoche, bà Ashi Kaga, người quản lý gia đình, đã nói với ngài về con chó và hỏi họ nên làm gì về chuyện đó. Vào lúc ấy, Rinpoche đang ăn một viên bánh lúa mạch nướng. Ngài thổi vào nó và ném vào con chó. Nó ngốn sạch cái bánh, và sau đó không bao giờ tấn công những con thú nữa. Những người dân nghèo sống quanh đó hết sức vui mừng.

“Một Đạo Sư tên là Drungnam Gyatrul trao đổi nhiều giáo lý với Khyentse Rinpoche. Đạo Sư sống trọn đời tại Ngoma Nangsum, ở một hang động trong một tảng đá có hình dáng một vajra (chày kim cương) và có những đồng cỏ vây quanh. Hầu như Đạo Sư không bao giờ ngủ. Năm hay sáu trăm đệ tử của Đạo Sư sống trong những hang động gần đó và thực hành thần chú của Guru Padmasambhava. Đạo Sư sống trong một cái động ngay giữa tảng đá, nó được rất nhiều người đi nhiễu quanh tới nỗi mặt đất bị mòn sâu cao tới ngang thắt lưng. Chúng tôi sống ở căn lều gần đó, và Rinpoche ở cả ngày trong động với Gyatrul Rinpoche thọ nhận giáo lý từ vị này. Suốt trong tháng đó, Gyatrul Rinpoche và tôi là những người duy nhất nhìn thấy Rinpoche.

“Con gái nhỏ của chúng tôi là một đứa trẻ rất đặc biệt. Tôi sinh cháu trong một căn lều tại một khu rừng thưa phía trên Ẩn Thất Vách Đá. Khi màn đêm buông xuống thì cháu sinh ra, nhưng ngay sau đó có một ánh sáng rực rỡ như ánh sáng ban ngày. Tôi tự hỏi ánh sáng đó có ý nghĩa gì. Trời đổ mưa lớn, và ánh sáng tiếp tục cho tới hai hay ba giờ sáng. Khi Rinpoche được kể về ánh sáng này, ngài không tỏ vẻ quan tâm lắm. Tâm thức của cháu gái này rất đặc biệt. Tất cả những người giúp việc đều rất quý mến cháu. Cháu chết ở Ấn Độ ngay sau khi chúng tôi đào thoát khỏi Tây Tạng.”

Sau khi hoàn tất cuộc nhập thất vào năm hai mươi tám tuổi, Khyentse Rinpoche trải qua nhiều năm với Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro (1896-1959), giống như ngài, vị Thầy này là một hoá thân của Khyentse thứ nhất. Khyentse Rinpoche coi Chokyi Lodro như vị Thầy chính thứ hai của ngài và vô cùng tôn kính thầy. Sau khi thọ nhận những quán đảnh kéo dài sáu tháng về Tuyển tập những Kho tàng được Khám phá từ Chokyi Lodro, Khyentse Rinpoche nói với thầy rằng ngài muốn trải phần đời còn lại của mình trong sự thiền định cô tịch. Nhưng Khyentse Chokyi Lodro rất cứng rắn: ‘Tâm con và tâm thầy là một,” ngài nói. “Đã tới lúc con giảng dạy và trao truyền cho người khác vô số giáo lý quý báu mà con đã thọ nhận.” Vì thế từ đó trở về sau, Khyentse Rinpoche liên tục làm việc vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh với năng lực không mệt mỏi là dấu hiệu của dòng Khyentse. Ngài thuật lại về những thời gian ngài sống tại Dzongsar:

“Trong lần đầu tiên tôi tới gặp Khyentse Chokyi Lodro, Rinpoche bảo tôi rằng vào đêm hôm trước ngài mơ thấy gặp Jamyang Khyentse Wangpo, vị Khyentse thứ nhất. ‘Thật là một dấu hiệu hết sức tốt lành bởi con đã tới ngày hôm nay,’ ngài nói.

“Vào lần đầu tiên tôi tới Dzongsar, tôi chỉ ở đó hai tháng. Dần dần tôi bắt đầu tới đó mỗi mùa hè, trở về Denkhok vào mùa đông hay viếng thăm những nơi khác để nhận giáo lý từ nhiều Đạo Sư khác nhau.

“Đối với tôi, việc trở lại Dzongsar luôn luôn là một sự kiện vĩ đại, tôi rất thiết tha mong chờ nó. Tôi luôn luôn cư trú trong tu viện của ngài. Hầu như chúng tôi luôn cùng dùng bữa để có thể trò chuyện với nhau. Khi có người tới thăm ngài, tôi qua phòng bên cạnh và thực hành ở đó cho tới khi ngài lại được rảnh, chúng tôi tiếp tục cuộc đàm luận. Trong khi nhiều tu sĩ bình thường của tu viện Dzongsar rõ ràng là không nhiệt thành trong việc học tập và thực hành, và làm nhiệm vụ của mình như một thủ tục, những đệ tử của đại học tu viện nỗ lực tu tập và thường dễ dàng được tới gần Chokyi Lodro, ngài rất thích sống với họ. Nhưng khi ở đó tôi nghe họ than vãn rằng bây giờ ngài không có thì giờ để gặp họ.

“Khi tôi rời đi ngài đi với tôi tới tận cửa trụ xứ của ngài. Ngài luôn luôn miễn cưỡng để cho tôi đi, và trong nhiều trường hợp tôi có thể thấy những giọt lệ trong mắt ngài.

“Khyentse Chokyi Lodro cũng là một vị khám phá những kho tàng ẩn dấu, và có lần ngài bảo tôi: ‘Con phải tìm ra nhiều kho tàng nhờ đó làm lợi lạc cho chúng sinh. Đêm qua ta có một giấc mộng. Có những đám mây có hình dạng tám biểu tượng tốt lành và nhiều hình dạng khác, và cùng với chúng trên bầu trời là nhiều vị Phật và Bồ Tát. Từ những đám mây đó đổ xuống một trận mưa lớn chất cam lồ làm lợi ích chúng sinh. Con phải truyền bá những giáo lý quý báu của con.’ Ngài yêu cầu tôi ban cho ngài những quán đảnh về một vài kho tàng của tôi, và tôi đã dâng chúng cho ngài.’

Khyentse Chokyi Lodro yêu cầu Khyentse Rinpoche tới tỉnh Amdo và giảng dạy Kho tàng những Giáo lý được Khám phá. Vợ của Rinpoche thuật lại về cuộc du hành đó như sau:

“Rinpoche tới Rekong ở Amdo, gần Hồ Kokonor. Vào một ngày rất lạnh, một vài người chăn thú mời Rinpoche tới lều của họ và dâng cho ngài và những người cùng đi với ngài một lượng lớn bơ, thịt khô, và phó mát ngọt đẻ dùng trong cuộc hành trình. Khác với lệ thường, Rinpoche cảnh báo một trong những thị giả của ngài trông nom những con ngựa thật cẩn thận. Khi tới lúc lên đường, vị thị giả chạy xô tới, la lên rằng những con ngựa đã biến mất; họ đã bỏ quên chúng trong một lát và hẳn là chúng đã bị đánh cắp. Thật may mắn, những người chăn thú có nhiều bò yak, họ tặng ít con cho Rinpoche và ngài đã tới Rekong sau một tháng du hành.

“Tại Rekong, Rinpoche ban những lễ quán đảnh Kho tàng những Giáo lý được Khám phá trong hơn bốn tháng cho 1.900 yogi. Khi những thí chủ của Rinpoche nghe các tu sĩ nói về việc ngài bị đánh cắp những con ngựa, họ rất bối rối; nhưng Rinpoche bảo họ rằng ngài đã tới nơi bình an và vì thế bây giờ không cần quan tâm tới điều đó nữa. Tuy nhiên, một vài yogi Rekong nổi danh nhờ khả năng huyền thuật của họ, đã nói rằng họ không thể để vấn đề xảy ra như thế. Hai tuần sau khi Rinpoche bắt đầu giảng dạy, những người trộm cắp đi tới cùng toàn bộ những con ngựa đã đánh cắp được và van xin Rinpoche nhận lại chúng. Rinpoche trả lời rằng ngài không cần tới những con ngựa nữa và họ có thể giữ chúng, nhưng những người ăn trộm từ chối không nghe. Họ nói sau khi lấy trộm ngựa thì mọi sự rắc rối xảy ra cho họ. Khi vắt sữa bò, họ lấy được máu thay vì sữa. Một đứa trẻ bị chim kên kên tấn công – một việc chưa từng được biết tới – và nhiều người trong bộ tộc ngã bệnh. Cuối cùng, họ đã để lại những con ngựa gần tu viện và phi ngựa đi.

“Rinpoche lưu lại Tu viện Rekong trong một năm, và đã ban giáo lý trên một đỉnh đồi tuyệt đẹp nơi yogi Shabkar Tsogdruk Rangdrol lừng danh vào thế kỷ mười chín đã sống. Đó là một tảng đá lớn, có một thân cây phía sau nó, trên đó Shabkar thường ngồi và hát những bài ca tâm linh nổi tiếng của ngài. Dân chúng địa phương đã dâng cho Rinpoche địa điểm này, và khi ngài ứng khẩu những bài ca ở đó, những cầu vồng đã xuất hiện và bông tuyết rơi xuống nhẹ nhàng như những bông hoa. Mọi người nói ngài hẳn phải là một hóa thân của Shabkar.

“Rinpoche có một thị giả, một vị Thầy nghi lễ tên là Achog mà thường bị ngài quở trách. Một đêm Achog bỏ trốn, để lại một miếng vải như một vật cúng dường và một bức thư ngắn nói rằng ông cảm thấy không thể phục vụ Rinpoche một cách đúng đắn và vì thế ông quyết định ra đi. Sau khi đi bộ được một tháng, ông tới trại của một người du mục chăn thú ở Golok, và tại một trong những cái lều bằng lông bò yak đen một bà mẹ và cô con gái đã yêu cầu ông cử hành một vài buổi lễ cho họ để đổi lấy thực phẩm và chỗ ăn ở. Trời rất lạnh giá và ông không có nơi nào khác để tới, vì thế ông đã đồng ý. Khi ấy ông ngã bệnh rất nặng.

“Một hôm bà mẹ gọi báo cho Achog biết rằng một Lạt Ma lạ và cao lớn đi ngựa đang tiến tới gần căn lều. Achog nhìn qua cửa và thấy Khyentse Rinpoche cùng một thị giả phi ngựa thẳng tới lều. Rinpoche xuống ngựa, bước vào và hỏi: ‘Achog, ông khoẻ không?’ Achog bàng hoàng tới nỗi bắt đầu oà khóc. Rinpoche bảo ông không cần khóc và ông nên trở về với họ thì tốt hơn. Bà mẹ già cúng dường Rinpoche trà, sữa, và sữa đông. Trả lời câu hỏi của Achog, thị giả của Rinpoche nói rằng không ai cho họ biết chỗ để tìm ông ta, họ cũng không gặp bất kỳ ai trong vùng tuyết phủ để được hướng dẫn tới trại. Rinpoche nói rằng đã tới giờ lên đường, và cả ba người cùng trở về tu viện. Vào thời gian đó, dân chúng thường nói Rinpoche có tài thấu thị phi thường.”

Để chinh phục được nền tảng tối thượng của bản tánh không bị tạo tác của tâm, chúng ta phải đi tới tận nguồn mạch và nhận ra căn nguyên của những tư tưởng của chúng taNếu khôngtư tưởng của ta sẽ phát sinh tư tưởng thứ hai, tư tưởng thứ hai sinh ra tư tưởng thứ ba, và tiếp tục mãi mãiChúng ta thường xuyên bị những hồi ức của quá khứ tấn công và bị những hy vọng ở tương lai lôi cuốn đi, và đánh mất mọi sự tỉnh giác của hiện tại.

Chính tâm thức của riêng ta đã dẫn ta đi lạc vào luân hồi sinh tử. Không thấy được chân tánh của tâm, chúng ta bám chặt vào những tư tưởng của ta, chúng không là gì ngoài những biểu lộ của bản tánh ấy. Điều này làm đông cứng sự tỉnh giác thành những ý niệm cứng chắc, chẳng hạn như ta và người, đáng ưa và đáng ghét, và nhiều thứ khác. Đây là cách chúng ta tạo ra sinh tử.

Nhưng thay vì để mặc cho những tư tưởng của ta trở nên cứng đặc, chúng ta nhận ra tánh Không của chúng, thì mỗi một tư tưởng xuất hiện và biến mất trong tâm đều làm cho việc nhận ra tánh Không bao giờ cũng rõ ràngtrọn vẹn.

Giữa mùa đông, sự giá lạnh làm đông cứng sông hồ; nước trở nên đông đặc tới nỗi có thể mang được con ngườithú vật và xe bò. Khi mùa xuân tới, đất và nước ấm dần lên và tan chảy. Khi ấy cái còn lại của tánh rắn của băng đá là gì? Nước thì mềm và lỏng, băng đá thì cứng và sắc nhọn, vì thế chúng ta không thể nói rằng chúng đồng nhất; nhưng ta cũng không thể nói rằng chúng dị biệt, bởi băng đá chỉ là nước bị đông đặc lại, và nước chỉ là băng đá bị tan chảy.

Việc áp dụng tri giác của ta về thế giới quanh ta thì cũng thế. Bị dính mắc vào thực tại của các hiện tượng, bị hành hạ bởi sự lôi cuốn và ghê tởm, bởi niềm vui và nỗi khổ, sự được và mất, sự vinh và nhục, sự khen và chê, tất cả đã tạo nên một sự cứng đặc trong tâm thức. Như thế, điều chúng ta phải làm là làm tan chảy băng đá của những ý niệm thành giòng nước lưu chuyển của sự tự do nội tại.

Mọi hiện tượng của sinh tử và Niết bàn xuất hiện như một cầu vồng, và cũng như một cầu vồng, chúng không có bất kỳ một hiện hữu thật có nào. Một khi bạn nhận ra chân tánh của thực tại, nó trống không và đồng thời xuất hiện như thế giới hiện tượng, tâm bạn sẽ thôi chịu sự chi phối của vô minh. Nếu bạn biết cách để cho những tư tưởng của bạn tự tan biến khi chúng xuất hiện, chúng sẽ vụt qua tâm bạn như một cánh chim lướt trên bầu trời – không để lại dấu vết nào.

Hãy duy trì trạng thái giản đơn đó. Nếu bạn gặp được hạnh phúcthành côngthịnh vượng hay những hoàn cảnh thuận lợi khác, hãy coi chúng như những giấc mộng và ảo ảnh, và đừng bám luyến vào chúng. Nếu bạn lâm vào cảnh bệnh tật, bị vu khống, nghèo khổ hay những thử thách vật chất và tinh thần khác, bạn chớ mất can đảm mà hãy khơi dậy lòng bi mẫn của bạn và phát triển ước nguyện là qua sự đau khổ của bạn, những nỗi khổ của tất cả chúng sinh có thể bị cạn kiệt. Dù xảy ra bất kỳ tình huống nào, đừng đắm mình trong sự phấn khích hay đau đớn, mà hãy tự do và thoải mái trong sự thanh thản không thể bị lay chuyển.

HÀNH TRÌNH ĐI TỚI GIÁC NGỘ
Cuộc Đời và Thế giới của Khyentse Rinpoche, Đạo Sư Tâm linh Tây Tạng
Hình ảnh và tường thuật của Matthieu Ricard
Bản dịch tiếng Anh của Nhóm Dịch Thuật Padmakara, Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên