Những trạng thái của Tâm

Một ngày nọ, có một thí chủ nào đó mang một dĩa thức ăn ngon đến cúng dường cho các tăng ở trong ngôi chùa. Trong ngôi chùa đó chỉ có một vị tăng và một chú phụ việc. Khi vị tăng ngồi xuống ăn, chú phụ việc đem ra toàn bộ dĩa thức ăn cho vị thầy. Trên dĩa có tám miếng thức ăn.

Vị sư gắp liền ba miếng.

Khi vị tăng đó ăn, chú phụ việc quan sát ông một cách chú tâm. Chú tự nói với mình: “Thầy ấy là một tu sĩ và là người đứng đầu ngôi chùa này. Để thầy ăn ba miếng, vẫn còn lại năm miếng. Nhiêu đó cũng đủ cho bữa trưa của mình.”

Sau khi ăn xong, vị tăng tiếp tục đưa tay gắp thêm thức ăn.

Chú phụ việc lại nghĩ: “Phải rồi, thầy là một tu sĩ và là người đứng đầu của ngôi chùa. Thầy xứng đáng ăn hết một nửa thức ăn. Hãy để thầy ăn thêm miếng nữa.”

Lần này, vị tăng gắp thêm hai miếng nữa.

Chú phụ việc lại nghĩ: “Không sao, hãy để thầy ăn năm miếng. Còn ba miếng. Như vậy cũng đủ nhiều cho mình.”

Sau khi ăn xong, vị tăng tiếp tục gắp thêm hai miếng nữa, chỉ còn lại một miếng trên dĩa.

Chú phụ việc lại nghĩ: “Không sao. Mình nhỏ. Thầy to lớn. Một miếng cũng đủ cho mình.”

Đến khi vị tăng đưa tay để gắp luôn miếng cuối cùng, sự kiên nhẫn của chú bé cũng không còn nữa. Chú bé nói la lên: “Thưa thầy, thầy định ăn luôn miếng cuối cùng chứ không để lại một miếng nào cho con à?”

Trong cơn thèm ăn, vị tăng đã rất không chánh niệm rằng mình đã hoàn toàn quên chú phụ việc trung thành đang đứng chờ một cách kiên nhẫn đến lượt mình được ăn. Vị tăng cảm thấy thật ngượng ngùng, từ đó về sau, thầy ấy đã luôn kiềm chế, không còn ăn một cách tham lam như vậy nữa.

………………………………………………………………………………..

Tu tập sự chánh niệm về sự tham lam và những trạng thái khác của tâm là một công việc không dễ dàng. Như chúng ta đã biết, bởi vì chúng ta chỉ nhìn tâm thông qua những gì chứa bên trong nó, vì vậy chúng ta không thể nào suy xét hay quán niệm về chính cái tâm. Khi thức cùng với tham lam khởi sinh trong tâm, thay vì nhìn vào tâm, chúng ta chỉ nhanh chóng làm theo điều cái tâm tham lam đòi hỏi, như trong câu chuyện xưa về vị tăng tham lam và chú giúp việc chùa. Chúng ta chỉ biết làm theo bản năng, hành động một cách mù quáng và bốc đồng, ngay cả khi chúng ta cũng nghi nghi là sau đó mình sẽ hối tiếc vì những hành động đó. Khi tâm bị ám ảnh ngu mờ, chúng ta khó mà giữ mình theo khuôn phép để mà chánh niệm. Chúng ta nói, nghĩ, và làm một cách vội vàng, không ý tứ.

Chánh niệm dạy cho chúng ta dừng lại và quan sát nhìn tâm. Đầu tiên, chúng ta tập thực hành trên gối ngồi thiền.

Khi những ý nghĩ đến và đi, chúng ta quan sát chúng khởi sinh, lên cao, và biến mất. Nhờ chúng ta không lập tức hành động theo sự bốc đồng hay kích thích, nên chúng ta có khả năng tiếp cận những trạng thái tâm một cách tĩnh lặng. Kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” khuyên dạy chúng ta đặc biệt quan sát tám (8) cặp trạng thái tâm. Mục tiêu của chúng ta là học cách nhận biết được tâm đang là:

1. Tham hay không tham
2. Sân hay không sân
3. Si hay không si
4. Thụ động/ xao lãng hay không thụ động/ xao lãng
5. Không phát triển hay phát triển
6. Không cao thượng hay cao thượng
7. Không tập trung hay tập trung (định)
8. Không giải thoát hay giải thoát.

Bốn cặp trạng thái tâm đầu có thể được trải nghiệm trong những lúc ngồi thiền và trong lúc đang làm những sinh hoạt hàng ngày. Sau khi đã tu tập được sự tỉnh giác về chúng khi đang ngồi thiền, thì chúng ta cũng dễ dàng chánh niệm được chúng vào những lúc khác trong sinh hoạt hàng ngày. Bốn cặp sau thì chỉ tập trung vào những trạng thái mà chúng ta chỉ có được trong khi ngồi thiền trong giờ thiền. Khi biết được những trạng thái này, chúng ta sẽ phấn đấu chứng đạt được chúng. Bây giờ để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét qua từng cặp trạng thái để chúng ta dễ nhận biết chúng.

1. Tham hay Không tham

Chúng ta đều hành động lập tức và bồng bột theo kích thích giống như vị tăng tham ăn kia. Ví như khi chúng ta đi ăn ở quán ăn tự chọn (buffet), rất nhiều loại món ăn được trưng bày và ta rất thích. Tâm tham ăn của ta khởi sinh.

Chúng ta gắp lấy nhiều thức ăn, thứ nào ta thích, ta lấy thật nhiều vào dĩa của mình mà không nghĩ đến những người đứng xếp hàng sau lưng chúng ta để chờ lấy những món ăn đó. Mục tiêu của việc tu chánh niệm là trở nên chú tâm tỉnh giác về những trạng thái tâm để từ đó chúng ta từng bước tháo gỡ hay dẹp bỏ những hành động bốc đồng theo bản năng đó. Ngay lúc chúng ta nhận ra tâm mình đang bị ngu mờ vì tham ăn, chúng nghĩ đến sự khó chịu mà chúng ta có lẽ đang gây ra cho những người khác đang xếp hàng sau ta. Giống như vị tăng tham kia về sau đã làm, chúng ta phải áp dụng kỷ luật bằng chánh niệm một cách thực hành để thay đổi hành vi của chúng ta.

Khi tham biến mất, dù chỉ trong một lúc ngắn, chúng ta lập tức thấy dễ chịu hơn. Chúng ta nhận biết trạng thái tâm dễ chịu này, và nhận biết rằng tâm tham có thể quay lại khởi sinh vào bất cứ lúc nào, ở đâu, hay trong tình cảnh nào. Khi chúng ta chú tâm, chúng ta tìm thấy nhiều cơ hội để suy xét về trạng thái tâm và thực hành sự tự kiềm chế mình.

Tôi cố tập đi bộ hàng ngày. Tôi thường thấy nai bị các thợ săn bắn chết (trong khu rừng gần thiền viện). Đôi khi các thợ săn không tìm thấy nai sau khi bắn, hoặc nhiều quá không mang về hết, xác chết bị bỏ lại của nai nằm thối rữa bên đường. Tôi cũng thấy nhiều rác vứt bỏ hai bên đường – vỏ lon bia, chai rượu, ăng-ten TV, tủ lạnh, bàn ghế, và những thứ bỏ đi từ trong nhà. Qua ngày tháng, những rác này cũng mục rữa.

Bởi vì tôi có tham muốn nhìn thấy một môi trường sạch sẽ, nên những cảnh này đôi lúc làm tôi bực mình. Nhưng nhờ có chánh niệm can thiệp đúng lúc. Tôi nhắc mình rằng những tham muốn đều có hại hơn có lợi cho mình. Ngay cả những ý muốn lành mạnh, chỉ muốn mọi người ngừng săn bắn nai hoặc ngừng quăng rác phế thải bừa bãi vào rừng, cũng làm cho tâm mình xốn xang và làm cho mình khổ. Vì vậy, thay vì cứ dính chấp vào những ‘nguyên tắc’ của mình về gìn giữ môi trường, tôi nhắc mình rằng ta không thể nào sửa đổi cả thế giới và vì vậy nên từ bỏ những ước muốn đó đi. Tôi không thể nào loại bỏ mọi tham muốn của thế gian, nhưng tôi có thể buông bỏ tham muốn của riêng mình. Khi tôi làm vậy, tôi bắt đầu thấy thư giãn. Rồi từ đó, tôi thấy thanh bình.

2. Sân hay Không sân

‘Tự tính’ của tâm vốn là trong sạch. Trong trạng thái tự nhiên của nó, tâm giống như hồ nước mát, trong, và tĩnh lặng. Sự sân giận nung nấu tâm. Khi sân giận nung nấu, tâm sôi sục như nước sôi, phá hết khả năng suy nghĩ minh mẫn của chúng ta, làm cho chúng ta không còn thấy được mọi sự vật đúng như chúng là. Giận mất khôn. Cái bản tâm thư giãn, tĩnh lặng, và an bình của chúng ta bị tán loạn, và tâm sôi sục với những ý nghĩ ganh ghét, thù hận, ác độc, những ý nghĩ tàn nhẫn. Chúng ta muốn diệt hại người khác. Nếu chúng ta không có chánh niệm kịp thời, tâm sẽ ra lệnh cho cái lưỡi hoạt động và ta sẽ làm tổn thương người khác bằng những lời lẽ tức giận, thù ghét.

Chánh niệm làm tắt cơn giận bằng cách lấy đi năng lượng nó cần có để nung nấu. Khi sân hận có đầy trong tâm, chúng ta nên nghĩ như vầy: “Sân hận làm ta bệnh”.

Tâm ta bị lầm lẫn. Một cái tâm bệnh hoạn sẽ hủy hoại tâm nguyện tu thiền của ta. Chỉ có một cái tâm tĩnh lặng và bình an thì ta mới nhìn thấy bản thân mình một cách rõ ràng, và đạt được mục tiêu thiền tập của ta”. Đức Phật đã mô tả về cái cảm giác được giải tỏa khi chúng ta vượt qua được những ý nghĩ đầy sân giận, như vầy:

“Ví như khi bị bệnh, đau khổ và suy yếu, do vậy người ấy không thể ăn uống được và sức lực xuống dốc. Nhưng sau đó, người ấy hết đau bệnh, do vậy có thể ăn uống ngon miệng và lấy lại sức lực. Người ấy có thể suy xét tình cảnh (sau khi đã hồi phục), và chắc là người ấy sẽ vui mừng và nếm trải niềm vui sướng đó.”

Cũng như vậy, khi chúng ta giải tỏa hết những cảm giác sân giận, thù ghét, bực bội, thì ta sẽ cảm thấy vui sướng và nhẹ nhõm y như một người bệnh nặng vừa mới hồi phục khỏi cơn bạo bệnh.

3. Si hay Không si

Nhận biết được sự si mê không phải là dễ, và rất dễ bị lầm. Tâm phải không còn si mê thì mới nhận biết được tâm không còn si mê! Vậy làm thế nào chúng ta biết mình đang bị si mê hay ngu tối? Bí quyết ở đây là ghi nhớ rằng, về bản chất, (chân) tâm luôn trong suốt và sáng tỏ. Chúng ta có thể đã kinh nghiệm trạng thái sáng tỏ này của tâm nhiều lần – ví dụ như là trong lúc ngồi thiền tĩnh lặng, hay lúc trước khi ngủ, hay ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng. Chúng ta nên có thói quen nhận biết sự trong sáng này của tâm mỗi khi tâm được trong sáng như vậy! Rồi, khi nào si mê khởi sinh, chúng ta dễ dàng nhận ra sự si mê.

(Ví dụ, như cách chúng ta đã từng nhận thức được quần áo sạch sẽ thơm tho sau khi giặt là như thế nào, thì ta sẽ nhận biết được thế nào là quần áo dơ khi chúng dơ bẩn và có mùi dơ. Như tâm chúng ta tỉnh táo, ta từng biết. Nên khi tâm bị bốc đồng và lẫn lộn (vì uống rượu…), ta sẽ so sánh và nhận thức được ngay là tâm đang ‘say xỉn’, không tỉnh táo. Ta phải dùng cái ‘mốc’ của một trạng thái tâm trong sáng và tỉnh thức mà chúng ta đã từng có để so sánh và quán chiếu với một trạng thái tâm vào lúc khác thì mới biết lúc đó tâm có trong sáng và tỉnh thức hay không. Bởi vì chúng ta chỉ biết tâm sạch hay không sạch, sáng hay mờ thông qua cái gì đang chứa trong nó, tức là thông qua những trạng thái của tâm. Muốn biết ta có ngu si hay không, chúng ta chỉ cần đối chiếu với một trạng thái tâm trong sáng và minh mẫn mà ta đã từng có.)

Si mê thường thể hiện như sự lầm lẫn về vấn đề “ta là ai” và “ta hiện hữu như thế nào”. Khi tham lam hay sân giận nắm thế trong tâm, chúng ta chỉ nghĩ “Tôi phải có cái đó” hay “Tôi ghét cái đó”. Cái ‘Tôi’ khởi sinh vào lúc đó cảm giác rất chắc chắn và cần phải có. Nó giống như thể tâm bị giam tù bởi cái nhu cầu mạnh mẽ đó. Chúng ta cảm giác rằng nếu nhu cầu đó không được đáp ứng, ‘Tôi’ sẽ chết vậy! Nhưng nên nhớ, trước khi cái tâm bị giam tù, nó là tự do. Trí nhớ về sự tự do của tâm giúp chúng ta quay trở lại chánh niệm.

Chìa khóa ở đây là sự vô thường. Khi chúng ta chú tâm vào những ý nghĩ si mê, đám mây ngu mờ sẽ từ từ tan biến. Khi nó đã tan biến, cái tâm trong sáng “như bầu trời xanh” sẽ có mặt trở lại. Khi chúng ta nhận biết si mê là si mê, thì si mê sẽ tự nó biến mất – ít nhất cũng là tạm thời biến mất.

Đến khi chúng ta chứng ngộ được sự giải thoát hoàn toàn, hay Niết bàn, thì tâm sẽ mãi mãi không còn bị si mê.

4. Thụ động hay Không thụ động – Xao lãng hay Không xao lãng

Một cái tâm thụ động hay ‘co lại’ là tâm đang bị đè nén hay thoái lui. Tình trạng này, liên quan đến sự bất hài lòng, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đôi khi chúng ta cảm thấy như vậy ngay khi đang ngồi thiền và cảm thấy rằng mình chẳng tu tiến được gì trong thiền tập. Ta thường nghĩ một cách tự ti rằng “Ta chẳng làm gì được. Ai cũng hạnh phúc và an bình. Chỉ có ta là chẳng làm được điều gì nên tích sự!”. Cái kiểu tâm này cũng khởi lên trong khi chúng ta đang làm những việc thường ngày khác. Ta thường nghĩ “Chẳng ai ưa mình. Tôi già quá rồi, quá mập mỡ, quá xấu xí. Tôi luôn nói những câu vô duyên, làm những chuyện chẳng hay ho gì”.

Khi chúng ta chánh niệm rằng tâm bị thụ động theo những kiểu như vậy, cách tốt nhất là cứ quan sát và quan sát nó. Đừng giải thích hay biện hộ gì. Đừng nghĩ gì, đừng để cho ý nghĩ này dẫn đến ý nghĩ khác. Đừng nắm giữ bất cứ điều gì. Chỉ chú tâm. Trạng thái này của tâm cũng là vô thường. Cũng giống như mọi thứ khác, nó sẽ từ từ tan biến.

Ngược hẳn lại với cái tâm thụ động là tâm xao lãng. Tâm ‘bung ra’ quá mức giới hạn. Toàn bộ thế giới dường như mở rộng và chào đón. Chúng ta cảm giác mình thật sự là một ai đó đặc biệt. Trạng thái này cũng là một trở ngại.

Nếu chúng ta không điều tiết và đối trị nó bằng sự chú tâm đúng mục đích thì nó sẽ ‘bung chạy’ như những “con khỉ” và sẽ lăng xăng chạy nhảy khắp thế gian thông qua sự tưởng tượng và vọng tưởng [ý này ý kia, nghĩ này nghĩ nọ, tưởng này tưởng nọ, liên tục, liên tục, hiếu động].

5. Không phát triển hay Phát triển

“Không phát triển hay phát triển” ở đây có nghĩa là “chưa tu tiến hay đã tu tiến”. Trong thức hàng ngày, chúng ta không trải nghiệm được trạng thái đã tu tiến hay đã phát triển của tâm. Một số dịch giả dùng từ “cao siêu” hay “cao đạo” để diễn tả tình trạng này. (Theo nghĩa chữ “cao” trong chữ “cao tăng” hay “cao đạo”).

Những trạng thái tĩnh lặng, bình an, và vắng lặng này chỉ có thể đạt được thông qua thiền định thâm sâu. Tâm đã vượt lên hơn cả thức bình thường. Chúng ta cảm thấy mình bay bổng lên khỏi mặt đất. Tâm thì hòa dịu, thư giãn, tĩnh lặng, sáng tỏ, và cân bằng. Ngay cả những thiền sinh và thiền sư thành đạt không phải lúc nào cũng đạt được trạng thái này mỗi lần họ thực hành thiền.

6. Không cao thượng hay Cao thượng

Cặp trạng thái tâm tiếp theo này cũng chỉ về sự chứng đạt về thiền định thâm sâu. “Cao thượng” (hay “cao nhất”) có nghĩa là người tu tập đã đạt được “trạng thái tâm cao nhất” hay chưa. Sau khi Phật chứng đạt giác ngộ, Phật kể rằng tâm của mình đã chứng đạt một trạng thái tâm tối thượng, vô song, hay siêu việt nhất. Một thiền sinh hay thiền sư thành tựu cũng có được sự trải nghiệm về tâm như vậy. Tâm tinh khiết, mềm mại, vững chãi, và không bị lay chuyển. Mặc dù trạng thái tâm này là tuyệt diệu, nhưng nó chỉ là tạm thời. Chỉ đến khi nào một người đã đạt được sự giải thoát hoàn toàn, như Phật và các A-la-hán, thì trạng thái đó mới trở thành thường hằng và mãi mãi. Bất kỳ trạng thái tâm nào có được trong quá trình hành thiền đều không phải là tâm cao thượng tột cùng! Điều này nhắc chúng ta biết rằng chúng ta luôn có thể đạt được một trạng thái tâm cao hơn đó nữa.

7. Không tập trung hay Tập trung

Có nghĩa là không định hay đạt định. Đôi lúc khi chúng ta thiền, tâm có thể tập trung vào một đối tượng mà không bị gián đoạn. Khi chúng ta đạt được mức độ định “tâm-nhất-điểm” như vậy, chúng ta tập bản thân chánh niệm về nó, nhận biết cái tâm đang định là tâm đang định. Khi tâm đang bị thụ động hay xao lãng, chúng ta nhận biết đó là trạng thái tâm không định hay thất định.

Đôi lúc khi người ta có tâm bị xao lãng, thay vì cách tốt nhất là chú tâm tập luyện sự tỉnh giác thuần túy vào cái tâm thất định đó, họ lại phàn nàn rằng “Tâm của tôi chạy nhảy khắp nơi. Tôi không thể tập trung”. Cứ lo nghĩ về những điều này thì chỉ làm cho tâm thêm cằn nhằn và lo lắng mà thôi. Thay vì vậy, ta nên theo lời Phật đã chỉ dạy và chỉ đơn thuần nhận biết tâm. Ngay sau đó, cái tâm thất định sẽ biến mất, và bạn có thể tập trung đạt định trở lại. Chìa khóa là sự quan sát bằng chánh niệm.

8. Không giải thoát hay Giải thoát

Một cái tâm đã giải thoát thì không còn những vấn đề cần giải quyết nữa. Nó không còn tham lam, sân giận, si mê, thụ động hay xao lãng. Nó đã được tu tiến, cao thượng và định sâu. Ở những trạng thái tâm thiền định cao nhất, người tu có thể chứng đạt sự giải thoát tạm thời. Nhưng cho dù đó là sự giải thoát tạm thời, trạng thái đó là một sự trải nghiệm lợi lạc một cách phi thường. Nếu bạn theo những bước chánh niệm một cách sâu sát và miên mật, cuối cùng tâm có thể được giải thoát hoàn toàn.

Làm việc với những trạng thái Tâm

Những cặp trạng thái tâm mà chúng ta đang xem xét không phải lúc nào cũng khởi sinh trong tâm theo thứ tự được ghi trong bài kinh. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là một khi có một nửa cặp trạng thái có mặt trong tâm thức, thì nửa còn lại không có mặt. (Ví dụ, khi tâm đạt định thì không có tâm thất định cùng lúc). Chẳng hạn, khi tham dục đã biến mất, chúng ta thụ hưởng trạng thái tâm “không tham”. Trong kinh “Trừ Bỏ Ý Nghĩ Xao Lãng”, Đức Phật đã đưa ra một loạt những ví dụ so sánh một cách sinh động để giảng giải về những cách thức đối trị những trạng thái tâm xấu để chúng ta có thể nếm trải những trạng thái tâm ngược lại.

Những phương pháp được liệt kê dưới đây theo thứ tự tăng dần nỗ lực tinh tấn. Nếu làm không được một cái, chúng ta lại cố làm cái kế tiếp.

Thay thế nó: Ví như tham, sân, hay si khởi sinh bởi vì bạn chú tâm một cách không khôn khéo vào phương diện nào đó của đối tượng. Vậy thì bạn hãy quay sang chú tâm vào những phương diện tốt thiện của đối tượng, giống như một người thợ mộc lành nghề lỡ tay tra sai mộng bàn ghế, thì đổi lại đầu mộng để tra vào cho nó vừa và đẹp.

Nhớ đến sự khổ đau mà nó gây ra: Nếu trạng thái tâm đó không biến đi, hãy xem xét sự nguy hiểm bên trong nó. Quán niệm rằng những ý nghĩ như thế là đáng chê và dẫn đến khổ đau, cũng giống như một thanh niên hay thanh nữ yêu thích đồ trang sức sẽ lấy làm hoảng sợ, nhục nhã, và kinh tởm khi phải mang xác chết của một con rắn quanh cổ mình.

Làm ngơ nó: Nếu ý nghĩ đó vẫn còn, cố gắng quên nó đi. Không chú tâm vào nó, giống như một người có đôi mắt sáng không muốn nhìn những thứ xấu xa thì sẽ nhắm mắt lại hay ngoảnh mặt làm ngơ đi.

Nhớ rằng nó là vô thường: Nếu ý nghĩ đó vẫn còn, nhắc mình nhớ rằng tất cả mọi thứ đều vô thường và phai biến đi. Sau khi buông bỏ trạng thái tâm đầu tiên, tâm (dứt khoát) bước qua trạng thái kế tiếp, giống như một người đang bước đi nhanh và nghĩ rằng “Tại sao tôi đang bước đi nhanh? Nếu tôi bước chậm lại thì sao?”. Rồi người đó bước chậm lại. Sau đó, anh ta nghĩ “Tại sao tôi đang bước đi chậm? Nếu tôi đứng lại thì sao?”. Rồi người đó đứng lại. Sau đó anh ta lại nghĩ “Tại sao tôi đang đứng? Nếu tôi ngồi xuống thì sao?”. Rồi người đó ngồi xuống. Sau đó anh ta lại nghĩ “Tạo sao tôi phải ngồi? Nếu tôi nằm thì sao?”. Rồi người đó nằm xuống.

Chế ngự nó: Nếu ý nghĩ vẫn còn trong tâm bạn, vậy thì nghiến chặt răng và lưỡi ấn chặt vào vòm miệng trên, dùng tất cả nỗ lực để vượt qua nó. Lấy tâm đè bẹp tâm, giống như một người mạnh bạo đang nắm đầu hay vai và đánh gục, áp chế và đè bẹp một người yếu mềm hơn mình.

Mặc dù những trạng thái xấu của tâm là phiền rối và vì vậy đòi hỏi những phương pháp mạnh mẽ để đối trị nó, chúng ta cũng nên dùng sự chánh niệm để phát huy những trạng thái tốt lành và có lợi của tâm. Ví dụ, khi những ý nghĩ bố thí, từ bi, hỷ, xả khởi sinh, chúng ta nên hỏi chính mình: “Chánh niệm của ta có đủ mạnh để duy trì những tâm tốt đó hay không? Nếu không, ta phải làm gì?”. Ví dụ, chúng ta có thể thay đổi lối sống của mình, chẳng hạn sống ở nơi thích hợp, giữ nhà cửa sạch sẽ, giao lưu với những người trí hiền, đọc những quyển sách hay, và luôn cố gắng tu “chánh niệm” một cách siêng năng hàng ngày.

Với chánh niệm và nỗ lực, chúng ta có thể phát triển những trạng thái tâm tuyệt vời của tâm, bao gồm: lòng tin, sự kiên nhẫn, sự tập trung, sự chú tâm, những ý nghĩ về phụng sự, những ý nghĩ về sự giản đơn, sự quyết tâm làm những điều tốt, những ý nghĩ về sự hài lòng, và những ý nghĩ về trí tuệ.

Những điểm chính để chánh niệm về những trạng thái của Tâm

► Để thực hành chánh niệm về tâm, hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc thiền tập, dùng hơi thở làm đối tượng chính. Khi hơi thở trở nên tĩnh lặng, vi tế và thư giãn thì tâm sẽ trở nên tĩnh lặng và thư giãn.

► Thực tập sự tỉnh giác về những trạng thái của tâm bằng cách quan sát chúng khởi sinh, lên cao, và biến mất. Thực tập sự tỉnh giác khi ngồi thiền sẽ giúp bạn chánh niệm được về những trạng thái tâm khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.

► Sự tỉnh giác về sự vô thường cũng là vô thường. (Sự tỉnh giác cũng luôn thay đổi). Đó là lý do tại sao tâm, trong khi đang quan sát những trạng thái tâm khởi sinh, lên cao và biến mất [sinh diệt] thì nó vẫn thường bị “trượt mất” khỏi sự tỉnh giác. Khi bạn đang chánh niệm về sự thay đổi của một trạng thái tâm, trạng thái tâm khác khởi sinh. Rồi sau khi bỏ trạng thái tâm này, tâm của bạn bước sang chánh niệm về trạng thái mới khởi sinh. Điều này có nghĩa là cái tâm đang quan sát sự vô thường cũng đang thay đổi.

► Nếu việc chánh niệm về một trạng thái tâm xấu không đủ mạnh để đối trị nó, hãy thử một phương pháp mạnh hơn.

► Khi tham, sân, si, và những trạng tâm xấu khác đã được buông bỏ, tâm sẽ được vững vàng bên trong và được lắng dịu xuống. Trong trạng thái này, tâm có thể được đưa đến nhất điểm và đạt định.

► Chánh niệm và chánh định khi phối hợp với nhau trong một sự đồng điệu và vững vàng sẽ nhận biết được vô số những thay đổi đang diễn ra trong tâm cùng một lúc.

► Áp dụng sự chánh niệm và chú tâm mà không dùng những khái niệm. Những ý tưởng, ý nghĩ và khái niệm chỉ là những trở ngại. Nếu không có chúng, chúng ta có thể tập trung tâm như một tia sáng laser soi rọi vào năm tập hợp uẩn. Lúc đó, tâm sẽ nhìn thấy rõ rằng cái ‘Ta’ chỉ hiện hữu chỉ khi sắc thân, những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và những thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tồn tại mà thôi.

Những tập hợp uẩn này lại tồn tại tùy thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện. Chúng là hữu vi. Chúng là vô thường. Bạn không thể nào tìm thấy một cái ‘Ta’ hay một ‘linh hồn’ trong bất kỳ uẩn nào.

► Mỗi giây khắc là một giây khắc mới. Mỗi giây khắc là một giây khắc mới đến. Mỗi giây khắc mang lại cho bạn một trí tuệ mới và sự hiểu biết mới.

► Không có thứ gì là đứng yên tĩnh tại. Mọi thứ đều năng động. Mọi thứ đều đang thay đổi. Mọi thứ đều đang xuất hiện và đang biến mất, sinh diệt liên tục. Cảm giác khởi sinh và biến mất. Ý nghĩ khởi sinh và biến mất. Nhận thức khởi sinh và biến mất. Thức khởi sinh và biến mất. Bạn chỉ trải nghiệm được sự thay đổi mà thôi.

► Trong trạng thái đạt định thâm sâu, bạn nhìn thấy được tất cả mọi sự việc hiện tượng đúng đích thực như chúng là.

Thiền Sư Henepola Gunaratana

Việt dịch: Lê Kim Kha

Nguồn: Bốn nền tảng chánh niệm – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016