Thực hành xả ly từ bên trong

Với người thân mến tâm tham luyến,
Gió lòng lay động lũ cuồn thân.
Sân hận oán hờn tựa lửa thiêu.
Với kẻ không ưa tâm hiềm giận,
Vô minh quên hẳn Chân giáo pháp,
Nên còn thủ xả mãi si mê.
Nay giã từ quê hương bám chấp,
Xả ly chấp trước Phật tử hành.

Có một loài côn trùng mà tôi không nhớ tên là gì có thể tiết ra nước bọt vô cùng dính kết từ miệng. Thứ nước bọt này sẽ từ từ bao phủ khắp toàn thân và hậu quả là đến lúc nào đó loài côn trùng bị giết chết bằng chính nước bọt của chúng. Tự bản thân chúng gây ra điều đó. Tôi cũng không biết vì sao điều này xảy ra, nhưng đó chính là nghiệp. Chúng tôi luôn nêu thí dụ này ra vì điều này rất giống với những gì chúng ta đang làm. Chúng ta tự xiềng xích chính mình bằng sự bám chấp cho tới khi chúng ta không biết làm thế nào để cử động được. Không chỉ vậy, chúng ta còn không thể có lựa chọn nào cả. Cho dù bị thiêu đốt bởi lửa sân giận, chìm đắm trong biển tham dục hay ngập tràn sự căm ghét, cách nào chúng ta cũng luôn đau khổ. Và sau hết, đôi khi chúng ta có thể nhận thức được điều này song đến lúc đó gần như không thể nào thoát ra khỏi được nữa.

Hạnh xả ly là giáo pháp vô cùng tinh tế và thâm diệu, không dễ dàng để đàm luận chút nào. Để có thể xả ly, bạn hẳn phải rất thông minh hoặc rất ngốc nghếch, những người ở khoảng lưng chừng khó có thể làm được điều này. Đa số những người ngờ nghệch đang cố gắng bắt đầu. Chẳng hạn một số từ phương Tây, những nước hiện đạivăn minh như Nhật Bản, khi nghe thấy xả ly là điều quan trọng, họ liền rời bỏ tất cả và bỏ đi. Rồi họ làm như đang thực hành và xả ly song thực chất họ chẳng hề xả ly thực sự mà chỉ càng bị chìm đắm sâu hơn. Họ có thể thử tới Ấn Độ – thông thường nơi thích hợp nhất là Ấn Độ hoặc Nepal vì chi phí ở đây không quá đắt đỏ. Chỉ với 100 đô la Mỹ, họ có thể sống tử tế và vui vẻ trong suốt ba tháng và họ rất hài lòng cho rằng mình đã thực sự “xả ly”. Song đó không phải là cách để xả ly. Xả ly cần phải đi kèm với trí tuệ hay sự thấu hiểu từ bên trong.

Xả ly chân thực cần phải được hình thành từ hiểu biết thực sự, không phải theo cách mà tôi vừa mới kể. Xả ly cần phải song hành với không bám chấp. Không bám chấp cũng phải bắt nguồn từ sự xả ly từ bên trong, xả chấp từ bên trong – hay sự thấu hiểu sâu sắc thế nào là xả ly và không bám chấp. Sự xả ly bên ngoài là cần thiết song điều quan trọng hơn là sự xả ly và không bám chấp từ bên trong, đó là điều chúng ta đang thiếu. Là những hành giả thực hành giáo phápchúng ta cần chú trọng tới điều này bất kể chúng ta đang làm gì. Chẳng hạn, những người tới Nepal và cho rằng mình đang thực hành sự xả ly, song họ sống ở đây chẳng qua vì cuộc sống ở đây không quá đắt đỏ và dễ dàng. Tôi không hề nói tất cả những người làm như vậy đều là vô nghĩa, nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là họ có thực sự xả ly hoàn toàn hay vì những lý do khác? Những câu hỏi như vậy thậm chí còn không nên đặt ra bởi xả ly phải là sự xả chấp thực sự, xả ly thực sự. Sự xả ly từ bên trong cần được trưởng dưỡng trước tiên, rồi sau đó, sự xả ly bên ngoài có được trưởng dưỡng hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Sự xả ly từ bên trong cần phải được trưởng dưỡng thông qua sự hiểu biết về tính không, chẳng hạn như hiểu biết về sự hiện hữu của một ngôi nhà. Trong kinh điển nói rằng để có thể giải thoáthành giả thực hành Bồ tát hạnh cần phải rời bỏ ngôi nhà của mình và đi tới những nơi không còn phát sinh xúc tình của sự bám chấp. Ngôi nhà được coi là nơi tạo ra rất nhiều ham muốn, rất nhiều sự ganh ghét và rất nhiều xúc tình tiêu cực. Nếu bạn không có sự xả ly từ bên trong thì việc rời bỏ Nhật Bản để sang Mỹ chẳng hạn có thể gây ra cho bạn nhiều rắc rối và thậm chí còn nhiều xúc tình hơn. Cho dù sống ở Mỹ bạn có thể thoải mái về vật chất hơn, song việc rời khỏi Kyoto để đến San Francisco mua một ngôi nhà khác liệu có nghĩa lý gì? Rồi bạn cũng sẽ mua một ngôi nhà, kế đó là tìm một cô vợ hoặc một anh chồng, xây dựng gia đình và mua một chiếc xe hơi và rồi bạn cũng sẽ giống hệt như khi bạn ở Kyoto. Vì vậy, điều tôi muốn nói ở đây là trước khi rời bỏ ngôi nhà của bạn, bạn cần phải phá tan mọi ảo tưởng và xả ly vạn pháp từ bên trong. Bạn cần hiểu biết về điều đó cho dù bạn có đang ở Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ hay bất cứ đâu. Dần dầnchúng ta sẽ có thể giảm bớt được sự bám chấp nặng nề của mình.

Chúng ta tự xiềng xích chính mình bằng sự bám chấp. Hạnh xả ly là giáo pháp vô cùng tinh tế và thâm diệu, xả ly cần phải đi kèm với trí tuệ hay sự thấu hiểu từ bên trong và phải là sự xả chấp thực sự. Sau đó, sự xả ly bên ngoài có được trưởng  dưỡng hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Có thể bạn sẽ nói: “Tôi đồng ý về chuyện San Francisco, nhưng đối với Nepal thì sao? Đất nước này nằm trong dãy Himalaya linh thiêng và rõ ràng là có rất nhiều thánh địa với điều kiện thuận lợi như tự viện hay các bậc Thượng sư. Ở đó chẳng hề có đường xá đẹp đẽ, xe cộ hay nhà cửa to đẹp cũng như những của cải vật chất khác khiến con người bám chấp. Như vậy có giống nhau đâu”. Liệu như vậy có tốt hơn không? Điều này còn phải xem xét. Bạn có thể đi đến Nepal hay bất cứ nơi nào khác trên dãy Himalaya và sống trong hang động, bỏ lại phía sau một đất nước văn minh như Nhật Bản và sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nguyên sơ không hề có điện, đường nhựa cho xe chạy, thậm chí chẳng có đường mòn để đi bộ, không có thức ăn ngon, nhưng nếu bạn không có sự xả ly từ bên trong thì hãy thử hình dung xem điều gì sẽ diễn ra?

Theo kinh nghiệm của tôi thì có rất nhiều thứ khiến cho bạn có thể bị bám chấp. Tôi đã sống trong hang rất nhiều lần trong những quãng thời gian dài và cố gắng thử thiền định, song tôi vẫn bám chấp. Có thể ở đó có một phiến đá tảng tự nhiên có mặt thật phẳng nơi tôi đặt nến. Những phiến đá khác có thể gồ ghề hoặc tròn hơn khiến tôi bám chấp vào phiến đá kia. Tôi vẫn còn nhớ chuyện này. Tôi thực sự bám chấp vào nó và điều này thật vô nghĩa. Không chỉ có phiến đá đó thôi mà là toàn bộ cái hang đá ấy, tôi đã sống trong đó nhiều tháng và giờ đây nó đã trở thành cái hang của tôi. Và tôi bắt đầu khởi nghĩ: “Mình có một nơi nhập thất thuận tiện quá, quãng thời gian mình sống trong cái hang này thật là tuyệt vời!”. Điều này cho thấy tôi đã bám chấp vào cái hang. Nếu vậy thì tốt hơn hết là tôi nên ở Kyoto hay San Francisco, tại sao tôi lại phải vào hang động nếu như sự bám chấp từ bên trong vẫn còn đó?

Như vậy, khi ở trong hang động hay ở bất cứ một nơi hẻo lánh nào khác, tâm của bạn vẫn có thể phiêu du tới Kyoto, hay vào thành phố, có thể vào một sàn nhảy hay một quán bia. Điều này có nghĩa là thân thể của bạn ở trong hang nhưng tâm thì không. Bạn có thể đang trì tụng hoặc thiền định với thân mình nhưng điều cốt tủy lại là tâm của bạn, thân của bạn ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là tâm, là ý thức, là những dòng tâm thức nối tiếp nhau đi tới Niết bàn. Thân xác có thể bị thiêu hủy hay an táng trong vài năm nữa song điều đó chẳng thành vấn đề, bởi nếu thân ở một nơi, tâm lại ở một nơi khác thì đây không phải là sự xả ly mà chúng ta đang đàm luận hay được nhắc tới trong giáo Pháp. Khi kinh điển nói rằng bạn cần phải rời bỏ nhà mình, điều đó có nghĩa là cả thân và tâm của bạn đều phải thực hành như vậy. Bạn phải tới một nơi không hề có sự xuất hiện của các xúc tình: không sân giận, không tham luyến, tràn đầy an lạc.

Trong kinh điển có viết:  “Ghét bỏ kẻ thù và tham luyến bạn hữu”, đây là hai đối tượng căn bản khiến chúng ta phiền nãoTham luyến bạn hữu cũng bao gồm cả gia đình, vợ chồng, còn sự căm ghét là đối với kẻ thù. Những xúc tình này nảy sinh từ sự bám chấp bên trong của bạn, chứ không phải từ ngôi nhà. Nếu bạn có thể phá hủy hoặc giảm bớt những bám chấp này thì bạn có thể cứ ở lại nhà của mình cũng không việc gì, ngôi nhà không phải là thứ gây ra phiền phức. Nhưng nếu bạn không thể hạn chế được những xúc tình ấy thì thông thường việc thay đổi nơi chốn sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Đây cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi. Cho dù sự bám chấp vẫn có ở đó song việc thay đổi nơi chốn có thể sẽ làm giảm bớt phan duyên khiến bạn có sự bám chấp chặt chẽ với một ai hay một thứ gì đó, nó làm giảm bớt các duyên để xúc tình bám chấp không quá mạnh mẽ cho dù thực sự bạn vẫn còn chút bám chấp vào thứ này hay thứ khác. Dựa trên kinh nghiệm mà nói thì điều này cũng giúp ta rất nhiều.

Việc thực hành hạnh xả chấp tại gia đình hay ở một nơi có nhiều đối tượng ái chấp hay kẻ thù – những người có thể sẽ làm khởi sinh xúc tình nơi bạn – sẽ gây thêm khó khăn trên bước đường thực hành Pháp. Nương lại quá lâu ở một nơi, với một người, trong một hoàn cảnh nhất định sẽ có thể gây nhiễu loạn cho hành giả thực hành Bồ tát hạnh và họ cần phải hạn chế việc thiết lập những mối liên hệ có thể ràng buộc họ.

Như thế nếu đứng trên quan điểm tâm linh thì việc thay đổi chỗ ở thường xuyên sẽ là việc nên làm và thuận lợi cho sự thực hành. Việc này dường như đối lập với cách nói hay lối suy nghĩ của thế tục. Giống như tôi đã nói ở trên, chúng ta thường tận hưởng cảm giác dễ chịu của một cuộc sống ổn định: Cha mẹ mong muốn cho con trai hoặc con gái của mình có đời sống ổn định nên con cái họ cũng thường mong đợi điều đó. Ổn định, theo một nghĩa, tức là họ sẽ tìm kiếm một người vợ hoặc một người chồng, rồi mong đợi một em bé ra đời, rồi lần lượt là một ngôi nhà, một công việc, và con đường đó sẽ trở thành xiềng xích của chính họ. Họ không hề biết rằng họ đang tự choàng xích vào cổ chính mình rồi họ còn bấm thêm một ổ khóa vào sợi dây xích đó, do vô minh nên họ vui vẻ với điều đó.

Đây là cách làm điển hình của chúng sinh trong luân hồi. Đó là nguyên do vì sao khi lấy chồng lấy vợ, đám cưới bao giờ cũng là một sự kiện lớn nhất trong cuộc đời của họ. Đó là sự kiện lớn nhất vì họ nghĩ rằng đó là điều tốt đẹp nhất. “Chúng ta tổ chức lễ cưới rồi chờ đợi sự ra đời của một đứa trẻ”. Xét từ góc độ của cuộc sống thế tục, điều này thật tuyệt vời, nhưng trên bình diện tâm linh, điều này thật vô nghĩa. Có lẽ tôi không nên nói là vô nghĩa, vì có thể điều đó sẽ mang đến lo lắngphiền muộn cho bạn, nhưng quả thực nếu quán xét kỹ chúng ta sẽ thấy tất cả chỉ là sợi xích trói của luân hồi. Tôi đang chỉ nói theo kinh nghiệm của cá nhân và bạn hoàn toàn có quyền kiểm chứng xem điều này có đúng hay không, bạn không cần phải tin vào những gì tôi trải nghiệm. Tuy nhiênluân hồi thực tế đang vận hành theo cách như vậy. Đây không phải là điều mà chúng ta phải thay đổi ngay lập tức, đó không phải là vấn đề cấp bách hay khẩn cấp nhưng đó là một điều thú vị để suy ngẫm và cùng luận bàn.

Để trở thành một hành giả vĩ đại chân chính thì ngoài việc thực hành giáo Pháp của đức Phậtchúng ta phải tránh tự trói buộc xiềng xích quanh mình, chúng ta phải tránh bất cứ môi trường nào tạo duyên cho điều đó xảy ra. Một khi đã bị xiềng xích trói quanh, bạn gần như không thể gỡ nó ra được nữa. Tuy nhiên nếu đã trót trói buộc mình, bạn cần biết rằng chúng ta vẫn còn có hy vọngPhật pháp vô cùng thiện xảolinh hoạt nhiệm mầu bởi trong mọi khó khăn chúng ta sẽ luôn có giải pháp. Nếu biết xả bỏ từ bên trong thì chúng ta có thể thực hành Phật pháp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Nguyên tác: 37 phẩm Bồ Tát hạnh

Phẩm 1: Thân người quý giá và cơ hội thực hành Bồ tát đạo – Phật Học – THƯ VIỆN HOA SEN (thuvienhoasen.org)