Những lời khuyên về việc sinh hoạt sau khi nhập thất

Bạn nên tự hài lòng bằng cách bảo đảm rằng kết quả của việc thực hành tâm linh của bạn không bị phí uổng. Điều này có thể được thực hiện ra sao?

Ngày nay, chúng ta không thể thực sự trông chờ việc đạt được thành tựu hay thậm chí đạt được những khởi đầu của các dấu hiệu về nhiệt. Ta chỉ là những con người bình thường phải thực hành nhắm đến việc đạt được giác ngộ bằng một cách thức đơn giản.

Một khi bạn đã sống toàn thời gian trong trung tâm nhập thất, bạn nhận lãnh danh hiệu Đạo sư tâm linh (Lạt ma). Nếu bạn cho rằng điều này đủ để bạn thọ nhận các món cúng dường một cách cẩu thả từ các tín chủ hay nhân danh những người đã chết, và bạn cảm thấy toại nguyện với thực hành thiền định mà bạn đã làm, điều này còn ghê tởm hơn việc (nếu) bạn tự nuôi sống mình bằng lợi nhuận có được từ việc bán những thú vật mà bạn giết thịt.

Giờ đây bạn đã tìm ra con đường dẫn đến giải thoát. Bạn nên nhận ra và thừa nhận rằng đó là nhờ thiện tâm của Đạo sư tâm linh và nhờ sự may mắn tốt lành của bạn. Để không lãng phí những khuynh hướng thiện nghiệp mà bạn đã có này, chừng nào còn sống, bạn không nên thờ ơ từ bỏ các thiền định của giai đoạn phát triển và thành tựu mà bạn đã thực hiện ở đây.

Điều tuyệt hảo nhất mà bạn có thể làm là cắt đứt mọi trói buộc tham luyến thế tục và thực hiện một cuộc nhập thất đơn độc để đưa thực hành của bạn đến kết quả. Điều tốt lành thứ hai là hãy tự cam kết không bao giờ nuôi sống bản thân bằng những cách thức trái nghịch với đời sống tâm linh, và sau đó hãy thực hành thiền định trọn đời bạn, phụng sự Đạo sư tâm linh và Phật giáo và làm tất cả những gì lợi lạc cho chúng sinh hay có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của chính bạn. Điều tối thiểu bạn có thể làm là đừng bao giờ đánh đổi ba năm nhập thất của bạn để lấy thực phẩm và quần áo, bởi điều đó không thể sửa chữa việc bạn tự làm hại mình trong đời này và đời sau. Thay vào đó, bạn nên chắc chắn là luôn luôn lưu giữ trong tâm một vài thực hành tịnh hóa các ác hạnh, làm tăng trưởng và tinh lọc công đức và trí tuệ của bạn.

Nói chung, dù bạn đi đâu hay an trụ nơi đâu sau khi sống trong trung tâm nhập thất này – vào một tu viện hay ra đời – về mặt vật lý bạn đừng bao giờ không khoác y phục của giới hạnh tốt lành; về ngôn ngữ, hãy trì tụng các bài cầu nguyện và thần chú; và về tâm thức, bạn nên duy trì lòng từ, bi, sùng mộ, tôn kính, thị kiến thanh tịnh, và các thiền định của giai đoạn phát triển và thành tựu.

Bạn nên luôn luôn duy trì ước muốn chân thành giúp đỡ những người khác. Thay vì ngủ, bạn nên hết sức chuyên chú vào việc thiền định trong phần đầu và cuối của một ngày. Đừng bao giờ đắm mình trong những hình thức sinh nhai sai lạc như xu nịnh, nói bóng gió, mánh lới, đạo đức giả, và bố thí với hy vọng được đáp trả. Bạn nên hài lòng với những y phục sẽ che chở thân thể bạn, với thực phẩm sẽ nuôi sống bạn, và bất kỳ nơi trú ẩn và chỗ ngủ nào bạn tìm được. Bạn nên liên tục giảm bớt nhữ ng mối ưu tư. Mọi hạnh phúc hay bất hạnh bạn trải nghiệm nên được kết hợp vào đời sống tâm linh của bạn bằng bất kỳ phương pháp nào thích hợp với khả năng của bạn – hoặc đó là việc tu tập tâm thức, sự xả bỏ, hay thiền định về tánh Không v.v..

Tuyên bố sai lạc rằng mình đã nhìn thấy các vị trời hay quỷ ma, có nhận thức cao cả, có những dấu hiệu thành tựu của việc thành công trong thiền định v.v.. là sự trình bày sai lạc kinh nghiệm của mình như cái gì đặc biệt trong khi thực ra nó thật tầm thường. Những lời nói dối như thế không chỉ phá hoại các giới nguyện của bạn, chúng cũng đi nghịch lại những chỉ thị cuối cùng của các Đạo sư vĩ đại ngày trước của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền. Đừng nói những lời dối trá như thế.

Đừng bao giờ uống rượu, dù bạn ở nhà hay ở nơi nào khác.Bạn nên tránh sự ích kỷ, tham luyến như tránh thuốc độc hay nhờm tởm tám mối quan tâm thế tục, sự kiêu mạn (tự mãn), thiếu quan tâm đến người khác v.v… Hãy giữ vị trí càng tầm thường càng tốt. Tập trung sự chú tâm của bạn nơi Đạo sư tâm linh và các suối nguồn quy y. Hãy tu tập bản thân để có một cái nhìn thanh tịnh đối với tất cả mọi người không chút thiên vị. Hãy tuân theo lối sống của các Đạo sư vĩ đại trong quá khứ của Dòng Giáo huấn Khẩu truyền. Hãy tận tâm và xác tín trong việc kiên quyết duy trì truyền thống thực hành tâm linh của trung tâm nhập thất này.

Tóm lại, Kinh Gây truyền những Nguyện ước Cao quý đã nói: Di Lặc, nếu một người đi theo Con đường Bồ Tát có bốn phẩm tính, người ấy sẽ không bị hãm hại hay quấy nhiễu trong thời đại suy vi của Phật pháp trong năm trăm năm cuối cùng của kỷ nguyên này mà sẽ được giải thoát đầy hỉ lạc. Bốn phẩm tính này là gì? Đó là nhận ra các lỗi lầm của mình; từ chối không bàn về lỗi lầm của người đang đi theo Con đường Bồ Tát; không quá bận tâm đến quê hương của bạn hữu, gia đình, hay những người bố thí cho mình; và không nói những lời khó chịu. Di Lặc, nếu một người đi theo Con đường Bồ Tát có bốn phẩm tính này, người ấy sẽ không bị hãm hại hay quấy nhiễu trong thời đại suy vi của Phật pháp trong năm trăm năm cuối cùng của kỷ nguyên này mà sẽ được giải thoát đầy hỉ lạc.

Hơn nữa, Di Lặc, nếu một người đi theo Con đường Bồ Tát có bốn phẩm tính, người ấy sẽ không bị hãm hại hay quấy nhiễu trong thời đại suy vi của Phật pháp trong năm trăm năm cuối cùng của kỷ nguyên này mà sẽ được giải thoát đầy hỉ lạc. Bốn phẩm tính này là gì? Đó là hoàn toàn từ bỏ Con đường Thấp; tránh thâu nạp đồ chúng; sống ở những vùng ngoại ô; và nỗ lực theo đuổi kỷ luật bản thân, sự tĩnh lặng, và an định. Di Lặc, nếu một người đi theo Con đường Bồ Tát có bốn phẩm tính này, người ấy sẽ không bị hãm hại hay quấy nhiễu trong thời đại suy vi của Phật pháp trong năm trăm năm cuối cùng của kỷ nguyên này mà sẽ được giải thoát đầy hỉ lạc.

Vì thế, Di Lặc, nếu một người đi theo Con đường Bồ Tát ước muốn tiệt trừ mọi chướng ngại của những hành vi trong quá khứ và không muốn bị hãm hại hay quấy nhiễu trong thời đại suy vi của Phật pháp trong năm trăm năm cuối cùng của kỷ nguyên này mà sẽ được giải thoát đầy hỉ lạc, người ấy không được vui thú trong sự xao lãng; phải sống ở những nơi cô tịch, trong rừng sâu, hay ở những vùng ngoại ô; phải hoàn toàn khắc phục sự lười biếng do thờ ơ với hạnh phúc của chúng sinh; phải vui thích việc an trụ trong yên lặng; và phải hoan hỉ trong việc nghỉ ngơi trong trí tuệ ba la mật.

Tuy nhiên, nếu một người như thế phát triển ước muốn trình bày thực hành này cho chúng sinh, người ấy không nên có những tư tưởng thế tục và nên hiến tặng giáo huấn tâm linh này mà không nghĩ đến việc được đền đáp.

Đây là lời dạy của Đức Phật. Thậm chí vào một thời đại muộn màng như hiện nay, nếu bạn tin tưởng vào lời chỉ dạy đó và đưa nó vào thực hành, bạn có thể nhanh chóng đạt được trạng thái thấu suốt của một bậc thủ hộ vĩ đại của đời sống tâm linh, góp phần một cách tự nhiên vào hạnh phúc của bạn và tất cả chúng sinh. Đây là lời dạy chân thực của Đức Phật và hoàn toàn có thể tin cậy được.

Đức Jamgon Kongtrul Lodro Tayé
Trích trong Cẩm nang Nhập thất