Nguồn gốc của Phật thất

Khóa tu Phật thất pháp môn Tịnh độ, bắt nguồn từ kinh A Di Đà mà thiết lập, như câu: “Nghe nói Phật A Di Đà, niệm danh hiệu của Ngài từ một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người ấy đến lúc lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt người ấy”.

Tu Phật thất, tu Thiền thất vì sao dùng bảy ngày làm kỳ hạn, xuất xứ từ sách nào?

Vấn đề này có quan hệ mật thiết với bảy đại hành tinh trong thể của vũ trụ. Ở thời đại Đường Tống, từ trong kinh điển Mật bộ Phạn văn dịch ra, có một vài loại dùng thất diệu, thất tinh hoặc Bắc đẩu làm tên. Loại tín ngưỡng này tại Ấn Độ có rất sớm. Tương truyền, đức Thích Ca ở trên tòa Kim cang dưới cây Bồ đề, tu thiền bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, liền được khai ngộ thành đạo. Trong bảy ngày đầu sau khi thành đạo, một mặt hưởng thụ niềm vui giải thoát, đồng thời cũng suy nghĩ nên dùng phương tiện thiện xảo nào để tuyên thuyết Phật pháp cho chúng sinh.

Sau khi đức Thích Ca thành lập giáo đoàn, theo trong Luật tạng, những vị Tỳ kheo nếu trong ba tháng an cư kiết hạ, có công việc của Tăng đoàn thì có thể xin phép đại chúng tối đa là bảy ngày, gọi là “thọ thất nhật pháp”. Lại do Tỳ kheo không được phép cất chứa thực vật qua đêm để ăn lại, nhưng do có Tỳ kheo bệnh, vì làm thuốc chữa bệnh nên có thể để dành bơ, sinh tố, mật, đường mật, nhưng không được vượt quá bảy ngày, gọi là “thất nhật dược”. Đủ chứng tỏ, cơ cấu thời gian bảy ngày làm kỳ hạn, từ đức Thích Ca về trước đã lưu hành tại Ấn Độ rồi. Cựu Ước, Sáng Thế Ký của Cơ Đốc giáo nói Thượng đế dùng ngày bảy sáng tạo hoàn thành vũ trụ và loài người, vạn vật cũng phát nguồn từ lý do nêu trên.

Do đó, ở trong kinh Phật có đề xướng phương pháp tu hành dùng bảy ngày làm kỳ hạn. Chẳng hạn như kinh Đại Phương Đẳng Đà La Ni quyển 1 ghi chép, làm thế nào tu trì Phương Đẳng Đà La Ni chương cú? Kinh chép: “Nếu muốn thực hành, cần phải bảy ngày trường trai, mỗi ngày ba lần tắm gội, mặc áo sạch sẽ, ngồi trước hình tượng Phật, làm lọng ngũ sắc, tụng câu chú này, một trăm hai mươi biến, đi nhiễu một trăm hai mươi vòng”. Cũng trong kinh này quyển 3, đức Phật nói với ông Văn Thù Sư Lợi rằng: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào đi đến chỗ ông, muốn cầu kinh Đà La Ni, ông nên dạy cầu 12 vị mộng vương, nếu thấy được một vị vương, ông nên giảng dạy hành pháp bảy ngày”.

Nhưng trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát có nói: “Muốn tu kinh Pháp Hoa này, trong ba lần bảy (21 ngày) nên nhất tâm tinh tấn. Mãn 21 ngày rồi, ta sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà… hiện ra trước người ấy mà nói pháp”. Cho nên, trong Sám Nghi Pháp Hoa Tam Muội của đại sư Trí Giả cũng quy định “trong 21 ngày, nhất tâm tinh tấn”. Đó là lấy 21 ngày làm kỳ hạn tu hành.

Trong kinh Ban Chu Tam Muội thuộc pháp môn Tịnh độ Phật A Di Đà có nói: “Có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, như pháp tu hành, trì giới đầy đủ, ở yên một chỗ, niệm Phật A Di Đà ở phương Tây, hiện tại… nhất tâm niệm Ngài, một ngày một đêm, đến bảy ngày bảy đêm, qua bảy ngày rồi, sẽ thấy Phật A Di Đà”. Tiếp đến liên tục tu hành, tất cả ba tháng, lấy 90 ngày làm kỳ hạn, kinh còn nói: “Không được ngủ ba tháng, như khoảng khảy móng tay”. Lại nói: “Kinh hành không được nghỉ, không được ngồi ba tháng, ngoại trừ lúc ăn cơm”. Cách thức này gần giống với lối tu Pháp tướng Phương Đẳng tam muội, lấy bảy ngày đầu làm giai đoạn dự bị.

Lại như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, ngoài việc chủ trương siêu độ người mất trong vòng bảy ngày đầu tốt nhất, và còn cho rằng chậm nhất là 49 ngày, là rất thỏa đáng. Nguyên nhân này có thể thấy trong quyển 1 Du Già Sư Địa Luận: “Người ta sau khi chết trở thành thân trung hữu (cũng gọi là thân trung ấm), nếu chưa vãng sinh ngay về cõi trời hoặc cõi người, hoặc vẫn chưa đủ nhân duyên đầu thai chuyển thế, thân trung hữu này. Nội trong bảy ngày không nhất định được chuyển sinh. Nếu trong bảy ngày mà chưa đủ duyên chuyển sinh chết rồi sống lại, cứ lần lượt như vậy mà chưa được chuyển sinh thì đến 49 ngày, từ đó về sau sẽ quyết định chuyển sinh. Lại nữa, thân trung hữu này sau khi chết bảy ngày, hoặc lập tức sinh vào cõi người, nếu do những nghiệp khác chuyển, chủng tử trung hữu chuyển thì sinh vào các loài khác”. Đủ chứng tỏ thân trung hữu lại còn gọi là thân trung ấm, mỗi bảy ngày chết một lần, chỉ có bảy lần, sau đó tùy theo nghiệp mà thọ sinh, do đó mới có hoạt động tu hành siêu độ 49 ngày làm kỳ hạn. Điều này cũng có liên quan đến 49 ngày thành đạo của đức Thích Ca Mâu Ni.

Chẳng qua tu Phật thất theo pháp môn Tịnh độ là y cứ vào kinh A Di Đà mà thiết lập như câu: “Nghe nói Phật A Di Đà, trì niệm danh hiệu của Ngài từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người ấy đến lúc sắp mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt người ấy”. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói: “Một ngày cho đến bảy ngày thì được vãng sinh”.

Các tùng lâm Thiền tông xưa nay chỉ có Thiền kỳ, chẳng hạn như Hạ kỳ, Đông kỳ, những khóa tu này có liên quan với việc an cư tu hành trong luật của Tỳ kheo. Như nay các phái Thiền tông từ thời đại Tống Minh truyền đến Nhật Bản đều không có tên gọi đả thiền thất, chỉ có tu hành định kỳ gọi là tiếp tâm hoặc nhiếp tâm, quá nửa là hoạt động tu thiền tinh tấn bảy ngày. Đủ chứng minh danh xưng đả thiền thất đối với lịch sử Trung Quốc, sớm nhất cũng không quá cuối đời Minh đầu đời Thanh. Tôi tìm trong các tư liệu cuối đời Minh vẫn chưa thấy danh từ này.

Có thể có bảy ngày tinh tấn niệm Phật gọi là đả Phật thất, lịch sử của nó cũng không phải là sớm lắm, chẳng qua loại hoạt động tu hành này lấy bảy ngày làm kỳ hạn thủ chứng, rất có ý nghĩa, vả lại thời gian cũng ngắn nên đáng được thi hành rộng rãi.

Thượng tọa Thích Chân Tính

Nguồn: Nguồn gốc của Phật thất