Mở rộng Tâm để tiếp cận với Pháp

Đức Phật nhấn mạnh việc nhìn xuyên thấu và thấy được những ảo tưởng đang kiềm chế và giam hãm chúng ta bằng cách xem xét và quán sát chính bản chất của tham ái, những đau khổ do tham ái mang lại, và sự chấm dứt của tham ái. Khi quan sát tham ái, chúng ta thấy rằng nó không là cái gì khác hơn là một luồng tâm thức đang di động hay một luồng năng lượng tâm lý đang chi phối thân và tâm chúng ta. Nó không phải là một người, hay một cái gì tuyệt đối, thường hằng và bất biến; nó sinh rồi diệt, đến rồi đi — đây chính là luồng năng lượng tham ái. Nếu chúng ta không để cho luồng năng lượng tham ái tự nó ra đi, nói khác đi, nếu chúng ta không buông bỏ nó, thì nó sẽ tạo ra luồng tham ái thứ hai, và luồng tham ái thứ hai này sẽ tạo ra luồng tham ái thứ ba, và tiến trình tham ái cứ thế mà tiếp tục nhân lên và sinh sôi nảy nở đến vô cùng.

Trong đạo Phật, từ “mindfulness” (tiếng Pali là sati) hay chánh niệm có nghĩa là “quan sát, cho phép các sự vật hiện ra trong thân và tâm, ý thức về nó, và để cho nó tự xảy diễn trong thân và tâm.” Để có chánh niệm, bạn phải cố gắng sống với thực tại, ngoại trừ khi có cái gì cực kỳ nguy hiểm và khẩn trương trước mắt mà bản năng sinh tồn bắt bạn phải ngừng chánh niệm và chú ý đến nó. Trong điều kiện bình thường, bạn phải nỗ lực quan sát những gì đang xảy ra một cách khách quan, không thành kiến và phán đoán. Chúng ta tập quan sát mà không phán đoán, thay vì tạo ra một cái gì đó rồi biện minh hay bảo vệ nó. Khi có chánh niệm và trí tuệ, năng lực ghi nhận và khả năng cởi mở tiếp thu của tâm sẽ tự động phát sinh. Chúng ta sẽ nhạy cảm và tiếp nhận được sự vận hành của các sự vật; nói tóm lại, chúng ta sẽ tiếp cận với Pháp, thấy Pháp, và sống với Pháp.

Vì thế, “Pháp” là một từ có ý nghĩa rất bao trùm. Pháp có nghĩa là “cách thức các sự vật thật sự tồn tại, không bị nhìn méo mó bởi bất cứ thành kiến nào.” Pháp cũng có nghĩa là “quy luật tự nhiên.” Khi quán Pháp, chúng ta không nghĩ về Pháp như một cái gì đó. Nếu chúng ta định nghĩa Pháp là cái này hoặc cái nọ, thì lúc đó chúng ta đang tìm Pháp, chứ không phải quan sát Pháp như nó đang xảy diễn, phải không các bạn? Đó không phải là cách tiếp cận với Pháp hay chánh niệm về Pháp. Chánh niệm là mở rộng tâm để thấy và biết được Pháp như nó đang xảy ra — tại đây và ngay bây giờ.

Chúng ta thường không để ý đến không gian và thời gian. Thân chúng ta có thể ở đây mà tâm chúng ta lại ở chỗ khác. Thời gian là bây giờ, nhưng chúng ta ít khi thật sự sống với cái bây giờ; chúng ta phí nhiều thời gian trong đời để nhớ về quá khứ, hay mong đợi, mơ tưởng, và lo sợ về tương lai. Chúng ta xây dựng những dự định về tương lai và hồi tưởng về quá khứ, nhưng chúng ta không bao giờ ghi nhận Pháp hay những gì đang xảy ra tại đây và ngay bây giờ — Pháp chính là thực tại đang xảy diễn. Từ đó, chúng ta cứ suy nghĩ về quá khứ và tương lai, tiếp tục bị năng lực tham ái chi phối, và hướng về một cái gì khác ở một nơi nào đó. Nếu chúng ta quán tưởng về điều kiện sống của chúng ta tại đây và ngay bây giờ, thì chúng ta sẽ thấy, biết và hiểu được tại sao các sự việc trên thế gian xảy ra như nó đang xảy ra trong hiện tại.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng