Chữa lành thân và tâm – Phần 1

Nơi lý tưởng nhất để bạn tìm thấy nguồn hạnh phúc đích thực chính là nơi ở gần mình. Chúng ta có thể đã đi vòng quanh quả địa cầu hàng trăm lần, lật từng hòn đá trên trái đất để kiếm tìm hạnh phúc. Dẫu vậy, việc này cũng không nhất thiết mang đến những gì ta đang tìm kiếm. Tiền không nhất thiết đem lại cho bạn hạnh phúc, sức khỏe hay một cơ thể trẻ trung, khỏe mạnh. Dĩ nhiên sức khỏe, tiền bạc có thể giúp chúng ta, nhưng nguồn an lạc thực sự lại chính là tâm của chúng ta đó. Tâm muốn được an bình; đây thực sự là trạng thái tự nhiên của nó. Nhưng có rất nhiều thứ lôi cuốn và thèm muốn có thể che mờ bản chất an bình của chúng ta. Tốc độ sống mỗi ngày, đặc biệt ở phương Tây, là một đặc trưng của thời đại chúng ta. Mọi thứ đều vội vàng. Thiền định có thể làm cho chúng ta chậm lại để chạm đến bản chất thực sự của mình. Bất kỳ một phương pháp thiền nào cũng có thể giúp chúng ta làm điều đó. Đối tượng thiền của chúng ta có thể là một bông hoa, một bức hình, pho tượng tôn giáo, một cảm xúc tích cực hay cũng có thể là chính cơ thể chúng ta. Một phương pháp hiệu quả để phát triển tâm an bình là thiền định sử dụng cơ thể làm đối tượng. Bằng cách này, chúng ta gia tăng sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Thông qua thiền định, chúng ta có thể biết cách khuyến khích tâm trí tạo ra một cảm giác an bình trong cơ thể, có thể đơn giản như việc thả lỏng và nói với chính mình rằng “Bây giờ hãy để cho cơ thể được tĩnh lặng, an bình” và thực sự cảm thấy nó đang diễn ra. Đây là điểm khởi đầu của thiền định – và cũng là của trí tuệ. Phương pháp này là một sự trở về. Chúng ta làm quen lại với cơ thể và thiết lập một mối liên hệ tích cực giữa tâm và thân. Thường thì chúng ta có một mối quan hệ khá căng thẳng và xa cách với cơ thể của mình. Chúng ta nghĩ rằng cơ thể mình chẳng hấp dẫn gì hoặc rất xấu xí, hoặc sức khỏe của chúng ta rất yếu. Hoặc chúng ta thích thân thể mình, yêu mến nó và bao quanh nó bởi sự thèm muốn. Nhưng ngay cả khi chúng ta yêu mến cơ thể mình thì cũng vẫn không tránh khỏi mối lo rằng nó còn có thể tốt hơn nữa hoặc nó sẽ bị già yếu. Vì thế, chúng ta thật mâu thuẫn, thật lẫn lộn. Cơ thể là đối tượng mà cũng là mối lo. Phương pháp thiền định trong cuốn sách này sẽ giúp chúng ta tiếp cận cơ thể với một thái độ thực tế hơn, chấp nhận như nó vốn vậy. Sau đó chúng ta sẽ thực tập cách thấy cơ thể mình rất bình an, một cơ thể tràn ngập ánh sáng và hơi ấm. Có rất nhiều phiền não về tinh thần lẫn thể chất có liên quan đến cơ thể, và thiền định có thể giúp chữa lành chúng. Tâm và thân liên quan mật thiết với nhau, và quan hệ của tâm đối với thân trong thiền định rất thú vị. Khi chúng ta thấy cơ thể an lạc và đẹp đẽ, vậy ai hay cái gì tạo ra những cảm giác đó? Chính là tâm. Bằng việc tạo ra những cảm giác an bình trong cơ thể, tâm đắm chìm trong những cảm giác đó. Vì vậy, tuy cơ thể là đối tượng chữa lành nhưng nó cũng trở thành phương tiện chữa lành tâm – mục đích tối hậu của thiền định. Khi tâm chúng ta an bình trong thiền định thì không còn có tâm vọng tưởng nào khác. Ngay cả khi cảm giác an bình không còn thì ta cũng đang hình thành thói quen của một tâm thức an bình. Tâm chúng ta đang trở nên quen với thật tính của nó. Thật ra, tất cả đều quy về tâm. Đây chính là nơi mà chúng ta có được nguồn hạnh phúc thực sự. Đức Phật dạy rằng: Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo. 

Nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau như người bác sĩ điều trị bệnh nhân, Phật giáo đối trị các phiền não thuộc về tinh thần, tình cảm và thể chất bằng cách chẩn đoán nguyên nhân và điều trị nó. Trong cái thế giới không ngừng thay đổi này, tâm có xu hướng phát triển đặc tính bám chấp vào tất cả các loại mong muốn và dục vọng hư dối. Đây chính là nguồn gốc gây ra khổ đau cho chúng ta. Chúng ta có thể buông bỏ bám chấp đến đâu thì chúng ta chữa lành cho mình đến đó. Được thực hành lần đầu vào thế kỷ thứ IX, y học Tây Tạng xem cơ thể bao gồm bốn yếu tố, đó là đất, nước, gió, lửa. Họ cũng thấy cơ thể có nóng và lạnh. Y học phương Tây đã mang đến cho chúng ta một nguồn tri thức tuyệt vời được cập nhật chi tiết về cơ thể cũng như cơ chế làm việc của nó, và chúng ta có thể tận dụng điều này. Tuy nhiên, bức vẽ của Tây Tạng cổ xưa về cơ thể cũng rất hữu ích ngay cả thời nay. Cả hai nền y học đều trợ giúp cho thiền định vì chúng là con đường dẫn đến sự hiểu biết các đặc tính khác nhau của tâm. Theo cách nhìn này, khi bốn yếu tố được cân bằng thì chúng ta ở trong trạng thái khỏe mạnh tự nhiên, nhưng khi chúng không hòa hợp thì các bệnh về tinh thần và thể xác có thể bén rễ và phát triển mạnh. Như Ngài Dodrupchen đệ tam đã viết: “Các bậc đạo sư cổ xưa dạy rằng nếu bạn không nuôi dưỡng những ý nghĩ chán ghét hay buồn bã thì tâm bạn sẽ không rối loạn. Nếu tâm không loạn, gió (hay khí trong cơ thể) sẽ không loạn. Nếu gió không loạn thì những yếu tố vật lý khác của cơ thể sẽ không bị rơi vào trạng thái thiếu hòa hợp. Các yếu tố hòa hợp (lần lượt) sẽ giúp tâm thoát khỏi rối loạn. Lúc đó, bánh xe hỷ lạc sẽ tiếp tục lăn chuyển.” Tâm là nguồn gốc của hạnh phúc đích thực. Vì vậy, trước khi đi vào các bài thiền tập về cơ thể, chúng ta cần nhìn nhận thật rõ những đặc tính của tâm và làm cách nào để cải thiện cuộc sống của mình.

Tâm an bình

Khi lên 10 hay 11 tuổi gì đó, tôi cùng người thầy và một vài người bạn đã thực hiện một chuyến tham quan hiếm hoi ra ngoài tu viện. Tôi đã rất mong được thăm viếng Đại sư Kunzang Nyima Rinpoche sống trong một thung lũng cách hai ngày đường. Mặc dù tôi rất thích cuộc sống trong tu viện của mình nhưng cũng thật thú vị khi cưỡi ngựa băng qua thung lũng Ser rộng lớn. Hết dặm này đến dặm kia, chúng tôi cưỡi ngựa đi qua vùng đất chưa bị nhiễm ô này, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình và những con thú xinh đẹp. Những chú bướm bay tô điểm cho không trung, phía dưới là thảm cỏ xanh rì, và những chú chim tự do hót ca, chơi đùa. Tất cả diễn ra trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vô tận. Đó là một bữa yến tiệc mà các giác quan của một cậu bé được thưởng thức no nê, đó là một chuyến phiêu lưu không thể quên được đối với những ai đã từng sống nhiều năm trong chốn tu viện tôn nghiêm. Tối đến, chúng tôi đến một hẻm núi nhỏ, yên bình, bao quanh là những ngọn đồi xanh dịu. Nhìn từ xa, ngọn núi Ser Dzong hùng vĩ dường như làm chủ sự sống nơi đây. Chúng tôi cắm trại trên một cánh đồng xinh đẹp, phía xa chiếc lều to màu đen của Rinpoche. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi băng qua đồng cỏ ấy để đến gặp Ngài. Ngài có một khuôn mặt đẹp và uy nghiêm với đôi mắt to biết cười, một làn da nâu và mái tóc dài quấn quanh đầu được bọc trong một chiếc khăn xếp lụa. Có lẽ Ngài khoảng 50 tuổi. Ngài có một cơ thể mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực. Với nụ cười tươi như hoa, Ngài chào đón chúng tôi như vừa tìm thấy những người bạn xa cách đã từ lâu. Ngài giữ tài liệu quý giá của mình trong tầm tay, có khoảng 40 quyển, phần lớn trong số đó là giáo pháp bí truyền. Tôi nhớ cái cảm giác của tình yêu vô điều kiện trong trái tim Ngài. Tình yêu ấy không chỉ dành cho tôi mà còn cho tất cả mọi thứ xung quanh. Mặc dù giọng nói của Ngài có uy lực và vang xa nhưng lại như dòng suối nhẹ nhàng, êm ái. Tôi là một cậu bé thận trọng và nhút nhát, nhưng trước sự hiện diện tỏa nắng của Rinpoche, tôi trở nên rất tự nhiên. Không còn nơi nào chấp chứa bóng tối và lo âu nữa. Sự an lạc của Rinpoche dường như lan tỏa khắp nơi. Bỗng chốc thời gian tôi gặp Ngài và những khi tôi ở đó, thế giới trở nên rất an bình. Khi nhìn ra xung quanh, tôi có một cảm nhận mạnh mẽ rằng sự hiện diện của Ngài đã thay đổi mọi thứ xung quanh tôi, không có gì tách biệt khỏi sự an bình tuyệt vời này. Cây cối, núi non, những người đồng hành cùng tôi, và ngay cả tôi – tất cả đều hợp nhất trong sự tĩnh lặng và bình an. Không phải núi non và con người thay đổi mà tâm tôi thay đổi cách nhìn và cảm nhận đối với mọi thứ. Nhờ sức mạnh hiện diện của Ngài mà tâm tôi được hưởng sự an lạc ở một mức cao hơn, gần với cảnh giới vô biên. Cảm giác đó cho tôi thấy được các đối tượng của tâm thông qua các đặc tính kia. Trong phút chốc, sự lôi cuốn hay chán ngán không hề có mặt. Thậm chí ngày hôm nay, kỷ niệm đó đã được bốn thập kỷ rồi mà khi nhớ lại, tôi vẫn cảm nhận được trọn vẹn sự an lạc. Sự ấm áp của ký ức đó luôn giúp tôi làm tan chảy khối băng của những chướng ngại khi chúng xảy đến trên hành trình cuộc đời. Tâm tạo ra sự an bình. Trong trường hợp này, tâm tôi đã tập trung vào một đối tượng bên ngoài nó – vị thầy tâm linh nhân đức này – và mở rộng cảm giác an bình. Chúng ta có thể đạt được lợi ích từ những trải nghiệm như vậy bởi vì chúng đem đến cho mình hương vị bình an và cho ta thấy tâm mình sẽ như thế nào. Chúng ta không cần phải đến thung lũng Ser mới nếm trải được sự an bình đó. Chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc hơn và an lạc hơn trong cuộc sống hàng ngày và thúc đẩy cảm giác an bình này thông qua thiền định. Sự chữa lành và hạnh phúc chân thực chuyển thành sự nhận biết trạng thái an bình, sự tồn tại của an bình tối thượng. Tâm không thụ động trong cảm giác hôn trầm mà thay vào đó, nó mở rộng đến với ý niệm và cảm giác hoàn toàn an bình. Một sự nhận biết an lạc không giới hạn, không bị nhiễm ô là niềm hỷ lạc và sức mạnh tối thượng. Khi thực sự nhận biết an bình, thực tính của ta sẽ tràn đầy sức mạnh. Một số người hoàn toàn chạm tới được bản chất thực sự của sự sống đến mức họ thấy an lạc dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối với tâm giác ngộ, sự an bình không phụ thuộc vào bất kỳ đối tượng hay khái niệm nào. Sự thấu biết bản chất của mọi thứ, chân lý của vũ trụ không bị giới hạn hay tùy thuộc vào khái niệm, cảm xúc cũng như việc gán cho chúng là tốt hay xấu. Một tâm thức không vướng mắc có thể vượt qua những đối đãi như an bình và xung đột, vui sướng hay đau khổ. Tâm giác ngộ không phân biệt giữa thực tế chủ quan và khách quan, giữa thích và không thích. Thời gian là vô tận, và mọi thứ trong cuộc sống đều hoàn hảo như chính nó. Trước khi điều tôi bắt đầu nói ra đây nghe có vẻ không thực tế, phải nói rằng có rất nhiều người đã giác ngộ ở một mức độ nào đó. Một số vị lạt ma Tây Tạng mà tôi quen đã bị giam cầm trong nhiều năm, và họ gần như tận hưởng việc đó. Tôi cố tránh nói đến các biến động chính trị ở Tây Tạng vì rất dễ khởi lên những lời trách mắng. Điều này có thể dẫn đến một vòng oán giận luẩn quẩn. Nó có thể khiến tâm cảm thấy cay đắng và điều này không có ích lợi gì. Có thể nói rằng nhà tù không nhất thiết phải là một kỳ nghỉ thú vị. Tuy vậy, tôi có một người bạn ra tù sau 20 năm nhưng trong thời gian ở tù, ông cảm thấy như ở nhà vì tâm ông rất an bình. Khi tôi hỏi ở nơi đó ra sao, ông đáp: “Ở đó rất tốt, tôi được đối xử rất tốt”. Khi bạn thỉnh một trong những lạt ma này giải thích, vị ấy sẽ nói: “Sống hay chết không quan trọng. Tôi đang ở cõi Tịnh Độ của Phật”.

Những câu chuyện về giác ngộ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta. Ở đó, đâu đâu cũng yên bình, thậm chí rối loạn cũng không sao hết. Nhưng hầu hết chúng ta nên có mục tiêu làm việc với tâm bình thường và chỉ cần cố gắng an lạc hơn và thoải mái hơn một chút khi đi vào cuộc sống. Nếu chúng ta có thể an lạc hơn một chút, nó sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề thường ngày một cách tốt hơn, thậm chí là những vấn đề nan giải. Mặc dù vậy, có thể hữu ích khi nhớ rằng tâm giác ngộ và tâm bình thường là hai mặt của một đồng xu. Tâm cũng giống như biển vậy, có thể mặt biển dữ dằn với những ngọn sóng khổng lồ bị gió khuấy động, nhưng đáy biển lại tĩnh lặng và yên bình. Đôi khi chúng ta có thể thoáng thấy tâm an bình ngay cả trong những lúc phiền muộn. Những thoáng hiện này chứng tỏ rằng có thể chúng ta có nhiều nguồn lực tinh thần để sử dụng hơn ta tưởng. Với sự khéo léo và nhẫn nại, chúng ta có thể học được cách tiếp xúc với bản ngã bình an của mình.

Tulku Thondup Rinpoche

Trích: Độ sinh vô biên