Lời khuyên trọng yếu nhất cho việc sống trong ẩn thất

Đạo sư, vị hướng dẫn tâm linh của bạn, thực hiện những công hạnh của Đức Phật ngay trước mặt bạn. Việc đối xử với ngài thậm chí với sự bất kính vi tế về thân, ngữ, hay tâm sẽ gây nên bệnh tật và nhiều bất hạnh khác trong đời này. Sự bất kính này sẽ khởi đầu cho mọi kinh nghiệm không được mong muốn, chẳng hạn như nhận ra rằng mọi thiện xảo hay tài năng mà bạn đã phát triển thì chẳng ích lợi gì cho bản thân bạn hay những người khác. Hơn nữa, khi cuộc đời này chấm dứt, bạn sẽ kinh nghiệm trong nhiều cuộc đời nỗi khổ dữ dội, dài dằng dặc và không thể chịu đựng nổi trong sự hiện hữu luân hồi.

Vì thế, những người đã nhập thất nên cư xử như được khuyên nhủ trong những giáo lý tuyệt hảo của Đức Phật: Khi đã quyết định không hành xử một cách bất kính đối với Đạo sư tâm linh, bạn nên phát triển biểu lộ tích cực của lòng ngưỡng mộ của bạn đối với ngài. Khi đã quyết định không nói những lời thô bỉ, chẳng hạn như vạch ra những lỗi lầm của vị hướng dẫn tâm linh của bạn để làm những trò cười nhạt nhẽo, bạn nên luôn luôn nhận ra các phẩm tính đáng ngưỡng mộ của ngài. Bằng cách này và những cách khác, việc biểu lộ sự quý trọng qua lời nói của bạn nên được tăng trưởng. Về mặt tâm thức, bạn nên liên tục quán chiếu về những phẩm tính và lòng tốt của Đạo sư tâm linh. Theo cách này, sự hứng khởi vô bờ và lòng tôn kính mà bạn cảm nhận được sẽ tăng trưởng.

Nói một cách súc tích, bạn nên tuân theo truyền thống của Đức Naropa, Milarepa tôn quý, và những vị Thầy quý báu khác của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền của chúng ta. Bạn đừng bao giờ nghĩ xấu về Đạo sư tâm linh và đừng bao giờ xem thường giáo huấn của ngài. Bạn nên làm cho sự hứng khởi và tôn kính mà bạn cảm thấy trở thành nền tảng duy nhất cho thực hành thiền định của bạn.

Khi Đạo sư tâm linh giảng dạy, mọi người phải để giày ở bên ngoài chùa. Trong trung tâm nhập thất này có một luật lệ là trước mỗi giáo lý phải có một lễ cúng dường vũ trụ trong hình thức biểu tượng (cúng dường mạn đà la). Một lễ cúng dường như thế rất cần thiết. Dù bài giả ng dài hay ngắn, bạn phải hết sức chú tâm vào nó và lắng nghe với sự tán thán và biết ơn. Đặc biệt là trong tất cả các lễ quán đảnh và gia hộ, việc lập lại các bài cầu nguyện của bạn nên chính xác và sự tập trung của bạn vào từng chi tiết của các quán đảnh phải thật hoàn hảo.

Bạn nên bảo đảm là bạn có thể nhớ lại mọi giáo huấn trong những quán tưởng của các thực hành thiền định. Nếu bạn không thể thấu hiểu việc thiền định trong bài học bởi bạn thuộc hàng hạ căn, bạn nên thỉnh cầu chỉ dẫn đặc biệt để làm sáng tỏ những đặc điểm của sự quán tưởng mà bạn không hiểu. Bạn có thể thiền định mà không có sự hiểu biết trí thức về những điểm trọng yếu, nhưng nếu bạn nghi ngờ về các chi tiết của bản thân việc thiền định thì các nỗ lực của bạn sẽ không có kết quả. Vì thế, điều quan trọng là bạn phải tham vấn Đạo sư ngay lập tức để làm giảm bớt những hoài nghi của bạn.

Nếu thời gian cho phép, Đạo sư tâm linh nên khảo sát khả năng lãnh hội về các thiền định của người nhập thất từ thời gian của các thực hành chuẩn bị cho đến khi kết thúc thời gian nhập thất. Mặc dù điều đó có thể không thực hiện được, ngài nên coi những người nhập thất như đệ tử của mình và hành xử một cách thích hợp. Điều này bao gồm việc đón nhận và ghi nhớ nhữ ng tường trình về kinh nghiệm và dấu hiệu của người nhập thất trong thực hành Sáu Giáo lý, các dấu hiệu xuất hiện trong Sáu Nhánh Ứng dụng  trong việc thu thúc các giác quan và sự an định, kinh nghiệm về sự phát triển các thiền định Đại Ấn và Cắt đứt sự Vững chắc của việc Bám chấp (Trek Chö), và sự xuất hiện của Thị kiến trực tiếp (Tögal). Nếu họ không phát triển những kinh nghiệm này, Đạo sư phải chỉ dẫn về cách sửa chữa những sai sót trong việc thiền định để những kinh nghiệm đó sinh khởi. Nếu một người nhập thất nói dối, tuyên bố sai lạc là mình đã có một kinh nghiệm nào đó, Đạo sư tâm linh phải chỉnh sửa điều này bằng cách nói rằng sự lừa dối đó không thể chấp nhận được. Ngài cũng phải chỉ dạy các giáo huấn liên quan đến việc giải trừ các chướng ngại và làm phong phú kinh nghiệm thiền định thích hợp với sự phát triển tâm linh của mỗi người nhập thất. Đạo sư tâm linh phải khuyến khích để duy trì việc thực hành đối với những người có khả năng thiền định tốt đẹp và đối với những ng ười đã phát triển một vài kinh nghiệm. Đạo sư tâm linh nên luôn luôn ban mọi giáo huấn cần thiết để làm tăng trưởng các yếu tố tốt lành và làm an dịu các yếu tố tiêu cực trong khóa nhập thất. Ngài nên làm mọi sự ích lợi cho những người nhập thất mà không mệt mỏi, chẳng hạn như ngay từ lúc đầu không bỏ qua mọi bệnh tật mà người nhập thất có thể có và sắp xếp để họ được chữa trị bằng mọi phương tiện sẵn có của cộng đồng nhập thất.

Vị Thầy của chúng ta, Đức Phật bi mẫn chiến thắng, đã ban vô số lời chỉ dạy liên quan đến đời sống của những vị thọ Cụ túc giới đang sống trong ẩn thất. Một ví dụ ngắn được tìm thấy trong Kinh Đại Bửu Tích:

Ca Diếp, khi một người đơn độc thọ Cụ túc giới nhập thất và sống một cuộc đời cô tịch, người ấy nên phát triển lòng từ đối với tất cả chúng sinh bằng tám hình thức hoạt động. Tám hình thức đó là gì? Đó là lòng từ nhân hậu, lòng từ hoan hỉ, lòng từ độ lượng, lòng từ chân thành, lòng từ không phân biệt, lòng từ hòa thuận, lòng từ nhận thứ c sâu sắc tính duy nhất của vạn pháp, và lòng từ bao la như bầu trời. Ca Diếp, lòng từ đối với chúng sinh nên được phát triển bằng tám hình thức hoạt động tâm linh này.

Ca Diếp, một người đơn độc thọ Cụ túc giới nên phát triển thái độ này: “Tôi đã đến đây từ một nơi rất xa. Tôi đơn độc, không có bầu bạn, vì thế tất cả những gì tôi làm, dù tốt hay xấu, sẽ không bao giờ bị bất kỳ ai tán thán hay chê trách. Tuy nhiên, các vị trời, rồng, tinh linh, và chư Phật tôn quý biết rõ tôi có nhất tâm hay không. Bởi các ngài là những nhân chứng khi tôi sống ở đây trong ẩn thất, nguyện tâm tôi không trở nên bất thiện! Nguyện tôi hiểu rõ rằng tất cả những mê đắm tham dục hiện tại, những mê đắm sân hận, và những mê đắm các hình thức ác hạnh khác của tôi chỉ là những niệm tưởng lan man tầm thường. Nguyện tôi không trở nên giống như những người quá vui thích với các thú tiêu khiển! Nguyện tôi không trở nên giống như những người sống trong các phố thị và ngoại ô! Nếu tôi trở nên giống như họ, tôi sẽ lừa dối các vị trời, rồng và tinh linh, và làm phật lòng chư Phật. Còn nếu tôi sống phù hợp với những giá trị tâm linh trong khóa nhập thất, các vị trời, rồng, và tinh linh sẽ không chê trách tôi và tôi sẽ làm hài lòng chư Phật.” Đây là thái độ nên được phát triển.

Bạn cũng được khuyên rằng khi đang nhập thất, bạn nên sống thanh tịnh, duy trì giới hạnh toàn hảo trong khi nỗ lực một cách kiên định và nhiệt tâm đối với giáo lý Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, và ba mươi bảy phương diện của sự giác ngộ. Đức toàn trí Rangjung Dorjay (Karmapa thứ ba) đã viết:

Kỳ diệu thay, trong thời đại tối tăm và hỗn loạn này,
Các bạn, những người may mắn, ước muốn thực hành trong ẩn thất!
Vào lúc này, bởi mọi người có một cuộc đời ngắn ngủi với nhiều thăng trầm trong số phận
Và ít thời gian cho những công việc lớn lao,
Có thể bạn không có một nền giáo dục hoàn hảo.
Nhưng chừng nào niềm tin dâng hiến của bạn còn kiên định,
Và bạn luôn luôn phát triển lòng bi mẫn mãnh liệt đối với chúng sinh,
Hãy an trụ trong ẩn thất và duy trì nỗ lực nhiệt tâm mạnh mẽ.

Như có nói trong những tantra vô thượng của con đường trực tiếp
Hãy luôn luôn chuyên chú thực hành không lỗi lầm và nhất tâm thiền định
Về giai đoạn phát triển và mọi giáo huấn cốt tủy
Liên quan đến các kinh m ạch, khí lực, và tâm giác ngộ.
Một khi bạn đã thiền định về bốn cấp độ
Của sự định tĩnh và vô sắc, và đạt được chứng ngộ,
Đừng nghỉ ngơi trong trạng thái đó, mà hãy đi vào thế giới của tham dục
Và, như trong một sự huyễn hóa, hãy thực hiện sáu ba la mật cho đến khi chúng viên mãn.

Nguyện sự sinh khởi của vô minh và những nối kết nhân quả được tháo tung một cách tự nhiên mà không cần trù liệu.
Khi đã chứng ngộ Đại Ấn, hiểu rằng bản ngã không có thực chất Và từ bỏ sự hài lòng với an bình viên mãn
Nguyện bạn làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh cho đến khi hiện hữu luân hồi trống rỗng.

Nếu bạn thực hành thiền định theo cách này,
Mười giai đoạn của sự giác ngộ (thập địa), năm con đường, các phương diện của sự giác ngộ,
Thị kiến siêu việt, sự tỉnh giác cao tột, thiền định tĩnh vô bờ bến,
Các sức mạnh, các hình thức của sự dũng cảm, và mười tám phẩm tính vô song
Tất cả sẽ được hoàn thiện nhờ nương tựa vào vị dẫn dắt tâm linh của bạn.

Bạn nên đưa lời khuyên dạy vào tâm khảm như thể nó là chất cam lồ.
Các khiếm khuyết của việc không sống trong ẩn thất được nhắc đến trong Kinh Gây truyền những Nguyện ước Cao quý, trong đó những bất lợi của việc hưởng thụ những phóng dật được mô tả. Kinh Chấm dứt Suy đồi Đức Hạnh và những Kinh điển khác nói rằng hậu quả tiêu cực của những phóng dật có thể dẫn đến kinh nghiệm đau khổ trong ba hiện hữu khốn cùng (ba cõi thấp) trong vô số cuộc đời.102 Các lợi lạc của việc an trụ trong một ẩn thất thiền định được nhắc đến trong Kinh Tiếng Sư tử Hống của Đức Di Lặc:

Ca Diếp, một Bồ Tát có thể chất đầy một ngàn, ba ngàn hệ thống thế giới bằng hoa, hương, bột thơm, và nước hoa để cúng dường các món đó cho Đức Phật ba lần vào ban ngày và ba lần vào ban đêm trong một trăm ngàn năm. So với sự cúng dường đó, việc một Bồ Tát bước đi bảy bước hướng về một ẩn thất bởi người ấy lo âu và sợ hãi những cuộc chuyện trò thế tục xao lãng, sợ hãi trạng thái của cuộc đời trong toàn bộ ba thế giới, và mải mê làm việc vì lợi ích của chúng sinh, thì công đức hơn nhiều.

Ca Diếp, ông nghĩ gì về điều này? Đức Phật đang nói đùa chăng? Hay đang cố lừa phỉnh ông? Nếu ông nghĩ rằng điều này không thể là lời của Đức Phật, ông không nên nghĩ như thế, Ca Diếp. Vì sao thế? Đó là bởi chân lý của điều này thật rõ ràng đối với ta.

Những phẩm tính kiệt xuất của việc thiền định trong ẩn thất được so sánh với sự uyên bác được nhắc đến trong Kinh Sự Hợp nhất của Cha và Con:

Một người có thể nghiên cứu giáo lý liễu nghĩa (tuyệt đối) của việc thiền định của Bồ Tát trong mười kiếp và giảng dạy nó cho những người khác, nhưng việc thiền định về nó trong khoảng thời gian xảy ra một cái búng tay thì đáng giá hơn rất nhiều.

Kinh Thiền định Siêu việt nói:

Đấng Thế Tôn nói với Ananda: “Cho dù con không đạt được kết quả nào trong bốn kết quả của thực hành đức hạnh nhờ thiền định tĩnh, so với việc trở nên uyên bác thì thiền định này cao quý gấp một triệu lần.”

Thiền định trong ẩn thất đó thì siêu vượt những cúng dường khác được nói đến trong cùng bản văn:

Người lìa bỏ đời sống gia đình và thực hành con đường phát triển tâm linh Phụng sự đấng siêu phàm, chiến thắng
Với thực phẩm, hương đốt và hương thơm.

Người khác, đau khổ bởi bản tánh phù du của những hiện tượng duyên hợp,
Hướng về một ẩn thất và bước đi bảy bước
Với ước muốn chân thành giác ngộ để làm lợi lạc chúng sinh.
Công đức của người này vượt xa người trước.

Hơn nữa, những kết quả của ba phương pháp phát triển tâm linh trong Phật giáo được thành tựu nhanh chóng nhờ việc an trụ trong ẩn thất. Tuy nhiên, nếu ta không đạt được kết quả nào trong những kết quả này bởi ta không đủ công đức và nỗ lực, ta thường nghe nói rằng cuối cùng kết quả của việc tu tập này sẽ làm tiêu tan và vô hiệu hóa những cảm xúc tăm tối trước khi ba vị Phật tịch diệt. Bởi những phát biểu tương tự đã được các Đạo sư trong quá khứ lập lại liên tục, bạn nên đặc biệt quan tâm một cách thiết tha và sâu sắc đến việc thực hành thiền định trong ẩn thất.

Đức Jamgon Kongtrul Lodro Tayé
Trích trong Cẩm nang nhập thất