Tiếp cận với Pháp

Nếu chỉ nói suông là tất cả chúng ta cần phải rộng lượng bố thí, từ tâm và bi mẫn, thì đây là một điều rất dễ. Nếu chỉ khuyên nhủ hay tuyên thuyết những câu nói đầy minh triết và trí tuệ về cuộc đời, điều này cũng không khó. Nhưng trí tuệ chỉ có khi nào chính chúng ta tự mình tiếp cận và biết được thực tại như nó đang xảy ra; Chỉ thuần tin tưởng vào những lý tưởng cao đẹp sẽ không đưa đến trí tuệ. Trái lại, trí tuệ chỉ đến từ quá trình ứng xử với những gì chúng ta phải chịu đựng, những cơ may và rủi ro trong cuộc đời.

Chúng ta không nên nghĩ rằng để tu tập, chúng ta phải hội đủ tất cả những điều kiện tốt nhất — chẳng hạn như sức khoẻ đầy đủ, cao tăng hướng dẫn, và tu viện tiện nghi quy củ. Trong cuộc sống, hội đủ tất cả điều kiện tối ưu là rất hiếm vì điều này rất khó thực hiện. Có lúc, chúng ta cảm thấy là mình có tất cả yếu tố tốt đẹp nhất, nhưng liền sau đó, chúng ta lại cho là mình đang ở trong hoàn cảnh tệ hại nhất. Nhận định về cái tốt và xấu đều do tâm mà ra. Nếu chúng ta chấp chặt vào những gì chúng ta cho là tốt đẹp nhất, thì khi chưa hội đủ những điều kiện đó, chúng ta sẽ nghĩ là chúng ta chưa đủ duyên để tu tập. Chúng ta có thể viện cớ là tâm chúng ta còn đầy phiền não, chúng ta đã phạm quá nhiều lỗi lầm trong đời, và chúng ta đã nói quá nhiều điều xằng bậy. Hoặc chúng ta có thể nhìn chung quanh và thấy khuyết điểm của tất cả vị sư mà chúng ta gặp hay những tu viện mà chúng ta thăm qua. Bạn luôn có thể tìm thấy một cái gì đó không ổn, không đúng theo hình ảnh lý tưởng của bạn về những điều kiện cần thiết cho việc tu tập.

Tôi còn nhớ một số bạn đi tầm sư học đạo ở Thái Lan. Các bạn này muốn học đạo với một cao tăng giỏi nhất nước Thái Lan. Nhưng đi đến đâu, họ cũng thấy cái gì đó không ổn. Khi gặp một vị sư ăn trầu, họ nói, “Một vị A La Hán chắc chắn không ăn trầu”. Hoặc khi gặp một vị sư hút thuốc, họ bảo, “Không, chúng tôi không thể học với vị sư còn tật hút thuốc”. Họ tiếp tục tìm kiếm và tìm kiếm. Chúng ta đòi hỏi quá cao để rồi phải mất đi nhiều dịp may thật sự.

Vì thế khả năng quán chiếu và suy tưởng rất là quan trọng. Đây là con đường giúp chúng ta đi ra khỏi khổ đau. Con đường đi ra khỏi khổ đau không phải là làm sao để có tất cả những gì tốt đẹp nhất mà là làm sao có thể sử dụng tất cả những gì chúng ta đang có với trí tuệ: đó là con người hiện tại của chúng ta với tất cả tính tốt và xấu, và hoàn cảnh mà chúng ta đang sống, cho dù chúng ta là nam tu sĩ, nữ tu, hay cư sĩ tại gia, giàu hay nghèo, có công ăn việc làm hay thất nghiệp.

Điều quan trọng nhất là năng lực quán tưởng. Quán tưởng trên chính con người và cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn hiện nay ra sao? Có phức tạp lắm không? Làm thế nào để sống đơn giản? Bạn có luôn chạy theo tiền bạc, hay sống phức tạp không? Hãy hết sức thành thật quán sát và tự hỏi bạn những câu hỏi này. Hãy hành thiền và dùng trí tuệ hỗ trợ khi bạn suy tưởng về những vấn đề này.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà Xuất Bản Đà Nẵng