Chữa lành thân và tâm – Phần 2

Tâm là nguồn gốc tiêu cực

Nếu tâm thiếu an bình, vậy chúng ta có được tuổi trẻ, sắc đẹp, sức khỏe, giàu sang, học vấn và quyền lực trên thế gian có nghĩa lý gì chứ? Chúng ta có thể tìm thấy vô số nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Ngay cả khi chúng ta thấy hạnh phúc hay phấn khích thì cũng vẫn cảm thấy bị ám ảnh bởi một khoảng trống trong cuộc đời. Chúng ta đều biết có người dường như có tất cả mọi thứ nhưng lại trở thành nạn nhân của bóng đêm và đau đớn, thậm chí còn tự kết liễu đời mình. Tịch Thiên (Shantideva), một trong những vị đạo sư vĩ đại của Phật giáo, đã viết về cạm bẫy của tâm có thể bao vây chúng ta: Đức Phật nói lời chân thật rằng Mọi nỗi kinh sợ Và những khổ đau vô tận Đều từ tâm dấy khởi Ở Ấn Độ khoảng 25 năm về trước, một người quen của tôi là người Tây Tạng, cũng như bao người tị nạn khác, đã phải vật lộn đấu tranh để sinh tồn. Sau vài năm, ông kiếm được một số tiền đủ để có một cuộc sống thoải mái. Nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về điều gì. Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, tâm trí ông lúc nào cũng bận rộn chuyện tiền nong. Ông không ngừng nói về tiền, than phiền mình không kiếm đủ tiền, rồi còn lo sẽ mất đi những gì mình có. Ông không hề có cuộc đời của riêng mình. Ông là nô lệ của đồng tiền toàn năng. Ông lo sẽ bị ốm đau không phải vì lợi ích sức khỏe mà vì sợ sẽ đánh mất cơ hội kiếm thêm tiền. Đôi khi, bộ dạng ông ta trông như một con ma kỳ quặc, thậm chí khuôn mặt thì nhăn nheo còn cơ thể thì gầy còm ốm yếu. Ông quá chấp vào tư tưởng về tiền. Thật không may, ông ta không phải là người duy nhất chỉ làm cái bóng của thứ hữu hình. Nhiều người trong chúng ta ít nhiều cũng bị hút vào trong kiểu sống như vậy. Chúng ta chẳng những không dành thời gian để tu tập hạnh phúc chân thực mà thậm chí còn không chắc chắn đó là cái gì. Nhiều nhà văn chỉ bận rộn với những trò chơi chữ nghĩa và lý luận. Nhiều chính trị gia đề xuất ý tưởng chỉ để đạt được quyền lực. Nhiều người giàu có bị mắc vào cái bẫy của cuộc đua tích lũy của cải hoặc sợ mất đi những gì mình có. Nhiều trí thức bị mù quáng bởi sự kiêu ngạo và không dung thứ. Nhiều vị thầy tâm linh đã kinh doanh hay tham gia hành trình bản ngã để có được quyền lực hơn người. Nhiều người nghèo khổ không thể có được niềm vui nào trong đời khi phải vật lộn để sống. Những kỹ năng và thành tựu của thời hiện đại thường kết thúc bằng sự khích động của lòng tham, nỗi ám ảnh, sự trói buộc, áp lực, âu lo và đau đớn. Tất cả những khổ đau này có thể được tâm chữa lành, nhưng nếu không thực hành tu tập tâm an bình, chúng ta rất dễ bị tổn thương và yếu ớt. Lỗi không nằm ở những đối tượng vật chất kỳ diệu mà chính là ở thái độ của chính bạn. Nhiều người trong chúng ta say mê những cảm xúc và thèm muốn tự do, làm nô lệ cho những vị thầy do tâm tạo ra. Bị cuốn vào những bám chấp này, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn thấy khổ sở khi ở một mình hay ở nơi yên tĩnh. Theo Phật giáo và những truyền thống tâm linh khác trên thế giới, nguồn gốc của những rắc rối mà chúng ta có chính là sự bám chấp của tâm. Theo thuật ngữ Phật giáo, nó được gọi là “ngã”. Điều này những người Tây phương khó có thể hiểu được. Trước hết, “ngã” được hiểu chung là một cái “tôi”. Theo cái nhìn của Phật giáo, “ngã” bao gồm “tôi” và “của tôi” nhưng rộng hơn và bao gồm tất cả các hiện tượng sinh ra từ tâm thức chúng ta. Tuy nhiên, theo cái thấy biết cao nhất của Phật giáo thì không có cái “tôi” nào thực sự tồn tại như một thực thể thống nhất, cố định và không đổi. Chúng ta thường cho rằng một người là một chủ thể thấy biết và tách biệt khỏi các đối tượng, và chúng ta có khuynh hướng xem các đối tượng như thể chúng chắc chắn và có thể tin được theo một cách nào đó. Tuy nhiên, những đối tượng của tinh thần – giàu sang, quyền lực, một ngôi nhà, một chương trình truyền hình, một quan niệm, một cảm giác, bất cứ hiện tượng gì bạn có thể nghĩ đến – thực sự không hề chắc chắn mà chúng sinh khởi rồi biến mất và chỉ thấy được trong mối quan hệ với các hiện tượng khác. Nhưng có thể bạn sẽ hỏi rằng sao có thể như vậy được? Rõ ràng là “tôi” đọc một “quyển sách”, cả hai đều tồn tại, bởi vì dường như có một cái “tôi” cầm quyển sách trên tay tôi. Câu trả lời là tất cả mọi thứ đều tồn tại trong mối quan hệ với nhau, và sự tồn tại được ghi dấu bởi sự thay đổi. Có lẽ cách tốt nhất để làm rõ điều này là lấy cơ thể làm thí dụ. Cơ thể luôn thay đổi. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng hơn ở các em bé bởi vì chúng lớn rất nhanh. Nhưng chúng ta cũng đều biết rằng mọi cơ thể đều thay đổi, thậm chí thay đổi từng ngày, chẳng hạn như thay đổi theo thứ mà chúng ta ăn và cân nặng của chúng ta là bao nhiêu. Thậm chí tâm trạng của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cơ thể và được phản ánh ở vẻ ngoài của chúng ta, có thể trông chán nản, hốc hác, cũng có thể là rạng rỡ hoặc tràn đầy sức sống. Trên hết, chúng ta biết rằng cơ thể sẽ già đi và cuối cùng là chết. Cơ thể là một minh họa sống động cho tính tạm thời của sự sống. Nếu chúng ta tưởng cơ thể là thống nhất, cố định và không đổi rồi cứ bám chặt vào khái niệm này thì chính là bạn đang chấp cơ thể là “ngã”. Khi chấp chặt cái ngã nhiều hơn, tất cả những phiền não về tinh thần và tình cảm – chẳng hạn như thèm muốn, căng thẳng, lo âu, rối loạn, tham lam và hung hăng – sẽ dữ dội hơn, và những vấn đề về thể chất hay xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tịch Thiên đã viết: Mọi hung hăng, khiếp sợ và khổ đau Tồn tại trên thế gian Đều do chấp “ngã” Con quỷ xấu ác này có ích gì cho bạn Nếu bạn không buông bỏ cái “ngã”. Sẽ không khi nào hết đau khổ Nếu tay bạn không thả ngọn lửa ra thì không thể khiến nó dừng đốt cháy tay bạn được.

Đức Phật đã dạy: Khi dùng trí tuệ để thấy tất cả pháp hữu vi là vô “ngã” thì tâm không còn khổ đau. Đây là con đường đúng đắn để chấm dứt mọi khổ đau của ái dục. Theo Phật giáo, bám chấp vào cái tôi có thể là nguồn gốc của những căn bệnh về thể chất cũng như nỗi thống khổ về tinh thần. Nhiều học giả phương Tây đều đồng ý rằng những cảm xúc tiêu cực, giận dữ và lo âu có thể gây ra rất nhiều căn bệnh. Daniel Goleman đã viết: Cả tức giận và lo âu, một khi đã trở thành thói quen, có thể khiến mọi người dễ mắc phải hàng loạt căn bệnh. Những người thường xuyên đau buồn – dù là lo âu, phiền muộn, bi quan hay giận dữ, oán thù – đều tăng gấp đôi nguy cơ bị mắc một căn bệnh trầm trọng trong những năm sau đó. Hút thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo lên 60%, trong khi những đau buồn kinh niên làm tăng 100%. Điều này khiến cho cảm xúc đau buồn gần như gây rủi ro về sức khỏe tăng gấp đôi so với việc hút thuốc. Buông bỏ chấp “ngã” là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị mọi vấn đề, và chúng ta có thể làm điều đó được chừng nào thì sẽ hạnh phúc hơn chừng đó. Đây chính là chữa lành theo nghĩa chân thực nhất. Một cuốn kinh Phật giáo phổ biến nói về điều này: Thế nào là chữa lành bệnh? Đó là không còn bám chấp vào cái “tôi” và “của tôi” (ngã và ngã sở). Trong kinh luận của Phật giáo, bệnh thường chỉ cho những căn bệnh của cả tâm và thân. Ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti) nói rằng “Chừng nào còn vô minh và tham ái thì tôi còn bệnh”. Chúng ta tạo ra quá nhiều rắc rối là do không thấy rõ mình là ai và vị trí thực sự của mình trong cái vũ trụ luôn thay đổi này. Nhà vật lý học Albert Einstein, người mở đường cho thuyết tương đối, đã biết một điều gì đó về vị trí của con người trong vũ trụ. Tuy cái tôi trong câu trích dẫn dưới đây có lẽ muốn nói đến “tự ngã” nhưng Einstein rõ ràng nhận thấy rõ giá trị của việc buông lỏng sự kìm cặp của tính hẹp hòi và những quan niệm được nuôi giữ trong lòng khi ông viết “Cái đem lại giá trị thực sự cho con người là giải thoát khỏi cái tôi của họ”. Nếu lẽ thường và truyền thống tôn giáo bảo chúng ta buông lỏng bám chấp thì chúng ta có thể làm bằng cách nào? Có một cách, đó là thiền định. Trong hướng dẫn thiền tập ở phần sau, một trong những kỹ thuật cơ bản là quán tưởng cơ thể tràn đầy ánh sáng, chiếu khắp cả vũ trụ. Thấy cơ thể mình không có giới hạn là một sự tưởng tượng tích cực. Nó có thể giúp tâm bớt bám chấp. Tuy nhiên, chúng ta đôi lúc bị sa vào khổ đau đến nỗi khó thấy được lối ra. Chúng ta cần phải tìm một điểm tập trung, bất kỳ cảm giác, hình ảnh hay ý nghĩ nào có thể thắp sáng con đường trước mắt chúng ta và cho chúng ta thoáng thấy sự bình an.

Con đường đưa đến cảm giác an bình

Nhà thơ William Wordsworth từng nói: “Thế giới là quá nhiều đối với chúng ta”. Một số người trong chúng ta quá bận rộn và mải mê việc thế gian mà đánh mất cái nhìn về cảm xúc và trạng thái của tâm. Chúng ta thậm chí còn không thể chịu nổi sự bình yên hay im lặng. Chúng ta thấy đau khổ và sợ hãi khi không có hoạt động nào đang diễn ra, chẳng hạn như nói, chơi, đào, xây, viết, đếm hoặc lo nghĩ!

Một số người thậm chí còn không biết mình bất hạnh ra sao vì đã trở thành nô lệ của sự khích động, thèm muốn và ưu sầu. Chấp “ngã” cũng giống như gãi ngứa: có vẻ gây thích thú nhưng nó chỉ kích thích mà thôi. Tuy chúng ta có khả năng để được bình an nhưng thật tính đã bị che mờ đến nỗi sự an bình trong tâm trí giờ chỉ là một thứ không ai biết. Có một câu chuyện nổi tiếng về người mẹ của một vị không phải là đại đệ tử của đức Phật. Sau khi người mẹ bị tái sinh trong cõi địa ngục, con trai bà nhờ thần lực đã đến được cảnh giới khổ đau để cứu mẹ. Ngài nhẫn nại giáo hóa mẹ để có thể thay đổi những nhân duyên bất thiện trong tâm bà. Bà đã có thể thoát mình ra khỏi cảnh giới địa ngục nhưng lại quá chấp vào nơi bà đã ở đến nỗi cầu xin những người dưới địa ngục “xin đừng để ai thế chỗ tôi”. Lý do không phải vì bà yêu thích chốn địa ngục mà vì đó là nơi duy nhất bà nhớ hay đã quen thuộc với nó, bởi vậy bà cố bám lấy những gì bà sợ sẽ đánh mất. Mở cánh cửa chữa lành dường như là một việc táo bạo. Tuy vậy, thực tập tâm an bình không phải là một việc quá xa lạ. Nó sẽ có ích nếu chúng ta thắp lại ký ức về một khoảng thời gian yên tĩnh, khi không có những áp lực, lo lắng bên ngoài tấn công chúng ta dồn dập. Những ký ức như vậy mang đến cho chúng ta manh mối về tâm thức trong bản chất an bình thực sự và chúng có thể là đối tượng của thiền định. Nếu chúng ta có thể nhớ lại một kinh nghiệm cực đỉnh khi chúng ta cảm thấy khỏe mạnh và đầy đủ thì có thể đưa những cảm giác trong hồi ức này trở về hiện tại. Điều quan trọng là phải ghi nhớ hình ảnh cùng với tất cả các chi tiết của nó, sau đó mở rộng cảm giác tuyệt vời trong tâm mình. Ký ức này có thể là một điều gì đó tạo ra bởi một trải nghiệm tâm linh hay cuộc gặp gỡ với những con người vui vẻ, như trong câu chuyện mà tôi đã kể về chuyến viếng thăm Ngài Rinpoche hồi tôi còn nhỏ. Người Tây Tạng thường sử dụng hồi ức về vị thầy tâm linh của mình làm đối tượng thực hành trí tuệ vì nền văn hóa của họ có một lòng tôn kính sâu sắc dành cho những bậc đạo sư trí huệ chân chính. Có rất nhiều đối tượng để chúng ta lựa chọn quán tưởng. Nó có thể là chuyến viếng thăm một khu vườn xinh đẹp hay ở trên những ngọn núi tuyết bao phủ, và cũng có thể là trên những cánh đồng yên ả, mênh mông bát ngát. Có một kỷ niệm đã truyền cho tôi cảm hứng trong những năm khó khăn thoát khỏi những biến động về chính trị diễn ra ở Tây Tạng những năm 1950. Tôi cùng những người bạn đồng hành đang đi qua thủ phủ Lhasa thì gặp vài người nông dân đi sau những chú lừa và ngựa của họ trên đường ra chợ. Họ đang hát những bài dân ca bằng một giọng ca mộc mạc, tự nhiên. Tiếng ca ấy dường như vút lên từ trái đất thuở ban sơ. Nó có một nét chân thật làm sáng rực cả bầu trời. Tôi cho rằng không có bất kỳ một ca sĩ chuyên nghiệp nào có thể vượt được sự tự nhiên không ràng buộc của những giai điệu vụng về mộc mạc vang lên lúc bấy giờ. Có lẽ trái tim tôi đã cởi mở hơn với nét đẹp này bởi tôi vừa thực hiện chuyến hành hương ngắn đến một thành phố linh thiêng có những công trình cổ xưa, lâu đời. Bất kể là lý do gì, tôi thấy nó khác những loại âm nhạc mà tôi yêu thích. Nó chạm vào một tầng sâu trong tâm tôi và đánh thức một trạng thái giác tỉnh cao, trong đó bất kỳ dấu vết nào của sợ hãi hay buồn đau đều tan biến trong không gian được cất lên bằng những giọng ca ngọt ngào. Cũng thật thú vị khi nó lại xảy ra vào thời điểm của một sự thay đổi lớn trên hành trình đầy hiểm nguy. Do đó, ngay trong cảnh hỗn loạn (hoặc có thể do hỗn loạn) cũng có thể được nếm hương vị của sự tĩnh lặng. Hồi ức về thời ấu thơ cũng là một con đường khác dẫn đến một tâm trí an tĩnh. Một số kỷ niệm ngớ ngẩn và đơn giản trở về còn khiến chúng ta vui hơn bất kỳ trò tiêu khiển nào của thời nay. Tôi có thể nhớ khi còn bé đã nướng khoai lang cùng với vài cậu bé khác trong một hang động nhỏ. Đó là một ký ức hoàn toàn đơn giản nhưng lại có thể đong đầy trong tôi bằng một cảm giác ấm áp và tự do khi tôi quán tưởng đến nó. Hồi còn ấu thơ, tâm có xu hướng trong sáng và có thể cảm nhận mọi thứ một cách trần trụi, tường tận, trước khi bị những náo động và gánh nặng sau này cô lập và làm cho tê liệt. Hồi đó, một ngày dài như vô tận và chúng tôi luôn cảm thấy một không gian rộng lớn trong chính chúng tôi. Nếu thư giãn và nghĩ về những ngày đó, có thể bạn sẽ nhớ lại điều gì đó gây cho mình niềm hứng khởi. Điều này cũng giống như việc khám phá vẻ đẹp của một mảnh ghép trong trò chơi ghép hình vậy: chỉ cần vỗ về ký ức một cách nhẹ nhàng thì tất cả những chi tiết của trải nghiệm ấy sẽ quay về. Tập trung vào cảm giác tích cực đó và thúc đẩy nó, giống như bạn đang trở về ngôi nhà xưa ấm cúng sau một hành trình dài đầy mệt mỏi vậy. Hãy để cho cảm giác đó lan rộng và nảy nở cho đến khi nó mở toàn bộ cơ thể bạn như bạn lúc này. Tốt nhất là hãy chọn một kỷ niệm mà bạn ưa thích hoặc chỉ tập trung vào những mặt tích cực của một kỷ niệm nào đó. Hãy duy trì cảm giác ấm áp, an trú trong đó cho đến khi bạn cảm thấy đầy đủ trong sự quán tưởng này. Nếu một ký ức có vết nhơ hay dính líu đến sự đen tối nào đó thì có thể chữa lành mặt tiêu cực này nhờ việc đem đến cho nó ánh sáng của cảm xúc và năng lượng tích cực. Trong thời gian ngừng nghỉ giữa những việc hàng ngày, nó có thể giúp bạn nhớ lại hoặc đạt được bất kỳ cảm giác ấm áp và rộng lớn nào. Đặc tính rộng mở này có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, như ánh nắng có thể xua tan những cơn ác mộng phiền phức.

Nhận biết tâm an bình

Sự an bình của tâm không phải là thứ chúng ta cất đi để dành cho thiền định hay quán tưởng về quá khứ như thể đó là một thứ cảm giác đặc biệt và tách rời cuộc sống hàng ngày đâu. Chúng ta có thể khuyến khích tâm luôn an bình hơn nữa. Đây là cách để mở mang thế giới quan và đảm bảo niềm hạnh phúc của chúng ta. Trong những thăng trầm của cuộc đời, luôn có cơ hội để chúng ta thực tập nhận biết cảm xúc tích cực. Khi tôi nói về an bình, đôi khi mọi người tưởng lầm rằng điều này có nghĩa là tách mình ra khỏi dòng đời. Họ xem an bình là một thứ gì đó xa lạ, có thể là một cảm giác tê liệt hoặc buồn ngủ, bị say thuốc hay ở trong một trạng thái tinh thần khác. Nó không thể xa rời chân lý được. Bạn có thể “an bình” trong khi đang ngủ, nhưng đó chỉ là sự vắng mặt của ý thức mà thôi. Phương cách thực sự chữa lành cuộc sống của bạn là nhận biết những niềm vui đơn giản và phát triển một thái độ cởi mở, chào đón đối với tất cả các hoạt động và những cuộc gặp gỡ với mọi người. Bạn nên tận hưởng và dồn hết tâm trí cho việc bạn làm. Hãy ghi nhận khi bạn cảm thấy cởi mở và an bình. Hãy nhận biết bất kỳ cảm giác tự do nào. Sự nhận biết chính là mấu chốt. Nếu bạn nhận biết an bình thì sẽ có cơ hội để trở thành một phần của cuộc sống. Khi bạn cảm thấy an bình, hãy tận hưởng. Bạn không nên tự ép buộc cảm xúc hoặc đuổi theo chúng hay khuấy động sự tán loạn hư giả. Đơn giản chỉ cần nhận biết và để cho cảm giác đó phát triển và mở rộng. Hãy an trú trong bất kỳ cảm giác tích cực nào và để cho tâm bạn được thư thái. Có thể bạn nhận ra cơ thể mình cũng đang cảm thấy an bình. Nếu bạn thấy hơi thở của mình ra vào thoải mái hơn hoặc có cảm giác ấm áp, hãy dừng lại, chú tâm vào đó và tận hưởng. Bất kỳ điều gì cũng có thể dấy khởi sự an bình. Đó có thể là cái nhìn đầy tự hào của một em bé khi chập chững đi được vài bước trong ánh mắt dõi theo của cha mẹ. Đó cũng có thể là sự xuất hiện của ngôi sao hôm hay tia nắng chiều tỏa trên bề mặt của một tòa nhà thành phố hay tiếng mưa êm dịu vào buổi sáng khi bạn còn đang nằm trên giường. Có thể một người tốt bụng nào đó đã chào bạn với một nụ cười vui vẻ, cũng có thể bạn đã thoải mái làm một việc đơn giản để giúp một ai đó. Những hoạt động đơn giản như đi bộ hay thưởng thức một tách trà có thể khiến bạn thấy hài lòng và thậm chí vui vẻ nếu bạn có một thái độ cởi mở và dễ tiếp thu. Hãy phát triển một thái độ cảm kích. Chúng ta có thể cảm thấy an lạc mà không hề có lý do gì, hoặc đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn. Tâm giác ngộ không cần đối tượng cảm thọ sự an bình phát sinh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đối với tâm bình thường, tốt hơn hết là bắt đầu với những cảm xúc tích cực. Sau đây là những gì bạn có thể làm: Nhận biết sự tích cực. Đầu tiên, hãy tập trung vào những tình huống, hình ảnh tích cực và vui thích với sức mạnh chữa lành của chúng. Thấy được mặt tích cực của cái tiêu cực. Sau khi bạn đạt được một chút sức mạnh trong tâm, hãy tập trung không chỉ vào những đối tượng tích cực mà còn tập trung vào mặt tích cực của những đối tượng tiêu cực. Hãy tìm kiếm khía cạnh tốt trong những tình huống xấu, trong cái rủi vẫn có cái may. Sự hài hước chính là phương pháp phổ biến, nó có thể thay đổi quan điểm của bạn và đảo ngược tình huống tiêu cực một cách đột ngột. Nhiều người có tâm quá nhạy cảm cho nên cảm thấy cái tiêu cực mạnh hơn, khiến cho những mối lo âu bén rễ và tăng trưởng. Phát triển một tâm thức bớt tổn thương chính là phương thuốc chữa trị. Thậm chí bạn có thể quyết định “không nghĩ tưởng nhiều” khi những tình huống xấu xảy đến và như vậy, ta sẽ có thể xử lý chúng dễ hơn. Ngài Dodrupchen đệ tam đã viết: “Nếu chúng ta không dễ tổn thương thì nhờ vào sức mạnh tinh thần, ngay cả khi đau đớn cùng cực, ta cũng cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng như một miếng bông vậy”. Xem mọi thứ là tích cực. Nhìn thấy mặt tốt trong mọi vấn đề và xem mọi thứ đều tốt, và rồi ta có thể thấy rõ sự an bình chân thật vượt ra khỏi cái tích cực lẫn tiêu cực. Cuối cùng, mọi thứ đều có thể là nguồn chữa lành mà không hề có sự phân biệt giữa cái được gọi là tích cực hay tiêu cực. Đối với hầu hết mọi người, nguồn trợ giúp chính cho việc chữa lành nên là sự tập trung vào những tình huống và hình ảnh tích cực. Mặc dù vậy, nếu quá đắm chìm vào cái tích cực, bạn có thể tự nhiên dần dần đi vào con đường thứ hai và thứ ba, đầu tiên là gián tiếp và sau đó là trực tiếp.

Nhận thức tích cực

Bi quan có thể gây chết người. Thói quen lo lắng về những rắc rối hay chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của tình huống sẽ khó có chỗ cho việc chữa lành. Sau khi thái độ này bao phủ lên tâm và khiến cho nó bị cứng nhắc, mọi thứ xảy ra sẽ đều bị nhiễm sự đau đớn và tiêu cực. Tâm có thể chọn lựa giữa tích cực và tiêu cực; tất cả đều nằm trong nhận thức. Nhận thức tích cực là lối hành trì chủ yếu trong Phật giáo Tây Tạng. Phương pháp này đã được chứng minh qua nhiều thế kỷ để mang lại một vụ mùa tuyệt vời của sự chứng ngộ tâm linh cũng như hạnh phúc và sức khỏe trong cuộc sống hàng ngày. Ngài Dodrupchen đệ tam là bậc thầy vĩ đại về phương pháp này. Ở đây, Ngài giảng giải bằng cách nào mà sự chữa lành thực sự không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài mà vào việc chúng ta nhận thức và sử dụng chúng ra sao: Hữu tình hay vô tình, bất kỳ thứ gì đến làm tổn thương ta, nếu ta hình thành thói quen nhận diện chúng là khổ đau thì ngay cả một tình huống nhỏ cũng có thể khiến chúng ta đau đớn khôn nguôi vì một lẽ tự nhiên rằng một khi chúng ta hình thành thói quen về hạnh phúc hay khổ đau, chúng sẽ tăng trưởng… Trở thành bất khả chiến bại đối với kẻ thù và hoàn cảnh tiêu cực không có nghĩa là chúng ta sẽ có thể vứt bỏ mọi rắc rối hay ngăn không cho chúng dấy khởi. Nhưng mấu chốt chính là không để cho rắc rối trở thành chướng ngại cho hành trình giác ngộ tâm linh. Để làm được điều đó, chúng ta phải hoàn toàn từ bỏ suy nghĩ muốn khổ đau đến với mình, thay vào đó là phát triển tư tưởng vui vẻ cho dù có bất kỳ khổ đau nào đến với chúng ta: Rắc rối có thể trở thành bàn đạp trên con đường giải thoát tâm. Ngay cả khi không phải là một bậc thầy tâm linh vĩ đại, bạn vẫn có thể bắt đầu với việc xem những rắc rối nhỏ có thể chấp nhận được. Hãy cố gắng xem khó khăn là một thử thách thú vị. Sau đó, nếu bạn có thể giải quyết hoặc học cách chịu đựng nó thì hãy tự khen ngợi bản thân vì điều đó. Cảm giác hài lòng có thể khiến niềm vui dâng trào, nó có một tác động tích cực lan tỏa cho đến cuối đời. Tia sáng của niềm an lạc hiện diện trong mọi hoàn cảnh nếu bạn chú ý tìm kiếm và áp dụng nó. Ngay cả khi bạn đang có một cuộc sống đầy triển vọng, cũng sẽ luôn có những giây phút an bình chắc chắn bạn có thể sử dụng để làm nguồn chữa lành. Mặt khác, ngay cả khi đang trong cảnh vui sướng, nếu bạn nắm chặt hạnh phúc, cố gắng giữ những gì mình có và tham lam muốn có nhiều hơn nữa thì những gì trải qua sẽ biến thành đống tro tàn của việc bất toại nguyện. Trong cuộc đời nhiều đau khổ, một chút khổ đau nhỏ nhoi lại được cảm nhận là một niềm vui. Trong cuộc đời ít khổ đau, chỉ một chút khổ thôi cũng khiến ta cảm thấy vô cùng đau đớn. Mọi thứ đều là tương đối và phụ thuộc vào cảnh giới tâm mà bạn đang nhìn nhận và đo lường mọi thứ. Rơi vào hoàn cảnh đầy khó khăn, hy vọng sống sót có thể là điểm cốt yếu. Nhiều tù nhân vô tội đã sống sót sau khi bị tra tấn và bỏ đói nhờ hy vọng và tin tưởng một ngày nào đó mình sẽ được tự do. Niềm hy vọng có thể là một điểm mấu chốt gây tác động mạnh mẽ. Vì vậy, ngay cả khi đời mình đầy rẫy khổ đau, bạn vẫn có thể tìm một thứ gì đó làm trọng tâm của sự chữa lành, thứ tốt nhất trong những tình huống tồi tệ nhất nếu bạn muốn tìm kiếm. Viktor E. Frankl, một bác sĩ tâm thần sống sót trong trại tập trung Auschwitz đã khuyên các bệnh nhân của mình rằng thái độ của con người có thể vượt qua cơn ác mộng có thật khủng khiếp nhất. Nỗ lực đầy ý nghĩa của ông được thử thách trong những điều kiện khắc nghiệt đã trở thành phương châm cho những liệu pháp thực hành chữa bệnh cho người khác. Frankl tin rằng thái độ của một người quyết định sự lựa chọn và khẳng định nó vẫn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tập trung vào ý nghĩ mình là “kẻ đáng bị đau khổ”. Trong cuốn tự truyện được xuất bản sau Thế chiến thứ hai, Frankl đã phản ánh dựa trên những trải nghiệm của mình trong một trại tập trung và làm thế nào ông có thể tìm thấy tia hy vọng và niềm vui trong đêm đen tối nhất của chế độ độc tài: Có người cho tôi xem cuốn Illustrated Weekly có ảnh về những tù nhân đang nằm chen chúc trên giường ngủ, đờ đẫn nhìn chằm chằm một người khách đến thăm. “Những khuôn mặt với cái nhìn chằm chằm, thẫn thờ, chẳng phải khủng khiếp lắm sao?” Tôi hỏi “Tại sao?” bởi vì tôi thật sự không hiểu được… “Chúng tôi bị ốm và không phải rời trại để lao động; chúng tôi không phải đi diễu hành. Chúng tôi có thể nằm cả ngày ở trong cái góc bé nhỏ của túp lều, ngủ gà ngủ gật và chờ đợi… Nhưng chúng tôi thật hạnh phúc làm sao cho dù mọi thứ có tệ đến mức nào.” Khi tôi thuật lại câu chuyện tại một trong những lớp thiền của mình, có một người đàn ông phản đối lời nhận xét của Vikter Frankl và nhất quyết khẳng định không thể có được bất kỳ cảm xúc tích cực nào trong trại tập trung được do phải chịu những đau khổ không thể tưởng tượng nổi. Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của ông bởi vì trại tập trung chính là địa ngục trần gian. Với sự tôn trọng sâu sắc đối với quan điểm này, tôi cũng tin rằng tâm trí con người có khả năng phục hồi phi thường ngay cả trong hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Nhận thức và cảm xúc mang tính chủ quan và tương đối. Chắc chắn rằng quan điểm của Frankl là không bình thường trong bối cảnh lịch sử thảm khốc này. Nhưng đó là những gì khiến cho câu chuyện của ông trở nên đầy xúc động. Là một trong vô số người tị nạn từ Tây Tạng đi sang Ấn Độ, tôi đã chứng kiến rất nhiều khổ đau. Việc tu tập theo quan điểm tích cực mà tôi may mắn thọ nhận đã giúp tôi trong suốt thời gian đó. Với hầu hết mọi người, sẽ là tốt nhất để bắt đầu một phương pháp tích cực ngay bây giờ, sau này nếu khủng hoảng có xảy ra trong đời thì cũng dễ dàng xử lý hơn.

Từng bước hạnh phúc hơn

Một số người nói: “Tôi muốn được hạnh phúc nhưng lại không biết làm sao”. Họ thoáng thấy hạnh phúc nhưng lại cảm thấy bất toại nguyện và cô đơn hoặc trải qua cảm giác trống vắng trong một thời gian rất lâu. Điểm khởi đầu tốt nhất là cố gắng cảm thấy tốt hơn về nơi mà bạn hiện đang có mặt. Hãy thực tập một thái độ cảm kích trước bất kỳ món quà nào mà cuộc sống gửi tặng bạn cho dù chúng xem ra rất bé nhỏ. Theo Phật giáo, bản chất của tâm chính là giác ngộ. Vì thế, tâm bạn vốn thiện. Vấn đề chủ yếu chính là những thói quen xấu của tâm, là cách mà bạn nhìn mọi thứ ra sao. Những kiểu tinh thần này có thể gia tăng và trở nên cứng nhắc. Chúng bóp méo, tô màu và ảnh hưởng lên quan điểm của bạn. Mọi người đều có khả năng được hạnh phúc nhưng bạn phải thay đổi thói quen tinh thần và cách bạn nhận thức mọi thứ. Một phương pháp có hiệu quả là ghi nhận những cảm giác an bình và thúc đẩy chúng, như tôi đã đề nghị ở phần trước. Hãy nuôi dưỡng bất kỳ khoảnh khắc yên bình và hạnh phúc nào mà bạn có ngay lúc này và để cho chúng nảy nở. Hơn nữa, nếu bạn không hạnh phúc mà lại muốn được hạnh phúc thì nó có thể trở thành một trở ngại. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng một thái độ mong muốn nào đó có thể mang tính hạn chế. Bạn so sánh mình với người khác thì sẽ bị phản tác dụng. Thậm chí bạn hầu như không biết hạnh phúc là gì nhưng lại cứ đòi hỏi bản thân phải có được hạnh phúc vô cùng lớn lao. Điều đó giống như bạn đặt tiêu chuẩn quá cao thay vì tiếp cận dần dần. Thay vì giúp bạn đạt được mục đích, nó lại tạo ra rắc rối bởi bạn không bao giờ có thể sống theo lý tưởng. Nếu bạn có thể học cách biết chịu đựng hoàn cảnh không hạnh phúc và giảm độ nhạy cảm của tâm trí đối với nó thì chính nó sẽ trở thành một bước đệm để đến với hạnh phúc. Nếu bạn không bận tâm nhiều đến những gì bạn cho là đau đớn hay phiền muộn thì sẽ giảm bớt được những gánh nặng của mình. Cố gắng giảm mức độ oán giận đối với cái gọi là bất hạnh; đó sẽ là một thành tựu lớn. Hãy thay đổi những gì bạn có thể để cải thiện hoàn cảnh và đừng lo lắng về những gì bạn không thể thay đổi. Hãy chấp nhận mọi thứ vào giây phút hiện tại. Hãy tìm sự hài hước hay niềm vui ở bất kỳ nơi đâu bạn có thể thấy. Điều đó bắt đầu đưa bạn đến với hạnh phúc lớn hơn. Đừng biến hạnh phúc thành nỗi ám ảnh giống như một vài thứ mà bạn phải nắm giữ. Nếu có thể buông nỗi ám ảnh về hạnh phúc một chút thôi thì bạn có thể tự trở nên hạnh phúc hơn. Cuối cùng, khi bạn giải quyết một vấn đề có hiệu quả thì điều quan trọng là phải ghi nhận với chính mình. Trong cuộc sống hàng ngày hay trong thiền định, bất cứ khi nào chữa lành một số khổ đau của mình, bạn phải nhận biết được điều này. Sự nhận biết này có thể kích hoạt nguồn năng lượng hỷ lạc mạnh mẽ khiến cho nó bùng phát. Nó có thể là một điểm trọng yếu cho việc chữa lành hơn nữa. Ngài Dodrupchen đệ tam có viết: “Bạn phải nhận thấy rằng khổ đau đã thực sự biến thành trợ duyên trên con đường tâm linh. Sau đó, phải cảm thấy một dòng hân hoan mãnh liệt do nhận biết đó mang đến”.

Mối liên hệ giữa tâm và thân

Tâm là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nếu tâm được an bình ở mức độ sâu, chúng ta có thể trở nên hạnh phúc ngay cả khi cơ thể già đi hay ốm yếu. Tất nhiên, chúng ta muốn cả tâm lẫn thân càng khỏe mạnh càng tốt. Vậy mối quan hệ giữa tâm và thân mà mọi người ai cũng tò mò là gì? Ở phương Tây, đôi khi các khoa học gia hay triết gia nói về hai thứ đó như thể chúng tách rời nhau, quá trình tư duy khác biệt với cơ thể vật chất. Có lẽ quan điểm đó đang thay đổi trong những năm gần đây, y học phương Tây đã bắt đầu chú ý đến sự “kết nối” giữa tâm trí và sự khỏe mạnh của thân thể. Trong Phật giáo, tâm và thân luôn được xem là có liên quan mật thiết với nhau. Các tín đồ Phật giáo rất quan tâm đến tâm thức. Vì vậy, nếu hỏi một học giả Phật giáo Tây Tạng, chúng ta có thể nhận được một lời giải thích khá phức tạp về tâm và các đặc tính khác nhau của nó, với rất nhiều phân loại (sáu, hai mươi, năm mươi ba). Nhưng tất cả những thứ đó không có gì là quan trọng đối với mục đích của chúng ta ở đây. Điểm chủ yếu về tâm là không có sự phân chia giữa suy nghĩ trong não, xúc cảm trong tim và cảm giác trong thân. Chúng được coi là những tính năng khác nhau của tâm. Một người có thể nấu ăn, viết lách hay lái xe, những hoạt động này được thực hiện bởi cùng một người. Tương tự, tâm cảm nhận bằng trái tim, nhìn bằng đôi mắt và nghe bằng hai tai. Tâm chính là khía cạnh của sự nhận biết. Thí dụ, nếu tôi nói rằng tôi thấy ấm lòng khi nghĩ về một vài hành động thiện hay tình cảm tích cực thì cái “nghĩ” và “ấm lòng” đều là tâm ở các khía cạnh khác nhau của sự nhận biết. Sự nhận biết là một đặc tính vô cùng quan trọng của tâm, và nó là điểm cốt yếu trong thiền định. Khi chúng ta mang nhận thức đến cho cơ thể, chúng ta có thể tạo ra những nguồn năng lượng tích cực mạnh mẽ. Có ba lý do cho việc thiền định về cơ thể: 1. Cơ thể của chúng ta trợ giúp rất hiệu quả trong việc lấy lại nguồn năng lượng chữa lành của tâm vì nó có mối liên hệ mật thiết với tâm. 2. Chúng ta dành phần lớn thời gian để chữa thân bệnh. Vì vậy, chọn cơ thể làm đối tượng chữa lành là một việc thiết thực. Thiền có thể là một phương thuốc hữu hiệu cho những vấn đề này, tùy thuộc vào kỹ năng của người hành thiền và tùy căn bệnh. Đúng là so với vấn đề về tinh thần, những căn bệnh về thể chất có thể khó chữa hơn thông qua thiền định, đặc biệt là đối với người mới tập. Nhưng dù bệnh thể chất không mất đi thì chúng cũng thuyên giảm. Chí ít thì tâm chúng ta có thể học cách chịu đựng những tai ương của cơ thể và xem chúng nhẹ nhàng hơn. 3. Bằng cách đưa năng lượng chữa lành vào cơ thể, chúng ta cũng có thể cải thiện cuộc sống của mình. Tâm chúng ta, diễn viên chính của thiền định chữa lành, được hấp thụ những nguồn năng lượng chữa lành. Điều này khiến cho tâm bớt bám chấp. Nó trở nên dễ dàng hơn trong việc phát huy thái độ cởi mở và thoải mái hơn đối với các vấn đề, kể cả việc làm thế nào để hòa hợp hơn với mọi người.

Dùng cơ thể dẫn dắt tâm trí

Tâm là nguồn hạnh phúc chính của bạn, nhưng đôi khi thân có thể dẫn đường. Tâm và thân có mối quan hệ mật thiết, vì vậy chăm sóc thân mình là một việc quan trọng. Nếu cơ thể bạn khỏe mạnh thì tâm cũng sẽ dễ dàng khỏe mạnh hơn. Bạn cần ăn những thức ăn phù hợp và tập thể dục cho đúng, nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng giữ cho mình khỏe mạnh. Nhưng ngoài những biện pháp hiển nhiên đó, bạn cũng có thể giúp bản thân bằng thái độ về cơ thể – cách mà bạn đối với bản thân. Bất hạnh và tiêu cực có thể bị giữ trong cơ thể, trên khuôn mặt u ám, những cơ bắp căng mỏi và dáng điệu ủ rũ. Đơn giản bằng việc thả lỏng cơ thể và thay đổi dáng điệu cho thoải mái, bạn có thể thay đổi những gánh nặng của mình để chúng dường như biến mất ngay tức khắc hoặc cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Cười là một phương pháp đơn giản để cảm thấy dễ chịu. Thật ngạc nhiên là làm thế nào mà bạn có thể nâng cao tâm trạng của mình ngay lập tức chỉ bằng cách mỉm cười. Nghe có vẻ quá dễ dàng, đơn giản, đặc biệt nếu bạn là một người tin nhầm rằng trí tuệ của cuộc sống phải là thứ gì đó không thấy được và không thể đạt được, nhưng chỉ một việc giản đơn là cười lại dễ hiểu một cách lạ lùng. Nó cũng phù hợp với lối thực hành về nhận thức tích cực của Phật giáo. Bằng việc mỉm cười, cơ thể đang mang một thông điệp tích cực đến với tâm trí và trái tim. Bạn cảm thấy thoải mái hơn, như thể cả thế giới bỗng trở nên thú vị hơn. Không chỉ nụ cười mới khiến cho quan điểm của bạn nhẹ nhàng hơn mà khuôn mặt cởi mở, vui vẻ của bạn cũng mang niềm vui đến cho mọi người. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, một tu sĩ Phật giáo đương thời, khuyên chúng ta hãy luôn nở nụ cười. Nếu bạn chưa sẵn sàng để làm việc đó thì ít nhất cũng có thể cười thường xuyên hơn. Đó là một khởi đầu tốt. Bạn không cần phải gượng cười và thực sự không nên làm vậy. Mỉm cười hầu như không tốn chút sức nào: cứ như thể các cơ điều khiển nụ cười chỉ chờ có cơ hội thực hiện mà thôi. Hãy ghi nhận bất kỳ tâm trạng hưng phấn nào và thưởng thức nó. Nó có thể chỉ là một nụ cười nhỏ; thường thì đó là tự nhiên nhất. Hãy cảm giác như bạn có một nụ cười ở bên trong, như ánh sáng mặt trời ở trong bạn, và bạn đang cười ở bên trong mà không cần đến bất kỳ lý do nào. Có thể bạn phát hiện ra rằng xét cho cùng thì tâm trạng buồn rầu hay tư duy của mình cũng không phải là quá cứng nhắc.

Cách nhìn của thiền định về cơ thể

Cơ thể bạn là một kho tàng quý giá. Đó là một cỗ máy tuyệt vời: tao nhã, phức tạp và đẹp đẽ. Nó cũng thuộc về bạn trong một khoảng thời gian có giới hạn. Đạo Phật nói cơ thể cũng như nhà trọ của tâm trí. Ngài có một cái nhìn khá thực tế về sự lão hóa và thối rữa của cơ thể. Tâm và thân ăn ý với nhau chỉ trong một khoảng thời gian – đó là tất cả lý do để quý trọng hạnh phúc thực sự khi bạn còn có thể. Một lối thiền phổ biến từ lâu bắt buộc trong quá trình tu tập ở Tây Tạng tập trung vào sự vô thường của cơ thể. Đôi khi các vị sư sẽ thiền định tại một nghĩa địa, đây là nơi tốt hơn để tâm hiểu được cái xác bị phân hủy kia rốt cuộc không đáng tin cậy đến dường nào. Sự chú tâm ở đây chỉ đơn giản là để bạn trở nên chấp nhận cơ thể như nó vốn vậy. Ở phương Tây, người ta có xu hướng yêu mến cơ thể một cách thiếu thực tế. Ngay cả những siêu mẫu “hoàn hảo” cũng có vẻ lo lắng cơ thể mình lẽ ra phải đẹp hơn nữa, thậm chí còn phải hoàn hảo hơn và không muốn già đi. Ở phương Đông, mọi người có xu hướng xem cơ thể là một thứ gì đó bẩn thỉu, vô giá trị. Người Á châu cũng không mến cơ thể của mình. Ở cả phương Đông và phương Tây, có quá nhiều năng lượng tiêu cực bám vào cơ thể, và nhận thức tiêu cực gây trở ngại cho việc chữa lành thân tâm. Tốt hơn hết là nên có cái nhìn trung đạo.

Nhiều người thậm chí còn không muốn nghĩ về cơ thể mình. Với họ, trở nên an bình là một việc thật xa lạ. Trong những buổi tập của tôi, mọi người thấy thật khó thả lỏng và ngồi yên. Sau đó, khi tôi yêu cầu họ tưởng tượng về các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả các cơ quan nội tạng thì họ không thể chịu đựng nổi. Bạn chỉ nên làm những gì có thể mà không gây căng thẳng cho bản thân. Tuy nhiên, cố gắng một chút cũng không phải là tệ. Bạn có thể học cách làm cho bản thân mình dần thích nghi một cách thoải mái với cái mà ban đầu có vẻ khó khăn hay thậm chí khiến bạn sửng sốt. Bằng việc thực hành thiền định trên cơ thể, dần dần sau nhiều buổi tập, bạn có thể đưa sự quyến luyến hoặc oán giận ra khỏi cơ thể. Hầu hết mọi người đều chấp cái thân của mình đến nỗi họ xem nó rất gần gũi. Điều này có thể giúp ích trong thiền định để thấy được cơ thể bạn là vô biên, cũng giống như bầu trời vậy. Bạn không nhất thiết phải tham luyến bầu trời. Bầu trời ở đó, và khi bạn nghĩ về nó, bạn thừa nhận và hiểu rõ giá trị của nó. Nếu bạn bắt đầu nhìn cơ thể giống như vậy thì bạn có thể thực sự tiếp cận toàn bộ cuộc sống với nhiều niềm vui hơn. Trong khi thiền định, đầu tiên chúng ta quan sát cơ thể và các bộ phận của nó. Sau đó chúng ta quán tưởng cơ thể là vô biên và nở rộ năng lượng chữa lành dễ chịu. Trong các buổi thiền của tôi tại thời điểm này, mọi người thường bắt đầu vui hưởng thiền định nhiều hơn nữa. Đôi khi thiền có thể rất thú vị, nhưng cũng có lúc chúng ta cảm thấy nó hơi giống một cuộc tranh đấu. Có lẽ cơ thể bạn không thích ngồi quá lâu, hoặc tâm bạn có thể đi lang thang. Kinh nghiệm của tôi chính là nếu bạn kiên nhẫn với cuộc chiến đấu trong thiền định, nếu bạn có thể thả lỏng và chấp nhận “sự không ưa thích” khởi lên thì những chướng ngại có xu hướng giảm đi hoặc được chuyển hóa. Những khó khăn thực sự có thể khiến cho việc thiền định của bạn được sâu hơn nếu bạn giữ sự bình thản thay vì bực bội hay chiến đấu với chúng. Trước hết bạn học cách chú tâm tốt hơn thay vì đi vào cõi mộng mơ, nơi mà mọi thứ lúc nào cũng dễ dàng. Loại thiền này cuối cùng sẽ mang lại kết quả. Bằng việc khuyến khích bản thân, bạn đang học cách buông bỏ bám chấp. Đây là con đường chữa lành bản thân và tận hưởng một cuộc sống an bình hơn.

Tulku Thondup Rinpoche

Trích: Độ sinh vô biên