Một Pháp tu để áp dụng suốt đời

Quý vị hãy đọc chánh văn:

Tinh túy của chỉ giáo ngắn gọn này

Là năm lực. Hãy thực hành!

Chỉ giáo Đại thừa về chuyển di

Liên hệ đến năm lực.

Hãy yêu mến hoạt động này!

Trước hết chúng ta phải hiểu năm lực là gì. Lực thứ nhất là năng lực của động cơ (hay động lực). Năng lực của động cơ rất quan trọng. Dù làm bất cứ việc gì hay thực hành bất cứ pháp môn nào, chúng ta cần hiểu về năng lực của động cơ. Trong bất cứ hoạt động nào hoặc để làm bất cứ điều gì, trước hết chúng ta cần có động lực. Đối với thực hành Phật pháp, ta cần có một động lực rất mãnh liệt. Chúng ta cần biết để thực hành Phật pháp thì động cơ là điều rất cần thiết, vì nếu không có động lực thực hành thì chúng ta không thể thực hành bất cứ điều gì. Khi có động lực thì quý vị sẽ có thể thực hành. Chính vì vậy mà thực hành Phật pháp đòi hỏi động lực rất mãnh liệt. Ở đây, chánh văn đang nói về năng lực của động cơ.

Đôi lúc có người hỏi tôi vì sao tôi lại trở thành tu sĩ. Họ muốn biết động cơ nào đã thôi thúc tôi trở thành một tu sĩ. Tôi thường trả lời đơn giản là tôi không có động lực để trở thành tu sĩ, thậm chí tôi cũng không biết mình thành tu sĩ trong hoàn cảnh nào [Thầy cười]. Đức Phật đã dạy rằng người nào thọ giới quy y cũng cần có động cơ. Ngài dạy để trở thành một tu sĩ thì động cơ thúc đẩy, tức là tâm buông xả, rất quan trọng. Nếu quý vị không có động cơ thì sẽ không thể làm được gì cả. Chính vì vậy, ở đây chánh văn nói đến năng lực của động cơ.

Quý vị cần hiểu hai loại động lực. Loại động lực thứ nhất là động lực quý vị tự làm phát khởi trong tâm. Loại thứ hai là động lực do người khác khơi dậy trong tâm mình. Đức Phật đã dạy rằng những người muốn trở thành tu sĩ cần có một động cơ rất mãnh liệt vì điều đó rất quan trọng. Trong trường hợp của tôi, khi có người hỏi động cơ nào thôi thúc tôi thành tu sĩ thì tôi trả lời là tôi không biết. Thậm chí khi tôi trở thành tu sĩ, lúc đó tôi cũng không biết tu sĩ là gì nữa [Thầy cười].

Ở đây chánh văn ghi:

Tinh túy của chỉ giáo ngắn gọn này

Là năm lực. Hãy thực hành!

Đối với mọi pháp thực hành, trước hết quý vị phải kết hợp với năm lực. Trong năm lực này, lực thứ nhất là năng lực của động cơ. Có một câu chuyện rất thú vị. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu rất đơn giản. Họ khảo sát sức mạnh thể chất của con người, những người mà thông thường có thể nâng được vật nặng khoảng 10 kg. Các nhà khoa học thôi miên những người này và nói “Các anh có thể nâng vật nặng đến 12 hoặc 13 kg”. Trong trạng thái bị thôi miên, những người tham gia thí nghiệm tin rằng họ có thể nâng 12 kg, và thật sự là họ đã nâng được vật nặng 12 kg. Đối với một nhóm khác, các nhà khoa học thôi miên họ và nói “Các anh chỉ có thể nâng 8 kg chứ không thể nâng được 10 kg”. Khi bị thôi miên như vậy, những người đó đã không thể nào nâng nổi 10 kg mặc dù họ có khả năng đó. Thí nghiệm này cho thấy quý vị có thể làm bất cứ điều gì mà quý vị tin rằng mình làm được. Do đó, Đức Phật đã dạy chúng ta cần phải phát khởi động lực.

Đối với mọi thực hành Phật pháp, trước hết quý vị cần có động lực rằng mình sẽ thực hành và có thể thực hành được. Quý vị cần một động lực như thế. Khi có động lực làm việc thì mọi việc quý vị làm đều rất dễ dàng. Như tôi vừa nói, thậm chí sức mạnh thể chất cũng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin. Khi có niềm tin mãnh liệt rằng quý vị có thể làm được thì việc thực hiện sẽ rất dễ dàng. Đối với mọi pháp hành, trước hết quý vị cần một động cơ, nếu không thì việc thực hành trở nên rất miễn cưỡng. Điều này rất quan trọng. Nếu thực hành Pháp một cách gượng ép thì rất khó. Nếu quý vị có động lực thì việc thực hành sẽ không còn miễn cưỡng nữa.

Lực thứ hai là năng lực của hạt giống trắng (bạch chủng, white seed). Trước hết quý vị cần hiểu ý nghĩa của “hạt giống trắng.” Mọi hành động thiện lành, mọi thiện đức đều tạo thành năng lực của hạt giống trắng. Khi quý vị phát khởi một thiện niệm, tư tưởng tốt lành đó sẽ không tồn tại mãi mãi nhưng nó sẽ để lại một tập khí trong tâm, và ta gọi đó là năng lực của hạt giống trắng. Ví dụ, nếu quý vị phát khởi tâm hứng thú thực hành Phật pháp, sự hứng khởi đó có thể sẽ không hiện diện mãi mãi trong tâm nhưng nó sẽ để lại tập khí hứng khởi trong tâm ta. Nếu quý vị có dạng tập khí đó trong tâm thì trong tương lai nó có thể một lần nữa làm nảy sinh sự hứng khởi hoặc những thiện niệm tương tự. Mọi tập khí thiện sẽ làm phát sinh những thiện niệm khác. “Hạt giống” (hay “chủng tử”, “seed”) là thuật ngữ trong đạo Phật; tuy nhiên về bản chất ta có thể gọi theo cách thông thường là “thói quen” (“habit”).

Hôm nay chúng tôi có một bữa tiệc và chơi một trò chơi nhỏ. Trong bữa tiệc, họ phát cho mỗi người một mảnh giấy và các thành viên Dipkar ghi các câu hỏi không liên quan đến Phật pháp. Có một câu hỏi rất buồn cười, tôi không biết người hỏi câu hỏi đó. Người đó hỏi tôi: “Rinpoche, nếu Ngài có tóc thì Ngài sẽ thích kiểu tóc nào?” [Thầy cười] Lúc đó tôi không thể trả lời vì tôi chưa từng nghĩ đến tình huống đó. Nếu tôi đã từng nghĩ đến chuyện đó trong quá khứ thì có lẽ sẽ có một tập khí nào đó trong tâm tôi, và tập khí đó sẽ kích hoạt một vài ý tưởng để trả lời câu hỏi. Khi họ hỏi tôi như vậy, tâm tôi hoàn toàn trống rỗng vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề đó. Nếu trước kia tôi từng nghĩ đến các kiểu tóc thì sẽ có tập khí lưu lại trong tâm tôi, và tập khí đó sẽ kích hoạt một ý tưởng nào đó. Đạo Phật gọi đó là tập khí. Chúng ta cần thiện niệm và các tập khí thiện lành, tức là hạt giống trắng.

Khi chúng ta phát khởi thiện niệm hoặc tư tưởng thiện lành trong một phút, chúng sẽ để lại một tập khí trong tâm ta. Tập khí này sau đó sẽ kích hoạt những thiện niệm khác. Đó chính là năng lực của hạt giống trắng. Đôi lúc có rất nhiều ác niệm nảy sinh trong tâm ta vì chúng ta có nhiều hạt giống đen trong tâm. Bây giờ ta phải thay đổi, phải phát khởi và gieo vào tâm mình nhiều hạt giống trắng hơn. Khi quý vị suy nghĩ tích cực và giữ cho tâm mình tốt lành thì nhiều tập khí thiện sẽ được lưu lại trong tâm, và những tập khí đó sẽ kích hoạt nhiều thiện niệm khác. Hiện tại, có rất nhiều tư tưởng tiêu cực nảy sinh trong tâm ta. Chúng ta có cảm giác đó là điều hiển nhiên; tuy nhiên, thật sự thì ác niệm không thể tự nhiên nảy sinh mà là do chúng ta có nhiều tập khí ác trong tâm. Thuật ngữ Phật học gọi tập khí ác là “hạt giống đen”. Nếu quý vị có nhiều hạt giống trắng hơn thì sẽ có nhiều thiện niệm hơn. Đó là lực thứ hai, năng lực của hạt giống trắng.

Thầy tôi đã rất lớn tuổi, khoảng 91 tuổi. Ngài quên rất nhiều thứ và không thể nhớ những gì chúng tôi vừa nói chỉ hai ngày trước. Tuy nhiên, khi nói đến thực hành Phật pháp thì Ngài có thể nhớ chính xác mọi triết lý phức tạp trong đạo Phật. Trí tuệ của Ngài vẫn rất nhạy bén và Ngài có thể nói rất chính xác về Phật pháp. Còn đối với những chuyện thông thường khác thì Ngài không thể nhớ những gì xảy ra một ngày trước đó. Thầy tôi có thể nhớ Phật pháp rõ ràng như vậy là vì Ngài có hạt giống trắng mãnh liệt về Phật pháp trong tâm từ lâu, và các hạt giống trắng đó khơi dậy mọi tư tưởng về Phật pháp rất dễ dàng.

Lực thứ ba là năng lực của sự quen thuộc (tập quán). Năng lực của thói quen rất rất mạnh. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của “thói quen”. Định nghĩa của “thói quen” rất đơn giản. Nếu quý vị làm đi làm lại một việc gì đó nhiều lần thì nó sẽ thành thói quen. Nếu quý vị nổi giận lần thứ nhất và không kiểm soát cơn giận của mình, quý vị nổi giận lần thứ hai, lần thứ ba… thì cuối cùng nổi giận sẽ trở thành thói quen. Nếu quý vị lo lắng một lần, hai lần, rồi ba lần… và không thể kiểm soát tâm lo lắng của mình thì lo lắng sẽ trở thành thói quen. Khi một điều gì đó đã trở thành thói quen thì nó có năng lực rất lớn, khi đó quý vị có cảm giác là mình không thể kiểm soát nó được nữa. Đối với nỗi lo, nó chẳng là gì ngoài một thói quen xấu. Chỉ có vậy! Người ta thường hay lo âu rồi từ đó họ càng lo nhiều hơn nữa, dần dần lo lắng trở thành thói quen. Hãy nhìn lại hai năm về trước, bao nhiêu trong số những điều quý vị lo lắng nay đã thành hiện thực? Tôi nghĩ con người lo âu về rất nhiều việc. Thậm chí, ba năm về trước tôi nghĩ quý vị cũng đã lo lắng rất nhiều điều. Bây giờ quý vị hãy nhìn lại, bao nhiêu trong số những điều mà quý vị từng lo lắng nay đã thành hiện thực? Hơn 70% những điều quý vị từng lo lắng không bao giờ xảy ra, vậy mà quý vị vẫn cứ lo. Nguyên nhân chính là vì lo âu đã trở thành thói quen xấu của quý vị.

Vài ngày trước, trong một buổi nói chuyện, tôi nói rằng trên thế giới này có hai loại người không bao giờ lo lắng, ngoài ra ai cũng lo lắng cả. Người thứ nhất là Đức Phật, người thứ hai là người cực kỳ ngu xuẩn. Chỉ có hai người này không bao giờ lo lắng [Thầy cười]. Thậm chí người điên cũng lo lắng, nhưng Đức Phật và người vô cùng ngu si thì không bao giờ lo âu cả. Ngoài hai loại người này ra thì phần còn lại của thế giới luôn lo lắng. Nếu quý vị lo một lần thì sẽ lo lần thứ hai, rồi lần thứ ba…, và nếu quý vị không kiểm soát tâm lo âu thì nó sẽ thành thói quen. Đối với mọi việc, kể cả việc tốt, thiện niệm, hay thực hành Phật pháp, nếu quý vị thực hiện tới lui nhiều lần thì chúng sẽ trở thành thói quen; lúc đó quý vị có được năng lực của thói quen và rất dễ để quý vị làm những điều đúng đắn. Tôi nghĩ ngoài tôi ra thì ở đây ai cũng đều rất thông minh, vì tất cả quý vị đều dùng điện thoại thông minh [Thầy cười].

Nhìn lại cuộc sống quý vị sẽ thấy chúng ta làm nhiều việc vì thói quen. Quý vị cần biết một điểm tốt của thói quen, đó là chúng ta có thể vượt qua mọi thói quen. Đối với những người nghiện rượu, họ không nghiện rượu bẩm sinh. Lần đầu họ uống rượu có thể khá khó khăn. Nếu họ tập uống rượu một lần, hai lần, rồi ba lần… thì dần dần việc uống rượu trở thành thói quen và họ thành người nghiện rượu. Nếu chúng ta lo lắng một lần, hai lần… và không kiểm soát tâm lo âu thì dần dần chúng ta thành người nghiện lo. Tôi vẫn hay dùng từ “worryholic” nghĩa là nghiện lo. Trong tiếng Anh chúng ta có từ “workaholic” để chỉ những người nghiện làm việc. Nếu quý vị cứ làm việc và làm việc quá nhiều thì người ta gọi quý vị là người nghiện việc. Tôi nghĩ hiện tại con người lo âu về rất nhiều điều và họ không thể kiểm soát nỗi lo, nó trở thành thói quen và họ thành người nghiện lo.

Lực thứ ba là năng lực của sự quen thuộc. Hiện tại, chúng ta sở hữu năng lực này theo chiều hướng sai lệch chứ không phải theo hướng tích cực. Chính vì vậy mà chúng ta phải thúc đẩy năng lực thói quen theo hướng tích cực. Do đó, ở đây chánh văn luyện tâm đề cập đến năng lực của sự quen thuộc. Khi quý vị thực hành Pháp hay bất cứ điều gì khác, nếu làm đi làm lại nhiều lần thì dần dần nó trở thành thói quen và quý vị có được năng lực từ thói quen. Ở đây, quý vị cần có được năng lực thói quen theo hướng tích cực.

Trong nhiều ngôi chùa ở Đài Loan, họ tụng danh hiệu của Phật A Di Đà. Ở một ngôi chùa, tôi nói rằng danh từ “Amitoufo” (“A Di Đà Phật”) là một từ rất đặc biệt. Từ này được dùng như một lời chào hỏi khi người ta gặp nhau. Khi muốn nói “cảm ơn” quý vị cũng dùng từ “A Di Đà Phật”. Hoặc khi quý vị có cảm giác lạ, chẳng hạn như cảm giác xót thương, quý vị lại dùng từ “A Di Đà Phật”. Thậm chí khi gọi điện thoại, thay vì nói “alo” thì quý vị lại nói “A Di Đà Phật”. Vì vậy mà danh từ “A Di Đà Phật” được dùng trong mọi tình huống [Thầy cười]. Trong các ngôn ngữ khác, quý vị không thể tìm ra một từ vạn năng đến như vậy, có thể dùng trong mọi hoàn cảnh [Thầy cười]. Có một lần tôi đi dạo cùng với một người đàn ông ở trung tâm Đài Loan. Khi chúng tôi đang đi thì có một con chó liên tục sủa. Khi con chó đang sủa thì ông ấy lại nói “A Di Đà Phật” [Thầy cười]. Đó thật là một thói quen mãnh liệt. Vì tụng danh hiệu Phật rất nhiều nên những người ở Đài Loan dùng danh hiệu đó trong mọi hoàn cảnh, từ chào hỏi, cảm ơn cho đến chào qua điện thoại… Lúc nào quý vị cũng có thể dùng từ đó được hết! Ở Việt Nam, khi gọi điện cho ai đó hoặc khi có một sự việc gì xảy đến, quý vị cũng nói “A Di Đà Phật” phải không? Để cảm ơn quý vị nói “A Di Đà Phật”, để chào nhau cũng “A Di Đà Phật” [Thầy cười]. Rồi cũng ở ngôi chùa đó, tôi nói với họ rằng có một điều tôi chưa từng thấy. Khi có người nổi giận thì lúc đó họ quên mất danh hiệu “A Di Đà Phật”. Dù lúc nào họ cũng nói “A Di Đà Phật” nhưng trong lúc nổi giận họ lại quên mất. Lúc giận thì họ quên mất Đức Phật A Di Đà [Thầy cười]. Tôi nói rằng lúc nổi giận mới chính là thời điểm thật sự cần niệm “A Di Đà Phật” [Thầy cười]. Đó chính là do năng lực thói quen. Khi quý vị tụng danh hiệu Phật rất nhiều lần, quý vị cố gắng niệm danh hiệu trong mọi tình huống thì dần dần, danh hiệu Phật sẽ tự nhiên xuất hiện vào mọi lúc. Đó là năng lực của sự quen thuộc.

Luyện tâm cũng giống như vậy. Khi thực hành luyện tâm, nếu thực hành tới lui nhiều lần thì quý vị sẽ đạt được năng lực đến từ thói quen. Nếu được như vậy thì trong mọi tình huống, thiện niệm và các pháp hành luyện tâm sẽ tự nhiên đến trong tâm. Chính vì vậy mà chánh văn đề cập đến năng lực thói quen. Ở Việt Nam, khi có người cho quý vị thức ăn thì quý vị có nói “A Di Đà Phật” không? Ở các ngôi chùa Trung Hoa, chuyện đó là bình thường, quý vị có thể nói “A Di Đà Phật” bất cứ lúc nào, lúc được người khác cho thức ăn, khi chào hỏi nhau, thậm chí khi đi ngủ [Thầy cười]. Ở Việt Nam quý vị có nói như vậy không? [Người phiên dịch trả lời trong chùa Việt Nam cũng nói như vậy.] Danh từ đó được dùng trong mọi tình huống [Thầy cười]. Đó là do năng lực thói quen. Nếu có người nước ngoài học tiếng Việt thì tôi nghĩ từ đầu tiên quý vị nên dạy họ là “A Di Đà Phật” [Thầy cười], vì danh từ này có thể được dùng trong mọi tình huống. Nếu quý vị tụng thần chú quá nhiều lần thì sẽ quen dùng thần chú đó trong mọi tình cảnh. Điều này cũng xảy ra đối với việc luyện tâm. Nếu quý vị rèn luyện tâm mình bằng những tư tưởng thiện lành thì những thiện niệm đó sẽ tự nhiên phát sinh ngay cả khi quý vị đang gặp những thử thách rất khó khăn. Điều này rất quan trọng.

Thông thường, những ác niệm như sân giận… nảy sinh rất nhanh trong tâm ta vì sức mạnh của thói quen. Nếu quý vị làm đi làm lại một việc gì đó thì nó trở thành thói quen. Đó là lý do ác niệm sinh khởi rất nhanh trong tâm ta. Thật sự thì ác niệm không tự nhiên sinh khởi mà do thói quen. Quý vị có thể vượt thoát mọi thói quen. Để thoát khỏi một thói quen thì quý vị cần làm gì? Quý vị phải luyện tập, hay huân tập một thói quen mới. Với những người nghiện thuốc lá, hút thuốc là thói quen của họ. Để cai nghiện thuốc lá, các bác sĩ giới thiệu cho họ thuốc lá điện tử, nhằm luyện cho người nghiện thuốc lá có một thói quen mới. Nếu quý vị có một thói quen và muốn thay đổi nó thì quý vị cần luyện tập một thói quen mới. Nhiều ác niệm nảy sinh trong tâm ta là do vài dạng thói quen như lo lắng, sân giận… Chúng ta phải luyện tập thói quen mới. Với thói quen mới đó, quý vị làm đi làm lại nhiều lần thì chúng ta có được năng lực đến từ thói quen mới. Chính vì vậy, ở điểm này chánh văn đề cập đến năng lực của sự quen thuộc.

Lực thứ tư là năng lực từ bỏ, không tái phạm lần nữa. Con người thường hay phạm lỗi. Khi phạm lỗi, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và không được tái phạm nữa. Đây là điều quan trọng nhất. Trong tiếng Anh có một câu nói: “Thành công đến từ quyết định đúng đắn. Quyết định đúng đến từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm đến từ quyết định sai lầm”. Tương tự, khi đã phạm lỗi thì quý vị phải rút kinh nghiệm, và khi rút kinh nghiệm rồi thì quý vị không được tái phạm lỗi lầm đó. Để không tái phạm lần nữa, quý vị cần có quyết tâm rất lớn. Đó là năng lực từ bỏ. Nếu quý vị đã giết một con cá và nay nhận ra đó là ác nghiệp, lúc đó quý vị cần có quyết tâm rất lớn để không giết cá nữa. Đây là điều quan trọng hơn hết. Khi người ta nhận ra mình phạm lỗi, họ chỉ cầu nguyện chứ không hạ quyết tâm không tái phạm. Quý vị cần quyết tâm rất lớn để không mắc lỗi một lần nữa. Đó chính là năng lực từ bỏ.

Vào ngày hôm kia, một học trò của tôi đang làm việc cho Hãng hàng không Trung Hoa kể tôi nghe một chuyện. Lúc gặp tôi cô ấy đã tặng tôi vài món quà. Cô ấy nói rằng cô vừa đến Nhật Bản và mua tặng tôi loại bánh nổi tiếng nhất ở Nhật. Và cô ấy kể tôi nghe một chuyện thú vị. Khi đến hiệu bánh nổi tiếng ở Nhật, cô ấy đã nghĩ: “Có thể mình sẽ không quay trở lại Nhật thường xuyên nên mình hãy mua thật nhiều”. Cô ấy nói với tôi rằng cô không chắc bao giờ sẽ trở lại Nhật Bản nên cô đã mua rất nhiều thứ. Bỗng nhiên có một ý nghĩ nảy sinh trong tâm cô, “Bây giờ mình đã được sinh làm người, bao giờ mình sẽ được sinh làm người một lần nữa?” Rồi cô cảm nhận mãnh liệt rằng không biết đến bao giờ cô mới có thể được tái sinh làm người. Trong cuộc sống, cơ hội để chúng ta đến hiệu bánh ở Nhật Bản là 50-50. Tuy nhiên, nếu ta phạm lỗi và ác nghiệp nhiều lần trong đời thì đến 80% chúng ta sẽ không thể tái sinh làm người nữa. Chính vì vậy mà chúng ta cần động lực mạnh mẽ để không tái phạm lỗi lầm. Khi đã phạm lỗi thì quý vị cần quyết tâm rất lớn để không phạm lỗi một lần nữa.

Lực thứ năm là năng lực cầu nguyện. Mỗi khi chúng ta làm việc gì đó và không thể nào tự phát khởi năm lực này trong tâm thì ta cần cầu nguyện. Năng lực cầu nguyện sẽ giúp quý vị. Hiệu quả cầu nguyện cũng phụ thuộc vào nơi tiến hành cầu nguyện. Nếu quý vị cầu nguyện ở một nơi rất linh thiêng thì năng lực của bài cầu nguyện đó sẽ mãnh liệt hơn. Khi quý vị gặp khó khăn và nghịch cảnh, hoặc khi có bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong cuộc sống, trước hết quý vị nên cầu nguyện với Đức Phật hoặc Ruộng Phước ban cho quý vị sức mạnh vượt qua thử thách. Cầu nguyện sẽ mang đến cho quý vị nhiều sức mạnh tinh thần trong tâm. Trong tiểu sử của Gandhi và Nelson Mandela nói rằng khi gặp khó khăn, các vị ấy đã cầu nguyện rất nhiều. Khi gặp chướng ngại, quý vị có thể cầu nguyện với Đức Phật hoặc Ruộng Phước.

Quý vị có thể đọc chánh văn:

Tinh túy của chỉ giáo ngắn gọn này

Là năm lực. Hãy thực hành!

Pháp luyện tâm rất đặc biệt. Chánh văn nói “Hãy thực hành!” chứ không nói “Hãy hiểu!” hoặc “Hãy biết!” Hiểu và biết là một mặt, tuy nhiên thực hành rất đặc biệt. Do đó, trước hết quý vị phải biết và hiểu, và sau đó, quan trọng hơn hết là thực hành. Chính vì vậy chánh văn nói: “Là năm lực. Hãy thực hành!” Chánh văn không nói “Hãy hiểu!” Người ta vẫn hay hiểu lầm ý nghĩa của từ “thực hành” dù nó mang nghĩa rất đơn giản. Khi quý vị lo lắng hay giận dữ, nếu quý vị ra sức cố gắng kiểm soát nỗi lo và cơn giận thì đó chính là thực hành. Nếu hoàn toàn tận diệt sân giận thì quý vị chứng quả a-la-hán. Trước hết quý vị cần giảm thiểu sân giận. Nếu muốn chứng quả a-la-hán thì quý vị phải hiểu tánh không. Trạng thái đã chứng ngộ tánh không và tận diệt hoàn toàn sân giận và ác niệm chính là quả a-la-hán. Để đắc quả a-la-hán, đường tu trong Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Phật giáo Đại thừa (Mahayana) không khác nhau. Không có khác biệt giữa đường tu trong các truyền thống này, và chỉ có một con đường đến quả a-la-hán. Cùng là Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism), người Trung Hoa gọi là Mật tông Kim Cang thừa (Mizong Vajrayana), người Nepal gọi là Phật giáo Đại thừa (Mahayana), còn người phương Tây gọi là Lạt-ma giáo (Lamaism). Có nhiều tên gọi khác nhau. Khi quý vị hiểu Phật pháp một cách tổng thể và toàn cục thì sẽ cảm thấy rất khác biệt. Ở phương Tây, họ gọi Phật giáo Tây Tạng là Lạt-ma giáo. Hiện nay tên gọi Lạt-ma giáo khá phổ biến. Ở Nepal, Phật giáo Tây Tạng được gọi là Đại thừa; còn trong các truyền thống Trung Hoa, họ gọi Phật giáo Tây Tạng là Mật tông Kim Cang thừa. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một đường tu đến quả a-la-hán – đó là liễu ngộ tánh không, đây là lời Phật thuyết.

Tôi từng gặp một người Mỹ. Anh ấy nói với tôi một việc rất thú vị. Anh ta hỏi: “Ngài nghĩ như thế nào về việc sáng lập Phật giáo Hoa Kỳ?” Tôi nói, “Chuyện đó rất tốt! Anh có thể sáng lập Phật giáo Hoa Kỳ hoặc bất cứ chủng loại Phật giáo nào. Anh có thể làm. Tuy nhiên, mục đích chính của đạo Phật thì không được thay đổi. Mục đích chính của đạo Phật là giải thoát tâm ý con người, mang đến hạnh phúc thực thụ cho tâm con người. Anh có thể làm chuyện đó với bất cứ tên gọi nào”. Tôi nghĩ có lẽ 30 đến 40 năm sau sẽ có Phật giáo Coca-Cola và Phật giáo Pepsi [Thầy cười]. Thậm chí còn có cả ý tưởng đăng ký tác quyền sáng chế cho các tay ấn, có cả những ý tưởng như vậy. Đôi lúc chúng ta phải nhìn nhận sự việc một cách toàn cục và bao quát. Bây giờ thì mọi thứ đều có thể được đăng ký bản quyền hoặc tác quyền sáng chế. Tôi cũng từng đề nghị tu viện Guyto đăng ký bản quyền cho một vài thế ấn đặc biệt mà tu viện đã chế tác qua nhiều thế kỷ! Nói chung, mục đích chính của đạo Phật là dạy cho con người phương cách thoát khỏi mọi khổ đau, ác nghiệp và mọi phiền não.

Cảm ơn quý vị rất nhiều. Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Hẹn gặp lại!

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.

Đức Khangser Rinpoche

Việt dịch: Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam 

Nguồn: Một Pháp tu để áp dụng suốt đời