Tương lai là cái không thể biết được

Tương lai — bạn hiểu tương lai như thế nào? Khi nghĩ về tương lai, bạn có cảm tưởng gì? Chỉ cần tự hỏi: Bạn muốn điều gì xảy ra trong tương lai? Cái gì làm bạn lo âu, sợ hãi, mong đợi, hay hy vọng? Đây là thái độ của chúng ta mỗi lần nghĩ về tương lai phải không các bạn? Mong đợi, suy đoán, phỏng chừng, hy vọng, ước ao, lo âu, sợ hãi, chờ đón — đây là những trạng thái tâm thường sinh khởi khi chúng ta nghĩ về tương lai bởi vì tương lai là cái mà chúng ta không thể biết được. Chúng ta suy đoán rất nhiều về tương lai. Có người đi xem đồng bóng hoặc bói toán để đoán giải về tương lai, và họ sẽ giải thích, “Có thể điều này hay điều nọ sẽ xảy ra”.

Nhưng hành thiền không phải là suy đoán. Trong khi hành thiền, chúng ta quán sát các pháp như chúng đang thật sự xảy diễn, và chúng ta nhận ra rằng tương lai là cái không thể biết được. Tương lai là cái gì đó bao la và vô cùng bí ẩn, bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra trong tương lai — từ cái tốt nhất cho đến cái xấu nhất.

Nhưng chúng ta thường rất sợ hãi khi nghĩ về tương lai vì chúng ta biết là trong tương lai, chúng ta sẽ phải chết và xa lìa những gì chúng ta yêu mến. Chúng ta không muốn nghĩ nhiều về tương lai, vì nó nhắc nhở chúng ta đến cái chết và sự biệt ly. Bị dính mắc vào cuộc sống hiện tại làm chúng ta rất sợ chết. Chúng ta bị dính chặt vào cuộc sống — vào cái hình hài này, vào những người thân yêu, của cải và tài sản, và vào cái thế giới mà chúng ta đang cảm nhận — đến nỗi chỉ nghĩ đến lúc phải chia tay với những đối tượng vừa kể trên cũng đủ làm chúng ta ưu sầu và phiền não. Vì thế chúng ta bám víu một cách tuyệt vọng vào cuộc sống, con người, đồ vật và vào cái cảm giác ổn định và an toàn để rồi với thời gian đi qua, chúng ta cũng phải chịu để cho tất cả những cái này tuột khỏi tầm tay và không gì có thể chặn lại được. Vì thế đối với chúng ta, chết là một trong những điều bí ẩn đáng kinh sợ nhất.

Thời buổi này, con người thích suy đoán về những gì xảy ra khi người ta chết. Quan điểm duy vật cho là chết là hết. Người tin ở thuyết tái sinh cho là linh hồn con người sẽ được tái sinh dưới một dạng khác. Một số quan điểm tôn giáo cho là sau khi chết con người sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Nhưng một điều bạn phải tự nhận là vì chưa chết nên bạn không thể biết được cái gì sẽ xảy ra. Tương lai là điều không thể biết được, chỉ có trước mắt, chúng ta biết là chúng ta đang sống trong tấm thân này, đang bị gắn chặt và bận rộn với cuộc sống này. Vì thế ngay bây giờ, chúng ta phải trực diện với sự tồn tại này và cuộc đời này, trong khung cảnh không ngừng thay đổi và sinh diệt của tâm thức.

Thay vì suy đoán về những gì sẽ xảy ra sau khi thân xác này hoại diệt, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rằng trong giới hạn của tâm thức con người, có một con đường giúp chúng ta đi ra khỏi khổ đau — đó là sự tỉnh thức và chánh niệm về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Đây là con đường giúp chúng ta thoát khỏi sự sinh ngay từ trong tâm thức. Và con đường thoát ly sự sinh này cũng là con đường thoát ly sự chết vì nếu không có sinh thì cũng sẽ không có chết. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy được cách thoát ra khỏi sự tái sinh trong ngay giây phút hiện tại — ngay cả khi tấm thân vật lý này vẫn sống, vẫn thở, vẫn suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận và thể nghiệm. Với tâm Chánh Niệm và Tỉnh Giác, sẽ không còn sự tái sinh bắt nguồn từ vô minh; sẽ chỉ có những luồng vận động, những dòng chảy tự nhiên của tâm thức và một sự ghi nhận đơn thuần và tĩnh lặng, thay vì chỉ có những cuồng lưu và bão táp của lo sợ và tham ái do vô minh thúc đẩy. Và với tâm Chính Niệm và Tỉnh Giác, sẽ chỉ có tâm thức mở rộng và niềm tin tưởng để tiếp cận với cái tương lai mà chúng ta không thể nào biết được .

Chánh Kiến, hay khả năng thấy được sự vận hành của các Pháp như nó đang thật sự xảy diễn, là con đường hoàn toàn vắng bóng sự sợ hãi bởi vì Pháp là bao la và vô tận. Pháp là vĩnh hằng. Pháp là cái gì thật sự vĩ đại và đầy phép lạ. Bởi vì không thể hiểu được Pháp qua con đường nhận thức và tri thức, nên chúng ta chỉ có thể mở rộng tâm thức để tiếp nhận Pháp, mở rộng tâm thức để tiếp cận với những gì không thể biết được, những gì bí ẩn. Kinh nghiệm này có thể làm chúng ta khiếp sợ. Người đời thường mô tả kinh nghiệm chứng ngộ tâm linh như một cái gì kinh sợ và khủng khiếp. Nó sẽ xô ngã và kéo phăng đi tất cả những gì mà chúng ta đồng hóa, gắn chặt và tùy thuộc vào, tất cả những gì làm chúng ta cảm thấy yên ổn và thoải mái. Bất thình lình, tất cả đều bị lấy mất, giật khỏi tay của bạn, và bạn không còn gì để bám vào cả. Nhưng điều kỳ diệu của sự chứng ngộ tâm linh là khi bạn có thể chấp nhận được kinh nghiệm đáng sợ và khủng khiếp này, đó cũng chính là lúc mà bạn sẽ tìm thấy được sự bình an thật sự. Lúc đó, bạn có thể thật sự bình an mà hoàn toàn mở rộng tâm, hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận bất cứ hiểm nguy nào và tỉnh giác với những gì mà chúng ta không thể biết được.

Ngoài việc suy đoán về tương lai, chúng ta thường tìm cách tự bảo vệ và chống lại sự khống chế của tương lai. Nhưng càng tự bảo vệ, chúng ta chỉ càng thêm lo âu và sợ hãi. Chúng ta nghĩ rằng tự vệ là biện pháp an toàn. Chúng ta cho rằng để không bị tấn công, chúng ta phải thật hùng mạnh để không ai dám tấn công, nhưng làm như thế bắt buộc chúng ta phải liên tục ở trong tư thế phòng ngự và chống đỡ, phải không các bạn? Và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Chúng ta có thể hung hãn và lên gân, nhưng chúng ta không thể gồng mình và lên gân mãi mãi. Một lúc nào đó, chúng ta phải buông xả và thư giãn. Và lúc mà chúng ta thư giản cũng là lúc mà kẻ thù có thể dễ dàng tấn công. Vì thế, tất cả những biện pháp phòng vệ và chống đỡ không thể giúp chúng ta đối phó lại cái tương lai mà chúng ta hoàn toàn không biết gì cả.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng