Bài thực tập nuôi dạy tâm thức số 1 – Tư thế

Bạn đã quyết định học điều phục con cọp bên trong, để tìm thấy bình an trong chính bạn. Đây là vài chuẩn bị thực tiễn để cho bạn dễ dàng trong khi tập sự những thực tập: cần xác định nơi chốn và tư thế mà bạn sắp sử dụng.

Chọn một nơi thích hợp

Nơi ở là đặc biệt quan trọng với người mới học. Phải ở một nơi tương đối yên tĩnh, xa tiếng ồn, những chuyện vãn, và tổng quát hơn là xa mọi thứ có thể làm cho bạn nhiều xao lãng.

Người ta có thể ở ngoài trời, hay ở một chỗ yên tĩnh khác – một khu vườn. Những “tiếng ồn” tự nhiên như nước chảy hay chim hót không thành vấn đề, hơn nữa chúng còn thường làm thư giãn. Nếu có dịp, đặc biệt tốt khi ngồi trên đỉnh một ngọn đồi hay một chỗ bao quát cảnh vật, hay bên bờ biển, nếu không có nhiều thứ làm xao lãng ở chung quanh.

Nếu ở trong nhà, phải tìm một nơi yên tĩnh, nghĩa là một góc không bị quấy rầy bởi mọi loại làm bạn xao lãng (điện thoại, người nói chuyện, TV, radio hay âm nhạc). Chỗ ngồi phải thông thoáng và không nóng. Nói chung, một chỗ ngồi hơi nóng một chút hơn là quá nóng, để tâm thức không ngủ gật và cảnh tỉnh.

Một tư thế tốt

Tư thế thân thể có một ảnh hưởng thật sự với chúng ta, trong mọi thời khắc của đời sống, hẳn thế, nhưng còn hơn nữa trong thực tập thiền định. Tư thế có thể làm thuận tiện hay ngược lại làm khó khăn cho hơi thở, sự tuần hoàn của máu và những năng lực thần kinh trong thân thể; nó ảnh hưởng cách tích cực hay tiêu cực lên tình trạng những cơ quan của chúng ta. Y học Tây Tạng và y học Trung Hoa chứng tỏ rõ ràng thân thể chúng ta có một mạng kinh mạch tinh vi như thế nào, chúng vận chuyển năng lực qua toàn thân và những bộ phận khác nhau. Chính trên nguyên lý này đã lập nên khoa châm cứu và những kỹ thuật xoa bóp; chúng cho phép chữa trị một số bệnh bằng cách tái lập những quân bình năng lực qua trung gian một số điểm năng lực ở những chỗ khác nhau của những đường kinh mạch. Thế nên tư thế ngồi là quan trọng, để cho không ngăn chặn sự lưu thông tự do của năng lực – gồm cả năng lực tinh tấn – trong thân thể.

Nếu ngồi tốt, những năng lực sẽ có thể di chuyển tự do trong thân thể và người ta không cảm thấy khó chịu hay không thoải mái. Điều này không chỉ nói đến một sự không thoải mái thân thể – người nào cũng biết tê rần như kiến chạy trong chân – mà cả tâm thức: nếu những năng lực (khí) không lưu chuyển tốt trong thân, người ta có thể cảm thấy khó chịu, bải hoải và mất quân bình, dễ bị kích động…

Nếu có thể, người ta được yêu cầu ngồi xếp bằng, tốt nhất trong tư thế hoa sen hay nửa hoa sen (kiết già hay bán già). Nếu không thể, vì đôi chân quá cứng hay những vấn đề sức khỏe riêng biệt, không phải khó nhọc tự làm đau đớn khi vặn vẹo bằng bất cứ giá nào: người ta cũng có thể học ngồi đúng trên một cái ghế. Nếu người ta còn trẻ và không có trở ngại đặc biệt, cần cố gắng vượt qua những đau đớn ban đầu và học một trong các tư thế này.

Dù ngồi thế hoa sen hay nửa hoa sen, phải luôn luôn xếp chân trái vào trước, chân phải đặt lên chân trái. Rồi điều quan trọng nhất: thẳng lưng lên để cho tạo thành một đường thẳng từ đáy xương sống đến ót. Thật vậy, chính trong lưng mà tất cả mạng thần kinh làm các bộ phận thông thương với bộ óc, và nếu thẳng lưng, những năng lực thần kinh sẽ lưu chuyển quân bình trong toàn thân. Để ngồi tốt, phải cảm thấy quân bình, vai thẳng mà vẫn thư giãn, không ép về phía sau và không có cái này cao hơn cái kia.

Một cái gối đệm là một phụ tùng quan trọng cho tư thế và nó giúp giữ lưng thẳng: người ta sẽ chọn một khối đệm vuông khá cứng, khoảng bốn mươi phân mỗi cạnh và dày từ sáu đến mười hai phân. Thế nghĩa là tùy mỗi người tìm thấy bề dày thích hợp nhất cho mình, theo hình thể và tư thế của mình. Nếu ngồi theo thế hoa sen, tốt hơn là dùng một gối đệm hơi dày hơn – khoảng mười hai phân.

Nếu thế hoa sen hay nửa hoa sen tạo ra nhiều vấn đề, người ta có thể ngồi trên ghế như nói ở trên hay quỳ gối, đùi hơi xa nhau, ngồi trên một ghế đẩu thấp hay trên nhiều đệm chất lên cho đủ chiều cao, để giữ lưng thẳng.

Về hai tay có hai tư thế để chọn. Người ta có thể chỉ đặt chúng duỗi thẳng nghỉ ngơi, bàn tay úp trên đùi, hai cùi chỏ hơi mở. Hay tay này đặt trên tay kia, phía trước, nhẹ nhàng được đặt trên chân đã xếp: đặt bàn tay trái lên trước, lưng bàn tay trên chân, lòng bàn tay hướng về phía mình và những ngón tay hơi cong về phía trên, thành hình như cái lò luyện vàng bạc. Rồi đặt bàn tay phải lên, tư thế giống như bàn tay trái, và nối đầu hai ngón cái lại. Cần giữ hai tay mềm mại và thư giãn: không dựa lên với sức mạnh – trên đùi hay tay này trên tay kia hay những ngón tay cái – mà để chúng ở tư thế đó với nhiều thư giãn và tự nhiên càng tốt, điều không khó khăn khi đã quen.

Khi lưng thẳng và hai tay thư giãn, người ta hoàn thành tư thế bằng cách nghiêng nhẹ ót về phía trước, như thế hơi kéo cằm vào trong cổ. Người ta để miệng hơi mở, lưỡi ở trên nóc họng; người ta có thể thở cả bằng mũi và bằng miệng, theo cách thích hợp với mình. Về phần mắt, thích hợp là mở cả hai mắt, trừ khi dành cho những quán tưởng, vì nếu quán tưởng mà mở mắt thì hơi khó, nhất là đối với người mới học. Người ta cố định cái nhìn trước mặt, ngay tầm lỗ mũi, trên một điểm khoảng nửa thước đến hai thước. Không phải tập trung cái nhìn để thấy một cái gì, mà để nó ở đó, trước mặt, không cố gắng nhìn thấy. Nếu bạn thường mang kính, hãy gỡ nó ra.

Một tư thế đúng là một sự quân bình giữa nỗ lực và buông xả, để tạo những điều kiện tốt nhất cho sự an định tâm thức. Không nên quá căng thẳng, cũng không quá thả lỏng. Nếu người ta cảm thấy một sự chống cự tự thân mạnh mẽ đối với tư thế, hay một căng thẳng quá độ, người ta có thể làm ba bài thực tập đầu trong tư thế nằm dài, ngửa lưng. Như đối với thế ngồi, cốt yếu là lưng thẳng. Để cho ót thẳng hàng với xương sống, cũng phải hơi kéo cằm vào: người ta có thể dùng một cuốn sách, một cái gối hay mền xếp dưới đầu. Nếu có đau đớn trong phần dưới lưng, tốt hơn hãy nâng đùi lên một chút với những cái gối để loại trừ sự không thoải mái trong vùng thắt lưng. Tuy nhiên, nên xem tư thế nằm này như một sự sửa chữa tạm thời, và khi bạn đã quen với những thực tập, hãy cố gắng tìm ra một tư thế ngồi thoải mái.

Đức Akong Tulku Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn An Cư

Trích: Nghệ Thuật Để Sống Trọn Vẹn Ý Nghĩa Cuộc Đời – NXB Thiện Tri Thức, 2001