Lời khuyên tâm yếu về Tsok và những vấn đề khác – Phần 4

Vậy thì chúng ta tích lũy công đức như thế nào? Ồ, nếu chúng ta không cẩn thận – nghĩa là nếu chúng ta không thực sự hiểu về công đức và nghiệp – và nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình tạo ra thứ gì đó, chúng ta có thể cho rằng tích lũy công đức chỉ để làm lợi lạc bản thân cũng là một ý tưởng tốt. Chúng ta có thể nghĩ rằng tịnh hóa các che chướng của bản thân chỉ để kinh nghiệm của mình được cải thiện là một ý tưởng tốt. Nhưng kiểu ích kỷ và quan tâm đến bản thân này thực sự là cách mà những đại ma bắt đầu sự sa đọa dần dần, như Chủ tịch Mao hay Vua Langdarma. Trưởng dưỡng cái ngã và quan tâm bản thân thực sự là gốc rễ hay nền tảng cho ác nghiệp của họ. Sự chấp ngã mãnh liệt là điều khiến những chúng sinh này làm những chuyện khủng khiếp mà họ đã làm. Chúng ta đều có tiềm năng đó – trở thành một Mao, trở thành một Langdarma hay trở thành một Rudra[1]Chúng ta thực sự có tiềm năng đó, cũng giống như việc chúng ta có tiềm năng Phật quảVì vậychúng ta cần phải cẩn thận! Chúng ta cần phải lưu tâm để biết được cách thức đúng đắn khi tiến hành tích lũy công đức và cảnh giác để bản thân không sa ngã vào ác nghiệp.

Vậy chúng ta bảo vệ bản thân khỏi sự ích kỷ như thế nào? Chúng ta canh giữ chống lại ác nghiệp ghê gớm này ra sao? Ồ, bạn phải nhớ hữu tình chúng sinh, các bạn – những kẻ gây phiền[2]! Nếu bạn nhớ hữu tình chúng sinh và bạn luôn luôn cố gắng trưởng dưỡng lòng từ và bi, nếu bạn luôn luôn cố gắng nhớ họ khi thực hành, nếu bạn luôn luôn cố gắng làm bất cứ điều gì bạn đang làm vì họ, thì điều đấy sẽ bảo vệ bạn. Đấy sẽ là áo giáp của bạn; đấy sẽ là vị dẫn dắt giữ bạn trên con đường đúng đắn chứ không phải con đường sai lầm. Đấy sẽ là sức lực, nhiên liệu, động cơ cho bạn sức mạnh để thực sự tích lũy công đức và tịnh hóa che chướng.

Hãy xem chư Phật và Bồ Tát – chư vị không yêu cầu bạn làm bất kỳ điều gì khác biệt với điều mà chư vị vốn đã làm. Vậy tất cả chư vị đã làm gì? Một lần nữa, hãy quay lại tiểu sử của chư vị và đọc về lịch sử. Chư vị đã làm gì? Chư vị đã nỗ lực không mệt mỏi vì chúng sinh khác, mọi chúng sinh. Chư vị không bỏ mặc ai, chư vị có xả hoàn hảo, chư vị có từ và bi – và đấy là nơi chúng ta có thể bắt đầu. Nếu bắt đầu ở đó, chúng ta có thể biết rằng chúng ta đang bắt đầu ở nơi thích hợp, trên con đường đúng đắn. Nhưng nếu chúng ta cứ luôn trộn lẫn tham và sân của bản thân với thực hành Pháp, thì chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ bắt đầu loạng choạngchúng ta bắt đầu dao độngchúng ta bắt đầu sa ngã khỏi con đường và đấy là cách mà chúng ta bắt đầu tìm thấy con đường của Rudra, con đường của Mao, con đường của Langdarma.

Bạn không nên nghĩ rằng điều này chỉ được nói ra để đe dọa bạn. Dĩ nhiên, một mặt, bạn bị dọa; điều đấy cũng có thể tốt, trong nhận thức rằng có thể, bạn sẽ thực hành chân thành hơn, với niềm tin và lòng sùng mộ lớn lao hơn và ít bận tâm đến bản thân. Trong trường hợp đó, cũng ổn thôi – cứ vậy đi, bị dọa một chút. Nhưng thực sự, mục đích không phải để làm bạn sợ; mục đích là giúp bạn duy trì trên con đường đúng đắn. Bạn cần biết rằng thực sự có nguy hiểm ghê gớm, rằng chúng sinh tìm thấy con đường sai lầm và thực hành nó với sự tinh tấn và bền bỉ lớn lao và đem đến kết quả khủng khiếp từ ác nghiệp đó.

Hiện nay, có một vị bảo vệ mà không ai muốn nhắc đến – Shugden – ở đây, tôi đã nói tên của hắn[3]. Đúng, bây giờ bạn có thể nhốt tôi lại! Người ta nói rằng thực sự vị bảo vệ này từng là đệ tử của chính Tôn giả Tsongkhapa. Tôi không biết điều này có đúng không, tôi chỉ biết rằng người ta nói vậy. Dù sao đi nữa, điểm chính là dẫu cho một chúng sinh với phước báu tuyệt vời đến vậy – là đệ tử của một đạo sư vĩ đại như Tôn giả Tsongkhapa – cuối cùng lại có thể rơi vào con đường sai lầm. Vì thế, chúng ta cần phải cẩn thận để bản thân tránh những lỗi như vậy. Còn về vị bảo vệ đó, đấy thực sự không phải chuyện của chúng ta, chẳng phải mối bận tâm của chúng ta. Mối bận tâm của chúng ta là chính mình, ác nghiệp của chính mình – điều đấy cần giữ chúng ta rất bận rộn. Như thế, chúng ta cần tích lũy công đức và chúng ta cần tịnh hóa ác nghiệp đó.

Đức Gyatrul Rinpoche

Việt dịch: Pema Jyana

Nguồn: Lời khuyên tâm yếu về Tsok và những vấn đề khác – Phần 4