Tinh chất của vàng tinh luyện – Nguyên lý chỉ đạo các giai đoạn của con đường Giác ngộ

Luận thuyết được trình bày ở đây, dành cho những người ước muốn rút ra tinh túy của đời người được phú bẩm những nhàn nhã và thuận lợi, là luận thuyết được gọi là Các Giai đoạn của Con Đường Giác ngộ (Lamrim). Lamrim là tinh túy của tất cả giáo lý của Đức Phật; con đường nhất thể (đơn nhất) được những Bậc Siêu việt (arya, bậc Thánh) trong ba thời (quá khứ, hiện tại, và tương lai) sử dụng; là truyền thống/hệ thống của hai nhà phục hưng/khai phá con đường vĩ đại: Đức Nagarjuna (Long Thọ) và Asanga (Vô Trước); là truyền thống Pháp của những bậc lỗi lạc đang tiến tới cấp độ toàn trí; và là sự tổng hợp không bỏ sót của những con đường của chúng sinh thuộc ba căn cơ.

Trước tiên, truyền thống Lamrim – Pháp được thực hành ở đây – thật cao quý và có nguồn mạch xác thực. Pháp bắt nguồn từ nguồn mạch xác thực cũng không thiên vị (không bị giới hạn), nhưng cần đến một hệ thống hoàn toàn trọn vẹn của những con đường và không có những sai lầm.

Pháp – truyền thống Lamrim – mà tôi sắp thực hành hôm nay, được trao truyền liên tục từ Đức Phật Toàn hảo và Viên mãn tới hai nhà phục hưng/khai phá là Đức Nagarjuna và Asanga, vì thế Pháp này có một nguồn mạch xác thực. Truyền thống Lamrim được trao truyền từ những nguồn mạch xác thực này đáp ứng toàn bộ những ước muốn của chúng sinh một cách dễ dàng và nhanh chóng, vì thế, nó giống như vị quân vương tôn quý của những quán đảnh (viên ngọc như ý). Truyền thống này kết hợp những dòng sông của toàn bộ giải thích tuyệt hảo của những giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa siêu việt, vì thế, nó như một đại dương. Bởi tóm tắt và khám phá những cốt tủy của các Kinh điển và tantra (Mật điển), truyền thống này đáp ứng một chủ đề trọn vẹn. Bởi chủ yếu được dành cho những cấp độ điều phục tâm thức, truyền thống này rất dễ thực hành. Bởi nó được trang hoàng bằng những giáo huấn của Vidyakokila (Rigs-pa’I khu-byug), bậc lỗi lạc trong truyền thống của Nagarjuna và Serlingpa (gSer-gling-pa), bậc lỗi lạc trong truyền thống của Asanga, vì thế, quả thực chúng ta nên cảm thấy may mắn được lắng nghe, suy niệm và thiền định (văn, tư, tu) về những giáo lý như thế (Lamrim). Trong tác phẩm “Bài Ca Tâm linh” (Chứng Đạo Ca) [xin đọc tài liệu tham khảo ở cuối bài], vị Thầy tâm linh (Đức Tsongkhapa) của chúng ta cũng nói:

Đức Nagarjuna và Asanga, Pháp bảo của những bậc uyên bác trong thế giới,

Danh tiếng lẫy lừng trong chúng sinh,

Nhờ các ngài khéo liên tục trao truyền,

Những giai đoạn của con đường giác ngộ,

Bởi con đường này đáp ứng mọi hy vọng của chúng sinh,

Nó là quân vương tôn quý của những quán đảnh của các giáo huấn,

Bởi con đường này kết hợp/tập hợp những dòng sông của một ngàn giáo lý cao quý,

Nó cũng là đại dương của những giải thích vinh quang tuyệt hảo.

Giáo huấn này (Lamrim) tán thán những giáo lý khác về bốn phẩm tính vĩ đại. Nhờ nương tựa vào giáo huấn này, trong toàn bộ giáo lý của Đức Phật, ta nhận ra rằng một vài giáo lý khám phá những con đường chính yếu và những giáo lý khác khám phá những con đường phụ trợ, và ta hiểu rằng bằng những phương pháp trực tiếp hay gián tiếp, đối với một hành giả như bản thân tôi, các giáo lý đó là những hoàn cảnh/điều kiện có lợi trên theo con đường dẫn tới giác ngộ. Vì thế, giáo huấn này có phẩm tính vĩ đại là giúp ta hiểu rằng tất cả những giáo lý của Đức Phật không có điều gì là mâu thuẫn.Với giáo huấn này, những nhận thức sai lầm – việc quả quyết rằng những Kinh điển và Mật điển và những luận thuyết xác thực của chúng soi sáng tâm ý của Đức Phật chỉ là những giải thích để mở rộng việc học tập bên ngoài và việc quan niệm rằng chúng là những nhánh khác của giáo lý chỉ rõ những thực hành cốt tủy không được bao hàm trong những Kinh điển này – sẽ được hoàn toàn soi sáng. Bằng cách ấy, toàn bộ chủ đề của các giáo lý của Đức Phật và những luận thuyết xác thực của chúng – từ những giáo lý về cách đi theo một vị Thầy tâm linh cho tới thiền an định (shamatha, thiền chỉ) và nội quán đặc biệt (vipashyana, thiền quán) – được tóm lược trong những giai đoạn của con đường và coi chúng như những giáo huấn chính yếu. Bởi những giáo lý của Đức Phật khám phá các giáo huấn của những thực hành thiền định phân tích (nội quán) cho những người cần thiền định phân tích và thiền định kiên cố cho những người khát khao thiền định kiên cố (thiền an định), ta hiểu rằng chúng là những giáo huấn tâm linh khám phá các thực hành. Như thế, giáo huấn này có phẩm tính vĩ đại là trợ giúp việc quán chiếu toàn bộ giáo lý của Đức Phật như những giáo huấn tâm linh.

Mặc dù tất cả những giáo lý của Đức Phật và những luận thuyết vĩ đại của những giáo lý đó là những giáo huấn tâm linh tuyệt hảo, nhưng đối với một người sơ học như tôi, là người không nghiên cứu những giáo lý bao la như thế và không nương tựa vào những giáo huấn của các vị Thầy tâm linh, không thể thấu suốt được những cốt tủy của chúng. Mặc dù ta dấn mình vào việc lắng nghe và suy niệm, ta sẽ không hiểu được tâm ý chân thực của Đức Phật, hoặc cho dù ta truy tìm tâm ý ấy, điều đó phụ thuộc vào một nỗ lực to lớn và mất rất nhiều thời gian. Chỉ nhờ nương tựa vào Lamrim – giáo huấn cốt tủy “Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ” (Byang-chub lam-sgrol) của Đạo sư tuyệt hảo Atisha [xin đọc tài liệu tham khảo ở cuối bài] – ta nhận ra những cốt tủy của Kinh điển đồ sộ thật dễ dàng. Vì thế, Lamrim có phẩm tính vĩ đại là giúp ta dễ dàng nhận ra tâm ý chân thật của Đức Phật.

Khi ta khám phá những phẩm tính như thế (đã được đề cập ở trên), ta hiểu rằng toàn bộ những lời Đức Phật giảng dạy là những phương pháp trực tiếp hay gián tiếp để đạt được giác ngộ. Nếu ta cho rằng một vài giáo lý của Đức Phật biểu lộ những phương pháp để đạt giác ngộ và nên được thực hành trong khi những giáo lý khác (của Đức Phật) là những chướng ngại cho sự giác ngộ và nên từ bỏ, thì đó là hành động (karma, nghiệp) từ bỏ Pháp. Nhờ nương tựa vào giáo huấn Lamrim này, như đã đề cập trước đây, chỉ nhờ xác tín rằng toàn bộ giáo lý của Đức Phật không mâu thuẫn, hành vi xấu ác của việc bỏ Pháp sẽ tự nó ngừng dứt. Như thế, việc từ bỏ hành vi vô cùng tiêu cực của việc bỏ Pháp có một phẩm tính to lớn.

Như thế, những người có sự thông tuệ (trí tuệ) hay những người khao khát trí tuệ nhằm khảo sát ý nghĩa/cốt tủy của Kinh điển, sẽ bị quyến rũ bởi giáo huấn tuyệt hảo này – những giai đoạn của Con Đường của chúng sinh thuộc ba căn cơ. Giáo huấn này đã được nhiều hành giả may mắn và những bậc uyên bác của Ấn Độ và Tây Tạng tin cậy và thực hành. Vì thế, thật thích hợp (hợp lý) khi bạn dấn mình vào việc lắng nghe, suy niệm và thiền định đối với giáo huấn này, bởi như đã đề cập trước đây, giáo huấn này có bốn phẩm tính. Đạo sư Tôn quý (Đức Tsongkhapa) cũng nói:

Hành giả sẽ chứng ngộ toàn bộ giáo lý không có những mâu thuẫn của Đức Phật,

Hành giả sẽ thấu suốt toàn bộ giáo lý như những giáo huấn tâm linh,

Hành giả sẽ dễ dàng nhận ra tâm ý của Phật,

Và hành giả cũng được cứu thoát khỏi vực thẳm của những hành vi xấu ác.

Vì thế, những bậc uyên bác của Ấn Độ và Tây Tạng,

Và nhiều người may mắn đã tin cậy vào giáo huấn tuyệt hảo này.

Trong những người thông tuệ, ai không bị quyến rũ

Bởi những Giai đoạn của Con Đường của ba loại chúng sinh?

Giáo huấn này có bốn phẩm tính vĩ đại – những Giai đoạn của Con Đường của ba loại chúng sinh (chúng sinh thuộc ba căn cơ) – đã hợp nhất tất cả tinh túy của toàn bộ Kinh điển trong một quyển sách. Không cần phải đề cập tới những lợi lạc của việc giảng dạy và lắng nghe một lần toàn bộ Lamrim, mà ngay cả một khóa giảng dạy hay lắng nghe truyền thống này cũng mang lại những lợi lạc to lớn. Nhờ suy niệm về những lợi lạc, nhờ phát triển niềm tin nơi vị Thầy (Đức Phật), và Pháp, với động lực và hành vi (công hạnh) trong sạch, nếu giáo huấn này được giảng dạy cho những bình chứa (Pháp khí) thích hợp thì chắc chắn là vị Thầy sẽ tích tập được những lợi lạc tương đương với việc giảng dạy toàn bộ Kinh điển. Nếu giáo huấn này được lắng nghe một cách đúng đắn bằng cách từ bỏ ba lỗi lầm của các bình chứa[1] và với sáu thái độ[2] thì chắc chắn là đệ tử sẽ thâu thập được lợi lạc tương đương với việc lắng nghe toàn bộ Kinh điển. Vì thế, ta nên – và đó là điều hợp lý – nỗ lực thật nghiêm chỉnh và đúng đắn trong việc giảng dạy và lắng nghe truyền thống này như Đạo sư Tôn quý nói:

Bởi tinh túy của toàn bộ Kinh điển được cô đọng ở đây,

Ngay cả một buổi giảng dạy và lắng nghe truyền thống này,

Cũng chắc chắn tích tập một đức hạnh khổng lồ tương đương với việc giảng dạy và lắng nghe toàn bộ giáo lý của Đức Phật,

Vì thế, hãy suy niệm về ý nghĩa (những lợi ích) của nó.

Nếu với sự lắng nghe đúng đắn, giáo huấn này mang lại những lợi lạc bao la như thế thì ta tự hỏi ta nên lắng nghe giáo huấn phi thường này từ ai (từ vị Thầy tâm linh nào). Nói chung, những phẩm tính của một vị Thầy tâm linh thích hợp mà từ ngài ta lắng nghe các giáo lý của Đức Phật được giải thích thật đa dạng trong những văn cảnh của Tiểu thừa và Đại thừa, Kinh điển và Tantra (Mật điển). Tuy nhiên, những phẩm tính của một vị Thầy tâm linh mà từ ngài ta lắng nghe giáo huấn quý báu này nên có những phẩm tính được đề cập trong “Pháp Bảo của Kinh điển Đại thừa” (của Bồ Tát Di Lặc).Vị Thầy ấy nên có những phẩm tính chứng ngộ/thành tựu tâm linh điều phục dòng tâm thức của mình bằng ba tu tập cao (tam học: Giới, định và tuệ), có nghĩa là vị Thầy cần được điều phục bằng ba tu tập giới hạnh, được an định bằng tu tập kiên cố thiền định (định) và hoàn toàn an bình nhờ tu tập nội quán (tuệ). Vị Thầy nên uyên bác về Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận) và v.v.. Vị Thầy ấy nên có nội quán (trí tuệ) hoàn toàn chứng ngộ thực tại/tánh Không. Ông nên có nhiều đức hạnh/những phẩm tính tốt lành hơn các đệ tử của mình (nên uyên bác hơn đệ tử). Đó là sáu phẩm tính mà bản thân một vị Thầy tâm linh phải có.

Vị Thầy ấy nên thiện xảo trong việc áp dụng các phương pháp dẫn dắt đệ tử trong những giai đoạn của con đường và hùng biện để chạm được vào trái tim của các đệ tử. Ông nên có động lực trong sạch của lòng từ (đối với đệ tử) và giảng dạy các đệ tử với lòng đại bi mà không trông chờ của cải hay danh vọng. Vị Thầy ấy nên có nỗ lực hỷ lạc để giảng dạy và v.v.. vì hạnh phúc của người khác. Ông nên chịu đựng những gian khổ trong việc giảng dạy và không mất kiên nhẫn đối với những thực hành sai lạc của đệ tử. Đó là bốn phẩm tính vị tha để chăm sóc chúng sinh.

Vì thế, bạn nên tìm kiếm một vị Thầy tâm linh có mười phẩm tính này, đi theo ngài, và khẩn cầu ngài giáo lý Đại thừa và sau đó nhận lãnh giáo lý một cách đúng đắn.

Nói chung, người nghe Pháp (đệ tử) nên có bốn phẩm tính. Người ấy nên vô tư hay không định kiến, nên có sự thông tuệ để phân biệt những con đường đúng đắn và sai lạc, và nên thích thú theo đuổi con đường đúng đắn. Và vượt lên ba phẩm tính này, người ấy nên có lòng tôn kính đối với giáo lý và vị Thầy.

Một cách cụ thể, đệ tử thích hợp để được dẫn dắt theo con đường này cần có những phẩm tính này. Người ấy nên hết sức quan tâm tới Pháp, tâm thức người ấy nên lanh lợi và tập trung trong thời gian giảng dạy, nên có niềm tin và lòng tôn kính lớn lao đối với Pháp và vị Giáo thọ, và người ấy nên từ bỏ những cách giải thích sai lầm và nhận lãnh những giải thích đúng đắn. (Để đáp ứng phẩm tính cuối cùng) người ấy nên có sự thông tuệ, một điều kiện có lợi và nên vô tư hay không định kiến, để ngăn ngừa điều kiện bất lợi. Sáu phẩm tính này rất cần thiết để trở thành một người lắng nghe Pháp của truyền thống này.

Như thế, nếu bạn muốn trở thành một vị Thầy có đầy đủ phẩm tính của truyền thống này, bạn nên nỗ lực tu tập và vun trồng những phẩm tính của vị Thầy tâm linh đã được nói tới ở trên và khi lắng nghe truyền thống này, bạn nên tu tập và nuôi dưỡng những phẩm tính của đệ tử được đề cập ở trên.

Làm thế nào để lắng nghe và thực hành đúng đắn giáo huấn của các Giai đoạn của Con Đường của chúng sinh thuộc ba căn cơ dưới sự chỉ dạy của một vị Thầy đầy đủ phẩm tính

(Chú thích của dịch giả bản Anh ngữ: Phương pháp chuẩn bị về cách đi theo vị Thầy tâm linh của bạn được chỉ dẫn rộng rãi ở đây. Xin coi ở cuối bản văn này). Đây là thực hành chuẩn bị về cách thức đi theo một vị Thầy tâm linh.

Cách thức thực sự để đi theo một vị Thầy tâm linh được thực hành nhờ thiền định phân tích. Thực ra, những vị Thầy tâm linh vinh quang của bạn là cội gốc của mọi thành tựu tâm linh, nguồn mạch của mọi điều tốt lành/hạnh phúc cho đời này và những đời sau. Giống như một bác sĩ và một bệnh nhân, vị Thầy tâm linh tiệt trừ những căn bệnh đau khổ của bạn. Vì thế, đối với bạn, vị Thầy thật đáng biết ơn. Từ vô thủy cho tới ngày nay, bạn từng liên tục lang thang trong sinh tử. Đó là hậu quả của việc không gặp được những vị Thầy như thế hoặc cho dù bạn đã gặp một vị Thầy nhưng bạn không đi theo ngài một cách đúng đắn. Giờ đây, bạn phải làm vui lòng vị Thầy tâm linh của bạn càng nhiều càng tốt. Bố thí một chén đồ ăn cho một người đang chết đói thì đáng tán thán hơn là tặng một nắm đồng vàng cho một người hoàn toàn thỏa mãn về thực phẩm và của cải. Tương tự như thế, với sự xác tín, hãy suy niệm về việc vị Thầy tâm linh của bạn đáng được biết ơn. Vị Thầy đó còn tử tế hơn toàn bộ chư Phật giống như đã được đề cập trong bản văn tên là “Năm Giai đoạn”:

Đây là Bhagavan (Đức Thế Tôn, Đấng Chiến Thắng Viên mãn) tự-sinh,

Bổn Tôn cao quý, đấng duy nhất,

Nhưng vị Thầy kim cương còn vượt trội hơn Đức Thế Tôn,

Bởi vị Thầy ban dạy thật toàn hảo những giáo huấn cốt tủy.

Trong những đời trước của Đức Phật, để được nghe nửa bài kệ hay chỉ một dòng của một bài kệ chẳng hạn như “Nếu có sinh ra thì có chết đi, Sự tịch diệt này là hỷ lạc” từ những vị Thầy tâm linh của Ngài, bản thân Đức Phật đã cúng dường các vị Thầy một trăm ngàn đồng vàng, thái tử, hoàng hậu của Ngài và v.v.. một cách rộng rãi, và cúng dường ngay cả thân thể Ngài bằng cách đặt một ngàn đèn bơ trên đó, để làm vui lòng hay đền đáp thiện tâm của những vị Thầy tâm linh của Ngài. Bằng những cách này và những cách khác, Đức Phật đã từ bỏ và cúng dường cho những vị Thầy tâm linh thân thể và mọi của cải của Ngài. Bạn nên nghĩ: “Tôi cũng là một môn đồ của Đức Phật và bởi tôi đã nghe những giáo lý vô hạn từ vị Thầy tâm linh của tôi, thiện tâm của ngài bao la biết bao!”Có vài người nói: “Tôi chỉ biết ơn vị Lạt ma này nếu ông ta hiểu biết sâu xa và có đức hạnh to lớn,” và không chút tôn kính, họ nói một cách khinh miệt: “Tôi vừa mới nghe Pháp của ông ta.” Đây là sự hiểu biết hết sức sai lạc. Ví dụ như, cho dù cha mẹ của ta không có sự hiểu biết và không có đức hạnh, ta nên yêu quý thiện tâm của họ và nhờ làm như thế, một lợi lạc vĩ đại phát sinh, trong khi bởi không nhận thức sâu sắc lòng tốt của cha mẹ, có nói rằng đó là một lỗi lầm nghiêm trọng. Điều đó cũng đúng đối với vị Thầy tâm linh của riêng ta.

Khi bạn nói rằng hiện nay bạn hết sức biết ơn người mang lại cho bạn một ít của cải, nhưng ở mặt khác, vị Thầy tâm linh nối kết bạn với toàn bộ hạnh phúc của đời này và những đời sau. Nếu phân tích kỹ càng ta sẽ thấy toàn bộ mức độ hạnh phúc và đau khổ, từ chư Phật và Bồ Tát xuống tới những gia trưởng, thì tùy thuộc vào việc thực hành làm vui lòng hay không làm hài lòng vị Thầy tâm linh. Hơn nữa, nhiều người được các vị Thầy tâm linh của họ dẫn dắt tới sự toàn giác trong một đời người. Nếu tôi làm vui lòng vị Thầy tâm linh của tôi bằng ba sự cúng dường,[3] chắc chắn là tôi có thể đạt được toàn giác. Vì thế, bởi thiện tâm của vị Thầy tâm linh của tôi thật vô lượng, điều hết sức quan trọng là phải làm hài lòng vị Thầy tâm linh tử tế của tôi. Việc gặp được vị Thầy tâm linh tuyệt hảo và được ngài chăm sóc trong những đời sau hoàn toàn tùy thuộc vào việc làm thế nào bạn làm hài lòng vị Thầy tâm linh hiện tại của bạn, là người mà bạn có sự quan hệ/nối kết tâm linh. Vì thế, không có cách nào khác ngoài việc phải tránh những phương pháp sai lạc khi đi theo vị Thầy tâm linh của bạn.

Trong mọi Kinh điển và các luận văn lập đi lập lại rằng: “Bạn nên làm các vị Thầy tâm linh của bạn thật hài lòng.” Không phải là tôi phải lựa chọn điều không mong muốn, hay là [phải lựa chọn] tự ép buộc bản thân mình làm như thế. Không ai không muốn các công đức. Trong nhiều Kinh điển, tantra (Mật điển) và những luận thuyết có nói rằng trong việc tích tập công đức, không có ruộng công đức nào vĩ đại hơn vị Thầy tâm linh của bạn.

Khi bạn thực hành làm vui lòng vị Thầy tâm linh của bạn, ngay từ lúc bắt đầu, đừng để bất kỳ tư tưởng sai lầm nào khởi lên trong tâm bạn đi nghịch lại vị Thầy tâm linh của bạn. Bằng cách xem vị Thầy là tuyệt hảo và có niềm tin nơi ngài không chỉ bằng ngôn từ mà từ tận đáy lòng bạn, bạn nên thiền định cho tới khi chỉ âm thanh danh hiệu của ngài hay một tư tưởng về ngài cũng làm cho lông tóc trên thân thể bạn dựng đứng và đôi mắt bạn đẫm lệ.

Nói chung, như Đức Phật và chư vị Bồ Tát đã nói rằng ta không thể xác định được những lỗi lầm của một chúng sinh, vì thế, không cần nói đến vị Thầy tâm linh của ta. Cho dù bạn phát hiện một khiếm khuyết nơi ngài, điều đó chỉ là nhận thức bất tịnh của bạn. Một vị Thầy tâm linh không thể có những khiếm khuyết như thế. Có một lần, khi thiền định về Đức Di Lặc, Thánh Asanga nhìn thấy một con sói cái, thân dưới của nó nhung nhúc những con dòi. Naropa nhìn thấy Tilopa đang nướng cá sống và v.v.. Và trong những Kinh điển như “Một cuộc gặp gỡ giữa Cha và Con” cũng nói rằng Đức Phật đã hiện thân là một con quỷ để làm việc vì lợi ích của chúng sinh. Vì thế, hãy suy niệm rằng vị Thầy tâm linh của bạn không thể có những khiếm khuyết và ngài chắc chắn là một vị Phật thực sự.

Về mặt khác, nếu bạn bất kính và xem thường vị Thầy tâm linh của bạn với những tư tưởng sai lầm đi nghịch lại ngài, thì có nói rằng đó là những ác hạnh nghiêm trọng nhất như được đề cập tới trong “Tantra Guhyasamaja Gốc”, “Năm mươi Câu Kệ Guru Yoga” của Ashvagosha (Mã Minh) và v.v.. Vì thế, giống như cuộc đời của Drom Tonpa (như được nhắc tới trong tiểu sử của ngài), bạn không nên vội vàng tìm kiếm nhiều vị Thầy, một khi bạn đã chấp nhận một vị Thầy tâm linh, đừng bao giờ để cho những tư tưởng bất kính chống lại vị Thầy khởi lên trong tâm bạn cho dù đời bạn bị lâm nguy. Đạo sư Tôn quý cũng chỉ dạy với lòng từ ái bao la:

Cội gốc của sự tương thuộc khéo đem lại

Toàn bộ những điều tốt lành của đời này và những đời sau

Nằm ở chỗ tuân theo vị Thầy tâm linh – người dẫn đường – một cách đúng đắn

Trong mọi tư tưởng và việc làm với rất nhiều nỗ lực.

Nhìn thấy điều này, hãy tuân theo ngài ngay cả khi đời bạn bị nguy hiểm,

Và làm vui lòng ngài bằng cách tuyệt đối vâng theo lời dạy của ngài – sự cúng dường thực hành.

Tôi, một hành giả, đã thực hành theo cách đó.

Các bạn, những người tìm kiếm giải thoát, cũng nên thực hành tương tự.

Nếu đây là phương cách để nỗ lực và đi theo một cách đúng đắn vị Thầy tâm linh của bạn, là người chỉ ra con đường, và làm hài lòng ngài bằng cách cúng dường ngài thực hành của bạn thì bạn tự hỏi bạn nên hoàn thành lời khuyên dạy nào. Đó là thực hành một cách đúng đắn những giáo huấn về Phật Pháp mà vị Thầy tâm linh đã ban cho bạn. Không có vật cúng dường thực hành nào khác ngoài việc làm cho đời người này trở nên có ý nghĩa – một cuộc đời với những sự nhàn nhã và thuận lợi còn quý báu hơn một viên ngọc như ý, mà xét về mặt nhân và quả thì cực kỳ khó được và một khi đã tìm thấy thì nó có thể hết sức giá trị. Vì thế, nghiến chặt hàm răng, tôi không được để cho đời người này – chỉ có được vào lúc này – trở nên lãng phí. Nếu tôi không thể sử dụng đời người quý báu này thì điều đó chẳng khác gì làm thối rữa trái tim tôi.Những hành động vượt trội kẻ thù và bảo vệ những người thân trong đời này, là những điều được thiết lập đối với nhận thức của người khác (gây ấn tượng cho những người khác), việc giảng dạy và lắng nghe Pháp hay giữ các giới nguyện và v.v.. được thúc đẩy bởi tư tưởng thu hoạch của cải và danh vọng thì cần được loại bỏ. Nếu bạn không loại bỏ những hành động trắng, đen và lốm đốm màu (thiện, ác và không thiện cũng không ác) này của tám mối quan tâm thế tục và không chân thành thực hành Pháp chẳng hạn như thiền định về sự vô thường và v.v.., tương lai của bạn sẽ bị nguy hiểm hơn bao giờ hết (trong thế giới này). Trong đời này, nếu bạn thực hành Pháp thuần tịnh, là điều sẽ không làm phật lòng bạn, thì cuối cùng, nền tảng vững chắc của tương lai của bạn sẽ được thiết lập và điều đó còn tốt đẹp hơn mọi sự trong thế gian. Vì thế, tôi nên ngoảnh mặt với những hoạt động thế tục không cần thiết, lợi lạc thì ít mà nguy hiểm thật nhiều. Giống như sàng sẩy vỏ hạt, tôi nên làm cho đời người này có ý nghĩa bằng cách sử dụng nó, để khi chết tôi sẽ không phải hối tiếc. Bằng động lực của việc thực hiện điều đó, ngay lập tức, hãy phát triển ước muốn rút ra được tinh túy của đời người này giống như một người khát mong mỏi được uống nước. Đạo sư Tôn kính nói:

Đời người quý báu hơn một viên ngọc như ý,

Đã tìm được, nhưng chỉ hiện hữu trong lúc này,

Khó đạt được nhưng rất dễ tan rã như một tia chớp,

Nhìn thấy bản chất này, hãy loại bỏ những hoạt động thế tục,

Giống như sàng sẩy vỏ trấu,

Và ngày lẫn đêm, hãy làm cho đời người này có ý nghĩa.

Nếu ta phải rút ra tinh túy của đời người này, ta nên rút ra tinh túy như thế nào? Điều này được nói trong hai tiêu đề: Làm thế nào phát triển sự xác tín trong việc giới thiệu tổng quát những con đường, và phương cách thực sự để rút ra được tinh túy.

LÀM THẾ NÀO PHÁT TRIỂN SỰ XÁC TÍN TRONG VIỆC GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT NHỮNG CON ĐƯỜNG

Trước tiên, điều tối quan trọng là phải có một sự hiểu biết về cách phát triển xác tín trong việc giới thiệu tổng quát những con đường. Vì thế, tôi sẽ giải thích vấn đề này một cách ngắn gọn dưới hai tiêu đề: Làm thế nào con đường dành cho chúng sinh thuộc ba căn cơ (Lamrim) kết hợp toàn bộ giáo lý của Đức Phật và những lý do để dẫn dắt nhờ chúng sinh thuộc ba căn cơ.

1) Làm thế nào Con Đường dành cho Chúng sinh thuộc Ba Căn cơ (Lamrim) Kết hợp Toàn bộ Giáo lý của Đức Phật

Vì những lợi lạc của chúng sinh, trước tiên Đức Phật đã phát triển Bồ đề tâm, tích tập công đức và trí tuệ ở đoạn giữa, và cuối cùng thành tựu sự toàn giác. Ngay cả những giáo lý mà Ngài giảng dạy cũng chỉ là vì lợi ích của chúng sinh. Có hai loại hạnh phúc được thành tựu cho chúng sinh. Đó là những lợi lạc nhất thời của sự tái sinh cao và sự tốt lành tối thượng.

Những giáo lý của Đức Phật được giảng dạy để thành tựu những lợi lạc nhất thời được kết hợp trong những giáo khóa có nghĩa là trước hết những giáo lý đó được dành cho hay thường được dùng cho những người hạ căn. Tính chất của người hạ căn được phác họa trong “Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ” của Đức Atisha:

Bằng những phương pháp khác nhau, những ai

Chỉ nhắm tới hạnh phúc trong sinh tử,

Bận tâm tới lợi ích của riêng mình,

Được gọi là người hạ căn.

Như có nói người hạ căn không quan tâm nhiều tới đời này mà quan tâm nhiều tới hạnh phúc của những tái sinh cao trong đời sau và làm những thực hành dẫn họ tới mục tiêu đó.Có hai loại tốt lành tối thượng: Sự giải thoát đơn thuần khỏi luân hồi sinh tử và sự toàn trí. Những giáo lý của Đức Phật được giảng để thành tựu sự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử được kết hợp trong các giáo khóa chủ yếu được dành cho hay thường được dùng cho người trung căn. Tính chất của người trung căn được phác họa trong “Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ” của Đức Atisha:

Người quay lưng với hạnh phúc trong sinh tử,

Tránh những ác hạnh,

Và chỉ nhắm tới sự an bình cho chính mình,

Được gọi là người trung căn.

Như có nói, chúng sinh trung căn quay lưng lại với sự toàn thiện và những điều kỳ diệu của sinh tử và nhắm vào việc thành tựu giải thoát khỏi sinh tử, và để làm được điều đó, người ấy thực hành những tu tập cao cấp hơn. Có hai phương pháp – Thần chú Thừa (Mật thừa) và Ba la mật Thừa – để đạt được trạng thái toàn trí. Cả hai giáo lý này được kết hợp trong những giáo khóa của người thượng căn. Tính chất của chúng sinh thượng căn được phác họa trong “Ngọn Đèn Soi Đường Giác ngộ” của Đức Atisha:

Người nhìn thấy đau khổ trong cuộc đời của chính mình,

Và, nhận ra rằng những người khác cũng đau khổ tương tự,

Ước muốn hoàn toàn dập tắt mọi nỗi khổ,

Đó là người tuyệt hảo.

Như đã nói, người thượng căn là người bị ảnh hưởng/được xui khiến bởi lòng bi mẫn, nhắm tới việc đạt được trạng thái toàn trí nhờ thực hành sáu ba la mật[4] và hai giai đoạn (phát triển và thành tựu) để dập tắt mọi đau khổ của chúng sinh.

2) Những Lý do để Dẫn dắt nhờ Chúng sinh thuộc Ba Căn cơ

Ở đây, mặc dù những thực hành của chúng sinh thuộc ba căn cơ được giảng dạy, tuy nhiên, trong văn cảnh này, ta nên hiểu rằng hai thực hành thấp thì cần thiết như những chi nhánh của con đường dẫn tới con đường của người thượng căn. Ở đây, cụ thể là ta không dùng những con đường của người hạ căn chỉ để thành tựu sự toàn thiện và những điều kỳ diệu của sinh tử, ta cũng không áp dụng những con đường của người trung căn để thành tựu giải thoát. Nhưng, trong thực tế, một vài con đường thông thường của hai căn cơ thấp và trung bình được dùng như những thực hành chuẩn bị dẫn tới những con đường thực sự của người thượng căn.

Lý do đằng sau của việc thực hành như thế là ngoài Bồ đề tâm ra, ta không có lối nào khác để đi vào Đại thừa, và điều quan trọng là phải phát triển Bồ đề tâm. Trước hết, ta nên phát triển năng lực của nhiệt tâm bằng cách suy niệm về những lợi ích của Bồ đề tâm. Những lợi ích của Bồ đề tâm được tóm tắt trong hai vấn đề: những lợi lạc nhất thời và những lợi lạc tối hậu. Với Bồ đề tâm, ta có thể dễ dàng thành tựu những kết quả nhất thời là hạnh phúc của những tái sinh cao. Ngay cả trạng thái toàn trí tối hậu cũng đến bằng phương tiện của việc phát triển Bồ đề tâm. Vì thế, ta phải phát triển Bồ đề tâm.

Như một điều kiện tiên quyết cho Bồ đề tâm, ta phải phát triển lòng đại bi (maha-karuna), sự đồng cảm không chịu đựng nổi những đau khổ dày vò của tất cả chúng sinh. Để phát triển lòng bi mẫn, điều cần yếu là phải có một cảm thức mạnh mẽ không mong muốn bản thân ta bị đau khổ. Vì thế, trước hết, ta phải tu tập những con đường của người hạ căn bằng cách suy niệm về những đau khổ dày vò của các cõi thấp, thực hành đó phát triển một ước muốn được giải thoát khỏi những đau khổ như thế. Sau đó, ta tu tập những con đường của người trung căn nhờ suy niệm về việc hạnh phúc không hiện hữu một cách độc lập trong các cõi cao, điều này phát triển sự từ bỏ, ước muốn được giải thoát khỏi tất cả các cõi trong sinh tử. Sau đó, nhờ kinh nghiệm của riêng ta về những đau khổ dày vò, ta tu tập để phát triển lòng từ, bi, và Bồ đề tâm để giải thoát tất cả những bà mẹ chúng sinh bị hành hạ bởi những đau khổ. Như thế, những tu tập thông thường của người hạ căn và trung căn là những phương pháp tuyệt vời để dẫn tới những con đường của người thượng căn.

Đức Dalai Lama Thứ Ba (1543-1588)

Nguyên tác: “The Essence of Refined Gold: The Guidelines of the Stages of the Path of Enlightenment về “Bài Ca Tâm Linh Lamrim” của Đức Tsongkhapa

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Tinh chất của vàng tinh luyện: Nguyên lý chỉ đạo các giai đoạn của con đường Giác Ngộ – Chùa Bửu Châu – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (chuabuuchau.com.vn)