Chuẩn bị cho Pháp tu tâm

​I. Chuẩn bị cho pháp tu tâm

Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!

Tôi không biết phải bắt đầu giảng về Bảy Điểm Luyện Tâm như thế nào [Thầy cười]. Chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm đã được phát cho mọi người, nên có lẽ quý vị đều đã có bản kinh. Hôm nay, tôi sẽ giảng về nền tảng, hoàn cảnh ra đời của pháp tu Bảy Điểm Luyện Tâm. Có nhiều cách luyện tâm khác nhau, và Bảy Điểm Luyện Tâm là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để luyện tâm. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để luyện tâm, và có tất cả bảy bước.

Luyện tâm là gì ?

Trước khi đi vào chánh văn, chúng ta cần hiểu “luyện tâm” nghĩa là gì. Thông thường, chúng ta có nhiều hình thức rèn luyện, như rèn luyện thể chất và những loại khác. Pháp tu này đặc biệt để luyện tâm. Ở đây, chúng ta cần hiểu hai điều: lợi lạc của việc luyện tâm và cách luyện tâm. Nói chung, chúng ta cần hiểu một điều đơn giản. Có rất nhiều chuyện xảy đến trong cuộc sống, vài hoàn cảnh thuận lợi, nhưng cũng có những hoàn cảnh bất thuận. Đôi lúc chúng ta đối mặt với thử thách, và cũng có nhiều lúc chúng ta có thể vượt qua khó khăn. Có rất nhiều sự việc xảy đến trong cuộc sống. Mỗi khi phải đương đầu với nhiều biến cố khác nhau, chúng ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng ta. Nếu luyện tâm thì tác động tiêu cực của chúng lên tâm ta sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Đó là lợi ích chính của luyện tâm. Đôi lúc, khi biến cố xảy đến, chúng ảnh hưởng nặng nề đến tâm ta. Lợi lạc của việc luyện tâm là mỗi khi nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống, chúng ta có thể kiểm soát tác động của nó lên tâm trạng của mình. Vì vậy, mục đích của việc luyện tâm là để giảm thiểu tác động của ngoại cảnh lên tâm ta khi ngoại cảnh không diễn ra như những gì chúng ta mong muốn. Thuật ngữ chuyên ngành là “sang chấn tâm lý” [mental trauma]. Sang chấn tâm lý xảy ra khi quý vị bị sốc hoặc khi có biến cố nào đó xảy đến mà quý vị thật sự không muốn và không thể chấp nhận chúng. Khi có một biến cố như vậy xảy ra thì nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến tâm trạng của quý vị. Thuật ngữ chuyên ngành là “sang chấn tâm lý”. Theo quan điểm của Phật giáo, khi đã luyện tâm thì quý vị sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực và nặng nề bởi những hoàn cảnh không như ý trong cuộc sống.

Có một bài thơ nổi tiếng ở Tây Tạng, đại ý là mỗi khi điều tốt lành diễn ra trong cuộc sống thì chúng ta sẽ cảm thấy vui sướng hoặc hạnh phúc; tuy nhiên, có cách nào để kéo dài thời gian vui sướng và hạnh phúc đó không? Rất đơn giản, khi quý vị uống rượu, nếu quý vị uống một ly rượu thì sẽ cảm thấy sảng khoái. Để kéo dài sự sảng khoái đó, người ta sẽ uống hai ly, ba ly và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thực tế thì nếu uống thêm rượu thì quý vị cũng không thể kéo dài thời lượng của hạnh phúc. Khi đó nó sẽ trở thành thảm kịch, vì rượu là một thứ gây nghiện. Nếu quý vị uống một viên ma túy thì sẽ cảm thấy khoái lạc trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu muốn kéo dài thời gian khoái lạc, quý vị uống hai, ba, bốn viên hoặc nhiều hơn, và quý vị nghiện ma túy; đó là một thảm kịch. Câu hỏi đến từ bài thơ ở Tây Tạng là có cách nào để kéo dài thời gian sảng khoái và hạnh phúc không? Nếu nhìn vào khoái lạc thể chất, chúng có thời lượng hữu hạn. Không ai có thể kéo dài thời lượng đó. Thời lượng của cơn khoái lạc thể xác là rất hạn chế. Nếu cố kéo dài thời lượng đó thì nó sẽ trở thành thảm họa. Tuy nhiên, thời lượng của khổ đau thể chất thì lại có thể dễ dàng được kéo dài. Lợi ích của việc luyện tâm là nếu có thể luyện tâm thành công thì quý vị có thể kéo dài khoái lạc tinh thần và hạnh phúc nội tâm. Nếu nghe một tin tốt lành thì quý vị sẽ hạnh phúc; và nếu có thể luyện tâm thì thời gian hạnh phúc đó có thể được kéo dài. Đây là lợi lạc của luyện tâm.

Bảy điểm luyện tâm

Bây giờ đến vấn đề thứ hai: Luyện tâm như thế nào? Có bảy bước luyện tâm, do đó chúng ta nói về pháp hành Bảy Điểm Luyện Tâm. Khi nói về luyện tâm thì nó không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào. Luyện tâm là để có đời sống tinh thần khỏe mạnh. Nếu muốn có đời sống tinh thần khỏe mạnh thì quý vị phải luyện tâm. Nếu cần khỏe về thể chất thì quý vị phải tập thể dục. Tương tự, pháp luyện tâm dạy quý vị làm thế nào để có đời sống tinh thần khỏe mạnh. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất là hai điều liên hệ rất mật thiết với nhau. Khi tinh thần không thật sự khỏe khoắn thì nó tác động rất nhiều đến sức khỏe thể chất. Ở Việt Nam, vào dịp Tết quý vị thường chúc nhau “Chúc anh dồi dào sức khỏe và hạnh phúc!”, nhưng quý vị không biết cách sống hạnh phúc. Đó là điều quan trọng. Khi nói đến sức khỏe thì ngay lập tức người ta nghĩ đến sức khỏe thể chất. Sức khỏe tinh thần có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất. Sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy sức khỏe tinh thần đóng góp rất nhiều vào sức khỏe thể chất. Luyện tâm chính là chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đây là một lợi lạc khác của luyện tâm.

Bây giờ, làm thế nào để luyện tâm? Như tôi đã nói, có bảy bước luyện tâm. Đây là những bước rất đơn giản chứ không hề phức tạp. Tôi có thể nói nếu thực hành theo bảy bước này thì quý vị có thể thấy thay đổi sớm nhất sau sáu tháng. Tôi sẽ nói một điều rất đơn giản. Hiện tại tôi đang hướng dẫn lớp học. Nhiệt độ nơi quý vị là bao nhiêu? Tôi nghĩ ở miền Nam nhiệt độ khoảng 36-37 độ C. Thế còn nhiệt độ ở miền Bắc? Ở Kathmandu, hiện tại nhiệt độ vào khoảng 32 độ C. Có lẽ quý vị đang dùng máy điều hòa hoặc quạt điện, còn tôi đang ở trong một căn phòng không có máy điều hòa và cũng không có quạt. Nếu nóng thì tôi uống nước [Thầy cười]. Thêm vào đó, tôi phải cảnh giác vì nếu có động đất thì tôi phải chạy. Hoàn cảnh sống có thể rất khó khăn, nhưng ý của tôi là quý vị phải xem xét trạng thái tinh thần trong những hoàn cảnh như vậy. Khi đối mặt với nghịch cảnh và khó khăn vật chất, người ta sẽ cảm thấy tuyệt vọng nếu tinh thần của họ không mạnh mẽ. Khi người ta cảm thấy tuyệt vọng thì họ đánh mất cuộc sống của chính mình. Sẽ không còn niềm vui được sống nữa. Luyện tâm cũng giống như tư vấn tâm lý, tâm lý trị liệu hoặc bất cứ tên gọi nào khác mà quý vị đặt cho pháp tu này. Đó chính là những chỉ dẫn tâm linh tốt nhất đã được Đức Phật khám phá 2500 năm trước.

Hôm nay có một sự việc rất thú vị đã xảy ra. Hôm nay tôi đến bệnh viện chính phủ để trao tặng một số thiết bị. Chúng tôi đã có buổi thảo luận ngắn về việc không chỉ chữa trị cho bệnh nhân mà còn phải tư vấn tâm lý cho họ. Hiện tại, việc chữa trị cho nạn nhân động đất vẫn không giúp họ hết hoang mang và sợ hãi. Chúng tôi đã thảo luận chút ít, không thật trọn vẹn vì thời gian của tôi hôm nay rất hạn hẹp. Vài ngày trước, tôi đi chợ và đã có một cơn dư chấn nhỏ. Tôi nghĩ người ta đã phản ứng thái quá trước cơn dư chấn nhỏ đó, nhiều người đã bỏ chạy. Tôi rất hiểu họ hoang mang đến mức nào, nhưng tôi nghĩ lúc đó họ đã phản ứng trên mức cần thiết, dù dư chấn không mạnh, chỉ là một cơn địa chấn nhỏ thôi. Họ phản ứng thái quá chủ yếu vì tâm họ đầy rẫy hoang mang và sợ hãi. Chính vì vậy, một mục đích của việc luyện tâm là để vượt qua nỗi sợ như vậy. Đó là một lợi lạc nữa của luyện tâm. Vào lúc tôi đang ở chợ, mọi người thật sự rất hoảng loạn và phản ứng thái quá. Học trò của tôi cũng hoảng sợ khi anh ta thấy phản ứng của mọi người.

Bây giờ quý vị có thể nhìn vào chánh văn của pháp luyện tâm, trang thứ nhất. Hãy nhìn câu được ghi trong dấu ngoặc:

Kính lễ Tâm Đại Bi.

Chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm được Geshe Chekawa biên soạn, nói về bảy điểm của pháp luyện tâm. Trước khi bắt đầu Bảy Điểm Luyện Tâm, thầy Chekawa bắt đầu bằng câu “Kính lễ Tâm Đại Bi”. Trước hết, tác giả kính lễ Tâm Đại Bi. Tâm Đại Bi là tâm từ bi dành cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Tâm Đại Bi là một động lực rất mạnh mẽ nên được tác giả rất xem trọng. Đến đây, chúng ta vẫn chưa bắt đầu vào Bảy Điểm Luyện Tâm, tác giả của pháp tu chỉ mới kính lễ Tâm Đại Bi. Bây giờ quý vị sẽ thấy pháp tu Bảy Điểm Luyện Tâm như thế nào. Điểm thứ nhất là Những chuẩn bị tiên quyết. Điểm thứ nhất này chính là pháp tu sơ khởi. Luyện tâm bồ đề là điểm thứ hai. Điểm thứ ba là Chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ. Điểm thứ tư là Pháp tu để ứng dụng suốt đời. Điểm thứ năm là Tiêu chuẩn của tâm đã thuần thục. Điểm thứ sáu là Những điều lệ trong việc luyện tâm. Điểm thứ bảy là Lời khuyên trong việc tu tâm. Đây là bảy bước luyện tâm. Sau đây tôi sẽ hướng dẫn cặn kẽ cách thực hành bảy bước này.

1. Những chuẩn bị tiên quyết (Pháp hành sơ khởi)

Bước đầu tiên trong việc luyện tâm là gì? Trong bước đầu tiên, có ba pháp hành sơ khởi, hay ba đề mục thiền quán: (1) Thân người khó được; (2) Chết và Vô thường; và (3) Những lỗi lầm của sinh tử. Chúng ta gọi ba điểm này là pháp tu sơ khởi.

1.1 Thân người khó được

Pháp tu sơ khởi thứ nhất là thiền quán về sự quý báu của kiếp người. Điểm này dạy chúng ta phải luôn nghĩ rằng chúng ta đã có được kiếp người, ta phải cảm thấy may mắn và vui sướng vì đã có được thân người. Như tôi đã nói, đôi khi chúng ta không thể cảm nhận được giá trị của những gì mình đã có trong cuộc đời. Đôi lúc chúng ta quên mình may mắn đến mức nào. Đây là một điều căn bản mà chúng ta phải đào luyện tâm mình. Bây giờ chúng ta sẽ luyện tâm mình theo một đường lối rất khác. Trước đây, chúng ta luôn luyện cho tâm mình nhìn vào những gì ta không có, chúng ta luôn nghĩ như vậy. Trong cuộc sống, chúng ta phải nhìn lại bản thân và cố gắng cảm nhận mình may mắn ra sao. Chúng ta phải thật sự nhìn ra những gì mình đang sở hữu trong cuộc sống.

Trong đạo Phật, chúng ta phải xem xét và nghĩ rằng mình đã thật sự có được thân người, và được sinh ra làm người không hề đơn giản. Chúng ta phải tích tập được rất nhiều thiện nghiệp trong rất nhiều đời quá khứ thì mới có thể có được thân người. Đạo Phật luôn dạy rằng thân người này rất quý báu vì rất khó khăn để ta được sinh ra làm người. Chúng ta chỉ có thể được sinh ra làm người khi có thiện nghiệp mạnh mẽ; còn với ác nghiệp thì chúng ta sẽ bị sinh vào các cõi thấp. Quý vị có thể nghĩ rằng “Sinh ra làm người thì có gì đặc biệt? Có tới hàng tỉ người trên thế giới này mà!”. Có thể có tới 80 triệu người Việt Nam, 22 triệu người Nepal, và hàng tỉ người khác trên thế giới, vậy thì đâu là điểm đặc biệt của việc được sinh ra làm người? Quý vị phải hiểu rằng nếu so sánh với loài thú thì số lượng loài người rất ít ỏi. Trên cơ thể quý vị có bao nhiêu vi trùng và vi khuẩn? Có hàng triệu vi khuẩn trên một cơ thể người. Theo quan điểm Phật giáo thì vi khuẩn và vi trùng cũng là loài thú.

Có một điều rất thú vị ở một trung tâm khoa học. Họ nói về sự khởi đầu của bào thai trong tử cung của người mẹ. Đầu tiên, bào thai hình thành khi tinh trùng của cha và trứng của mẹ hợp nhất trong tử cung của người mẹ. Trong tinh dịch của người cha, có hàng triệu tinh trùng cố gắng thâm nhập vào trứng của người mẹ. Trong hàng triệu tinh trùng này, chỉ có duy nhất một tinh trùng có thể thâm nhập vào trứng. Nếu quán xét kỹ lưỡng thì tinh trùng đó chính là quý vị hiện tại. Nếu có một tinh trùng khác thâm nhập vào trứng thì đó không còn là quý vị nữa. Khi tôi đến trung tâm khoa học đó, họ vẽ trên trần nhà quá trình tinh trùng của cha thâm nhập vào trứng của mẹ. Khi thấy cảnh đó thì tôi thật sự hiểu việc được sinh ra làm người khó đến mức nào. Trong hàng triệu tinh trùng của cha, chỉ có duy nhất một tinh trùng vào được trứng của mẹ. Nếu một tinh trùng khác thâm nhập vào trứng của mẹ thì một người khác đã được sinh ra đời chứ không phải là quý vị nữa. Do đó, tôi thật sự hiểu vì sao đạo Phật dạy rằng thân người khó được. Theo quan điểm khoa học, điều đó rất đúng. Theo đạo Phật, mỗi tinh trùng khác nhau trong tinh dịch của cha sẽ đưa đến những đời sống khác nhau, với những thần thức khác nhau. Chính vì vậy, trong pháp tu sơ khởi, khi đã có được thân người thì quý vị phải cảm thấy mình rất may mắn. Đó là điểm thứ nhất.

Dù đã được sinh ra làm người những vẫn có hàng triệu người trên thế giới không có gì để ăn. Hôm qua tôi đọc một bài báo nói rằng mỗi ngày có hơn bốn vạn người chết đói hoặc chết vì suy dinh dưỡng, chỉ trong một ngày thôi. Nhìn vào vấn nạn này thì quý vị sẽ cảm thấy mình rất may mắn, ít nhất quý vị có thực phẩm để ăn và có đầy đủ dưỡng chất. Đôi khi chúng ta không nhìn ra những điểm này, và do đó ta không cảm nhận được giá trị của những gì mình đang sở hữu. Vì sao chúng ta không thể cảm nhận được giá trị của những gì mình đang sở hữu? Vì chúng ta không nhìn thấy chúng. Vì sao chúng ta không nhìn thấy chúng? Vì chúng ta không cố gắng nhìn vào những gì mình đang sở hữu. Chúng ta chỉ luôn cố nhìn vào những gì mình không có. Đó là những gì chúng ta đang làm cho đến hôm nay. Vì vậy, đạo Phật luôn cố dạy chúng ta cách làm sinh khởi nhiều tư tưởng tích cực hơn. Làm sinh khởi tư tưởng tích cực chính là bước luyện tâm đầu tiên. Bây giờ có một câu hỏi nảy sinh: Làm thế nào để khơi dậy tư tưởng tích cực? Có ba điểm. Điểm thứ nhất là cố gắng cảm nhận chúng ta may mắn đến mức nào.

Quý vị có bài tập về nhà. Hiện tại chúng ta đang bắt đầu pháp tu luyện tâm. Có ba bước trong pháp tu sơ khởi. Bài tập hôm nay của quý vị là cố gắng, khoảng 5-10 phút hoặc khi có thời gian rỗi, nhìn lại xem mình may mắn đến mức nào, và cố gắng khơi dậy tư tưởng tích cực. Để khơi dậy tư tưởng tích cực, quý vị hãy cố nhìn vào những điều tốt đẹp mà mình thật sự đang sở hữu. Khi nhìn vào những điều tốt đẹp mình đang có, quý vị sẽ thấy rằng có hàng triệu người không có được những điều mà quý vị đang sở hữu.

Có một sự việc rất buồn cười. Tôi biết một người từ khi tôi còn nhỏ, khoảng 17 tuổi. Anh ta nhỏ hơn tôi. Anh ta đến miền Bắc Ấn Độ, khoảng 10 năm trước. Anh ta đã gặp bạn bè thời thơ ấu. Anh ta mới cưới vợ và đã hỏi tất cả bạn bè của mình một câu hỏi, và những người bạn đó đã kể lại với tôi. Đó là một câu hỏi rất buồn cười. Anh ta đã hỏi tất cả bạn bè: “Vợ mới cưới của tôi trông như thế nào? Trông cô ấy có đẹp không?” [Thầy cười] Đây là lối sống hiện tại của con người. Tuy nhiên, chúng ta không được sống như vậy. Vợ anh ta nhìn có đẹp hay không, anh ta không cần phải nghe theo những gì người khác nhìn nhận. Anh ta phải nhìn nhận từ chính bản thân mình [Thầy cười] Câu chuyện thật buồn cười, chúng ta không được nhìn nhận như thế.

Như tôi đã nói, bước thứ nhất là cố gắng khơi dậy tư tưởng tích cực. Để khơi dậy tư tưởng tích cực thì quý vị phải nhìn lại bản thân và xem chúng ta đang thật sự có được những gì, chứ không phải nhìn xem người khác có những gì. Trong cuộc sống, chúng ta chỉ nhìn nhận theo quan điểm của người khác. Thực tế thì quan điểm của người khác không quan trọng, mà quan điểm của chính quý vị quan trọng hơn. Bước thứ nhất để luyện tâm là cố gắng cảm nhận bản thân may mắn ra sao. Trong cuộc đời tôi, tôi luôn cảm thấy may mắn vì đã gặp được Thầy mình. Đó thật sự là duyên lành và tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn. Cách Thầy trò chúng tôi nói chuyện với nhau cũng rất khác biệt. Chất giọng Tây Tạng của Thầy tôi, với tôi, rất hài hước. Đôi khi, Thầy tôi nói về những chuyện hệ trọng, nhưng giọng điệu của Thầy làm tôi cười rất nhiều. Thật vui!

Đặc biệt, trong cuộc sống chúng ta còn có cha mẹ, anh chị em… và còn rất nhiều điều giá trị khác mà chúng ta có thể cảm nhận để thấy mình may mắn. Quý vị phải cố gắng nhìn vào điểm này và cố khơi dậy tư tưởng tích cực. Khi nhìn nhận một lần, hai lần, rồi ba lần…, dần dần chúng ta sẽ cảm thấy mình thật sự rất may mắn khi có được những thứ như vậy. Đây là cách khơi dậy tư tưởng tích cực.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn luôn nhìn vào những gì mình không có và nghĩ “nếu có cái đó thì sẽ tốt hơn.” Bằng cách này, mọi vọng tưởng nảy sinh trong tâm ta, và chúng ta sẽ cảm thấy mình thiếu thốn và không có gì cả. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng trong tâm ta.

1.2 Chết và Vô thường & 1.3 Những lỗi lầm của sinh tử

Điểm thứ hai và thứ ba [trong pháp tu sơ khởi] là quán về Chết và Vô thường, và quán về Lỗi lầm của sinh tử. Vô thường nói về cái chết, có nghĩa là cuộc đời của chúng ta có giới hạn. Đôi khi chúng ta tưởng rằng mình sẽ sống mãi. Chúng ta phải nghĩ rằng cuộc sống của mình có giới hạn, do đó ta không nên phung phí thời gian sống của mình. Quán vô thường có nghĩa là chúng ta phải nghĩ rằng thời gian sống của mình có giới hạn. Khi cuộc sống có giới hạn thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải làm mọi việc cần làm một cách đúng đắn. Vô thường luôn mang đến cho ta một thông điệp: Chúng ta không được phí phạm thời gian vô ích. Nhiều lúc chúng ta phí phạm rất nhiều thời giờ. Thời gian sống rất hạn hẹp, đó là thông điệp chính của pháp hành quán về cái chết.

Vô thường cũng có nghĩa là mọi thứ đều có thể thay đổi, do đó trong cuộc sống có rất nhiều thứ có thể được thay đổi. Như tôi đã nói, nghĩ đến vô thường mang đến cho chúng ta nguồn động viên và nhiều tư tưởng tích cực.

Có lẽ tôi dành 15-20 phút cho phần hỏi đáp, và trả lời những câu hỏi lần trước chúng ta chưa hoàn tất.

Hôm nay có hai bước thực hành. Mỗi khi có thời gian rỗi, quý vị hãy dành vài phút để suy nghĩ xem mình may mắn đến mức nào, và cố gắng nhìn vào những điều tốt đẹp và may mắn mà quý vị đang sở hữu. Thứ hai, hãy quán vô thường, mọi thứ đều có thể thay đổi và mọi thứ sẽ thay đổi tốt đẹp hơn. Quý vị cũng phải nghĩ rằng thời gian sống của mình có giới hạn, do đó quý vị phải tận dụng thời gian thật ý nghĩa. Mỗi khi có thời gian rỗi, quý vị hãy nghĩ đi nghĩ lại về hai điểm này, liên tục trong một tuần. Từ từ, quý vị càng thực hành thì càng nhiều tư tưởng tích cực sẽ đến trong tâm. Đây là hai bước thực hành sơ khởi. Đây là hai bước đầu tiên của pháp tu sơ khởi, cũng chính là bài tập về nhà hôm nay của quý vị. Nó cũng giống như bài thể dục cho tâm và rèn luyện tinh thần.

HỎI – ĐÁP

Hỏi: Bốn loại nghiệp là gì?

Rinpoche: Có lẽ tôi phải hỏi lại quý vị bốn loại nghiệp là gì? [Thầy cười lớn] Tôi đang nghĩ xem bốn loại nghiệp là gì. Thông thường, có hai loại nghiệp khác nhau: nghiệp xác định và nghiệp bất định. Nghiệp xác định là nghiệp chắc chắn sẽ đến. Nghiệp xác định và nghiệp bất định cũng giống như nghiệp chắc chắn và nghiệp không chắc chắn. Có hai loại nghiệp như vậy. Một số nghiệp khi đã tạo thì hệ quả chắc chắn sẽ đến. Một số nghiệp khi đã tạo thì hệ quả không chắc chắn sẽ đến, mà còn tùy thuộc vào những điều kiện khác.

Hỏi: Tôn Nương Độ Mẫu và Bạch Độ Mẫu là hai vị khác nhau hay cùng một vị?

Rinpoche: Tôn Nương Độ Mẫu là ngài Tara. Bạch Độ Mẫu là ngài Tara Trắng. Có nhiều vị Tara: Tara Trắng, Tara Đỏ, Tara Hồng, Tara Xanh Lá Cây… Tara Trắng, tức Bạch Độ Mẫu, là một trong 21 vị Tara.

Hỏi: Ngày đản sinh chính xác của Đức Phật là ngày nào?

Rinpoche: [cười lớn] Chỉ có hai người có thể biết ngày đản sinh chính xác của Đức Phật. Chỉ có một người biết chính xác sinh nhật của quý vị, đó chính là mẹ của quý vị. Chỉ có hai người biết chính xác ngày Đức Phật đản sinh, đó là chính Đức Phật, vì Ngài là bậc toàn tri; và mẹ của Phật. Tôi không phải là Phật và cũng không phải là mẹ của Phật nên tôi không biết chính xác ngày đản sinh của Đức Phật [Thầy cười lớn]. Đức Phật có nhiều ngày sinh khác nhau. Ở Tây Tạng, ngày đản sinh của Đức Phật rơi vào ngày Rằm của tháng này, vài ngày nữa là tới. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) thì ngày Phật đản sinh đã qua. Còn theo truyền thống Trung Hoa thì sáu tháng nữa mới tới ngày Phật đản sinh. Tùy theo các hệ thống thiên văn khác nhau mà cách tính toán cũng khác nhau. Hệ thống thiên văn cổ đại, thiên văn Ấn Độ, thiên văn Tây Tạng và thiên văn Trung Hoa đều tính toán khác nhau. Thường thì Đức Phật có ba ngày đản sinh như vậy. Trước đây tôi đã nói tôi tin vào ngày đản sinh nào của Đức Phật, nên tôi không nhắc lại nữa.

Hỏi: Con đã nhận quán đảnh Kim Cang Tát Đỏa, Quán Âm, Văn Thù, Dược Sư và Phật A Di Đà. Hiện nay con đang thực hành thiền chỉ như thầy dạy, con muốn tập trung vào một đối tượng duy nhất cho đến khi đạt được chỉ, nhưng con phân vân không biết chọn đối tượng duy nhất nào trong số các vị Phật mà con được quán. Thầy hướng dẫn con chọn đối tượng quán phù hợp với con được không ạ!

Rinpoche: Tôi sẽ cho quý vị hai lựa chọn. Thứ nhất, quý vị có thể tự quyết định và chọn cho mình một vị Phật mà quý vị cảm thấy gần gũi với mình nhất, và tập trung vào vị Phật đó. Trong các vị Phật này, vị nào quý vị cảm thấy gần gũi nhất thì chọn vị Phật đó. Đây là phương án thứ nhất. Thứ hai, quý vị có thể tập trung vào hơi thở, âm thanh của thần chú, hoặc những đối tượng tương tự. Đó là cách thứ hai. Bây giờ, tôi biết rằng khi đưa ra hai cách như vậy thì quý vị sẽ lại bối rối không biết nên chọn cách nào. Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề một cách đơn giản. Hãy chọn Đức Quán Thế Âm và tập trung vào ngài Quán Thế Âm, vị Phật Đại Bi. Ngài Quán Thế Âm có thệ nguyện là bất cứ ai gặp thử thách lớn và cần giúp đỡ thì Ngài sẽ cứu độ người đó. Đó là thệ nguyện của Ngài. Ngài Quán Thế Âm không thể chịu nổi cảnh khổ đau của bất cứ chúng sinh hữu tình nào. Đó là lý do nên chọn Ngài Quán Thế Âm.

Hỏi: Cho con hỏi bốn loại nghiệp là định nghiệp, nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn, không tạo nghiệp thì không phải kinh nghiệm kết quả tương ứng, nghiệp đã tạo không tự nhiên biến mất. Xin Ngài làm rõ hơn về bốn loại nghiệp này được không ạ, trong quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Rinpoche: Đó không phải là những loại nghiệp khác nhau, mà chỉ để giải thích chức năng và cách nghiệp được vận hành.

Cảm ơn quý vị rất nhiều. Hôm nay tôi dừng ở đây.

Tôi có một điều nhỏ muốn nói với quý vị. Quý vị đều có quyển kinh tụng của Dipkar rồi phải không? Trước mỗi thời nghe Pháp, hãy tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Quý vị hãy tụ họp và cùng nhau tụng Tâm Kinh. Sau khi nghe pháp xong, hãy tụng bài cầu nguyện Thiên Nữ. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều đã có quyển kinh tụng của Dipkar, phải không? Bây giờ tôi sẽ tụng một bài cầu nguyện nhỏ để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Bài cầu nguyện này thâu tóm những điểm chính của Kinh Kim Cang. Sau khi nghe Pháp, nếu có thời gian thì quý vị tụng cả hai bài: Thiên Nữ Hộ Trì Sự Nghiệp và Xưng Tán Cát Tường Thiên Nữ. Nếu không có thời gian thì chọn Xưng Tán Cát Tường Thiên Nữ để tụng. Nếu sau khi nghe Pháp quý vị đói bụng quá thì chỉ cần tụng Xưng Tán Cát Tường Thiên Nữ; nếu không quá đói thì tụng cả hai bài. Bây giờ tôi sẽ tụng Kinh Kim Cang các phần đầu, phần giữa và phần cuối. Đây là cách tụng theo truyền thống Tây Tạng, tụng phần đầu, giữa và cuối.

[Rinpoche tụng kinh.]

Cảm ơn quý vị rất nhiều! Cảm ơn và hẹn gặp lại!

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.

Đức Khangser Rinpoche

Việt dịch: Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam 

Nguồn: Chuẩn bị cho pháp tu tâm