Đạo ca Milarepa – Khúc hát Sáu Tinh Yếu của Kinh Nghiệm Thiền Định

Chí tâm đảnh lễ Đạo Sư của con với Ba Hoàn Thiện.

Chiều hôm nay, vì yêu cầu
Của các đệ tử Shajaguna và thí chủ Dormos,
Ta, Milarepa, kể lại những gì ta kinh nghiệm khi thiền định,
Ta mãi trú trong những hang động xa xôi.
Lời nguyện thuần khiết khiến cho hội này khả hữu;
Giới luật thuần khiết của Pháp hợp nhất ta với những người bảo trợ.
Các con! Những gì các con hỏi, ta,
Người cha, sẽ tặng như món quà khi đến.

Ta khước từ thế gian, và tiếc thương cho nó.
Ta, Milarepa, đến Núi Tuyết Lashi
Một mình chiếm lấy Động Hàng Ma.
Trong sáu tháng tròn, kinh nghiệm thiền định đã phát triển;
Bây giờ ta tiết lộ nơi đây, trong bài hát Sáu Tinh Yếu.

Thứ nhất là Sáu Ngụ ngôn về Hình Tướng Bên Ngoài;
Thứ nhì, Sáu Hành Xử Không Tốt Bên Trong,
Mà một người nên xem xét kỹ;
Thứ ba, Sáu Cái Áo trói buộc chúng ta trong Sinh Tử;
Thứ tư, Sáu Con Đường qua đó đạt Giải Thoát;
Thứ năm, Sáu Tinh Yếu của Tri Thức
Qua đó đạt tin tưởng;
Thứ sáu, Sáu Kinh Nghiệm Cực Lạc của Thiền Định.

Nếu một người không giữ bài hát này cho ký ức,
Thì không có ấn tượng gì để lại trong tâm.
Hãy cẩn thận chú ý, rồi ta giải thích.

Nếu có vật cản trở,
Không thể gọi hư không;
Nếu có những con số,
Không thể gọi sao trời.
Người ta không thể nói,
“Đây là một hòn núi,”
Nếu nó di động và lung lay.
Không thể là đại dương
Nếu nó phình ra và teo lại.
Không thể gọi là người bơi
Nếu y cần chiếc cầu.
Nếu có thể nắm bắt,
Nó không phải cầu vồng.
Đây gọi là Sáu Ngụ Ngôn Bên Ngoài.

Giới hạn của xác định
Giới hạn sự hiểu biết.
Hôn trầm và phân tán
Không phải là thiền định.
Chấp nhận và từ chối
Không phải là hành động của ý chí.
Dòng niệm tưởng miên tục
Không phải là Yoga.
Nếu có Đông và Tây, (17)
Chẳng phải là Trí Tuệ;
Nếu sinh và tử
Ấy chẳng phải là Phật.
Đây là Sáu Lỗi Bên Trong.

Cư dân của Địa ngục thì bị ghét trói buộc,
Ma đói do khốn khổ,
Súc sinh do mù quáng,
Người do tham dục buộc,
A-tu-la do ganh tị,
Thiên thần do kiêu hãnh.
Sáu Xiềng xích này là Chướng Ngại cho Giải Thoát.

Đại tín, nương tựa
Vào Đạo Sư trí và nghiêm,
Giới luật tốt,
Cô tịch ở trong am,
Quyết tâm, kiên trì
Tu tập và thiền định –
Đây là Sáu Con Đường đưa đến Giải Thoát.

Trí Bản Lai Bất Sinh (18) là
Tinh cầu nguyên thủy.
Không “ngoài” cũng không “trong” là tinh cầu Tỉnh Giác;
Không sáng cũng không tối là tinh cầu Nội kiến;
Phổ hiện và bao khắp là tinh cầu của Pháp;
Không đột biến hay nhanh chóng là tinh cầu Tig Le; (19)
Không có sự gián đoạn là tinh cầu Kinh Nghiệm. (20)
Đây là Sáu Cõi Bất Động của Tự Tánh.

Cực Lạc dâng lên khi Nhiệt Sống được quạt cho,
Khi khí từ các Kênh (21) lưu chuyển trong Kênh Giữa,
Khi Tâm Bồ-đề (22) lưu chuyển từ bên trên,
Khi nó được thanh tẩy bên dưới,
Khi trắng và đỏ gặp nhau ở giữa,
Và niềm vui của thân không rỉ lậu làm mãn nguyện,
Đây là Sáu Kinh Nghiệm Cực Lạc của Yoga.
Để làm hài lòng các người, các con và những kẻ theo ta,
Ta hát khúc hát này về Sáu Tinh Yếu,
Về kinh nghiệm của ta trong mùa đông vừa qua khi thiền định.
Nguyện tất cả tại cuộc hội họp thích thú này
Uống cam lồ cõi trời trong khúc ca ta hát.
Nguyện mọi người vui vẻ và đầy an lạc.
Nguyện ước muốn thuần khiết của các người thành hiện thực.

Đây là khúc hát ngây ngô do ông già này hát;
Chớ xem nhẹ nó, đây là món quà của Pháp.
Mà với lòng hân hoan bước dài tiến tới
Trên Con Đường của Giáo Pháp Gia Trì!

Chú thích: 

(14) Cũng có thể dịch như vầy: “tư tưởng của khuôn mẫu giới hạn” (T.T.: Phyogs.Chahi.rTog.Pa.): khuôn mẫu tư tưởng của chúng sinh có bản chất giới hạn và hữu cùng. Khi một người nhận ra chân lý Tánh Không (Śūnyatā), cách thức hữu hạn của tư tưởng được biến đổi tận nền tảng. Dùng thuật ngữ Phật Giáo, chúng “tan biến” trong Pháp giới – cảnh giới tuyệt đối, phổ biến, và tương nhập của tất cả các hình thái hiện hữu trong ánh sáng Tánh Không.

(15) Pháp Thân (Ph.: Dharmakāya): “Pháp Thân” thì tối hậu, vô hình, phổ hiện, và không có bất cứ thuộc tính nào.

(16) Khi một hành giả yoga chuẩn bị thiền định qua một thời kỳ dài, ông ta vẽ những đường trên mặt đất vòng quanh chỗ trú của mình, ông ta sẽ không ra ngoài giới hạn đó. Trong trường hợp này, Milarepa không cần phải làm dấu giới hạn, vì tuyết đã lấp dày và nặng đủ để vây ông ở bên trong.

(17) Đông và Tây: Nếu ý niệm về phương hướng vẫn còn, thì không có Trí Tuệ, bởi vì phương hướng ám chỉ giới hạn và phân biệt, trong khi Trí Tuệ siêu việt cả hai.

(18) T.T.: lHan.cig.skyes.Pahi.Ye.Ces. Từ này như được dịch trong sách này là Trí Bản Lai Bất Sinh hay Trí Bẩm Sinh hay Vô sinh. Dịch theo nghĩa đen sẽ là Trí Sinh Cùng Xuất hiện hay Sinh Đồng Thời, ám chỉ rằng nó ở bên trong người ta lập tức và trong tất cả mọi thời. Tuy nhiên, vì tiện lợi, đã dùng chữ Trí Bẩm Sinh hay Trí Bất Sinh.

(19) (T.T.: Thig.Le.; Ph.: Bindu): Từ nay có nhiều nghĩa, như “cái chấm,” “cái rắn chắc,” “tinh yếu,” [Giọt Tinh Chất] v.v… Nó cũng được dùng để chỉ tinh dịch của nam hay “máu” của nữ tượng trưng cho Tinh Yếu Sự Sống của thân xác vật lý. Ở đây Tig Le ám chỉ yếu tánh hay sự bất biến của Chân Lý Tuyệt Đối.

(20) Tinh cầu Kinh Nghiệm: Hành giả yoga, trong tất cả sinh hoạt hàng ngày, hoặc đi, ăn, ngủ, nói, hay những cái tương tự, không bao giờ mất cảm giác hay cảm xúc về kinh nghiệm Yoga của mình.

(21) Các Kênh (Ph.: Nādīs, Roma và Junna): các Kênh huyền bí trái và phải (xem Chuyện 1, Chú thích 28.)

(22) Tâm Bồ-đề: ở đây có nghĩa là Tig Le.

Đức Jetsun Milarepa

Nguyên tác: Mila Grubum

Anh Dịch: Garma C. C. Chang

Việt Dịch: Đỗ Đình Đồng

Hiệu đính và trình bày: Vô Huệ Nguyên 

Trích: Đạo Ca Milarepa (Viet Nalanda Foundation Ấn tống, 2013)