Dựa trên hai tính chất đối lập trong con người để phát triển tâm thức

Chúng ta có thể dựa vào gia đình để phát triển đời sống tâm linh vì gia đình là một mô hình tôn giáo sơ khai, uyên nguyên, và thuần khiết. Trong biểu tượng của đạo Thiên chúa, Đức Chúa Trời là cha, Mary là mẹ, và chúa Jesus là con. Các tôn giáo khác có Cha trên trời và Mẹ dưới đất tượng trưng cho sự giao hợp giữa trời và đất. Khi thật sự nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy là bên trong mỗi người đều có cả người cha lẫn người mẹ, và trong khi tu tập phát triển tâm linh, bạn có thể quán tưởng trên hai tính chất đối lập này.

Có sắc thân nam hay nữ không có nghĩa bạn hoàn toàn là một người nam hay người nữ một trăm phần trăm. Khi tu tập phát triển tâm linh, chúng ta cần mở rộng để tiếp xúc với người khác phái nằm ẩn trong chúng ta; một người nam cần mở rộng để tiếp cận với người nữ, và người nữ cần tiếp xúc với người nam bên trong họ. Điều này không dễ làm nhưng sự có mặt của một người khác phái ở bên ngoài có thể giúp chúng ta làm được việc này. Khi một người nam gặp một người nữ, hay một người nữ gặp một người nam, họ có thể dùng những tính chất của đối tượng bên ngoài để nhắc nhở và tiếp cận với những tính chất của người khác phái bên trong. Đối với các chư tăng và ni sống trong tu viện, thay vì có quan hệ tình cảm mật thiết với nhau, chư tăng có thể nhận biết người nữ hiện hữu bên ngoài, và từ đó tiến đến việc nhận ra những nữ tính trong người của họ. Và đối với chư ni, cũng thế; họ có thể nhận ra nam tính của mình bằng cách đó.

Là một nam tu sĩ, kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng tâm lý của nam giới thường thích đấu tranh hay chiến thắng một cái gì đó; họ khá gây hấn và có ý chí mạnh. Vì thế các nam tu sĩ thường tuyên chiến với chính họ trong lúc hành thiền. Họ tìm cách diệt trừ tâm sân hận, tiêu diệt tâm lo sợ, phá tan tâm ganh tỵ, và triệt tiêu tâm tham ái mỗi lần những tâm sở bất thiện này khởi lên. Nhưng làm như vậy sẽ đưa chúng ta về đâu? Bạn sẽ trở nên cứng nhắc và căng thẳng đến đau cả đầu. Tâm bạn sẽ cằn cỗi; bạn sẽ khô khan như một bãi sa mạc. Không có gì hết, không một chút tình cảm — chỉ có ý chí ngự trị trong lúc bạn ngồi thiền. Làm như thế bạn sẽ có thêm nội lực vì phải có năng lực mới giữ được tư thế ấy cho dù chỉ trong một phút giây ngắn ngủi nhưng tâm lý ấy cũng dễ đổ vỡ vì nó rất dễ mất quân bình. Nó chủ yếu dựa vào ý chí mù quáng mà không dựa trên trí tuệ và tình thương — nói khác đi, nó không dựa trên sự mềm dẻo, uyển chuyển, và thái độ sẵn sàng tiếp nhận.

Vì thế chỉ khi nào người nam tu sĩ tiếp xúc được với phần nữ tính bên trong họ, tâm thức họ mới tiến đến trạng thái quân bình. Để cho một người nam trở thành nhạy cảm và biết tiếp thu, vị ấy không nên dùng ý chí và ức chế nội tâm của họ. Vị ấy phải biết buông bỏ và tập tính từ ái, nhu nhuyễn, và nhẫn nhục với chính bản thân của vị ấy — và với những người khác. Đặc biệt, vị ấy cần phải hết sức kiên nhẫn với những người gây khó chịu cho mình.

Có một lần, Ngài Ajahn Chah giúp tôi thấy vấn đề sử dụng ý chí trong lúc hành thiền. Trong thiền viện, có một tu sĩ làm tôi rất khó chịu. Tôi không chịu nổi được con người của ông ta. Chỉ nghe giọng nói của ông ta là tâm tôi đã bực tức rồi. Tôi đến nhờ Ngài Ajahn Chah giúp, và Ngài bảo, “À, vị tăng ấy rất tốt cho con đó. Ông ta mới là người bạn thật sự của con. Tất cả những người bạn tử tế của con, những vị tỳ kheo mà con thấy tánh tình thích hợp, họ không tốt với con lắm đâu. Chính ông ta mới thật sự là người sẽ giúp con”. Vì Ngài Ajahn Chah là một thiền sư có nhiều trí tuệ, tôi tiếp thu và suy nghĩ nghiêm túc về lời khuyên của Ngài. Và tôi bắt đầu nhận ra rằng bằng cách nào đó tôi phải hoàn toàn chấp nhận vị tỳ kheo đó — kể luôn cả sự bực mình của tôi — và để cho ông ta cứ là ông ta, thế thôi. Năng lượng nam tính luôn có khuynh hướng muốn sửa sai người khác. Đó là thái độ: “Để ông chỉ cho cậu thấy là cậu đang sai lầm”. Nhưng để tập được đức tính biết chấp nhận và tiếp thu của người nữ — nghĩa là chỉ biết ngồi đó, để cho vị tỳ kheo đó làm cho mình bực bội, và chịu đựng sự bực bội trong tâm đó — tôi phải tập kiên nhẫn. Sau đó, tôi bắt đầu hiểu được ý nghĩa của việc thiết lập quân bình trong nội tâm, vì tôi đã biết được lý do tại sao tôi bị mất quân bình.

Đối với các tỳ kheo ni, sự mất quân bình diễn ra theo chiều ngược lại. Thường thường phụ nữ có xu hướng chấp nhận tất cả. Họ thường sẵn sàng chờ người khác sai bảo phải làm gì. Nhưng để tìm được phần nam tính bên trong, người nữ cần tìm cái có thể làm họ tin tưởng — cái gì mạnh mẽ và có thể hướng dẫn họ từ bên trong — thay vì chờ đợi sự sai khiến của một quyền lực nào đó bên ngoài. Tôi nhận thấy nhiều người nữ rất khó có thể tin tưởng vào sức mạnh nội tại của họ. Thường thường, họ thiếu tự tin. Để có thể không chỉ biết ngồi chờ và chấp nhận mọi việc như nó xảy đến, và vững vàng trong một tình huống đòi hỏi nhiều thiện chí. Nói chung, phụ nữ cần phải phát huy sức mạnh; họ phải tin vào trí tuệ của họ thay vì chỉ biết dựa vào sự hướng dẫn của một trí tuệ nào đó từ bên ngoài.

Để tiếp xúc với phần nam tính hoặc nữ tính bên trong, chúng ta có thể nhờ vào sự biểu thị của người nam và người nữ ở bên ngoài. Chúng ta có thể dùng quan hệ hôn nhân hay đời sống trong tu viện để rèn luyện cho mình cái nhìn trí tuệ về vấn đề này. Nếu thói quen làm cho bạn quên mất việc này, thì bất cứ lúc nào thấy một người khác phái, đó là dịp để bạn nhớ lại. Thay vì chỉ nhìn người khác phái với đôi mắt quyến rũ đầy tham ái, dục vọng, hay phán đoán, hay chỉ để ứng xử phân biệt, bạn có thể dùng hoàn cảnh đó để nhắc nhở mình khai mở và tiếp xúc với phần giới tính đối lập bên trong. Bằng cách đó, đối với người nam, tất cả phụ nữ đều có thể trở thành biểu tượng của nữ tính, và với cái nhìn đó, vị ấy sẽ kính trọng tất cả phụ nữ, vì người phụ nữ bên ngoài là đại diện của chính người phụ nữ nằm bên trong họ. Tôi cho rằng đối với phụ nữ, nam giới cũng là biểu tượng và có cùng chức năng như trên.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng