Sự ra đời của một vị Phật – Những phẩm chất làm nên một bậc giác ngộ

Kinh điển Nguyên thủy không đề cập nhiều đến sự kiện một vị Phật ra đời như thế nào, tuy nhiên, chú giải và các trước tác thuộc thời kỳ sau lại nói khá chi tiết về những điềm lành … về sự ra đời của một vị Phật. Trong bài học hôm nay, chúng ta sẽ điểm qua về những tình tiết đó với hai điểm chính:

  1. Khái niệm về sự thành Phật của Đức Phật lịch sử Gotama (Sakyamuni Buddha);
  2. Tổng quát về quả vị Phật (Buddhahood).

Trong hai bài trước chúng ta đã nghe sơ qua về quá trình tu hành và điều kiện văn hóa xã hội Đông Bắc Ấn độ nơi Đức Phật lịch sử Gotama ra đời và xuất gia tu hành. Quá trình đắc đạo và giảng pháp, trở nên nổi tiếng như một vị đạo sư nổi bật thời ấy (500+BC). Những tư liệu về cuộc đời của một vị Phật trong hiện tại, sống trong kỷ nguyên của chúng ta được gọi là Đức Phật lịch sử, có thể tìm thấy trong Đại Phẩm của Tạng Luật (Vinaya pitaka – Mahavagga Pali) và rải rác trong Kinh Tạng như Kinh A-ma-trú (DN3), kinh thánh Cầu (MN.26), có khoảng trên 125 kinh điển của cả hai Bộ phái nói về sự kiện này (Sutta Pitaka -Nikāya).

Về con đường thành Phật và những thuộc tính chung của các vị Phật thì chúng ta có thể tìm thấy trong văn chương chú giải và thời kỳ hậu kinh điển, như là Bồ Tát Đạo, các Ba la mật, bao nhiêu loại Bồ tát (Bodhi), bao nhiêu Ba la mật và thời gian thực hành để trở thành một vị Phật với những chủng tánh khác nhau. Những truyền thống khác nhau của Đạo Phật miêu tả những phẩm hạnh khác nhau của Bồ tát đạo, số lượng các Ba la mật phải thực hành cũng có những sai biệt theo từng thời kỳ và từng tông phái. Ở những bài sau chúng ta sẽ đi sâu vào các chi tiết này theo phương pháp so sánh và phản biện.

Khái niệm về một vị Phật, như đức Phật lịch sử Gotama lại có hai đề tài:

  1. Thân tướng (Rūpa Kāya)
  2. Pháp tướng (Dhamma kāya).

Về thân tướng, Đức Phật thường được miêu tả là bậc đại nhân (Maha purisa) với 32 tướng tốt (Lakkhaṇa) và 80 vẻ đẹp, có hào quang, vv. Những tướng tốt đẹp này được cho là kết quả của việc thực hành các hạnh của một vị Phật (Buddha cariya). Về hình tướng, có vẻ như những nét đẹp được đề cập đến chịu ảnh hưởng rất đậm bởi văn hóa Ấn độ thời xưa. Một vị Chuyển luân vương (dhammacakkavatti Raaja) cũng có chung các tướng được cho là tốt như một vị Phật, và điều thú vị nữa là tiếng nói của Đức Phật được miêu tả như là âm vực của một vị Phạm Thiên (Brahma). Ref. kinh Điển Tôn (DA. 3; DN. 19 Mahāgovinda-sutta; TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ – Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu).

Khi học Phật chúng ta cũng nên biết phân biệt đâu là yếu tố văn hóa địa phương/quốc độ, và đâu là những giá trị cốt lõi trong Đạo Phật để không bị nhầm lẫn và thủ chấp một cách bảo thủ – lạc hậu dẫn đến biến Đạo Phật thành những sự sùng bái mang tính thần thánh mê hoặc và đượm màu mê tín dị đoan.

Đức Phật lịch sử được miêu tả như một bậc đại nhân mà cuộc đời là những thành tựu phi thường (Māha Purisa lakkhaṇa). Nếu ở trong thế tục, người có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như thái tử Siddhattha sẽ trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavatti)[i] ; nếu xuất gia hành đạo, vị này sẽ trở thành vị Phật Toàn Giác (SammasamBuddho) – vị lãnh đạo tinh thần của chư thiên và nhân loại trong nhiều thế hệ.

Sự xuất hiện của một bậc Đại Giác, một vị Phật, Như Lai, bậc Ứng cúng là điềm lành lớn nhất cho chư thiên và nhân loại. Người xuất hiện vì hạnh phúc, thịnh vượng và lợi ích vô lường cho tất cả chúng sinh hữu duyên với Phật Pháp.

Bồ tát đản sinh

“Này các Tỳ kheo, nên biết pháp giới của chư Phật.

“Đức Bồ tát Tỳ Bà Thi từ cõi trời Đâu Suất giáng thần vào thai mẹ, do hông phải mà vào, chánh niệm không tán loạn. Ngay lúc ấy cõi đất rung chuyển; ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian; những chỗ mặt trời mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng. Chúng sanh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sinh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma vương. Phạm thiên, Đế Thích, Sa môn, Bà la môn và các chúng sanh khác, cũng đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của chư Thiên tự nhiên biến mất”.” (DA. 1. Kinh Đại bản, tương đương DN. 14, kinh Đại Bổn).

Bảy bước chân Bồ Tát đã bước ngay khi mới ra đời, mỗi bước có hoa sen bung nở viên mãn tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch của bậc giác ngộ giữa trần gian ô nhiễm. Bảy bước để một con người thành Phật chính là bảy giai đoạn tu hành thanh tịnh (Ref. Rathavinītasutta, MN. 24):

  1. Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi)
  2. Tâm thanh tịnh (citta-visuddhi)
  3. Kiến thanh tịnh (ditthi-visuddhi)
  4. Đoạn nghi thanh tịnh (kankha-vitarana-visuddhi)
  5. Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (maggamagga-ñanadassana-visuddhi)
  6. Tri kiến thanh tịnh về pháp hành (patipada–nanadassana-visuddhi)
  7. Tri kiến giải thoát thanh tịnh (Vimutti nanadassana-visuddhi)

Bảy bước này cũng được hiểu là Thất Giác Chi /Bảy bồ đề phần (7 Bojjhanga) tu tập để chín muồi đến quả giác ngộ giải thoát thành Phật. Đó là Niệm giác chi (Satisambojjhanga), Trạch pháp giác chi (dhamma vijaya), Tinh tấn giác chi (Viriya), Hỷ giác chi (Piti), Khinh an giác chi (passaddhi) ,Định giác chi (Samādhi) và Xả giác chi (Upekkha Bojhanga). Đây là bảy bước quyết định cuối cùng để trở thành người giác ngộ – thành Phật.

 Ảnh hưởng của thai nhi là một bậc bồ tát lên người mẹ được ghi nhận như sau:

“Ngài từ trời Đâu Suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, khiến tâm mẹ lúc nào cũng thanh tịnh, không có các dục tưởng, không bị lửa dục thiêu đốt. Ầy là pháp thường của chư Phật”.”

Khi Bồ tát đầu thai sẽ khiến mẹ ngài giữ trọn năm giới, phạm hạnh thanh tịnh, thuần tín và nhân từ, thành tựu mọi điều lành, an lạc không sợ hãi và khi thân hoại mệnh chung, được sanh cõi trời Đao Lợi. Ầy là pháp thường của chư Phật”.

“Khi ấy mẹ Bồ tát tay vin cành cây, không ngồi không nằm, có bốn Thiên thần bưng nước hương đứng trước mẹ mà thưa rằng: “Tâu Thiên mẫu, nay ngài sanh Thánh tử, chớ có ưu lo. Đó là pháp thường của chư Phật.”

Một vị Phật khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Vừa đến đất, không cần người đỡ, liền đi bảy bước, ngó khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: “Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý, Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Ầy là pháp giới của chư Phật”.

Khi sanh vào những giai cấp cao trong xã hội thì được hưởng một số đặc ân, điều đầu tiên là ngày giờ và các điềm triệu được ghi nhận.

“Lúc Thái tử mới sanh, phụ vương mời các tướng sư và đạo sĩ đến xem tướng Thái tử để biết sự tốt xấu. Bấy giờ, các tướng sư vâng lệnh đến xem và ngay trước khi chưa mặc áo, họ nhìn rõ các tướng đầy đủ. Bèn đoán rằng: “Người có tướng này sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia thì sẽ làm Chuyển luân thánh vương, trị vì bốn châu thiên hạ, đủ bốn thứ quân binh, dùng chánh pháp trị dân, không thiên lệch; thi ân khắp thiên hạ, tự nhiên có bảy thứ báu quy tụ, có ngàn người con dũng kiện hay dẹp trừ ngoại địch, không cần dùng đao binh mà thiên hạ thái bình. Còn nếu xuất gia học đạo, thì sẽ thành Bậc Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu.”

Rồi các tướng sư tâu vua:

“Con trai của đức vua có ba mươi hai tướng, sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia sẽ là vị Chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia sẽ thành Bậc Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu”.” (DA. 1. Kinh Đại bản).

32 tướng của bậc đại nhân:

1. Bàn chân bằng phẳng đầy đặn, đi đứng vững vàng.
2. Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe có ngàn căm, ánh sáng xen nhau.
3. Có màng lưới mỏng giữa kẽ ngón tay, chân như chân ngỗng chúa.
4. Tay chân mềm mại như áo trời.
5. Ngón tay chân thon dài không ai bằng.
6. Gót chân đầy đặn trông không chán.
7. Ống chân thon dài như của nai.
8. Các khớp xương móc lấy nhau như xích chuyền.
9. Mã âm tàng.
10. Đứng thẳng tay duỗi dài quá gối.
11. Mỗi chân lông đều có một sợi lông. Sợi lông ấy xoáy hữu, màu lưu ly xanh biếc.
12. Lông mọc xoay phía hữu, màu xanh biếc thẳng lên.
13. Thân sắc huỳnh kim.
14. Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ.
15. Hai vai ngang bằng đầy đặn tròn đẹp.
16. Giữa ngực có chữ vạn.
17. Thân cao gấp đôi người thường.
18. Bảy chỗ trong người đầy đặn.
19. Mình cao to lớn như cây Ni-câu-lô.
20. Hai má như sư tử.
21. Ngực vuông đầy như ngực sư tử.
22. Có bốn mươi cái răng.
23. Răng ngang bằng đầy đặn.
24. Răng khít nhau không hở.
25. Răng trắng, trong sáng.
26. Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thích hợp.
27. Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai.
28. Tiếng nói trong rõ như tiếng Phạm thiên.
29. Con mắt màu xanh biếc.
30. Mắt như mắt trâu chúa, trên dưới có hai mí.
31. Có lông trắng giữa hai chân mày, mềm mại kéo ra dài một tầm, thả thì xoáy trôn ốc về phía hữu như trân châu.
32. Trên đỉnh có chỗ thịt nổi.

(Ref. Lakkhana sutta, Cakkavatti sutta, DN)

Nhân duyên xuất gia tu đạo và giác ngộ

Phật bảo các Tỳ kheo:

“Này các Tỳ kheo! Thái tử nhân thấy người già, bệnh mà thấu rõ cõi đời là khổ não; nhân thấy người chết mà lòng tham luyến thế gian tiêu tan; nhân thấy vị Sa môn mà tâm được hoát nhiên đại ngộ. Trong khi Thái tử xuống xe bước đi, cứ mỗi bước tiến tới là mỗi bước rời xa triền phược. Thế ấy là chân xuất gia, chân viễn ly.”

Sau khi xuất gia, ngài lập tức có được rất nhiều đồ chúng đoanh vây, do dân chúng nghĩ phải có điều gì đó mầu nhiệm trong cái đạo mà một vị thái tử mới từ bỏ tất cả dục lạc của thế gian để đi theo. Họ tôn xưng Bồ tát làm thầy, và không lâu sau ngài cảm thấy tù túng vì có đông đồ chúng. Ngài ra đi một mình, tìm nơi thanh vắng để tĩnh tu.

“Ngài liền theo ý nguyện đi đến chỗ nhàn tịnh, chuyên tinh tu đạo. Ngài lại suy nghĩ: Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong hôn ám, thọ thân nguy khốn, mong manh, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết, đủ mọi thứ khổ não. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo cái khổ ấm đó mà trôi nổi không biết bao giờ cùng. Ta lúc nào mới có thể thấu triệt khổ ấm, diệt hết sanh già chết?

“Ngài lại suy nghĩ rằng: Sanh tử từ đâu, duyên đâu mà có ra? Liền dùng trí tuệ quán sát nguyên do, thấy rằng do sanh mà có già và chết; sanh là duyên của già chết. Sanh lại do hữu mà có; hữu là duyên của sanh. Hữu do thủ mà có; thủ là duyên của hữu. Thủ do ái mà có; ái là duyên của thủ. Ái do thọ mà có; thọ là duyên của ái. Thọ do xúc mà có; xúc là duyên của thọ. Xúc do lục nhập mà có; lục nhập là duyên của xúc. Lục nhập do danh sắc mà có; danh sắc là duyên của lục nhập. Danh sắc do thức mà có; thức là duyên của danh sắc. Thức do hành mà có, hành là duyên của thức. Hành do si mà có, si là duyên của hành. Thế tức là do duyên là si có hành, do duyên là hành có thức, do duyên là thức có danh sắc, do duyên là danh sắc có lục nhập, do duyên là lục nhập có xúc, do duyên là xúc có thọ, do duyên là thọ có ái, do duyên là ái có thủ, do duyên là thủ có hữu, do duyên là hữu có sanh, do duyên là sanh có già, bệnh, chết, sầu, buồn, khổ, não. Cái ấm thân đầy dẫy khổ não này do duyên là sanh mà có. Chính đó là sự tập khởi của khổ.

“Khi Bồ tát suy nghĩ tới cái khổ tập ấm ấy, liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng ngộ.

“Bồ tát lại suy nghĩ: Do cái gì không có thì già chết không có? Do cái gì diệt thì già chết diệt? Rồi bằng trí tuệ, Ngài quán sát nguyên do, biết rằng, do sanh không có nên già chết không có; do sanh diệt nên già chết diệt; do hữu không có nên sanh không có, hữu diệt nên sanh diệt; do thủ không có nên hữu không có, thủ diệt nên hữu diệt; do ái không có nên thủ không có, ái diệt nên thủ diệt; do thọ không có nên ái không có, thọ diệt nên ái diệt; do xúc không có nên thọ không có, xúc diệt nên thọ diệt; do lục nhập không có nên xúc không có, lục nhập diệt nên xúc diệt; do danh sắc không có nên lục nhập không có, danh sắc diệt nên lục nhập diệt; do thức không có nên danh sắc không có, thức diệt nên danh sắc diệt; do hành không có nên thức không có, hành diệt nên thức diệt; do si không có nên hành không có, si diệt nên hành diệt. Thế tức là vì si diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết ưu bi khổ não diệt.

“Khi Bồ tát suy nghĩ về khổ ấm diệt như thế liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng.

“Sau khi Bồ tát quán mười hai nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch, biết như thật, thấy như thật, ngay tại chỗ, Ngài chứng được đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

10 thuộc tính của mỗi vị Phật

Điều này cũng tương tự cho các vị Thế tôn khác. Khi nghe về Đức Phật, có những tiếng đồn tốt đẹp như sau về vị Thế Tôn tộc Gotama ấy như sau (Taṃ kho pana bhavantaṃ gotamaṃ evaṃ kalyāṇo kittisaddo abbhuggato:):

Đức Thế Tôn ấy ‘itipi so bhagavā’ là bậc:

  1. A la hán, Arahaṃ – còn gọi là “sát tặc” – tức không có khả năng làm điều xấu ác bất cứ nơi đâu, và “Ứng Cúng” – xứng đáng nhận lễ vật cúng dường vì tâm ngài hoàn toàn thanh tịnh.
  2. Bậc Giác ngộ hoàn toàn, Sammāsambuddho, Chánh Đẳng Giác  hay chánh biến tri –luôn luôn biết rõ những điều cần biết; tự mình giác ngộ, không nói theo người khác, tự phát minh ra con đường tu tập dẫn đến giác ngộ, không học từ truyền thống hay một vị thầy nào đó.
  3. Đầy đủ sự sáng suốt và đức hạnh, Vijjā-caraṇa-sampanno
  4. Thiện Thệ, Sugato – khéo đi, khéo đến.
  5. Thấu hiểu thế gian, Loka-vidū
  6. Vô thượng sĩ, Anuttaro , người vô song, không có người tương xứng.
  7. Điều ngự trượng phu, Purisa-damma-sārathi– khéo điều phục các hàng chúng sinh.
  8. Thầy của chư thiên và loài người, Satthā deva-manussānaṃ – Thiên nhân sư;
  9. Vị Giác ngộ, Buddho– Phật
  10. Thế Tôn, Bhagavā’.

(DN 4, Soṇadaṇḍa sutta)

Ven. Dhammananda Bhikkhuni

Việt dịch: Pháp Hỷ

Nguồn: Sự ra đời của một vị Phật- Những phẩm chất làm nên một bậc giác ngộ